Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và đoàn cán bộ Ngân hàng CHDCND Lào do Thống đốc Sonexay Sitphayxay dẫn đầu.
Sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới năm 2018 diễn biến phức tạp, liên quan lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng của Việt Nam, nhưng “chúng ta hợp lực, đã hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại một cách xuất sắc”. Đặc biệt, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và tăng cường.
Trong bối cảnh nhiều nước tăng lãi suất, nhất là nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam thì chúng ta giữ mức lạm phát ở mức 3,54%. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng hạng. “Nhiều ngân hàng thương mại, kể cả Nhà nước và tư nhân, đã chia sẻ với nền kinh tế, với doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và hoan nghênh một số ngân hàng thương mại vừa thông báo tiếp tục giảm lãi suất.
“Chính phủ đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến ngành ngân hàng để tháo gỡ, nhất là một số thể chế, chính sách”, Thủ tướng đánh giá NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vừa duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ, vừa tạo dư địa để điều hành chủ động chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho cá nhân và tập thể Ngân hàng NN Việt Nam.
Trước việc năm 2018, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng GDP lại tăng trưởng cao, Thủ tướng nhìn nhận nguyên nhân là chất lượng tín dụng và mô hình tăng trưởng đã thay đổi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt.
Đến nay, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 1,89%, giảm từ mức 2,46% năm 2016. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỉ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ở các ngân hàng thì cơ bản không có nợ xấu nữa. Nợ xấu trước đây được gọi là cục máu đông, giờ cục máu động nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Điều này do yếu tố vĩ mô và công tác điều hành của các đồng chí”, Thủ tướng phát biểu.
Về mặt còn tồn tại, Thủ tướng lưu ý vừa qua các ngân hàng hoạt động tốt hơn nhưng so với khu vực và thế giới, hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam nhìn chung còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản chưa cao. Danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn. Cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, chưa hợp lý. “Trình độ quản lý điều hành của chúng ta chưa cao, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ khu vực và thế giới”, Thủ tướng nói.
Hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng, lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, buộc người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói, trở thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội để nhắc nhở.
Đáng chú ý, hiện có một tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với tất cả người dân, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước thông tin NHNN có gói tín dụng trên 5.000 tỷ đồng để Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý vấn đề này.
Định hướng nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng đánh giá cao NHNN có chương trình hành động triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và lưu ý NHNN trước nguy cơ, rủi ro từ kinh tế thế giới, “cần đề cao cảnh giác, luôn theo dõi tình hình, có giải pháp linh hoạt, chặt chẽ để điều hành chính sách”.
Nhấn mạnh khát vọng Việt Nam phải vươn lên, từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình cao, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của NHNN và các tổ chức tín dụng phải đóng góp vào sự phát triển của đất nước, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, để ngành ngân hàng có sự bứt phá. Đây là câu hỏi mà ngành ngân hàng cần giải đáp.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, tăng cường khả năng ứng phó để hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là mục tiêu kép, nặng nề, đòi hỏi tầm nhìn, điều hành khoa học, bản lĩnh, trí tuệ, kịp thời.
Thủ tướng cũng đặt hàng yêu cầu NHNN sớm có lời giải bài toán ngân hàng với cách mạng 4.0, ngân hàng phải làm gì để tiên phong trong cách mạng 4.0, tạo cú hích đối với cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề thanh toán điện tử. Xây dựng, trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel 2. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, lộ trình đã đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng với dịch vụ ngân hàng.
Thủ tướng cũng lưu ý toàn hệ thống tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, minh bạch, làm tốt công tác tổ chức cán bộ và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trong đó có việc “quan tâm đến người dân, đến cơ sở, không biếu xén cấp trên”.
“Từng doanh nghiệp phồn vinh, từng ngân hàng lớn mạnh, phát triển tốt sẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của nước nhà”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh “đất nước phát triển thì các bạn phát triển”./.
Thành Vinh
Ý kiến bạn đọc...