Là một người chuyên nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa, xin ông cho biết có gì khác biệt giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại?
PGS. TS Phạm Ngọc Trung: Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại có những biến đổi trên nhiều phương diện.
PGS. TS văn hóa học Phạm Ngọc Trung
Đầu tiên, Tết truyền thống gắn với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, người dân và sự phân hóa xã hội, sự phát triển kinh tế thời kỳ trước đây chưa cao. Cho nên mọi hoạt động của người dân đều hướng vào một cái Tết của cư dân nông nghiệp. Đấy là cái Tết sum họp gia đình, Tết là dịp ôn lại kỷ niệm, là dịp thể hiện lòng thành kính thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Mọi người vui Xuân đón Tết để cầu mong sang một năm mới mưa thuận gió hòa, sản xuất phát triển, gia đình hạnh phúc, may mắn. Qua đó ta thấy rằng, Tết truyền thống thường đậm nét sinh hoạt của văn minh nông nghiệp và mang tính chất cố kết cộng đồng, gia đình và làng xã.
Còn Tết hiện đại bây giờ, như chúng ta thấy rằng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã làm cho bộ mặt đất nước của chúng ta thay đổi đồng thời phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân cũng thay đổi. Trước kia trong một gia đình, có thể toàn bộ ba đến bốn thế hệ đều là làm nông nghiệp cho nên chu kỳ thời gian, tâm lý, nề nếp sinh hoạt của họ là rất dễ đồng nhất.
Nhưng bây giờ sự phân hóa không chỉ diễn ra ở quy mô xã hội mà còn diễn ra trong từng gia đình. Chúng ta có thể thấy ở các thành phố, trong mỗi gia đình có thể mỗi một thành viên lại có một ngành, một nghề khác nhau. Còn ở nông thôn bây giờ, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu thấy rằng đại đa số các gia đình cũng không còn thuần nhất vài ba thế hệ cùng làm nông nghiệp nữa. Chính vì vậy, Tết hiện đại bây giờ trở nên đa dạng hơn, theo hướng hiện đại hơn, mang tính chất công nghiệp và đô thị hơn, không còn đượm chất nông nghiệp, nông thôn như trước đây nữa.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi và khác biệt giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại?
PGS. TS Phạm Ngọc Trung: Tôi cho rằng áp lực của sự phát triển của kinh tế, của khoa học công nghệ, của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã dẫn đến sự thay đổi đó.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra ở những vùng nông thôn và những vùng ven đô đã làm cho bộ mặt của vùng nông thôn thay đổi đồng thời về mặt tâm lý cũng như phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân cũng thay đổi.
Như Châu Âu hoặc Nhật Bản là những nước công nghiệp hóa trước thì họ từ xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp cũng phải trải qua sự thử thách đó. Tại Châu Âu diễn ra cách đây 5 - 6 thế kỷ, hoặc tại Nhật Bản cũng đã diễn ra từ thời Minh Trị - Duy Tân từ năm 1868 giữa thế kỷ 19.
Còn chúng ta thì quá trình đô thị hóa trước đây cũng đã có nhưng diễn ra rất yếu ớt còn khoảng 30 năm trở lại đây quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra rất mạnh mẽ, trên quy mô rộng lớn. Có thể thấy ngay giữa những vùng quê mọc lên những khu công nghiệp và nó làm cho bộ mặt của nông thôn thay đổi. Ở đấy nó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra một đội ngũ những công nhân xuất thân từ nông dân nhưng do ruộng đất ít, năng suất lao động nông nghiệp thấp, đời sống bấp bênh thành ra nếu ai thoát li được đều tìm cách ra khỏi làng quê của mình và họ tham gia vào đội ngũ sản xuất công nghiệp hoặc dịch vụ.
Trong quá trình đó làm cho tâm lý của con người cũng thay đổi, phong tục tập quán cũng thay đổi. Nếu những gia đình sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây họ có thể theo nề nếp trước Tết họ đã gieo cấy xong rồi còn ra Tết thì chỉ có ăn chơi thôi. Điều này thể hiện rõ trong ca dao, tục ngữ trước đây là "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè". Mọi việc rất là nhàn nhã, thảnh thơi nên họ ăn chơi hẳn ba tháng sau đó họ mới ra đồng cày cuốc, nhặt cỏ, tưới bón phân cho cây trồng....
Còn bây giờ, nông nghiệp đã được cơ giới hóa, hiện đại hóa nên người dân không còn vất vả như trước nữa. Trong một gia đình thì những thành viên khác nhau chỉ được nghỉ ngơi theo quy định của nhà nước thôi còn con cháu trong gia đình người phải đi học, người lại về công xưởng đi làm cho nên không còn tâm lý rong ruổi chơi bời suốt cả ba tháng mùa xuân như trước nữa.
Chính sự phát triển của sản xuất, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chất xúc tác chủ yếu dẫn đến sự thay đổi của nề nếp sinh hoạt, đồng thời những phong tục, tập quán, cũng như quan niệm về Tết thay đổi.
Có ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội cũng như văn hóa truyền thống của người Việt. Ông đánh giá sao về việc này?
PGS. TS Phạm Ngọc Trung: Chúng ta có thể thấy điều này là rất rõ ràng bởi cách mạng khoa học công nghệ là xu thế tất yếu của lịch sử, không thể nào cưỡng lại và không nên cưỡng lại. Phong tục, tập quán cũng là sản phẩm của từng thời kỳ phát triển của xã hội. Nó phản ánh trình độ phát triển của nền sản xuất thời kỳ đó.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội cũng như ảnh hưởng đến phong tục, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam chúng ta.
