“Thăng Long tứ trấn" - chốn linh thiêng nơi mảnh đất kinh kỳ
21:25 | 02/02/2023
DNTH: "Thăng Long tứ trấn" là tên gọi chung của 4 ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long. Đền Bạch Mã trấn ở phía Đông - thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây - thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam - thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc - thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến vẫn tồn tại nhiều nét đẹp bình dị, cổ kính và thiêng liêng của những ngôi đền mang lại.
Bên cạnh sự phồn hoa của phố thị, "Thăng Long tứ trấn" toát lên nét đẹp linh thiêng của chốn kinh kỳ, dấu ấn về một Thăng Long xưa oai hùng hiện hữu. Xưa kia, những ngôi đền này thường được nhà Vua đến dâng hương vào dịp đầu năm mới. Ngày nay, truyền thống đó vẫn được Nhân dân Thủ đô tiếp nối. Mỗi ngôi đền ở đây, đều có ý nghĩa và những nét đặc trưng riêng.
“Thăng Long tứ trấn” gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long để ngày đêm bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ chính bởi lịch sử hình thành và nét đẹp văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt.
Được cho là nơi lưu giữ linh khí của Thủ đô, mỗi đầu xuân năm mới, thực hiện truyền thống cầu may, người dân đều tìm về "Thăng Long tứ trấn" để vãn cảnh, dâng nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh, mong một năm yên ấm, sung túc và bình an.
Phía Đông - đền Bạch Mã
Được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 là nơi thờ thần Long Đỗ - vị thần có gốc Hà Nội cổ, ngôi đền trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền Bạch Mã là một ngôi đền cổ kính, linh thiêng được kính phục và tôn sùng.
Theo sử liệu, đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866. Sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào năm 1010 thì đền được xây dựng lại theo hình chữ "tam", bên ngoài là phương đình tám mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình "vỏ cua" (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Đền hiện còn bảo quản được tượng và nhiều di vật quý như tượng thần Long Đỗ từ thời nhà Lê - thế kỷ XVII, 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong thời Nguyễn, nhiều đồ thờ tự khác.
Hình ảnh ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng rất linh thiêng của ngôi đền, được dân chúng bao đời tôn sùng, kính phục. Hàng năm, đền thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch và có đoàn rước kiệu mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa đông qua và đón mùa xuân mới, mong sao cho mùa màng bội thu, Nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc, đó chính là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình ảnh hưởng từ Đạo giáo, chính sự dung hòa đó đã tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội đền Bạch Mã.
Vẻ đẹp của đền Bạch Mã - Đông trấn dường như đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu ở phố cổ Hà Nội, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đền ấy vẫn đứng vững, hiên ngang, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay mãi yên bình.
Tương truyền, đây là miền đất thiêng được dòng sông Tô Lịch ôm ấp bao bọc. Miền đất Long Đỗ chính là ngọn núi Nùng, nơi mà Lý Nguyên Gia (822) lập đền thờ thần Tô Lịch và tôn làm Thành Hoàng. Câu chuyện hình thành đền Bạch Mã gắn liền với việc xây thành Đại La của Cao Biền và đắp thành Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ.
Cuốn sách cổ "Việt Điện U Linh" có ghi, ngày ấy Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Sau rất nhiều lần đắp thành không được, vua cho người cầu khấn nơi đền Long Đỗ. Bỗng thấy ngựa trắng đi ra từ trong đền, nhanh chóng lần theo vết chân ngựa, nhà vua đã phác hoạ được bản đồ xây thành. Bản đồ phỏng theo vết chân ngựa trắng đã giúp đắp thành đứng vững thành công và từ đó thần Long Đỗ được vua phong hàm "Quốc đô định bang Thành Hoàng Đại Vương".
Qua nhiều lần trùng tu, đền Bạch Mã hiện nay vẫn thấp thoáng nét kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn vào thế kỷ 19. Kiến trúc đền được xây theo hình chữ "Tam", quay về hướng Đông Nam, có một tam bảo và 13 hoành phi. Đền được bố trí theo chiều dọc gồm: Phương môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Tượng thờ Bạch Mã (ngựa trắng) được đặt ở chính điện, khám thờ thần Long Đỗ tại vị trong cung cấm.
