Nỗi lo về sạt lở đất mỗi khi mưa lũ về

08:16 | 17/09/2024

DNTH: Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây ngập lụt diện rộng ở tỉnh Yên Bái khi mực nước sông Hồng đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, ở mức 35,73m, trên báo động 3 là 3,73m (trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,42m). Sạt lở đất liên tiếp xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng, mất nhà cửa, nhiều gia đình phải di dời khẩn cấp; công trình công cộng, đê điều, cầu cống bị phá hủy, hư hỏng nặng… Ước giá trị thiệt hại khoảng 4.635 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 2 người tử vong tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Nỗi đau không nguôi

Yên Bái là địa phương nằm ở khu vực có địa hình đồi núi phức tạp. Thành phố Yên Bái, Lục Yên, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên… đều đối mặt với nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, độ ẩm đất tại những nơi này đã vượt ngưỡng 85%, khiến nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ quét ở mức rất cao, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống trên sườn đồi, ven suối.

Vụ sạt lở đất thương tâm xảy ra vào khoảng 2 giờ ngày 10/9 tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) khiến 9 người bị vùi lấp và 3 người bị thương. Hơn 1 ngày sau khi xảy ra sạt lở, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 8 thi thể nạn nhân. Đến nay, còn 1 nạn nhân là anh H.V.D (sinh năm 1991) đang mất tích. Ông H.V.T (người nhà nạn nhân) chia sẻ: Cháu D thường nằm ngủ tại phòng xây dưới nhà sàn, do vậy có thể sẽ bị vùi lấp rất sâu. Bây giờ chỉ biết trông nhờ vào lực lượng cứu hộ để tìm thấy thi thể cháu. 

Dưới trời mưa tầm tã, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã Minh Xuân (huyện Lục Yên) cho biết, cùng với Công an, quân sự, dân quân tự vệ, doanh nghiệp và người dân, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc đã hỗ trợ thêm 25 chiến sỹ tham gia tìm kiếm. Trung bình mỗi ngày ở đây huy động từ 50 - 60 người và 3 - 4 máy xúc các loại. Tuy nhiên, từ đêm 16/9 lại tiếp tục có mưa. Dù khó khăn nhưng lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực, đào bới bằng cả máy múc, cuốc, xẻng, máy bơm nước, máy hút bùn; thậm chí bằng tay với hy vọng sẽ sớm tìm thấy nạn nhân cuối cùng.

Tại thành phố Yên Bái, từ ngày 9 - 16/9 đã xảy ra nhiều vụ sạt lở lớn, gây thiệt hại đáng kể, làm gián đoạn giao thông, cản trở hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

Vào lúc 4 giờ ngày 10/9, khi cả gia đình anh S.V.A (thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái) đang trong giấc ngủ thì vạt đồi phía sau nhà ập xuống, vượt qua ao rộng vài trăm mét vuông, vùi lấp và gây sập đổ một phần ngôi nhà khiến cả 4 người trong gia đình không còn ai sống. Các lực lượng cứu hộ cùng chính quyền và người dân địa phương phải mất nhiều giờ mới tìm được thi thể 4 nạn nhân gồm anh S.V.A, chị H.T. H (vợ anh S.V.A) và 2 con là cháu S.V.T (5 tuổi), S.V.K (3 tháng tuổi).

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) thông tin, xã đã huy động lực lượng tập trung bới lớp đất đá, soi đèn tìm người sống sót nhưng do lớp bùn quá dày, phải mất 5 giờ sau, mới tìm thấy thi thể cả gia đình 4 người nằm ở góc tường. Hai cháu bé vẫn nằm trong vòng tay của bố mẹ. Xót xa lắm! Các nạn nhân sau đó được đưa về quê Sơn La để mai táng...

Đau lòng nhất là vụ sạt lở đất tại gia đình Trung tá Hoàng Mạnh Lâm, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái). Ngày 9/9, anh Lâm đang cùng đồng đội đi cứu hộ người dân thì bất ngờ nhận được tin dữ. Ngôi nhà của anh ở phường Minh Tân bị vùi lấp, trong nhà có mẹ và em trai. Khi ấy, khu vực anh đang làm nhiệm vụ bị nước chia cắt, cô lập, trong cơn mưa tầm tã, hàng xóm đã nỗ lực kiếm tìm hai nạn nhân nhưng vô vọng… Đến 9 giờ ngày 10/9, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Công an thành phố Yên Bái và Công an phường Minh Tân mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở và bắt đầu tìm kiếm. Đến 11 giờ ngày 10/9, Trung tá Hoàng Mạnh Lâm mới có thể về được nhà. Gần 19 giờ cùng ngày, thi thể của mẹ và em trai anh được tìm thấy.

Chú thích ảnh
Một vụ sạt lở đất tại đường Hà Huy Tập, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái vào ngày 9/9.

Nguy hiểm rình rập

Thành phố Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3. Mưa lũ đã làm 24 người thiệt mạng (trong đó có 22 người thiệt mạng do sạt lở đất), 10 người bị thương; trên 300 nhà ở bị sập, hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, mưa lũ còn gây ngập úng trên diện rộng, chia cắt nhiều thôn, tổ, gia đình khiến trên 12.000 hộ bị ảnh hưởng phải di dời tạm thời đến các vị trí an toàn. Tại các xã, phường như: Minh Bảo, Minh Tân, Yên Ninh, Nguyễn Phúc… đều tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Nhiều quả đồi đã "no" nước, nguy cơ đất, đá tiếp tục sạt xuống, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân là rất lớn.

