Quản lý lễ hội: Cần được giải quyết từ những cách tiếp cận mới
17:54 | 24/02/2024
DNTH: Lễ hội truyền thống có những vai trò nhất định trong sinh hoạt văn hóa của người dân, cũng như có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, do vậy, cần có những biện pháp quản lý lễ hội phù hợp với xu thế chung và không làm ảnh hưởng, dẫn đến sự biến mất của lễ hội với tư cách là một di sản do cha ông để lại.
Nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh ảnh hưởng tới lễ hội
Từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc Đổi mới, kinh tế-xã hội đã có những thay đổi rất lớn. Đời sống kinh tế của người dân không ngừng được nâng cao là một tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đối với các thay đổi trong sinh hoạt văn hóa của cá nhân cũng như cộng đồng.
Những thay đổi kinh tế-xã hội và văn hóa cũng tác động rất đáng kể đối với sự vận hành của các lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống, trải qua những thăng trầm của lịch sử, tác động của những thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội của bối cảnh hiện tại, đã có nhiều thay đổi. Những vấn đề quản lý lễ hội truyền thống, vì vậy, cũng cần được giải quyết từ những cách tiếp cận mới.
Về cơ bản, những vấn đề trong tổ chức và quản lý lễ hội phát sinh trong bối cảnh hiện nay có những nguyên nhân của nó. Đó có thể là những vấn đề cũ, nhưng chưa giải quyết được, có những vấn đề mới nảy sinh; có những vấn đề thuộc về bản chất của lễ hội, có những vấn đề nằm ngoài xã hội, do bối cảnh xã hội tạo nên; có những vấn đề phát sinh từ đặc thù của lễ hội, nhưng cũng có những vấn đề xuất phát từ chính những văn bản quản lý; có những văn bản quản lý đã điều chỉnh được một số vấn đề trong lễ hội, nhưng cũng có những văn bản quản lý lại tạo ra những vấn đề mới phát sinh cần thiết phải có những quy định khác chế tài.
Cũng như nhiều năm qua, năm nay, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 11/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Tương tự như vậy, Bộ VHTT&DL hằng năm đều ban hành các văn bản gửi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND cấp tỉnh, Sở VHTT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội. Điều này cho thấy tính phức tạp, khó khăn của vấn đề mà chúng ta chưa có cách thức giải quyết triệt để, vẫn để một số vấn đề lặp đi, lặp lại qua nhiều năm.
Từ các văn bản quản lý và thực tiễn, chúng ta có thể nhận thấy một số vấn đề trong xu hướng biến đổi lễ hội truyền thống, như: Thương mại hóa thái quá trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống; mê tín dị đoan, đốt vàng mã tràn lan diễn ra ở hầu hết các lễ hội, ở mọi quy mô lớn nhỏ khác nhau; một số hủ tục phục hồi cùng với sự phục hồi của các lễ hội truyền thống. Việc tu bổ di tích được thực hiện một cách sơ sài, làm biến dạng di tích; cảnh quan xung quanh di tích bị xâm hại. Không gian mở hội cũng bị biến đổi và thu hẹp rất nhiều. Việc phục hồi và tổ chức lễ hội diễn ra một cách lộn xộn, bắt chước nhau một cách máy móc, không theo quy củ. Một số các tệ nạn xã hội và các dịch vụ ăn theo lễ hội khác nảy sinh…
Đáng chú ý, lễ hội là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân. Hiện nay, lễ hội truyền thống được tổ chức ở bất cứ đâu, bất cứ quy mô nào cũng có khách tham quan ở các nơi đến và thường nhiều hơn lượng người dự hội của chính địa phương tổ chức.
Mỗi khi các lễ hội truyền thống được tổ chức, hàng loạt các vấn đề được đặt ra đối với các nhà quản lý văn hóa-xã hội của địa phương. Từ các khâu, như đảm bảo giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn khách thăm quan, đến duy trì an ninh trật tự của địa phương… đều là mối lo chung của nhiều ban, ngành địa phương. Tuỳ mức độ của mỗi lễ hội mà các vấn đề này cần sự lưu tâm ở các mức độ khác nhau.
Bệnh phô trương hình thức trong việc tổ chức các lễ hội là một trong những vấn đề xã hội đáng lưu tâm trong thời gian vừa qua. Thực ra đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Dù "trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ", song việc so sánh lễ hội làng này với lễ hội làng khác vẫn tồn tại từ lâu trong quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay, việc so sánh giữa lễ hội làng này với lễ hội làng khác đã có những nội dung mới. Trong thực tế đã tồn tại rất nhiều chuyện các làng cố gắng "tìm kiếm" bằng được bằng di tích lịch sử-văn hóa của tỉnh, của Bộ VHTT&DL để tổ chức hội cho to, quyên góp quá nhiều tiền của người dân để tổ chức hội càng ngày càng to, và quan trọng là phải to hơn làng bên cạnh.
Ngoài ra, có một vấn đề khác đang tồn tại, đó là các lễ hội được tổ chức liên tục chủ yếu trong thời gian mùa Xuân đã kéo theo việc nhiều cán bộ công chức Nhà nước bỏ bê công việc, dùng xe công để đi lễ hội. Câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè" lại được "vận dụng" trở lại trong những năm gần đây đã ít nhiều tác động tiêu cực đối với các sinh hoạt bình thường của xã hội.
