Để hiểu về sự đồ sộ của Rakuten, hãy biết rằng công ty sở hữu vốn hóa thị trường lên tới 13,5 tỷ USD vào năm 2013 và doanh số hàng năm vượt quá 4 tỷ USD. Rakuten mua lại “Buy.com” với giá 250 triệu USD và đổi tên thành Rakuten.com Shoping.
Trên thực tế, CEO của Rakuten, ông Hiroshi “Mickey” Mikitani cho rằng cách so sánh công ty của ông với Amazon không thực sự chính xác. Trong khi Amazon chú trọng đến sản phẩm và khách hàng bằng cách cải thiện các lựa chọn thì Rakuten thiên về trải nghiệm mua sắm hơn.
Công ty này hoạt động dựa trên tiêu chí “Omotenashi” - một cụm từ trong tiếng Nhật có nghĩa là cung cấp dịch vụ chất lượng cao. “Tại Nhật Bản, nếu bạn đến một quán café địa phương hay bất cứ một cửa hàng tiện lợi nào, bạn sẽ tìm thấy những dịch vụ cá nhân chất lượng nhất. Đó là thứ Internet không thể cung cấp được”, Mikitani nói.
Mikitani nói Rakuten cố gắng tạo ra một trải nghiệm mua sắm cá nhân cho người dùng bằng cách cho phép mỗi người bán trên trang web tùy chỉnh trang của họ bằng cách bố trí giao diện, hình ảnh và quảng cáo độc đáo. Các nhà cung cấp có thể chỉnh sửa và cập nhật trang liên tục cũng như giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Theo lời Mikitani: “Chúng tôi muốn họ cảm thấy chất đời nhất dù là trao đổi trực tuyến”.
Một thống kê làm choáng váng nhiều người. Hơn 90% người dùng Internet tại Nhật Bản đăng ký trên Rakuten. Điều đó giống như việc mọi doanh nghiệp bán lẻ đều có trên Rakuten, tạo ra hệ quả là họ bán gần như mọi thứ. Con số cụ thể là hơn 40.000 mặt hàng và dịch vụ.
Mikitani lấy một ví dụ về người nông dân mong muốn bán các quả trứng của mình. Anh ta tin tưởng khách hàng sẽ phải trả cao hơn cho chất lượng trứng hữu cơ "xịn" của mình. Bằng cách sử dụng nền tảng của Rakuten, người nông dân đăng tải hình ăn sản xuất của mình như việc cho gia cầm ăn và chứng minh trứng hoàn toàn hữu cơ. Đương nhiên, khách hàng phản ứng vô cùng tích cực và người nông dân kiếm được nhiều hơn bất cứ ý tưởng khởi nghiệp nào chỉ bằng việc bán trứng.
Hệ thống cung cấp xếp hạng của Rakuten dành cho người bán hàng ảnh hưởng lớn đến thành công của công ty. "Chúng tôi giống như một vườn ươm, mọi người tin tưởng vào sự quản lý của Rakuten", Mikitani nói. "Chúng tôi nhìn nhận vai trò của mình như một kênh khuếch đại các cá tính của mỗi cửa hàng".
Hãy hiểu đơn giản, Rakuten không chỉ cho người dân con cá mà là cả cái cần câu. Ngoài việc cung cấp dịch vụ, công ty còn hỗ trợ các kháo đào tạo về Internet bằng các lớp dạy ảnh kỹ thuật số, thiết kế trực tuyến và marketing.
Tính đa dạng là một thứ mà Mikitani luôn nói về công ty của mình. 20 năm trước, ông thành lập Rakuten. Khi đó, nó nhỏ bé và phần lớn bao gồm nam giới như hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản cùng thời điểm. Nhưng giờ đây, Rakuten phát triển thần tốc và sở hữu hơn 10.000 nhân viên, 40% trong đó là nữ và đến từ 70 quốc gia. Sự đa dạng đến ngay từ cách nhìn nhận và sử dụng nhân viên của Rakuten.
