Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, Bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương và đại diện các đối tác, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Khu Kinh tế mở Chu Lai được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003. Đây là Khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam được sử dụng cơ chế đặc thù riêng trên diện tích hơn 27.040 ha, thuộc 16 xã vùng đông tỉnh Quảng Nam và TP Tam Kỳ. Sau 15 năm hoạt động, Khu Kinh tế mở Chu Lai đã đóng góp to lớn đối với kinh tế-xã hội địa phương cũng như tại khu vực. Khu Kinh tế đã trở thành trung tâm công nghiệp-dịch vụ ô tô, cảng biển tại khu vực.
Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, một số nội dung quy hoạch không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Chính vì vậy, Khu Kinh tế cần được điều chỉnh để nắm bắt được đúng xu hướng phát triển trong tương lai, hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ đa ngành, phù hợp với điều kiện hiện tại. Và việc điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai đến 2035, tầm nhìn 2050 là điều cần thiết.
“Đối với tỉnh Quảng Nam, đây là nội dung điều chỉnh quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong kết cấu phát triển hạ tầng kinh tế của Quảng Nam, cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước”- ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
|
Tại buổi Lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bà Phan Mỹ Linh-Thứ Trưởng Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạchcủa Thủ tướng Chính phủ đối với Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo Quyết định, Khu kinh tế mở Chu Lai có phạm vi ranh giới 27.040ha, ranh giới gồm huyện Núi Thành, 1 số huyện xã thuộc Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ phát triển theo hướng là Khu kinh tế biển đa ngành, khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp ô tô, hàng không, hóa dầu,… có hàm lượng công nghệ cao; là Trung tâm du lịch dịch vụ gắn với kinh tế biển; đầu mối kết nối giao thông hàng không, đường bộ và đường biển;…
Bên cạnh đó, Khu kinh tế sẽ có quy mô dân số đến năm 2035 là 250.000 người, đến năm 2050 sẽ có quy mô dân số đô thị là 550.000 người;Về sử dụng đất đai đến năm 2035 là 3.000ha, đến năm 2050 là 5.500ha; Đối với hàng không, Khu kinh tế sẽ kết nối với Cảng hàng không Chu Lai với công suất phục vụ 5 triệu tấn hàng hóa/năm, 5 triệu hành khách/năm đến 2035; cảng biển phát triển thành cảng hạng 1;…
Trong khuôn khổ sự kiện, Thaco cũng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Thaco-Chu Lai, dấu mốc doanh nghiệp đầu tiên-tiên phong đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Phát biểu trong Lễ kỷ niệm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, sau 15 năm đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trung tâm R&D, trường cao đẵng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai Trường Hải và khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cam kết hoạt động đầu tư của Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai
|
Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai-Trường Hải có quy mô hơn 210ha, được chia làm 2 phân khu: phân khu 7 nhà máy lắp ráp ô tô bao gồm: xe du lịch Thaco Kia, Thaco Mazda, Thaco Premium Auto, NM xe du lịch chuyên dụng cao cấp, NM xe tải, NM xe bus, NM Xe chuyên dụng hạng nặng. Phân khu công nghiệp hỗ trợ gồm: Tổ hợp cơ khí và 11 nhà máy sản xuất linh kiện phụ phụ tùng: Nhíp, Kính, Ghế, Dây điện, Linh kiện nội thất, Linh kiện composite, Linh kiện nhựa, Máy lạnh xe tải, bus, Máy lạnh xe du lịch, Hóa chất, nhà máy sản xuất máy kéo nông nghiệp; Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai có diện tích 140 ha bao gồm cảng, kho bãi, công ty vận tải biển và vận tải đường bộ.
