Sáng kiến này, nhằm tích trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ và mất an toàn giao thông do việc người dân tập kết và đốt rơm rạ gây nên.
Trong thời gian vừa qua, khi mà vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đang chín rộ, nếu có dịp đi khắp các vùng thôn quê khác nhau trong tỉnh Nghệ An. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là người nông dân hối hả thu hoạch thành quả của một năm lao động. Tiếng máy gặt vang vọng khắp cánh đồng, tiếng gọi nhau, những chiếc xe đủ loại đang chở những bao thóc về nhà. Những thửa đã thu hoạch xong bà con nông dân đang tiến hành những công đoạn chuẩn bị cho vụ gieo cấy tiếp theo. Những hạt lúa được nâng niu vận chuyển về, phơi khô, làm sạch, phần để lại để dùng hàng ngày, một phần được bán đi để trang trải và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, phần thân của cây lúa, dân gian gọi nôm na là rơm, rạ, phần bỏ đi, hầu như người dân xử lý theo cách thức phơi khô và đốt, hoặc chất đống bỏ mặc nó mục rữa theo thời gian.
Với hình ảnh ánh lửa đỏ rực cả một góc trời, khói, bụi bay mù mịt. Những mảnh ruộng nằm gần đường lớn, những người chạy xe máy, xe đạp, đi bộ phải đi thật nhanh để tránh bụi, khói xông thẳng vào mặt, cay xè, nước mắt chảy ròng ròng do khói.
Năm nay những hình ảnh, ánh lửa đỏ rực, khói hòa quyện với bụi bay mù mịt đầy trời, không còn xuất hiện trên các cánh đồng của huyện Quế Phong. Thay vào đó hình ảnh những chiếc áo xanh, màu của tuổi trẻ, màu áo của những chú công an, anh bộ đội, màu áo của lực lượng biên phòng, màu áo vàng của chiến sĩ cảnh sát giao thông. Các anh vừa giúp dân gặt lúa, vừa phơi khô, hốt những ôm rơm đánh thành cây rơm cho bà con nơi đây. Có được hình ảnh đó là do Huyện đoàn Quế Phong đề xuất và thực hiện sáng kiến “mỗi Chi đoàn ít nhất một cây rơm”. Tâm sự với chúng tôi bà Lữ Thị Lan, một gia đình neo người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, ở bản Na Cày - Tiền Phong (Quế Phong), vừa phơi những hạt lúa bà vừa nói “Mấy hôm trời mưa to, gió lớn gia đình có mảnh rọng (ruộng) cứ nghĩ, chuẩn bị được ăn thì ông trời cướp mất, may mà có các cháu thanh niên với các chú làm ở ủy ban, các anh công an giúp gia đình thu hoạch chạy mưa bão. Không có các anh đó, năm nay gia đình không có cái ăn, các anh không chỉ giúp gặt lúa mà còn giúp già phơi khô, đưa rơm về nhà. Mùa đông năm nay con tru ( Trâu – pv) không phải thả rông, nhốt nó ở nhà tránh được rét lại không lo đói vì đã có rơm rồi”. Vừa nói bà Lan vừa chỉ tay về phía kho rơm đã được rơi khô và chất cẩn thận tại góp vườn.