Những quy mô khổng lồ sau này đôi khi là thành quả của những ý tưởng điên rồ nhất. Bạn có thể tìm thấy nó ở Rakuten. Trước năm 2010, Rakuten không khác gì bất cứ công ty Nhật Bản nào khác. Nhưng khoảnh khắc tháng Ba định mệnh đã diễn ra, khi mà Mikitani tuyên bố kế hoạch "Tiếng Anh hóa". Đây là dự án biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của công ty, qua đó tạo nên chìa khóa dẫn đến sự tăng trưởng vượt bậc sau này.
"Khi tôi loan báo kế hoạch “tiếng Anh hóa”, lực lượng lao động của chúng tôi khi đó chỉ có 10% thành thạo về tiếng Anh. Điều không có gì bất ngờ là chỉ có một vài người trong công ty hiểu được ý định của tôi, còn những người khác, đặc biệt những người ở ngoài công ty, đều nghĩ tôi hơi điên rồ". Mikitani nhớ lại.
"Tuy nhiên, 7 năm sau đó, nhiều nhân vật khổng lồ của giới công ty Nhật Bản đã tới tìm kiếm lời khuyên của chúng tôi về cách thức xây dựng một nhãn hiệu toàn cầu mà trụ sở chính nằm tại thủ đô Nhật Bản. Như những gì tôi nói với họ, mở rộng cánh cửa chào đón tài năng quốc tế chính là một cách thay đổi trò chơi đối với chúng ta. Và điều này chắc chắn sẽ có một tác động tương tự đối với các công ty Nhật Bản khác".
Đối với Rakuten, trong khi vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trụ sở ở Mỹ, họ đồng thời cũng sẽ đầu tư vào việc mở rộng tăng trưởng ở quê hương, nhằm lôi kéo thêm nhiều tài năng nước ngoài đến với một nước Nhật Bản luôn mở rộng cửa và am hiểu về Internet - một đất nước, về một số phương diện nào đó, đang đi theo hướng ngược lại với nước Mỹ.
Thách thức từ việc dân số Nhật Bản đang giảm xuống là điều mọi người đều biết. Số người dân Nhật Bản sống trong nước giảm liên tục trong 6 năm liền tính đến năm 2016, giảm 299.000 người, xuống còn 125 triệu dân. Trong bối cảnh như vậy, Nhạt Bản rất cần những tài năng nước ngoài tới giúp duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Từ tiếng Nhật “gaijin - ngoại nhân” để chỉ “người nước ngoài” gồm hai chữ “bên ngoài” và “người.” Điều này ám chỉ rằng những người không phải người Nhật Bản không bao giờ có thể thực sự hiểu được nền văn hóa Nhật Bản.
Tuy nhiên, cho đến nay đã đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực này. Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã mở rộng danh mục những loại hình công việc mà công nhân nước ngoài lành nghề có thể làm ở Nhật Bản, và dòng người người nước ngoài đổ đến Nhật Bản sinh sống kể từ đó tăng mạnh.
Ước tính có tới 136.000 người nước ngoài tới Nhật Bản sinh sống trong năm 2016, tăng 40% so với năm trước. Và trong nửa thập kỷ qua, số kiều dân ở Nhật Bản đã tăng mạnh lên tới 2,4 triệu người, tăng thêm 500.000 người.
Có vấn đề gì không khi mà khoảng 80% kỹ sư mà Rakuten thuê không phải quốc tịch Nhật Bản. Với ai thì có chứ với Mikitani thì không. Những ý tưởng, kỹ năng và bầu nhiệt huyết của họ là có tính chất sống còn đối với mục tiêu hướng ra toàn cầu của Rakuten.
Cùng với thời gian, các công ty Nhật Bản khác sẽ không còn sự lựa chọn nào ngoài việc đi theo con đường của Rakuten. “Nước Mỹ của Trump có thể sẵn sàng xây dựng bức tường ngăn cách với thế giới, nhưng ở Nhật Bản, khi tài năng là hiếm hoi, thì sự lựa chọn duy nhất của chúng tôi là phá tan bức tường ngăn cách đó”, Mikitani tự tin.
THÀNH AN
Ý kiến bạn đọc...