Như ta đã biết, mọi vấn đề đều có hai mặt là tích cực và tiêu cực. Khoa học công nghệ cũng vậy, nó đã tạo ra một nền tảng mới cho việc thông tin, liên lạc và giao tiếp giữa con người với nhau được thuận lợi hơn. Điều này có thể thấy ở việc là người thân quen, họ hàng dù ở rất xa thì vẫn có thể chúc tết hoặc hỏi thăm sức khỏe, trao đổi thông tin được rất kịp thời, thuận tiện. Đây chính là mặt tích cực của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tới đời sống xã hội và gia đình.
Tuy nhiên, nó vẫn có mặt trái trong thành quả của cuộc cách mạng này là làm cho các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc có thể ỷ lại vào phương tiện thông tin đó mà ít gặp gỡ nhau và tạo ra những khoảng cách nhất định.
Ngay từ việc đi chúc tết trước đây chưa có điện thoại di động, chưa có máy móc công nghệ hoặc là chưa có mạng Internet thì thường là con cháu phải trực tiếp đến nhà ông bà, cha mẹ, họ hàng để thăm hỏi, chúc tết. Đó chính là một nét sinh hoạt văn hóa rất đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Tết là dịp thể hiện lòng thành kính thờ cúng ông bà, tổ tiên. Ảnh minh hoạ
Bây giờ mọi chuyện đã thay đổi, con cháu những dịp lễ Tết nên đến thăm hỏi, chúc tết ông bà, cha mẹ thì cứ ỷ lại gọi một cuộc điện thoại hoặc nhắn tin, sử dụng mạng xã hội cho xong nghĩa vụ. Thậm chí cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên cũng không còn như trước nữa bởi tại một số nghĩa trang hiện đại họ còn có cả dịch vụ "thờ cúng online". Tôi thấy có những gia đình ở nước ngoài mà có ông bà, cha mẹ quá cố, họ có nhu cầu đặt hàng thờ cúng bao nhiêu ngày, nghi thức lễ vật như thế nào, cầu khấn ra làm sao... và nhân viên tại nghĩa trang sau khi thực hiện xong sẽ chụp ảnh, quay phim lại rồi gửi cho khách hàng.
Có thể nhiều người cho rằng việc đó là bình thường nhưng theo quan niệm truyền thống, mỗi dịp Tết đến xuân về mỗi chúng ta dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng nên về thăm quê hương bản quán, về tảo mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, về gặp gỡ anh em họ hàng thì sẽ thân mật hơn, ý nghĩa hơn. Việc làm này sẽ tiếp cho con người năng lượng, tình cảm để phấn đấu cho những năm tới.
Chính vì vậy, đứng trước những thành tựu đó, chúng ta nên tiếp nhận một cách chừng mực trong những trường hợp nhất định vào đời sống xã hội, phải có sự hài hòa tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh để phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vậy chúng ta nên làm gì để gìn giữ văn hóa truyền thống và gắn kết đời sống gia đình trước những tác động của cuộc sống nay?
PGS. TS Phạm Ngọc Trung: Tôi cho rằng đây chính là một bài toán mà mỗi người trong chúng ta phải tự tìm cho mình lời giải, cách vận dụng cụ thể với hoàn cảnh và điều kiện của gia đình mình.
Cần tận dụng những thành tựu, những thành quả của khoa học công nghệ vào cuộc sống hàng ngày một cách thiết thực, ý nghĩa. Chẳng hạn nếu mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc do ở quá xa không gặp nhau thường xuyên có thể qua các phương tiện thông tin liên lạc, trao đổi nhưng vẫn phải cố gắng tranh thủ một năm gặp nhau một lần vào các dịp lễ tết còn nếu cứ ỷ lại vào công nghệ thì khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa nhau ra.
Bên cạnh đó, chúng ta phải cố gắng giữ lấy những thứ tinh hoa, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam. Như truyền thống biết ơn ông bà, tổ tiên, nhớ về quê hương, đất nước. Ở đâu mỗi dịp Tết đến xuân về cũng nên có mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, gia đình hạnh phúc, mọi người mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Đó chính là những truyền thống tốt đẹp dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì người Việt Nam ta cũng không quên hướng về cội nguồn.
Để làm được những việc đó, tôi cho rằng vai trò của ông bà, cha mẹ và những thế hệ đi trước là rất quan trọng. Họ phải dạy bảo cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống và vận dụng ngay vào trong cuộc sống hàng ngày.
Những giá trị truyền thống có thể được dạy bảo rất đơn giản như khi mua hoặc gói một chiếc bánh chưng trong dịp Tết thì ông bà, cha mẹ có thể kể cho con cháu mình nghe về sự tích bánh chưng là như thế nào, tại sao lại bày mâm ngũ quả trên bàn thờ vào dịp Tết, tại sao lại làm lễ cúng ông Công, ông Táo và những nghi lễ đấy có ý nghĩa gì?
Chính những thế hệ ông bà, cha mẹ, những người đi trước đó sẽ có nhiệm vụ rất quan trọng khi trao truyền cho con cháu, các thế hệ đi sau những giá trị văn hóa truyền thống đó thông qua suy nghĩ, tình cảm của các thế hệ của người Việt Nam và bản sắc văn hóa của người Việt sẽ không bị mai một đi. Bởi nếu chúng ta quên đi cội nguồn, quên đi phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc thì đó là sự mất mát rất lớn, không thể nào lấy lại được. Dù có thể rất giàu có, thành đạt nhưng nếu không có gốc tích, nguồn cội, bản sắc văn hóa thì sự thành đạt, giàu có đó là rất mong manh và dễ bị đổ vỡ, lụi tàn.
Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Ngọc Trung đã dành thời gian trao đổi về vấn đề này. Nhân dịp năm mới, xin chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Đăng Chung
NHN
Bình luận