Đền Bạch Mã được xếp hạng Di tích lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986, trở thành một biểu tượng lừng lững ở phố cổ Hà Nội. Với quy mô bề thế trên diện tích hơn 500 m2, di tích lịch sử đền Bạch Mã không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn sở hữu nét kiến trúc điêu khắc đặc sắc từ thời Lý, Trần mang tính nghệ thuật cao và lưu giữ những tư liệu quý giá về lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Phía Tây - đền Voi Phục
Nằm bên hồ Thủ Lệ thuộc địa phận phường Cầu Giấy, quận Ba Đình với những tán cổ thụ lớn xanh mát là nơi toạ lạc của đền Voi Phục. Đền được xây dựng vào năm 1065 thời nhà Lý và trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long. Nơi đây thờ thần Linh Lang - Hoàng tử thứ 4 của Vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 - Dương Thị Quang. Hoàng tử Linh Lang là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076. Sau khi mất, Hoàng tử được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà Vua sắc phong là Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần cai quản Tây trấn để giữ bình yên cho phía Tây kinh thành Thăng Long.
Trải qua biết bao biến cố và chiến tranh, đặc biệt là sau khi bị thực dân Pháp phá huỷ, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Ngày nay, đền đã được tu sửa khang trang hơn.
Sở dĩ đền còn có tên gọi là đền Voi Phục vì phía trước đền có đắp hai con voi quỳ gối, tương truyền khi Hoàng tử Linh Lang đi đánh giặc thì có con voi quỳ xuống thuần phục người đưa Hoàng tử lên trên vành voi để ra đánh giặc, con voi nó biết coi trọng người tài giúp nước, biết phục xuống đưa lên bởi vậy mới có hình ảnh hai con voi quỳ phía trước cổng đền và được người dân gọi là đền Voi Phục. Đi vào phía trong đền, bạn sẽ được ngắm nhìn nhiều chi tiết chạm khắc hình rồng cùng các hoạ tiết trang trí hoa lá tỉ mỉ trong khung cảnh vô cùng yên tĩnh và thanh bình. Đền không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc.
Đền Voi Phục có các tên khác là Đền Thủ Lệ, Đền Linh Lang. Tương truyền, đền Voi Phục được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời vua Lý Thánh Tông trên một khu gò cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ - một trong 13 làng trại ở phía tây kinh thành Thăng Long. Đền có kết cấu kiểu chữ "công" gồm tiền tế, trung đường, hậu cung.
Trong đền còn có hai pho tượng được làm bằng đồng và có hòn đá to có vết lõm, là nơi Hoàng tử Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long trườn xuống hồ. Mặc dù đã trải qua khá nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đền cũng đã thay đổi khá nhiều, mặc dù vậy ngôi đền vẫn giữ được vẻ uy nghi, sự linh thiêng vốn có.
Là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì thuộc địa phận “Tứ trấn”. Vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm đền thường tổ chức lễ hội mang tính chất mở với sự tham gia của du khách thập phương mang ý nghĩa cầu bình an, tiền tài, danh vọng, hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc, ban phúc cho Nhân dân.
Mỗi dịp lễ Tết, mồng 1 và ngày Rằm, người dân Thủ đô vẫn đến cảm tạ, vãn cảnh tại đền. Đền thờ Linh Lang Đại Vương được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 1962.
Các ngày lễ hội của đền Voi Phục
- Ngày 14 tháng Giêng: hội tế khai sắc, rước khai xuân.
- Ngày 10 tháng Hai: hội tưởng niệm ngày Thánh hoá.
- Ngày 15 tháng Ba: kỷ niệm ngày sinh của Thánh mẫu Vương phi Hạo Nương.
- Ngày 12 tháng Tám: hội tưởng niệm ngày hoá của Thánh mẫu - Vương phi Hạo Nương.
- Ngày 13 tháng Chín: kỷ niệm ngày đại yến, Vua cha Lý Thánh Tông mở tiệc khao thưởng tướng sĩ.
- Ngày 13 tháng Chạp: kỷ niệm ngày sinhh của Hoàng Tử (Đức Thánh Linh Lang Đại Vương).
Phía Nam - đền Kim Liên
Đền Kim Liên trước thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đền Kim Liên còn được gọi là Đền Cao Sơn, Đình Kim Liên, xây dựng vào thế kỷ 16 - 17, là ngôi đền trấn giữ bảo vệ kinh thành ở phía Nam - thờ thần Cao Sơn Đại Vương.
Đền được lập nên từ thời vua Lý Thái Tổ xây dựng kinh thành Thăng Long để thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền, thần Cao Sơn là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Đền Kim Liên nằm trên gò cao, bao gồm tam quan và đền thờ thần. Đền chính được xây theo kiểu chữ "Đinh" gồm tòa bái đường năm gian ở phía trước, phía sau là chính điện (hậu cung) ba gian.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền Kim Liên đã được sửa chữa, tu tạo lại. Sau này đền được bổ sung thêm cổng tam quan và các kiến trúc mới tạo nên đình Kim Liên. Các công trình trong đền được trang trí với các hoạ tiết và hoa văn công phu, sinh động mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ những tấm bia đá mang nhiều giá trị lịch sử đặc sắc.
