Tăng trưởng kinh tế vẫn chịu nhiều áp lực

16:23 | 20/05/2024

DNTH: Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, trong những tháng đầu năm nay, con số tăng trưởng của Việt Nam đã khá tích cực và tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Nhưng nếu so với mục tiêu đề ra thì vẫn chưa đạt.

Chú thích ảnh
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Theo đó, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% khiến bình quân tăng trưởng 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%, đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021 - 2025 (từ 6,5 - 7%).

Đáng chú ý, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra với mức tăng 3,65% (thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019), cho thấy dấu hiệu giảm sút. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây. Đây cũng chính là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến bên lề Kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương: Mục tiêu vẫn chưa như kỳ vọng

Trong những tháng đầu năm nay, con số tăng trưởng của Việt Nam đã khá tích cực và tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Nhưng nếu so với mục tiêu đề ra thì vẫn chưa đạt dù so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho những tháng cuối năm và trong cả giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ này khá nặng nề; đòi hỏi phải thực sự nỗ lực bởi con số mục tiêu đang là thách thức lớn.

Tuy nhiên, tôi quan tâm đến giải pháp của Chính phủ; trong đó có phương châm “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”. Cần phải phải quyết tâm thực hiện được tất cả các chỉ tiêu đề ra chứ chúng ta không đặt vấn đề là xem lại hay cân nhắc điều chỉnh lại các chỉ tiêu. Điều này đặt ra thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nhập cuộc cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương để có thể hoàn thành mục tiêu.

Cũng phải thẳng thắng nhìn nhận, so với số liệu trình tại Kỳ họp thứ IV năm 2023, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong kỳ họp này có “nhích lên” song vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được và cần quan tâm đặc biệt; trong đó, có chỉ tiêu tăng năng suất lao động bình quân.

Căn cứ vào con số công bố, như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này chưa đạt yêu cầu đề ra mặc dù trong các báo cáo của Chính phủ và trong hệ thống giải pháp hàng năm đều có giải pháp để nâng cao năng suất lao động bình quân này. Tôi nghĩ rằng, đây là điều đáng phải suy nghĩ.

Thêm vào đó, cần xem xét một nội dung cũng liên quan và có trong báo cáo của Chính phủ, đấy là trong nhiều năm liên tiếp vẫn còn tình trạng cán bộ còn đùn đẩy trách nhiệm, chây ì trong công việc, sợ trách nhiệm. Thế nhưng, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục được triệt để.

Điều này đặt ra câu hỏi, vậy giữa việc năng suất lao động chưa đạt được chỉ tiêu đề ra và tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm có liên quan đến nhau không. Quan điểm tôi nghĩ là có và chúng ta cần phải khắc phục ngay tình trạng này nếu muốn hoàn thành tốt tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn Thái Bình: Cần giải pháp tăng năng suất lao động

Tôi nghĩ là các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu về năng suất lao động từ trước đến nay đều không đạt được và có nguyên nhân cơ bản cần xem xét. Trước tiên là lao động lành nghề, chuyên nghiệp có tỷ lệ thấp so với lao động thông thường. Hay nói cách khác là lao động cấp cao và cấp thấp chưa được đào tạo cơ bản.

Tiếp đó, mặc dù đã chú trọng vào vấn đề can thiệp công nghệ nhưng so với các nước thì Việt Nam vẫn đang “chậm”. Trong khi đó, hiện đang là thời điểm hội nhập thì vấn đề can thiệp công nghệ để tăng năng suất lao động lại đòi hỏi rất cấp bách.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể không nhắc đến đó là mức lương với người lao động tại Việt Nam vẫn còn thấp. Chính vì thế người lao động phải làm thêm các việc khác mà không toàn tâm toàn ý vào công việc chính.

Về giải pháp, hiện nay Chính phủ đang rất tập trung về vấn đề công nghệ. Sự can thiệp của công nghệ là quan trọng. Thậm chí, nếu chúng ta làm nhanh, thực hiện hiệu quả về vấn đề công nghệ thì năng suất lao động sẽ tăng rất nhanh. Bên cạnh đó, phải có chế độ tiền lương phù hợp. Mặc dù sắp tới sẽ có tăng lương nhưng việc này vẫn cần được quan tâm thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương: Khu vực công làm tốt vai trò “dẫn dắt”

Về cơ bản, trong những tháng đầu năm nay, nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP hiện nay chủ yếu từ khu vực công, làm tốt vai trò dẫn dắt nhưng khu vực tư là gam màu “xám”. Đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 mức tăng trước đây.

Như báo cáo thẩm tra được Ủy ban Kinh tế nêu ra, có nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường và dòng vốn đầu tư tư nhân giảm sút… Theo đó, cần có chính sách vực dậy “sức khỏe” của khu vực này để chung vai gánh vác cùng với khu vực công, giúp đưa GDP đạt mục tiêu đề ra.

Hiện nay số liệu báo cáo 3 tháng và thực tế thì gần đi đến nửa năm thì cũng chưa thể kết luận gì. Tuy nhiên, qua kỳ họp lần này, các đại biểu cho ý kiến và các chính sách kịp thời thì khả năng GDP đạt từ 6% trở lên là hoàn toàn có thể. Nhất là khi Luật Đất đai mới đang kiến nghị để thực thi sớm hơn dự kiến, được kỳ vọng sẽ tháo được một trong những “nút thắt” kìm hãm dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.

Cùng đó, cũng cần xem xét để có những chính sách tái cơ cấu nền kinh tế sao cho phù hợp. Khi thực hiện các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội: Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 có thể có nhiều thách thức nhưng năm nào phải chắc năm đó. Không chỉ thực hiện tốt riêng năm 2024 mà phải tạo đà cho năm 2025 thì mới hoàn thành được chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cảnh báo triều cường sẽ gây thiệt hại nhiều nơi ở Bạc Liêu

DNTH: Bạc Liêu - Dự báo năm 2025, hạn mặn ít khốc liệt hơn năm 2024 nhưng triều cường có khả năng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Miền Bắc thấp nhất 5 độ C

DNTH: Không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa khiến sáng nay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rét 5 độ C, vùng núi cao xuống dưới 10 độ, đồng bằng phổ biến 15-16 độ.

Thứ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có quy mô hàng tỉ USD

DNTH: Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Cách mạng tinh gọn bộ máy phải làm đến cùng, triệt để

DNTH: Chuyên gia cho rằng, để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, phải đảm bảo nghiên cứu thấu đáo, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng thận trọng, cẩn thận.

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng

DNTH: Bộ Tài chính vừa đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế trên 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng các huyện miền núi Thanh Hóa

DNTH: Ngày 7/12, tại huyện miền núi Bá Thước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

XEM THÊM TIN