![]() |
Phát triển nhà ở bình dân để phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19. Ảnh: TTX |
Mới đây tại hội thảo "Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19", do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Báo Xây dựng tổ chức, ông Nguyễn Văn Sinh, lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nhiều nước, trong đó có Việt Nam, bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019 và 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch...
Trong quý 1 năm nay, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý 4/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019…
Để hỗ trợ thị trường bất động sản, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay. Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án phát triển nhà ở có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.
“Dự thảo được nghiên cứu, xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 sàn, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2. Như vậy giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỉ đồng/căn, đã bao gồm cả thuế VAT", Thứ trưởng Sinh cho hay.
Theo ông Sinh, nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, như giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay.
Các dự án nhà ở thương mại giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ngoài ra, các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
|
Cùng đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục hậu Covid-19, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết, các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản nói chung. Nếu để thị trường bất động sản trầm lắng, trạng thái “hôn mê” kéo dài thì các ngân hàng thương mại sẽ phải gánh hậu quả.
“Như chúng ta thấy, bất cứ hành động nào của ngân hàng sẽ tác động mạnh vào thị trường bất động sản. Bao năm nay ngân hàng thương mại như người bệnh mới từ phòng cấp cứu được lên phòng điều trị tích cực, giờ gặp đại dịch Covid-19, bất động sản bị hôn mê, ngân hàng lại phải quay về phòng cấp cứu”, ông Nghĩa ví von.
Vì vậy ông Nghĩa cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển thì Chính phủ đừng siết chặt, hãy khuyến khích cho người dân vay mua nhà, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động. Cần phải tìm cách giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, bởi đây thực sự là nền tảng kinh tế vĩ mô, là căn cơ của mọi vấn đề.
Ông Nghĩa nêu giải pháp, Chính phủ có thể xem xét bỏ thuế sử dụng đất và giảm thuế cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản, ít nhất là còn 20%. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ nút thắt là những thủ tục hành chính rườm rà, các hành vi tiêu cực, tham nhũng, bởi thị trường bất động sản sẽ khó phát triển nếu không cải cách thủ tục hành chính.