Quốc hội giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em
20:30 | 27/05/2020
DNTH: Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, ngày 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu được phân công điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” và xem video clip minh họa về nội dung báo cáo. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
|
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em. |
Sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận trực tuyến hôm nay, đã có 47 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; 2 vị đại biểu Quốc hội tranh luận; còn 6 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do thời gian không đủ; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội vui lòng gửi ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn chung, ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này là rất đúng đắn có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Các vị đại biểu Quốc hội hoan nghênh Đoàn giám sát trong bối cảnh đại dịch COVDI -19 diễn biến phức tạp với thời gian giám sát ngắn nhưng với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm đã hoàn thành mục tiêu và kế hoạch giám sát đã đề ra.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích kỹ, sâu sắc và thấy rằng, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như: cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em…
Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như: xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.
Các đại biểu Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá về công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tán thành với nhận định của Đoàn giám sát, trong thời gian qua công tác này được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.Các đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ; một số quy định xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp; tại nhiều địa phương, công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tán thành với những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong Báo cáo.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi các hành vi xâm hại trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã; kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại, như rút ngắn thời gian giám định đặc thù, có phòng xét xử riêng… Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em, đồng ý với các nguyên nhân của những kết quả, hạn chế được nêu trong báo cáo. Đồng thời, yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cũng tán thành với 6 bài học kinh nghiệm được rút ra. Bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em; các đại biểu Quốc hội cũng phân tích sâu sắc và đề xuất thêm nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thiện Nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
“Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
|
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: Bạo lực đối với trẻ em là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. |
Bạo lực đối với trẻ em – nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết: Số vụ bạo lực đối với trẻ em bị phát hiện, xử lý không nhiều so với số vụ xâm hại tình dục trẻ em (857 trẻ, chiếm 9,84% tổng số trẻ bị xâm hại). Đáng chú ý, trong thời gian gần đây tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra.
Có thể kể đến một số vụ việc gây chấn động dư luận, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt, vụ việc đến cuối năm 2017 mới bị phát giác. Vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não. Vụ bé trai một tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em.
Dẫn ra hàng loạt câu chuyện đau lòng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh rằng, “đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người.
Pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh – vấn đề là thực hiện
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đại biểu cho rằng, về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính, “vấn đề là chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em đã có thể tốt hơn rất nhiều”.
Một điều đáng ghi nhận là, năm 2017 Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em tạo ra một cơ chế điều phối liên ngành để phối hợp hoạt động và chia sẻ, kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp vận hành cơ chế này một cách hiệu quả, thực chất nhất, tránh hình thức”, đại biểu nói.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Đối với những trường hợp cụ thể, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bố hoặc mẹ bạo hành thì phải cách ly bé khỏi người bố hoặc người mẹ đó ngay lập tức và giao trẻ cho những người thân khác chăm sóc. Trường hợp không có người thân nào khác, thì chính quyền có trách nhiệm tạm thời chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tạo làn sóng dư luận mạnh mẽ thúc đẩy cả hệ thống vào cuộc
Và cuối cùng, quan trọng hơn cả, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đó là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Đối với một số người, thay đổi nhận thức là điều khó khăn, nhưng nếu chúng ta có thể cho họ những lý do hợp lý và xác đáng, thì việc thay đổi là hoàn toàn khả thi.
Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ thông qua mạng Internet, mạng xã hội để thúc đẩy cộng đồng và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền để chính các em có nhận thức là mình có quyền được bảo vệ khỏi nạn bạo hành bất kể dưới hình thức, mức độ nào và bất cứ ai.
Để câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” không còn chỉ là khẩu hiệu, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh: “Từng cá nhân và cả cộng đồng cần chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ và thực chất hơn để trẻ em được sống trong tình yêu thương của gia đình và toàn xã hội”.
|
Đại biểu Lưu Thành Công: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi quyền lợi của trẻ em bị xâm phạm. |
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Nhấn mạnh vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị, trong báo cáo cần bổ sung và khẳng định rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt ở xã, thôn trong việc xây dựng gia đình an toàn. Tăng cường quan tâm nhiều hơn nữa đối với các gia đình yếu thế, hình thành những gia đình lành mạnh, an toàn để bảo vệ tốt nhất trẻ em.
Theo đại biểu, chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em.
Đại biểu đề nghị trong các giải pháp tới đây cần có những quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ trẻ em các cấp. Kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc, yêu cầu huyện phải có cán bộ làm chuyên trách trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay, nhất thiết mỗi sở phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách nhưng nhiệm vụ chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác.
|
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Phải bắt đàu từ việc xây dựng nền móng. |
Phải đặc biệt quan tâm tới “nền móng”
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” an toàn bảo vệ trẻ.
Theo đó, phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng, đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ, đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này.
Tiếp đó là xây dựng 3 trụ cột cơ bản, đó là nhóm chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Và cuối cùng là “mái nhà”, đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Trong 3 yếu tố cơ bản này, đại biểu cho rằng, cần phải “đặc biệt quan tâm đến xây dựng nền móng”. Bởi khi nền móng ấy lung lay, nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.
Muốn làm hiệu quả không thể trông chờ vào ngân sách
Liên quan đến câu chuyện nguồn lực, theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được bảo đảm, đủ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì “xin khẳng định luôn, đó chỉ là một câu chuyện cổ tích”.
Chỉ nói riêng đến phòng, chống xâm hại trẻ em, muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí riêng. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều nhưng kinh phí để thực hiện lại chẳng có bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn…
Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng đại biểu cũng nêu rõ, “nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án nghìn tỷ đồng từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn, đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng toang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa”.
