Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt

11:48 | 25/08/2020

DNTH: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, yêu cầu công tác thủy lợi là đổi mới căn bản, bền vững để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của hệ thống công trình thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh.

phat trien thuy loi theo huong hien dai linh hoat
Đập dâng Văn Phong thuộc hợp phần khu tưới Văn Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), luôn bảo đảm nước tưới ổn định cho hơn 23.000ha đất nông nghiệp.

Phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi

Năm 1945, khi đất nước vừa giành được độc lập, Chính phủ đã ban hành các sắc lệnh về bảo vệ đê điều, hộ đê phòng lụt, bảo vệ quản lý hệ thống nông giang, mở rộng diện tích tưới - thủy lợi, coi đây là biện pháp hàng đầu để bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, đến nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ cấp nước, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng thủy lợi được xây dựng qua nhiều giai đoạn, trong đó có nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, lại thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên cho nên số lượng công trình thủy lợi xuống cấp và hư hỏng hằng năm khá lớn, công trình do dân quản lý ít được tu sửa. Hiện công trình thủy lợi lớn, công trình liên vùng đã được tập trung đầu tư và chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho lúa, dân sinh; công trình phục vụ cấp nước cho cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi vẫn chủ yếu phụ thuộc ngân sách nhà nước. Một số hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, phần lớn hệ thống kênh mương nội đồng chưa được hoàn thiện. Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả còn chiếm tỉ trọng khá lớn.

Trong khi đó, tác động từ biến đổi khí hậu, với diễn biến mưa lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, xâm nhập mặn... diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh. Gần 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, ô nhiễm liên quan đến nước. Ðiển hình như năm 2019, cùng thời điểm, khi khu vực Nam Trung Bộ xảy ra hạn hán nghiêm trọng, thì miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ lũ lụt, ngập úng gây thiệt hại lớn. Năm 2020, diễn biến bất thường của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi, tác động làm suy giảm nguồn nước, sụt lún đất, lấn chiếm không gian cho tiêu thoát nước, gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng.

Ðặc biệt, việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Dự kiến lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Bảo đảm an ninh nguồn nước

Với mục tiêu phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, đồng thời, chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông; góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần tập trung triển khai vào thực hiện các nội dung của Luật Thủy lợi, Chiến lược Thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về thủy lợi: Nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động thủy lợi, tăng cường thực thi pháp luật, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thủy lợi bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi từ Trung ương đến địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với quản lý khai thác; sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở tinh gọn, theo hướng cung cấp dịch vụ đa dạng, tự chủ tài chính, phát huy vai trò chủ thể của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Ðào tạo nâng cao năng lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động thủy lợi, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên sâu trong công tác thủy lợi ở Trung ương và địa phương.

Xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở xem xét tác động từ biến đổi khí hậu, phát triển ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, phát triển nội tại vùng quy hoạch, giải quyết các tác động cực đoan như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới.

Trong đó, tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi lớn, công trình chuyển nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, công trình kiểm soát mặn - ngọt, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, sửa chữa nâng cấp các công trình hiện có để đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công trình gắn với chương trình mục tiêu cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, chương trình xây dựng nông thôn mới. Lưu ý phát triển hệ thống công trình thủy lợi phải bảo đảm sự liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác như giao thông, điện, du lịch...

Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình liên tỉnh, liên vùng, công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, tổ chức cộng đồng quản lý; triển khai thực hiện cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi; nâng cao chất lượng dịch vụ thủy lợi, mức bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.

Tiếp tục tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế xây dựng mối quan hệ hiệu quả với các nước trong lưu vực Mê Công (đặc biệt cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia), bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cả nước có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000ha. Hơn 86 nghìn công trình thủy lợi, gồm: 6.998 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 0,05 triệu mét khối và có chiều cao đập từ 5,0m trở lên; gần 20 nghìn trạm bơm; 28 nghìn cống; 32 nghìn đập dâng, đập tạm; 290 nghìn km kênh mương và 26 nghìn km đê các loại... bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, 686.600ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 6 tỉ mét khối nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Nguyễn Hoàng Hiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Anh Gia Lai: Tăng cường niềm tin thông qua trải nghiệm thực tế

DNTH: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; mã chứng khoán HAG) vừa công bố hoạt động dành cho cổ đông với mục tiêu củng cố niềm tin và tăng cường sự gắn kết.

XEM THÊM TIN