Hiện nay, Chu Lai-Trường Hải đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia - Hàn quốc, Mazda; Mishubishi fuso -Nhật bản, Peugeot -Pháp, và đang được xem là cứ điểm sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực Asean. Với đầy đủ các chủng loại ô tô: tải, bus và du lịch; đầy đủ các phân khúc từ trung cấp đến cao cấp với nhiều thương hiệu, đã bán ra hơn 600.000 xe, từ năm 2014 đến nay đã dẫn đầu thị trường ô tô trong nước, hiện chiếm thị phần 38%; xuất khẩu linh kiện phụ tùng ra khu vực Asean và một số nước trên thế giới, xuất khẩu sản phẩm xe bus sang các nước Asean như Thái Lan, Philippines.
Trong 15 năm qua, Thaco đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ 65-70% hàng năm và có tổng số hơn 70.000 tỷ đồng, (trong đó, năm 2016: 14.350 tỷ đồng; năm 2017: 12.353 tỷ đồng; năm 2018 ước nộp 15.600 tỷ đồng), tạo việc làm ổn định cho hơn 8.000 lao động; đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, góp phần đưa Quảng Nam từ một tỉnh khó khăn thành tỉnh khá của cả nước.
Với bước tiến 15 năm qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, định hướng phát triển của Thaco trong tương lai sẽ trở thành Tập đoàn đa ngành, phát triển hoạt động chiến lược, nông nghiệp, logictis… trong đó lấy cơ khí và ô tô làm chủ lực. Thaco tiếp tục bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực gồm: Đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha và đổi tên thành khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco-Chu lai có tổng diện tích 335 ha; Triển khai xây dựng Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38.6 ha, hướng đến xuất khẩu, phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp; Đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư trong 5 năm; Triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu;…
Đối với dịch vụ cảng biển, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; Đầu tư Khu đô thị và nhà ở công nhân Chu Lai nhằm phát triển hạ tầng xã hội với các tiện ích như nhà ở cho công nhân và chuyên gia, nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại…
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công đối với khu Kinh tế mở Chu Lai nói chung và Thaco-Chu Lai nói riêng. Đặc biệt Thủ tướng đánh giá cao mô hình quản trị và hoạt động của Thaco trong bối cảnh thu hút FDI với kinh tế tư nhân, giữa công nghiệp cơ khí chế tạo với cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời hy vọng Thaco sẽ tiếp tục có những định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Tạo động lực mới cho kinh tế địa phương và khu vực.
Đối với các bộ ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, tạo dựng chuỗi giá trị phát triển kinh tế. Đối với tỉnh Quảng Nam, cần quan tâm hơn nữa trong việc thúc đẩy phát triển đối với doanh nghiệp trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết của địa phương. Chú ý đến thu hút đầu tư, phát triển giao thông cảng biển, hàng không, có chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.
Cũng nhân dịp này, Thaco chính thức khánh thành, đưa nút giao thông vòng xuyến 2 tầng giữa QL1A và đường sắt Bắc-Nam với trục chính từ Cảng Chu Lai đi Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vào hoạt động và trao tặng công trình cho UBND tỉnh Quảng Nam.
Dự án vòng xuyến 02 tầng giữa quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được xây dựng tại vị trí giao cắt giữa Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam với tuyến đường trục chính nối từ cảng Chu Lai đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và cũng là tuyến đường trục ngang chính trong Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải.
Sáng 16/12 Thaco chính thức khánh thành nút giao thông và trao tặng cho UBND tỉnh Quảng Nam khai thác vận hành
|
Một số hình ảnh của nút giao thông
|
|
|
Dự án có tổng dự toán 600 tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn của Thaco. Dự án gồm: Vòng xuyến cỡ lớn trên tầng 2 đường kính 80m để giải quyết giao cắt với đường sắt cho tất cả các hướng ra vào Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đảo xuyến nhỏ hơn ở phía dưới mặt đất đường kính 50m (tại QL1A) dành cho các hướng đi trên QL1A và vào cảng Chu Lai, nhằm điều chỉnh giao thông cho ngã ba giao giữa QL1A với đường vào cảng; 01 cầu bộ hành vượt qua đường sắt, nối từ đường Khu công nghiệp ô tô Chu Lai - Trường Hải sang QL1A, với bề rộng cầu 3,5m. Quy mô công trình vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...