Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp quá tải số lượng vệ tinh và rác vũ trụ

07:54 | 03/12/2024

DNTH: Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đang trở nên quá tải và tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao với sự gia tăng nhanh chóng của vệ tinh và rác vũ trụ. Chính vì vậy, các chuyên gia trong ngành kêu gọi các quốc gia và các tập đoàn vũ trụ hợp tác và chia sẻ dữ liệu cần thiết để quản lý khu vực không gian dễ tiếp cận nhất này.

Theo báo cáo mới đây của Slingshot Aerospace (Mỹ), quỹ đạo Trái Đất tầng thấp hiện tập trung số lượng nhiều nhất các vật thể do con người tạo ra vì khu vực này cân bằng giữa chi phí và khoảng cách, khiến quỹ đạo này trở thành mục tiêu chính cho ngành công nghiệp vũ trụ thương mại đang phát triển nhanh chóng.

Hiện có hơn 14.000 vệ tinh và 120 triệu mảnh rác vũ trụ đang lơ lửng trên quỹ đạo Trái Đất thấp. Trong năm qua, khu vực này chứng kiến sự gia tăng 17% về số lần tiếp cận gần trên mỗi vệ tinh. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên đáng kể trong những năm tới.

Sự gia tăng số lượng vật thể trên quỹ đạo đã làm tăng đáng kể nguy cơ va chạm. Các vụ va chạm này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tạo ra thêm nhiều mảnh vỡ, làm trầm trọng thêm tình hình.

Theo hãng NorthStar Earth & Space có trụ sở tại Montreal (Canada), các dự báo chỉ ra hàng chục nghìn vệ tinh nữa sẽ được phóng vào quỹ đạo trong những năm tới. Rủi ro tài chính tiềm ẩn của các vụ va chạm có thể lên tới 556 triệu USD trong 5 năm, dựa trên kịch bản mô hình hóa với xác suất va chạm hằng năm là 3,13% và thiệt hại hàng năm là 111 triệu USD.

Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề vũ trụ của LHQ, bà Aarti Holla-Maini nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn không gian khi ngày càng có nhiều vật thể được phóng lên và giải pháp cho vấn đề này là cần tạo điều kiện chia sẻ thông tin giữa các nhà khai thác, dù là nhà nước hay tư nhân, để tránh nguy cơ xảy ra các vụ va chạm. Theo bà, việc đảm bảo an toàn không gian cũng góp phần ngăn chặn sự gián đoạn tốn kém đối với hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu, định vị và khám phá khoa học.

Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, thì những quốc gia khác lại lo ngại về việc xâm phạm an ninh, đặc biệt là khi vệ tinh thường có mục đích kép, trong đó cả mục đích quốc phòng. Hơn nữa, các doanh nghiệp rất muốn bảo vệ bí mật thương mại.

Điều đó khiến các nhà khai thác thiết bị quỹ đạo phải dựa vào các phương pháp không chính thức hoặc bán chính thức để tránh va chạm, chẳng hạn như dựa vào dữ liệu từ Lực lượng Vũ trụ Mỹ hoặc các nhóm như Hiệp hội Dữ liệu không gian.   

Quỹ đạo Trái Đất thấp có nhiều dải như dải dành cho dịch vụ internet vệ tinh Starlink của công ty SpaceX - ở độ cao 540 - 570 km. Theo báo cáo của Jonathan's Space Report, tính đến ngày 27/11, Starlink có 6.764 vệ tinh trên quỹ đạo. Dữ liệu của SpaceX cho thấy các vệ tinh Starlink đã thực hiện gần 50.000 động tác tránh va chạm trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi so với 6 tháng trước đó. Dải 800 - 900 km tập trung ít vệ tinh hơn, song cũng chiếm 20% tổng số lượng các vật thể trong quỹ đạo Trái Đất tầng thấp, gây ra rủi ro va chạm đáng kể.

Do đó, các chuyên gia cho rằng hợp tác toàn cầu là điều cần thiết để phát triển các quy tắc có thể thực thi tương tự như các quy tắc được Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế sử dụng cho giao thông hàng không. Ủy ban Hợp tác quốc tế về sử dụng hòa bình không gian vũ trụ của LHQ (COPUOS) cho biết mới đây ủy ban đã nhóm họp nhằm tập hợp các chuyên gia từ khu vực công và tư để phác thảo các bước cần thiết để bắt đầu làm việc về phối hợp. Ủy ban sẽ trình bày kết quả tại một cuộc họp của ủy ban vào năm tới.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/quy-dao-trai-dat-tam-thap-qua-tai-so-luong-ve-tinh-va-rac-vu-tru-20241202162901515.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày

Theo thông tin ngày 30/11 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), năm 2024, hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Hạ tầng số và công nghệ mới tạo bước tiến cho Internet Việt Nam

DNTH: Sáng 27/11, Hội thảo, Triển lãm Ngày Internet 2024 (Internet Day 2024) với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)” đã khai mạc tại Hà Nội.

Các nhà khoa học Caribe biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe

DNTH: Khi số lượng lớn tảo biển xâm lấn dạt vào bờ biển Caribe năm 2011, người dân địa phương đã vô cùng lúng túng.

Meey Group chia sẻ giải pháp công nghệ bất động sản thông minh

DNTH: Ngày 22/11, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã có bài thuyết trình ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024, đề cập nhiều sản phẩm số ứng dụng AI trong lĩnh vực...

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

DNTH: Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Việt Nam khoá XII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

'Máy bay tàng hình' của Hitler: Sự thật và huyền thoại - Kỳ 1

DNTH: Horten Ho-229 là chủ đề gây nhiều suy đoán hơn bất kỳ chiếc máy bay nào khác trong Thế chiến II.

XEM THÊM TIN