Theo tìm hiểu được biết, thời gian này đang vào dịp thu hoạch vụ lúa Xuân 2022 trên địa bàn huyện Quế Phong, tập trung ở khu vực vùng trung tâm gồm các xã Mường Nọc, Thị trấn, Tiền Phong) – Quế Phong. Việc thu hoạch chủ yếu thực hiện bằng phương pháp cơ giới hóa, hạt lúa được mang về nhà. Rơm rạ bị quẳng khắp nơi, tập trung chủ yếu ở các con đường liên huyện, thậm chí tràn ra cả đường quốc lộ. Sau đó được người dân phơi khô và đốt tại chỗ hoặc vứt thành đống để thối rữa. Việc đốt rơm rạ tại các vị trí nói trên, gây nguy hiểm cho người người đi đường, phương tiện khi lưu thông qua vị trí đốt, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó vào mùa đông, trên khu vực miền núi thường có những đợt rét đậm, rét hại. Tập tục bà con dân tộc thiểu số, không chỉ riêng huyện Quế Phong mà còn ở các huyện rẻo cao khác khác. Trâu, bò (tài sản lớn của người dân) lại thả rông vào rừng, khe suối, mùa đông trời rét, cộng thêm nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, năm nào cũng có ghi nhận số lượng lớn trâu bò bị chết cóng. Đơn cử như năm đợt rét cuối năm 2021 đầu năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 500 con trâu, bò bị chết rét, tập trung chủ yếu các huyện vùng cao. Riêng huyện Quế Phong, đợt rét đó có 172 con bị chết, người dân vào tìm thì phát hiện nó đã chết cóng, đành xẻ thịt mang về bán, hi vọng gỡ lại được đồng nào.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lữ Thành Long, Phó Bí thư Huyện đoàn Quế Phong cho biết: “Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn giao thông, công tác phòng chống cháy nổ, Ban Thường vụ Huyện đoàn vận động các đơn vị xây dựng mô hình “mỗi Chi đoàn ít nhất một cây rơm” trong mùa thu hoạch lúa vụ Xuân 2022 nhằm giúp bà con nông dân chủ động phần nào đó nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa mưa rét, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”
Tính tới thời điểm hiện nay, do huyện Quế Phong chỉ mới có 3 xã nói trên tiến hành thu hoạch lúa đại trà. Đoàn thanh niên ngoài việc hỗ trợ người dân gặt lúa đã tiến hành phơi, thu gom và kết (xây, đánh, chất - pv) được 40 cây rơm. “Trong thời gian kế tiếp, các xã khác gặt lúa, đoàn Thanh niên với sức trẻ của mình sẽ tiếp tục giúp nhân dân thu hoạch lúa và tiến hành thu gom rơm rạ, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch “Mỗi Chi đoàn ít nhất một cây rơm” - anh Long cho biết thêm.
Với 40 cây rơm đã được thanh niên huyện nhà kết thành công và trong thời gian tới sẽ có nhiều cây rơm khác mọc lên từ sức trẻ, tinh thần tình nguyện của thanh niên huyện nhà. Mùa đông năm nay, dù có rét đậm, rét hại đi chăng nữa, đàn trâu, bò của người dân nhốt nuôi tại nhà, che chắn được gió buốt, lại có nguồn thức ăn dự trữ. Vượt qua mùa đông mà không có con trâu, bò nào chết cóng, chết rét là trong tầm tay.
Trao đổi với chúng tôi ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong chia sẻ: “Khi đoàn Thanh niên thực hiện kế hoạch “Mỗi Chi đoàn ít nhất một cây rơm”, mua thu hoạch lúa năm nay, không có cảnh người dân đốt rơm rạ hoặc để khắp nơi, có nhiều nơi để mục nát, thối rữa, vừa mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng tới môi trường. Rơm được thanh niên thu gom, kết thành cây, đây sẽ là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa đông”.
Ông Dưỡng Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đây là việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực của thanh niên Huyện nhà. Hy vọng, năm nay khi bà con nhân dân thấy được tác dụng tích cực từ việc tích trữ thức ăn cho trâu, bò nhất là vào mùa đông giá rét, qua đó thay đổi nhận thức người dân nơi đây. Những năm kế tiếp người dân không chỉ chủ động tích trữ thức ăn cho đàn trâu, bò mà còn áp dụng những phương pháp chăn nuôi hiệu quả, từng bước nâng cao kinh tế gia đình và địa phương. Đồng thời việc làm của thanh niên huyện nhà, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu tai nạn giao thông…”