Liệu rằng, khi ghép hai hình ảnh ấy lại, thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không? Nêu vấn đề này, đại biểu cho rằng: Một “ngôi nhà” mà các yếu tố tạo nên nền móng lại là thứ yếu và thiếu, thì làm sao nền móng ấy sẽ làm tốt chức năng chống đỡ, chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà an toàn dành cho trẻ, để các trụ cột, mái che của ngôi nhà bảo vệ trẻ được trụ vững mà không khỏi lung lay?
Đầu tư thích đáng về con người
Đồng tình với các kiến nghị và nhóm giải pháp đã nêu trong Báo cáo kết quả giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền “tin rằng việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu.
Những giải pháp đó trước hết là đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục nâng cao giá trị con người, là đầu tư đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, trực tiếp làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thứ hai, cần có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu, đối với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Xử lý trách nhiệm như thế nào, mức độ nào, thời gian tới cũng cần đươc làm rõ.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý.
|
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân: Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. |
Chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cá nhân nào bị xử lý
Trao đổi về nguyên nhân của những tồn tại, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đã được đưa lên hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ.
Cho biết, báo cáo kết quả giám sát nêu rõ 49/63 tỉnh, thành phố có HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện nội dung này, chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc chậm ban hành nghị quyết này, đại biểu cho rằng: Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. “Một khi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em?”, đại biểu nói.
Đề cập đến các nhóm giải pháp được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra, đại biểu nhận định đã rất toàn diện, kiến nghị từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng: Nguyên nhân chính kể trên chưa được xử lý triệt để, chưa thấy có cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tại địa phương mình quản lý.
“Báo cáo đã đưa ra những sai phạm thì phải xử lý để nêu gương và răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Cần tập trung giáo dục, nâng cao ý thức
Liên quan đến các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu K’sor H'Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng, cần nhấn mạnh khía cạnh nhận diện các hành vi xâm hại trẻ em để làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ với chính các em mà còn phải với người lớn.
Đại biểu nêu thực tế vừa qua các hành vi xâm hại trẻ em như nhìn lén, quay lén, nói chuyện dâm ô… diễn ra ở nơi cộng đồng, trường học khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý vì không có quy định cụ thể hoặc có nhưng rất khó xử lý, xử lý rất nhẹ.
Nhấn mạnh quan điểm phòng ngừa là chính, đại biểu K’sor H'Bơ Khăp cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát tối cao này phải xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là giáo dục, nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống bị xâm hại.
Bởi lẽ, hiện nay, việc giáo dục kỹ năng, phổ biến pháp luật trong các trường học, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính hình thức, trên giấy tờ. Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào.
Kỹ năng được huấn luyện chỉ là không được đi với người lạ, không được để người lạ động vào người… nhưng cuối cùng đa số những vụ xâm hại là từ người thân, người quen. Bản thân người lớn cũng đang nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại, cứ nghĩ hành vi hiếp dâm được cấu thành mới là tổn thương, đáng bị lên án.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Cần phải có một sự đột phá trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. |
Vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em và mong muốn sớm phát hiện, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại.
Thực tế đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài.
Nhận định, các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… nhưng đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, đại biểu nêu vấn đề: Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?
Cần phải có một sự đột phá
Đại biểu nhấn mạnh: Giám sát của Quốc hội nhằm yêu cầu cần phải có một sự đột phá, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe và có hệ thống, tiếp nhận thông tin cởi mở để trẻ em dễ dàng tiếp cận, kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Đại biểu kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.
Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử. Cần bố trí các phòng xử án thân thiện, bảo đảm giữ kín danh tính cho trẻ em bị xâm hại; trong quá trình đưa tin, báo chí cũng cần cẩn trọng trong quá trình đưa tin nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Bên cạnh đó, cần tập huấn thường xuyên cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em; đặc biệt, cần phải thống nhất quan điểm, lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em như do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do uống rượu say… Theo đại biểu, cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa: "Mảng tối của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là đáng báo động". |
Thủ tướng chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em. Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm". Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước; chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bộ Y tế triển khai chính sách, giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nghiên cứu, ban hành tiêu chí xác định mức độ tổn hại sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày; xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; chỉ đạo cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em. Thực hiện phương pháp giáo dục tích cực Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục; Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học; phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc học sinh sử dụng trái phép chất gây nghiện. Thực hiện quyết liệt, cải thiện căn bản điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn thực phẩm trong trường học; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học. Ưu tiên xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em vùng khó khăn Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ Công an thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động... |
Trần Mạnh
chinhphu.vn
Cùng chuyên mục
- Tags:
- Phạm Văn Hò /
- truy tố /
- điều tra /
- Hội đồng nhân dân /
- Viện Kiểm sát /
- Ủy ban nhân dân /
- xâm hại trẻ em /
- tội phạm /
- Tòa án /
- trẻ em /
- Thủ tướng /
- nguyễn xuân phúc /
- chính sách /
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng /
- Bộ Công an /
- pháp luật /
- Quốc hội /
- Chính phủ /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất, giải quyết điểm nghẽn về thể chế
DNTH: Ngày 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bế mạc. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đánh giá, đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Nhiều Luật đưa ra với tính chất phức tạp,...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia
DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội trao Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng
DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công...
Hôm nay (29/11) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng
DNTH: Ngày 29/11, theo Chương trình của kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi,...
Đại biểu Quốc hội đề xuất bảo lưu khi đóng bảo hiểm thất nghiệp 144 tháng
DNTH: Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo; đồng thời phải liên thông dữ liệu để tránh trục...
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
DNTH: Chiều 27/11, với 446/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...