Tại phường Yên Ninh, hơn 50 gia đình với gần 500 nhân khẩu ở khu phố 5 đã phải khẩn cấp di dời. Mọi người đều hy vọng sau khi nước rút sẽ trở lại dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, người dân chưa biết đến khi nào mới có thể trở về. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng của ông Nguyễn Hữu Yên cũng như nhiều hộ dân khác ở Tổ dân phố 5. Ông chia sẻ, tài sản lớn nhất của gia đình ông là ngôi nhà nhưng hiện nay, gia đình ông không thể tiếp tục ở nhà được vì phía sau đất đồi nứt toác, điểm sụt lún cao tới hơn 2m và nguy cơ tiếp tục sạt lở. Sau khi nước lũ rút, ông chỉ tranh thủ về nhà thu dọn đồ đạc rồi tiếp đi ở nhờ nhà người thân.

Anh Đặng Hoàng Hữu (phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái) kể lại, trong đêm 9/9, nước lũ dâng cao cùng với nguy cơ sạt lở đất, gia đình anh đã phải nhanh chóng di chuyển để đảm bảo an toàn. Đến nay, nước đã rút nhưng đất, đá ở phía sau nhà anh vẫn sạt lở. Nguy cơ căn nhà bị vùi lấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho hay, hiện ở thành phố có nhiều điểm tiếp tục sạt lở và có nguy cơ sạt lở mới. Ở những nơi này, địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân cần nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Với những hộ không di dời, thành phố buộc phải cưỡng chế.

Chú thích ảnh
Cảnh tượng tan hoang trên 2 tuyến phố Thanh Niên và Trần Hưng Đạo sau khi lũ rút, chiều 14/9.

Nhanh chóng, quyết liệt hành động

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh vừa trải qua một đợt thiên tai, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại rất lớn, để lại nhiều đau xót. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả sau bão và hoàn lưu bão đã có những kết quả tích cực. Đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, đồng lòng vào cuộc của toàn thể xã hội cùng sự ủng hộ, đồng tình của người dân với tinh thần "tương thân, tương ái”. Các địa phương đã phát huy tối đa "4 tại chỗ”, chủ động rà soát các điểm nguy hiểm, triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Yên Bái tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương để khắc phục hậu quả bão lũ, nhất là một số nguy cơ lớn còn tiềm ẩn như sạt lở đất, thu gom, xử lý vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ nhà ở... để sớm ổn định đời sống cho nhân dân, ông Trần Huy Tuấn thông tin.

Đến 6 giờ ngày 16/9, mưa lũ tại Yên Bái đã làm 54 người thiệt mạng và mất tích. Toàn tỉnh đã huy động trên 105.000 người; gần 1.000 phương tiện, máy móc, thiết bị tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống. Địa phương tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà hoặc nhà sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.

Tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân đối với 265 nhà bị sập, đổ hoàn toàn. Đối với 20.868 nhà phải di dời người và tài sản, tỉnh đã bố trí chỗ ở tạm thời tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các gia đình không bị ảnh hưởng. Hiện đã có 15.977 hộ quay về nhà sau khi nước rút và giảm nguy cơ sạt lở.

Là một tỉnh miền núi nên Yên Bái rất khó khăn trong việc xác định quỹ đất bằng phẳng để làm nhà ở. Việc làm nhà ở dưới chân đồi đã trở nên quen thuộc với người dân vùng cao từ bao đời nay. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và sự tàn phá khốc liệt của thiên tai như hiện nay, những nơi ở như trước thực sự không còn an toàn. Dù các cấp, ngành và địa phương đã nỗ lực tìm hướng khắc phục, song rất cần giải pháp căn cơ và lâu dài để người dân không còn nỗi lo về sạt lở đất mỗi khi mưa lũ về.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-lo-ve-sat-lo-dat-moi-khi-mua-lu-ve-20240916155535040.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

DNTH: Năm 2024, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn phục...

Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025

DNTH: Công an TP Hà Nội sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội

DNTH: Đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển...

Sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi công việc cho dân làng nghề Mẫn Xá

DNTH: Những ngày qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Ninh về xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xã, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, hoạt động sản xuất của làng nghề này đã dừng. Việc tháo dỡ các xưởng...

Lách luật quảng cáo tại các thùng rác công nghệ

DNTH: Đã 5 năm kể từ khi dự án dự án cung cấp, lắp đặt và duy tu thùng rác công nghệ với mục đích chứa rác phát sinh, rác tái chế của Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda khởi động, hàng loạt trụ rác trở thành nơi tập kết rác...

Hà Nội: Cận cảnh vị trí xây nhà hát Opera 10.000 tỷ đồng

DNTH: Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ) vừa được vừa phê duyệt, Nhà hát Opera Hà Nội khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ là một dự án trọng điểm nâng tầm vị thế thủ đô.

XEM THÊM TIN