Cần có những biện pháp quản lý lễ hội hữu hiệu và khả thi
Để giữ gìn bản sắc văn hóa, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, có thể đề xuất một số biện pháp cụ thể, như quy hoạch phát triển lễ hội cần thiết phải đặt trong quy hoạch tổng thể với các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác.
Thực tế, việc tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều mục đích khác nhau, không chỉ riêng mục đích thuần tuý văn hóa.
Bên cạnh đó, việc phát triển, tổ chức và quản lý lễ hội không thể tiến hành một cách riêng rẽ, mà nhất thiết phải được gắn với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực khác, như du lịch, giao thông, phát triển hạ tầng điện, nước… Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể thấy các mục đích khác nhau của việc quản lý lễ hội, thấy được những ưu tiên cho phát triển, các nguồn lực bên ngoài cũng như bên trong và dự đoán trước những thay đổi không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mà còn cả các lĩnh vực khác.
Nếu chúng ta chỉ nhìn lễ hội truyền thống như một hiện tượng văn hóa đơn thuần và giao phó toàn bộ công việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội. Vì việc tổ chức lễ hội mang tính đa nghĩa và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, nên việc quản lý lễ hội cần phải có sự phối hợp liên ngành.
Đối tượng quản lý của chúng ta là các lễ hội truyền thống, chính vì vậy, thao tác quản lý đầu tiên cần phải thực hiện là hiểu rõ đối tượng quản lý. Một nghiên cứu tổng thể, phân loại, lên bản đồ các lễ hội ở các địa phương có tác dụng tốt trong việc nắm bắt thực trạng các lễ hội, điểm mạnh, điểm yếu của các lễ hội ở địa phương, nhờ đó có thể có các kế hoạch quản lý, định hướng phục hồi lễ hội theo hướng bổ sung những tiêu chí cụ thể để nâng cấp từng lễ hội và toàn bộ các lễ hội.
Việc tổ chức lễ hội ở cấp làng, vùng hay quốc gia đều cần nhấn mạnh đến vai trò của người dân địa phương. Ngoài việc tham gia vào nhiều khâu tổ chức lễ hội quan trọng, chính người dân địa phương góp phần làm tăng tính chân thực cho di sản. Bên cạnh đó nó cũng góp phần vào thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng. Khi việc xã hội hoá được thực hiện tốt, vai trò của cộng đồng được nâng cao, thì sự tự quản cộng đồng sẽ là một biện pháp quản lý hết sức hữu hiệu. Người ta sẽ tự nhắc nhở, quản lý lẫn nhau một cách chặt chẽ. Lúc đó quyền lợi của cá nhân và cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau.
Chính vì vậy, cần phải đưa các đại diện người dân địa phương vào trong các ban quản lý lễ hội, lắng nghe những nguyện vọng của họ, để công việc tổ chức và quản lý lễ hội được thuận tiện hơn.
Trên thực tế cho thấy, nhiều lễ hội lớn như đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử, phủ Giầy, đền bà Chúa Kho… thu được rất nhiều tiền công đức, trong khi các lễ hội nhỏ, quy mô cấp làng thu được ít tiền công đức, chỉ đủ tổ chức lễ hội cho năm tiếp theo, hoặc quá ít không đủ để đầu tư trở lại cho di tích. Các di tích lớn, thu nhiều tiền ngày càng trở nên giàu có hơn, được đầu tư nhiều hơn, trong khi các di tích nhỏ không có khả năng tái đầu tư tu bổ di tích. Nguyên tắc tài chính không cho phép lấy tiền công đức của di tích này chi cho các di tích khác, tuy nhiên, ở bình diện vĩ mô, Nhà nước có cách thức đầu tư để làm hài hoà nghịch lý này, bằng cách đầu tư cho các lễ hội, di tích nhỏ, có khả năng thu kém, trong khi trao quyền tự chủ cho ban quản lý các di tích lớn.
Chúng ta xác định rằng, lễ hội là một sự kiện đa lợi ích, vừa là cơ hội để đoàn kết cộng đồng, giáo dục lịch sử, vừa là cơ hội để phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh cộng đồng. Hơn thế nữa, người tham dự lễ hội cũng có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Ngành văn hóa cần định hướng nhu cầu của người dân vào những hoạt động lành mạnh. Chính vì vậy, việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa-thể thao, mở các hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương cần phải được xem như một trong những mục đích quan trọng của việc tổ chức lễ hội. Làm được điều này, nhà tổ chức, quản lý lễ hội không những chỉ định hướng được nhu cầu của khách tham dự lễ hội, mà còn phát huy tác dụng của lễ hội đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của địa phương.
Dù nhiều người cho rằng, xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả không còn phù hợp cho việc tổ chức các lễ hội truyền thống, các lễ hội này sẽ biến mất cùng với thời gian... thì thực tế trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống ngày càng được tổ chức nhiều hơn và ở quy mô lớn hơn, cũng như có tác động đến nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị.
Do tầm quan trọng của lễ hội truyền thống đối với đời sống xã hội, chúng ta nhất thiết cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu và khả thi đối với hiện tượng xã hội này.
Cùng chuyên mục
- Tags:
- Quản lý lễ hội /
- Lễ hội truyền thống /
- xã hội /
- phát triển kinh tế /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Temu dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, người mua cần làm ngay 2 điều để bảo vệ quyền lợi
DNTH: Phiên bản tiếng Việt trên website Temu đã bị gỡ bỏ.
Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024
DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...
16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...
Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV
DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...
Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’
DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...