Những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người

03:55 | 17/11/2024

DNTH: Nhiều công trình đổi mới, sáng tạo, thực tiễn đã được các nhà giáo Hà Nội đưa vào vận dụng tại trường học mang lại hiệu quả tích cực trong dạy và học, góp phần xây dựng nhà trường, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn. Họ là những nhà giáo vừa được vinh danh Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Giúp môn học trở nên nhẹ nhàng

Chú thích ảnh
Cô Hoàng Thị Vượng, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) giúp cho học sinh vượt qua khó khăn trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cô giáo Hoàng Thị Vượng (sinh năm 1987), Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Đại Kim (quận Hoàng Mai) vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 với những giải pháp giúp học sinh yêu thích môn Hóa học - môn học vốn được coi là môn phụ.

Một trong những giải pháp mà cô áp dụng là xây dựng hệ thống kiến thức ngắn gọn, móc nối logic xuyên suốt và phương pháp học tư duy để học sinh được học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng không áp lực. Giáo viên nghiên cứu tìm hiểu chương trình của cả cấp học, phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, tìm ra kiến thức trọng tâm, xuyên suốt.

Các kiến thức được cô lồng ghép, sắp xếp khoa học để học sinh có thể tư duy logic, không phải học nhiều, nhớ nhiều, song phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không dạy trước, dạy nhiều, dạy khó. Cô còn tổ chức cho học sinh hoạt động, thực hành học gắn với thực tiễn để không bị nhàm chán và thấy môn học có ý nghĩa trong đời sống.

Cô Hoàng Thị Vượng chia sẻ, sách giáo khoa Hóa học lớp 7 liệt kê các nguyên tố theo thứ tự trong bảng tuần hoàn. Vấn đề là có những nguyên tố được giới thiệu nhiều nhưng không có tính ứng dụng trong thực tế, thậm chí học sinh sẽ không tiếp tục tìm hiểu về nó trong khi học trung học cơ sở. Trong khi có, những nguyên tố kim loại, phi kim được ứng dụng nhiều trong thực tế, học sinh tiếp xúc, biết đến nhiều trong đời sống và cần phải tìm hiểu, nắm được tính chất, sự biến đổi (ở lớp 8, 9) thì được giới thiệu mờ nhạt. Do đó, ngay từ bài "Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học", cô cho học sinh thi phát hiện, kể tên các kim loại, phi kim thường gặp dựa vào mẫu vật cụ thể, tranh ảnh, video hoặc liên hệ thực tế và ngược lại. Từ đó, cô hướng dẫn, gợi ý cho các em học kí hiệu của các nguyên tố này, đến khi học về hóa trị, cô hướng dẫn các em theo phương án loại trừ để mỗi em đều lập được công thức hóa học của hợp chất một cách dễ dàng...

Chú thích ảnh
Gần 16 năm gắn bó với nghề, cô giáo Hoàng Thị Vượng, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh, cùng các đồng nghiệp bởi sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương học trò. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, cô còn phụ trách ư đội tuyển học sinh giỏi Hóa học lớp 8 và 9 của nhà trường. Cô đã kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, tạo nhiều cơ hội cho học sinh lớp 9 hướng dẫn, giảng bài cho học sinh lớp 8. Việc này vừa giúp các em lớp 8 nhận được sự hướng dẫn, vừa giúp học sinh lớp 9 củng cố kiến thức, rèn luyện tự tin, bản lĩnh; đồng thời kiểm tra được kiến thức của các em.

Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đại Kim Phạm Thị Thanh Hà chia sẻ, gần 16 năm gắn bó với nghề, cô giáo Hoàng Thị Vượng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp bởi sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương học trò. Trong triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều khó khăn thách thức, cô Vượng đã tìm giải pháp giúp môn học trở nên dễ hiểu, học sinh yêu thích môn học. Sự tâm huyết với nghề của cô đã đảm bảo học sinh có kiến thức, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ đổi mới giáo dục, chất lượng bộ môn.

Đưa AI vào trường mầm non

Chú thích ảnh
Cô Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai) đã chủ động nâng cao về công nghệ thông tin để khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dạy học đạt hiệu quả. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trí tuệ nhân tạo AI ngày nay đã trở thành công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đối với các trường mầm non. Là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Giang Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1980), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn băn khoăn làm thế nào để giúp giáo viên hiểu được tiện ích của AI và có thể ứng dụng hiệu quả trong bối cảnh nhà trường vẫn còn hó khăn, hạn chế về tài chính, nhận thức và nhân lực.

