Rét buốt, nông dân vẫn xuống đồng chăm sóc lúa xuân

06:28 | 10/02/2025

DNTH: Để hạn chế ảnh hưởng của rét đậm đến lúa xuân, nông dân Hà Tĩnh đang tập trung xuống đồng lấy nước, tỉa dặm, chuẩn bị bón thúc.

Cơ bản hoàn thành gieo cấy

Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất 59.200ha lúa. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, đến thời điểm này bà con đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy. Còn lác đác 5 - 7% diện tích ở vùng khó khăn về thủy lợi đang tập trung làm đất để gieo cấy xong trước 15/2.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng sản xuất những ngày đầu năm. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng sản xuất những ngày đầu năm. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, từ ngày mùng 4 Tết đã có một số nông dân xuống đồng chăm sóc lúa. Thời tiết những ngày đầu tháng 2 tương đối thuận lợi, tuy nhiên 4 ngày nay rét đậm đã ảnh hưởng đến sản xuất.

“Dù rét buốt nhưng bà con vẫn xuống đồng làm đất gieo cấy diện tích còn lại. Số khác tỉa dặm, chăm sóc, lấy nước vào ruộng giữ ấm cho lúa”, ông Hưng nói.

Ông Trần Lý, trú thôn Đồng Phúc, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn đã gieo cấy xong 5 sào ruộng trước khi nghỉ ngơi đón Tết. Từ ngày mùng 6 tháng Giêng, dù mọi người trong thôn đang nghỉ ngơi nhưng vợ chồng ông vẫn tranh thủ xuống đồng tỉa dặm, đảm bảo mật độ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, chuẩn bị bón thúc đợt 1 để cây lúa phát triển, đẻ nhánh.

“Khi xuống giống các trà lúa chủ lực gặp đúng đợt rét đậm, rét hại, có sương muối nhiều nên tỷ lệ hạt nảy mầm không cao. Vì thế tranh thủ nguồn nước thủy lợi dồi dào, tôi cố gắng tỉa dặm xong trong 5 - 7 ngày tới”, ông Lý thông tin.

Trên các cánh đồng của huyện Can Lộc, màu xanh của lúa non đã trải dài khắp những cánh đồng. Hiện các trà lúa xuân trên địa bàn phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh. Bà con nông dân gác lại những ngày vui Tết, chủ động bám đồng ruộng để theo dõi sự phát triển của cây lúa, phòng trừ các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ.

Nông dân Hà Tĩnh tập trung tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân Hà Tĩnh tập trung tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Trần Thị Mai (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, trên cánh đồng lớn của thôn lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh. Thời điểm này, thời tiết diễn biến phức tạp, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn hại lúa… bắt đầu xuất hiện. Vì thế từ ngày mùng 4 Tết bà đã đi kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng tốt.

Theo ông Phan Cao Kỳ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc, vụ xuân năm 2025, địa phương gieo cấy hơn 9.000ha lúa, trong đó hơn 5.900ha sản xuất tập trung theo cơ cấu giống của tỉnh gồm các giống lúa thuần (HT1, Nếp 98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18); lúa lai (Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6)...

Để đảm bảo vụ xuân thắng lợi, huyện đã tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; chỉ đạo sản xuất bám lịch thời vụ, gieo cấy tập trung.

Chủ động chống rét cho lúa

Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh dự báo thời tiết trong tiết Lập Xuân - Vũ Thủy duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Vì thế, các địa phương, bà con cần chủ động điều tiết nước để chống rét cho lúa; dặm tỉa đảm bảo mật độ hợp lý, đặc biệt với diện tích gieo thẳng. Xuống đồng bón thúc đẻ nhánh, bón sớm, bón tập trung để lúa sinh trưởng, phát triển. Đối với số diện tích mạ đang phủ nilon, cần tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy, tiến hành cấy khi mạ đạt 2 - 3 lá trở lên, đảm bảo khung lịch thời vụ.

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy số diện tích còn lại. Ảnh: Thanh Nga.

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tháo dỡ nilon để luyện mạ trước khi cấy số diện tích còn lại. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại nên phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời. Khuyến cáo chú trọng theo dõi và phòng trừ bọ trĩ, bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn... trên cây lúa.

“Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh, phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm. Phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2. Sử dụng thuốc BVTV đảm bảo theo nguyên tắc "4 đúng" và hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì”, ông Phong lưu ý.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

DNTH: Sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều tối 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 42, hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, Nam Bộ ngày nắng

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 11/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng. Nam Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi.

Miền Bắc sắp đón thêm 2 đợt không khí lạnh mạnh "lạ thường"

DNTH: Theo dự báo báo thời tiết 10 ngày tới, miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường khả năng xuất hiện mưa phùn và sương mù.

Trên 3,5 nghìn ha lúa đông xuân bị ngập úng

DNTH: Tính đến trưa 9/2, Quảng Trị có gần 3.550ha lúa đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh bị ngập úng từ 20 – 30cm, nơi sâu trên 40cm.

Bộ Y tế: Giám sát dịch cúm, cung ứng kịp thời thuốc điều trị

DNTH: Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; các bệnh viện đảm bảo cung ứng kịp thời và tránh lạm dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.

Thời tiết ngày 10/2: Bắc Bộ tăng nhiệt, trưa chiều hửng nắng

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10/2, khu vực Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng, trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra...

XEM THÊM TIN