Vào ngày 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân làng Kim Liên lại tổ chức lễ hội truyền thống với các hoạt động tế lễ để báo đáp ơn thần cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, chọi chim, thi đấu võ thuật, bóng bàn,… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Trong đền còn có tấm bia đá đen “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” ghi lại công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp Vua dành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, đây chính là di vật quan trọng nhất tại đền Kim Liên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Mặc dù đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đạ Vương, nhưng theo tiến trình lịch sử, người dân hội họp để bàn công việc nên lập thêm tam quan trước đền, tu bổ thêm một vài kiến trúc mới tạo thành đình. Bởi vậy, gọi là đình hay đền Kim Liên đều được cả.
Phía Bắc - đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh tọa lạc ở một địa thế rất đẹp trên đường Cổ Ngư, cạnh hai hồ là Trúc Bạch và Hồ Tây. Theo sử sách, đền Quán Thánh hay Quán Trấn Vũ - nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, tương truyền là người đã có công giúp vua An Dương Vương khi xây thành Cổ Loa. Đền được dựng trong Kinh thành từ thời nhà Lý (1160). Năm 1474, khi mở rộng Hoàng thành, vua Lê Thánh Tông cho di chuyển đền ra địa điểm hiện nay. Thăng Long tứ trấn không chỉ là những di tích lịch sử mà nơi đây còn là biểu tượng của đời sống tâm linh và văn hoá của người Việt.
Theo truyền thuyết, vào đời vua Hùng, nơi rừng Thiết Lâm u tối, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có hồ ly thành tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng liền sai thần Huyền Thiên giáng linh, dùng phép tiêu diệt hồ tinh, cả khu rừng Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (Hồ Tây ngày nay). Cho nên, vua Lý Thái Tổ sau khi xây dựng Kinh thành, đã cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía Tây Bắc thành để diệt yêu trừ ma.
Đền Quán Thánh có lối kiến trúc độc đáo, mỗi năm đều thu hút đông đảo người dân đến vãn cảnh, cảm tạ, cầu phúc và tham quan. Điểm đặc biệt trong đền có thờ một tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ nặng 4 tấn được đúc vào năm 1677 là tác phẩm nghệ thuật của những người thợ tài hoa làng đúc đồng Ngũ Xã, Hà Nội. Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi 8m, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của Việt Nam cách đây ba thế kỷ.
Đền Quán Thánh không chỉ lưu giữ những bảo vật quý giá mang hơi thở thời gian và còn là một chốn trấn giữ phía Bắc uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất giàu lịch sử. Vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm sẽ diễn ra lễ hội của đền nhằm tưởng nhớ người xưa có công diệt trừ tà ma, bảo vệ cuộc sống an lành, bình yên của dân chúng. Không chỉ vậy, nơi đây vào ngày mùng 1, ngày Rằm hoặc lễ Tết cũng đón tiếp lượng lớn du khách và người dân đến dâng tâm hương, cầu bình an và may mắn.
Đền Quán Thánh không chỉ là một công trình độc đáo về mặt kiến trúc mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội xưa. Đến nay, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, đền đều tổ chức lễ hội để người dân tưởng nhớ người đã có công diệt trừ tà ma, yêu quái để người dân luôn được bình yên.
Bốn ngôi đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh của mảnh đất Thăng Long đã tạo nên ý nghĩa và tầm vóc của mảnh đất kinh kỳ. Việc thờ 4 vị thần bảo vệ thành Thăng Long từ 4 phía là nét độc đáo của văn hóa tâm linh Thăng Long. Không chỉ thế, tứ trấn là những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo gắn với huyền thoại dân gian, lịch sử Thăng Long và đất nước Việt Nam. Sự tồn tại của "Thăng Long tứ trấn" là lời gợi nhắc, là dấu ấn ghi tạc về sự thịnh trị của kinh thành Thăng Long xưa và bảo vệ, che chở cho mảnh đất Hà Nội ngày nay. Và hơn hết, đây còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài khi tới thăm quan Thủ đô Hà Nội./.
Bài, ảnh - Hoàng Lan
Cùng chuyên mục
- Tags:
- mảnh đất kinh kỳ /
- 4 ngôi đền linh thiêng /
- Thăng Long Tứ trấn /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Temu dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, người mua cần làm ngay 2 điều để bảo vệ quyền lợi
DNTH: Phiên bản tiếng Việt trên website Temu đã bị gỡ bỏ.
Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024
DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...
16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...
Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV
DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...
Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’
DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...