Cô Nhàn đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin, tham gia các nhóm hỗ trợ công nghệ và giảng dạy nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để chia sẻ và lan tỏa với đồng nghiệp, giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên khai thác, ứng dụng AI vào dạy học đạt hiệu quả. Cô nhận ra, AI có thể hỗ trợ thiết kế bài giảng, trò chơi học tập và tạo ra tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Việc ứng dụng AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Theo cô Nhàn, AI có thể hỗ trợ giáo viên mầm non chuyển hình ảnh thành văn bản (file Word), giúp số hóa tài liệu học tập; chuyển văn bản thành file âm thanh, hỗ trợ tạo các bài giảng nghe cho trẻ; thiết kế các bài giảng sinh động, hấp dẫn; chuyển ý tưởng thành tranh, giúp tạo ra các trò chơi học tập và hình ảnh minh họa; tạo video hoạt hình, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí so với việc tạo video thủ công...

Chú thích ảnh
Cô Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai) được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tôn vinh vì có những giải pháp chinh phục công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), áp dụng vào bài giảng để học sinh học tập hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cô cũng xây dựng lịch trình bồi dưỡng giáo viên theo từng tháng, với nội dung cụ thể theo các hình thức: sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, theo tổ, nhóm... Bản thân cô trực tiếp tập huấn, kết hợp mời chuyên gia về công nghệ thông tin chia sẻ cho giáo viên trong trường. Đồng thời, cô cũng khuyến khích giáo viên thực hành với các công cụ AI, theo dõi và đánh giá tiến độ, hướng dẫn kịp thời...

Nhờ ứng dụng AI, cô Nhàn và tập thể giáo viên nhà trường đã tạo ra hàng trăm tài liệu giảng dạy phong phú, không chỉ giúp trẻ học tập tốt hơn mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn. Nhà trường đã ứng dụng AI để xây dựng kho học liệu của trường, lớp, tạo môi trường học tập linh động, giúp trẻ nhỏ tiếp thu kiến thức dễ dàng, có những trải nghiệm đa giác quan, tạo hứng thú trong học tập...

googletag.cmd.push(function() { googletag.display('div-gpt-ad-1728378970213-0'); });

“Xóa ngại” học Tiếng Việt cho học sinh

Chú thích ảnh
Cô giáo Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) tự thiết kế trang web với một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài như: trắc nghiệm, kéo thả, nối, điền từ,… kiến thức sát chương trình sách giáo khoa, hình thức làm bài nhẹ nhàng, hấp dẫn, góp phần thu hút học sinh hămg say học tập. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Không ngại đổi mới và thử nghiệm ý tưởng để nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập của học sinh, cô giáo Hà Linh Hương (sinh năm 1997), giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xây dựng, ứng dụng trang web Trạng nguyên Tiếng Việt 3 vào giảng dạy. Ý tưởng của cô đã nhận được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu, sự đồng tình, hỗ trợ, góp ý của các đồng nghiệp.

Sau khi nghiên cứu, tìm đọc nhiều sách về đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học, học sinh lớp 3, cô Hương nhận thấy, các em phù hợp với hình thức “Học mà chơi, chơi mà học”. Hơn thế, ngày nay, các thiết bị điện tử thông minh luôn có sức hút đặc biệt với học sinh nên có thể xây dựng nhiều chương trình tương tác sinh động, hấp dẫn, âm thanh, hình ảnh độc đáo để thu hút học sinh tích cực tương tác. Vận dụng ưu thế về công nghệ thông tin, cô đã xây dựng một trang web phục vụ việc học tập môn Tiếng Việt lớp 3 có hình thức, nội dung hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn, hiệu ứng đa dạng bắt mắt. Các đề mục dễ quan sát, có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, đồng hành cùng các em trong trang web là nhân vật Trạng Tí phiên bản đáng yêu, rất gần gũi với trẻ em Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) là giáo viên có chuyên môn tốt, có nhiều sáng tạo giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trang web là một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng như trắc nghiệm, kéo thả, nối, điền từ,… dạng bài đa dạng, kiến thức sát chương trình sách giáo khoa, hình thức làm bài nhẹ nhàng, hấp dẫn, góp phần thu hút học sinh muốn truy cập, làm nhiều hơn. Trang web còn có góc để các em học sinh trưng bày sản phẩm (sơ đồ tư duy, Góc sáng tạo, bài thơ, vè tự sáng tác) trong tiết Tiếng Việt; dễ dàng quan sát bài của bạn để học tập hoặc nhận xét lẫn nhau.Sau khi áp dụng, trang web nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.

Chú thích ảnh
Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) là giáo viên có chuyên môn tốt, có nhiều sáng tạo giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt Nguyễn Thị Thương chia sẻ, cô Hương là một giáo viên có chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng, rất tâm huyết với nghề. Sự sáng tạo, đổi mới của cô giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân, tiết học diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Các sáng kiến, sáng tạo của giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng lắng nghe, tạo điều kiện và đồng hành, tất cả vì học sinh thân yêu. Có những sáng tạo tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng Ban Giám hiệu luôn động viên để các giáo viên tự tin và có động lực sáng tạo, đổi mới tư duy để nâng cao chất lượng dạy học. Sáng kiến của cô Hà Linh Hương cũng đã được phát triển như vậy, cô Nguyễn Thị Thương nói.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN