Tạp chí Khoa học dành cho đại chúng: Bao giờ thành hiện thực?

09:45 | 20/04/2019

DNTH: Có được một tạp chí khoa học dành cho đại chúng từ lâu đã trở thành niềm mơ ước của nhiều thế hệ làm khoa học. Nhưng vì sao ước mơ vẫn chỉ là ước mơ? Vì cái khó bó cái khôn, hay vì đường xa vạn dặm không khởi đầu bởi một bước chân?

Cái khó bó cái khôn?

Khi trao đổi về nguyên nhân của tình trạng này, một số nhà khoa học cho rằng, nút chặn là kinh phí và nhân lực. Vì còn mới mẻ và thiếu vắng lượng độc giả cần thiết lúc ban đầu, tạp chí này chưa thể tự nuôi sống mình, nên cần một sự hỗ trợ từ phía Nhà nước hoặc từ các Mạnh Thường Quân.

Về phía Nhà nước, tuy đã nhiều lần khẳng định trên nhiều văn bản quan trọng, rằng: Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ngay trong lời giới thiệu của Luật khoa học và Công nghệ hiện hành, cũng đã viết: Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững đất nước. Nhiều nhà lý luận còn hứng khởi đi xa hơn nữa, cho rằng khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và tiên tiến nhất, nhất là trong nền kinh tế tri thức toàn cầu…

Đã là quốc sách thì đó là một sự nghiệp của cả nước, của toàn dân. Đã là nền tảng và động lực thì cần phải chắc, phải mạnh. Đã là lực lượng thì cần phải đông, phải hiện đại. Vậy không lẽ lại không thể đầu tư một số tiền nhỏ để đưa quốc sách hàng đầu đến với đại chúng? Lẽ nào quốc sách chỉ là những mỹ từ trên giấy, không có một chút hỗ trợ nào để đến được với đám đông?

Mỗi năm, số tiền đầu tư cho các hoạt động khoa học - công nghệ khá lớn, ước tính gần 700 triệu đôla, ứng với mức 2% tổng chi ngân sách hoặc 0.52% GDP, và hứa hẹn tăng thêm 3-4 lần, đạt mức 2% GDP vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ, để làm một tạp chí khoa học cho đại chúng thì chi phí tối thiểu chỉ ở mức 60-100 nghìn đôla/năm, tương ứng với khoảng một phần vạn ngân sách dành cho khoa học và công nghệ. Đây là một số tiền rất nhỏ so với các chi phí khác. Không lẽ Bộ khoa học và Công nghệ không dành được một phần vạn số kinh phí mà mình quản lý để đưa “quốc sách hàng đầu” đến với đại chúng?

Ngoài ra, các Mạnh Thường Quân, tuy vắng bóng nhưng không hẳn là không có!

Trở ngại thứ hai là nhân lực để làm tạp chí khoa học này. Điều này là có thật, nhưng không phải là không thể vượt qua. Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã đủ lớn để có thể chủ động một phần chuyện bài vở. Ngoài ra, có thể liên kết hoặc dịch các bài phổ biến khoa học của các tạp chí khoa học nổi tiếng ra tiếng Việt. Khi nội lực chưa đủ mạnh thì việc dịch bài có chất lượng của thế giới là tất yếu. Điều này cũng phù hợp với bản chất không biên giới của khoa học.

Hơn nữa, có hai lý do để quả quyết việc dịch thuật khoa học là cần thiết: Đó là cách nhanh nhất để đưa tinh hoa tri thức thế giới về Việt Nam; hai là, dịch thuật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thuật ngữ chuyên ngành, mà nếu thiếu nó, thì sẽ không thể tư duy sâu được.

Chừng nào mà chúng ta còn phải tư duy bằng tiếng Việt thì còn phải hoàn thiện hệ thống thuật ngữ này, do đó còn cần phải dịch. Vì thế, không có lý do gì để e ngại hoặc né tránh việc dịch các tài liệu khoa học của thế giới ra tiếng Việt.

Ngôi nhà khoa học - công nghệ

Các hoạt động khoa học, công nghệ không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu để tìm tòi tri thức phát triển công nghệ và dịch vụ mới dựa trên tri thức đã có; mà còn ở việc xây dựng nền tảng cho bản thân khoa học công nghệ, thông qua việc truyền bá tri thức và tinh thần khoa học đến với đại chúng. Trên thực tế, các hoạt động này cần được coi trọng như nhau, và phải được đầu tư xứng đáng.

Nếu coi khoa học - công nghệ như một ngôi nhà, thì ngôi nhà này có thể được hình dung như sau (hình vẽ ở trên):

Nền móng của ngôi nhà này có thể được chia thành ba tầng nấc khác nhau. Ở tầng sâu nhất, đó là những yếu tố thuộc về văn hóa đại chúng, như văn hóa khoa học, tinh thần khoa học. Tầng thứ hai là đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà phát triển công nghệ. Và tầng trên cùng là hạ tầng cơ sở vật chất về khoa học công nghệ, như nhà xưởng, máy móc, thiết bị nghiên cứu…

Trên nền móng này, bốn trụ cột chính của ngôi nhà khoa học công nghệ sẽ được dựng lên. Đó chính là tập hợp các hoạt động chủ chốt của Khoa học Công nghệ, bao gồm: Tìm kiếm tri thức mới thông qua các hoạt động nghiên cứu; cải tiến công nghệ cũ; sáng tạo công nghệ mới; dịch vụ khoa học - công nghệ.

Ở trên cùng, phần nóc ngôi nhà, là tầm nhìn của lãnh đạo khoa học - công nghệ, tức các nhà làm chính sách và các nhà khoa học - công nghệ đầu đàn.

Như vậy, việc phổ biến tri thức và tinh thần khoa học cho đại chúng nằm ở tầng sâu nhất  - tinh thần khoa học của đại chúng, và tầng thứ hai - xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ - của phần nền móng này. Tầm quan trọng của nó là vấn đề hiển nhiên không cần tranh luận, vì có ngôi nhà nào vững vàng nếu nền móng của nó yếu? Và muốn nhà to đẹp vững chắc thì có việc nào thiết thực hơn việc gia cố nền móng trước khi dựng lên ngôi nhà ở phía trên?

Người xưa nói: Hành trình vạn dặm, khởi đầu bởi một bước chân. Nếu không bước đi bước đầu tiên thì sẽ không bao giờ đến đích. Khi đó, ước mơ, dù kéo dài hàng chục năm, thì cũng chỉ là ước mơ. 

Vậy chúng ta, trong đó quan trọng nhất là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về các hoạt động khoa học - công nghệ, tức Bộ khoa học và Công nghệ, và những nhà khoa học cả trong và ngoài nước,  không nên để cái khó bó cái khôn trong việc cho ra đời một tạp chí khoa học cho đại chúng, mà hãy khởi đầu bởi một bước chân!

Theo Giáp Văn

VNHN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Đại lễ Vesak LHQ 2025 triển khai quy mô với nhiều hoạt động ý nghĩa

DNTH: Tại tu viện Khánh An (Quận 12, TP.HCM), Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã có buổi họp triển khai các nội dung, thống nhất công tác chuẩn bị.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 - Khẩn trương hoàn thiện mọi công tác chuẩn bị

DNTH: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 dự kiến tổ chức tại TPHCM từ ngày 6-8/5, với 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. “Tuyên bố TPHCM” là một điểm nhấn nổi bật của sự kiện bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa ý...

Tết Hàn thực, nét văn hoá độc đáo của người Việt

DNTH: Tết Hàn Thực, diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Tết hàn thực mang đậm bản sắc dân tộc với những ý nghĩa riêng biệt gắn liền với văn hóa...

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

XEM THÊM TIN