Thầy chủ nhiệm và lớp tôi

21:17 | 19/11/2024

DNTH: Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), xin giới thiệu bài viết "Thầy chủ nhiệm và lớp tôi" của cô giáo Lương Nguyên Ánh Nguyệt, tổ Ngữ văn, Trường THPT Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 11
 Cô giáo Lương Nguyên Ánh Nguyệt, tổ Ngữ văn, Trường THPT Pleiku. 

Chớm đông. Gió về the thắt… Dã quỳ bung nở… Những thảm hoa vàng rực quanh đồi, quanh làng, quanh các hẻm nhỏ của phố núi, cho Pleiku có một vẻ đẹp rất riêng, ấm áp mà quyến rũ kì lạ, khiến ai một lần đến vào mùa đông nơi này thật ngỡ ngàng, mê đắm – “một Pleiku chưa xa đã nhớ”. Tháng 11 của nhiều năm trôi qua, chúng tôi vẫn ao ước một lần ngồi lại bên nhau thật lâu để chuyện trò, để được nói với Thầy chủ nhiệm những lời tri ân của những cô cậu học trò năm nào...

Cuộc sống mưu sinh bộn bề, thời gian không trở lại cho những dự định dang dở, thầy và trò tóc ngả hoa râm… nên yêu thương, cảm thông nhau, nhớ nhau nhiều hơn… Lớp 12B chúng tôi đa số được học chung lớp, chung trường từ lớp 5 đến lớp 12... Chúng tôi may mắn gặp được các Thầy chủ nhiệm đáng kính. Mỗi Thầy một phong cách khác nhau, các thầy đều chung một tình yêu thương, chăm chút chúng tôi cho mỗi giai đoạn trưởng thành…

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 7
Lớp 12B (1988-1991) gặp mặt 20 năm. 

Chúng tôi nhớ nhất Thầy chủ nhiệm lớp 12B (1988-1991) Trường THPT Pleiku 1- là người Thầy gắn bó với chúng tôi thật sâu sắc. Chúng tôi đã may mắn được sinh ra, lớn lên và học tập và làm việc tại phố núi Pleiku và được chứng kiến bao đổi thay của thành phố. Chúng tôi càng tự hào hơn khi mình là học sinh Trường THPT Pleiku (nguyên là Trường PTTH Pleiku 1). 

Ngày đó- hơn 30 năm về trước, Thầy rất trẻ, Thầy mới về Trường THPT Pleiku. Học sinh Pleiku ấn tượng với dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn của Thầy. Bạn trai lớp chúng tôi lại rất cao lớn nên nhìn Thầy như trẻ hơn cả học trò… Đôi mắt Thầy đen, to tròn và sáng long lanh… Giọng nói xứ Quảng trầm ấm… Thầy Phạm Phú Dựng.

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 2
Thầy Phạm Phú Dựng trước cổng Trường THPT Pleiku. 

Thầy bước vào lớp với vẻ mặt nghiêm nghị chào chúng tôi. Sau những lời hỏi thăm, chúng tôi vào bài học mới. Giờ học tiếng Nga của Thầy bao giờ cũng hấp dẫn chúng tôi. Thầy dạy dễ hiểu, tỉ mỉ luyện tập, sửa bài nên chúng tôi dễ dàng hiểu và thuộc bài ngay trên lớp. Thầy hiền lành, thân thiện, dễ gần! Thầy không trách phạt chúng tôi mà thầy sẽ dạy lại bài khi chúng tôi chưa hiểu. Dẫu môn học của Thầy thật khó khăn để tiếp thu với một số bạn trong lớp (môn tiếng Nga) nhưng chúng tôi luôn nghiêm túc, cố gắng, chờ đợi học môn Thầy Chủ nhiệm.

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 8
Một buổi lao động của lớp 12B.

Thầy vui tính, hay dí dỏm, hài hước, hay đọc thơ tình, hay kể chuyện cho chúng tôi nghe… Thầy đã truyền cho chúng tôi tình yêu về đất nước bạn Nga xa xôi, yêu những giai điệu, bản nhạc Nga trữ tình nhất thế giới… Mi-li-ôn, Mi-li-ôn, Mi-li-ôn, a- lứt- rốt. I-zak-na, I-zak-na, xe-rit-tươi… (Bài hát “Triệu đóa hoa hồng”). Tôi mê say học tiếng Nga. Tôi cũng đã từng ước mơ làm thông dịch viên cho chuyên gia Liên Xô, cho du lịch nước Nga. Đến bây giờ, tôi vẫn yêu những giai điệu Nga du dương, da diết đến nao lòng “Đêm dần qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới…”.

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 3
Lớp 12B (niên khóa 1988-1991).

Lớp 12B chúng tôi rất “đặc biệt” bởi chúng tôi tập trung ba đội tuyển học sinh giỏi của trường: Toán, Văn, Nga văn. Ngoài giờ học chính khóa, chúng tôi học buổi chiều để ôn luyện môn chuyên. Trường Pleiku 1 bấy giờ là trung tâm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thi cấp tỉnh và thi Quốc gia cho hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Thầy cô giáo của trường ôn luyện cho biết bao thế hệ học sinh đạt giải cấp tỉnh và Quốc gia. Thầy Hiệu trưởng của chúng tôi là thầy Bùi Tấn Tri có “giọng quát rất sang”. Thầy là “thần tượng” của thế hệ chúng tôi bởi thầy “văn võ song toàn”. Thầy giỏi chuyên môn và giỏi quản lí. Thầy rất nhớ tên học trò. Thầy thường đi thăm các lớp trong giờ ra chơi, sau vài ba câu hài hước với chúng tôi, thầy gọi “đúng phóc” tên lớp trưởng và một số bạn khác trong lớp. Chúng tôi rất sợ thầy và kính yêu thầy lắm. Thầy cũng rất “cưng” lớp chúng tôi.

Thầy chọn lớp 12B chúng tôi làm lớp điểm cho mọi hoạt động và học tập. (Ngày đó cuộc sống thời bao cấp rất chật vật, được là học sinh cấp 3 nhưng không có điều kiện may một chiếc áo dài để đến trường; nên thầy chỉ chọn 12B mặc áo dài đồng phục khi chào cờ trước toàn trường). Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, con gái lớp tôi mặc áo dài trắng, đi guốc gỗ trắng, dịu dàng trắng tinh khôi cả sân trường. Mỗi khi chúng tôi bước vào sân trường với tà áo dài trắng tha thướt, học sinh các lớp cả bốn tầng lầu đã đứng sẵn, chật kín, nhìn xuống, xem chúng tôi mặc áo dài… Đó là niềm kiêu hãnh của con gái lớp tôi. Và bất kì một ngày lễ, hội nào của trường, lớp chúng tôi lại được mặc áo dài tung tăng đi cổ vũ, tham dự.

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 9
Nữ sinh lớp 12B. 

Con gái lớp chúng tôi đông hơn con trai và nổi tiếng xinh đẹp, tài năng, học giỏi, thông minh mà cũng rất đanh đá, dữ dằn (nhất là con gái chuyên Toán). Con trai tuy ít hơn nhưng các bạn ấy rất thông minh, đều là học sinh giỏi Toán. Các bạn ấy tinh nghịch, “đầu têu” đủ trò, kể cả cúp tiết và giấu sổ đầu bài, trèo tường… Tuổi học trò mà sao không tinh nghịch? Chỉ có điều chúng tôi không cãi, không trách, không giận, không nói lời khiếm nhã với thầy cô. Học môn tự nhiên hay xã hội, lớp tôi đều có các “mũi nhọn” cho phong trào “học tốt”. Thế nên thầy cô rất thích dạy lớp chúng tôi. Thầy Chắc, Thầy Lễ, Thầy Nho, Thầy Vẽ, Thầy Dựng, Thầy Hào, Thầy Chớ, Thầy Ty… mỗi bài giảng của các thầy miệt mài với bảng đen, phấn trắng (thời đó chúng tôi không biết gì về “chuyển đổi số”) cho chúng tôi cả thế giới tri thức, kĩ năng sống, đạo lí làm người có ích! Lúc đó lớp 12 rồi mà chúng tôi cũng không biết nghĩ nhiều về “lập nghiệp” cho tương lai, chỉ đơn giản là “được đi học”, bạn nào đi đại học hay học nghề là do ba mẹ định sẵn hay nối nghiệp gia đình.

Thầy chủ nhiệm và lớp tôi 4
Tập thể lớp 12B (1988-1991) và giáo viên giảng dạy. 

Hơn 33 năm… “thời áo trắng” mộng mơ như một dòng sông kí ức thanh khiết chảy trôi… chảy trôi trong miền nhớ thẳm xa của mỗi người…. 33 năm biết bao buồn vui, thăng trầm cùng thanh xuân đi qua… Nhưng hễ nối kết được với bạn nào, hay gia đình mỗi bạn có chuyện vui, buồn là dịp chúng tôi được gặp nhau để kể chuyện “thời trẻ trâu” đi học hồn nhiên thế nào; áo vá, quần cũ, dép guốc lếch thếch và cười, và long lanh ánh mắt như sống lại tuổi 17… dù “tóc đá vôi, da đồi mồi”.

Kể sao cho hết? Tháng 11 về, nhớ da diết Thầy Cô, nhớ bạn cũ, bây giờ gặp nhau hay gọi nhau là “bạn già, bạn nối khố”.

Tôi may mắn hơn các bạn tôi, mỗi ngày đến trường được gặp thầy cô cũ, tự hào được về mái trường xưa mình là học trò bé nhỏ; nay là đồng nghiệp, là cô giáo, là người cùng Thầy Cô với chèo lái bao chuyến đò sang sông, mang tri thức nơi vùng phố núi Pleiku xa xôi hòa nhập và kiến tạo nên những vùng trời tri thức mới cao rộng, bao la. Thầy Cô dạy tôi năm xưa, nay đã nghỉ hưu, đã chuyển nơi sinh sống hoặc có Thầy Cô đã về với Đất Mẹ vĩnh hằng. 33 năm, với Thầy Cô, tôi cứ cảm thấy bé bỏng như ngày nào, vẫn bồi hồi nhớ từng bài giảng, nhớ những khuôn mặt hiền từ, giọng giảng bài, nét chữ của Thầy Cô. Nhớ sân trường, hành lang giờ ra chơi, cả ánh mắt “ai đó” như còn nồng nàn đâu đây, chưa kịp trao gởi một lời thương… những mẫu thư tình viết vội giấu trong hộc bàn và bao mối tình đầu nảy nở…  Bây giờ kể lại với thế hệ Gen Z như kể chuyện cổ tích vậy!

20/11 là ngày lễ tri ân của bao thế hệ học trò hướng về những “người thầy lặng lẽ” hiến dâng cả thanh xuân để “trồng người”. Học trò cũ xin trao gởi chút tấm lòng bé nhỏ đến quý Thầy Cô. Cầu mong Thầy Cô luôn an nhiên, tự tại, hạnh phúc với đời, như lẽ thường của tạo hóa, của đất trời, của tháng năm. 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN