Thử nghiệm ứng dụng công nghệ ngăn chặn khai thác trái phép thủy sản

17:02 | 14/10/2024

DNTH: Các tỉnh, thành có biển đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chú thích ảnh
Hơn 3.000 lượt tàu tại Khánh Hòa đã thực hiện thủ tục xuất và cập cảng thông qua hệ thống eCDT, đóng góp tích cực vào công tác quản lý chống khai thác IUU. 

Riêng tỉnh Khánh Hòa bước đầu thử nghiệm công nghệ giám sát tàu cá bằng phần mềm eCDT nhằm theo dõi hoạt động của tàu thuyền, giám sát vị trí và hành trình khai thác, đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nhờ đó, việc quản lý tàu cá đánh bắt hải sản trở nên chặt chẽ hơn, góp phần ngăn chặn hành vi khai thác trái phép thủy sản.

Tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang - cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ, ngư dân bắt đầu quen dần với việc kê khai thông tin trên máy tính bảng thay vì chỉ sử dụng giấy tờ như trước đây. Chủ tàu cá KH 93377 TS, ông Huỳnh Văn Cầm cho biết đã cài đặt phần mềm eCDT trên điện thoại di động cá nhân sau khi được cán bộ cảng Hòn Rớ hướng dẫn. Việc khai báo trước mỗi chuyến ra khơi, từ giấy tờ khai thác, đăng kiểm đến chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giờ đây được thực hiện nhanh chóng qua ứng dụng di động.

"Những thông tin này chỉ cần khai báo một lần, không phải làm đi làm lại nhiều lần, giúp thủ tục xuất và nhập cảng nhanh hơn, không mất thời gian chờ đợi", ông Cầm cho hay.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng đã trang bị các máy tính bảng loại Kiosk tự phục vụ tại các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá ở các cảng trong tỉnh: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương và Đại Lãnh, giúp ngư dân có thể thực hiện thao tác ngay tại cảng. Ngoài ra, công nghệ giám sát tàu cá hiện tại còn tích hợp hệ thống VMS, giúp cảnh báo khi tàu cá vượt ranh giới cho phép và thu thập các dữ liệu như tốc độ, hướng di chuyển và thời gian hoạt động. Những dữ liệu này được phân tích nhằm hỗ trợ công tác chống khai thác IUU hiệu quả hơn.

Ông Phạm Văn Huyến, chủ tàu cá KH 902775 TS cho biết, việc khai báo thuyền viên trước đây phải thực hiện trực tiếp tại văn phòng, mất nhiều thời gian, đặc biệt là khi tàu cập cảng đông đúc. Tuy nhiên, với phần mềm giám sát tàu cá, ông có thể chủ động hơn trong việc thực hiện thủ tục. Dù công nghệ đang trong giai đoạn thử nghiệm và còn nhiều khó khăn về thao tác, ông Huyến khẳng định rằng hệ thống này giúp quy trình dữ liệu trở nên gọn gàng hơn.

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, nói rằng lợi ích của việc sử dụng phần mềm eCDT đó là giúp hỗ trợ ngư dân thực hiện yêu cầu xuất, nhập bến, khai báo sản lượng nhanh chóng, thuận lợi, chính xác; hạn chế được các lỗi ghi trong nhật ký khai thác.

Phần mền giúp hỗ trợ doanh nghiệp khai báo hồ sơ, thẩm định trước hồ sơ cần thiết trước khi trình bản chính thức; giúp giảm nhiều thời gian để xác nhận chứng nhận, minh bạch, truy vết được nguồn gốc nguyên liệu một cách dễ dàng và lưu trữ trên hệ thống máy tính. Khi có yêu cầu của đối tác nhập khẩu, các đoàn thanh tra, kiểm tra nguồn gốc thủy sản chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ cung cấp dễ dàng, không mất nhiều thời gian như hiện nay.

"Việc áp dụng công nghệ trong quản lý tàu cá đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Dù vẫn còn gặp một số khó khăn, nhưng khi phần mềm được hoàn thiện sẽ giúp nâng cao hiệu quả khai thác và quản lý tàu cá’ - ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hoạt động mua bán tại cảng cá Hòn Rớ (thành phố Nha Trang), cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện eCDT như phần mềm mới đưa vào sử dụng, một số tính năng còn chưa ổn định, dữ liệu chưa đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời; năng lực công nghệ thông tin, kỹ năng và kiến thức của cán bộ, nhân viên tại các cảng cá nhằm hỗ trợ ngư dân truy cập hệ thống còn thiếu…

Để khắc phục những tồn tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đến nay, Khánh Hòa đã đăng ký mở 197 tài khoản trên hệ thống eCDT, hướng dẫn cài đặt phần mềm cho 66 cán bộ và hàng trăm chủ tàu cá. Hơn 3.000 lượt tàu đã thực hiện thủ tục xuất và cập cảng thông qua hệ thống này, đóng góp tích cực vào công tác quản lý chống khai thác IUU.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà, việc triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm eCDT trên toàn quốc còn phục vụ chống khai thác IUU và tháo gỡ Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời để có số liệu cung cấp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn tập huấn cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực thủy sản; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân trong việc cài đặt và sử dụng phần mềm nói trên. Khi chủ tàu, thuyền trưởng lên làm thủ tục xuất, nhập bến tại các cảng cá; gửi tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm qua Zalo tới các Doanh nghiệp thường xuyên xác nhận nguyên liệu thuỷ sản tại Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ và hướng dẫn cài đặt khi doanh nghiệp có nhu cầu.

Hiện nay, Hệ thống giám sát tàu cá và phần mềm truy xuất nguồn gốc eCDT là 2 hệ thống khác nhau hoạt động độc lập chưa được tích hợp với nhau. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ đề xuất kiến nghị Cục Thuỷ sản nghiên cứu nâng cấp hệ thống, kết hợp 2 hệ thống trên để thuận tiện hơn trong điều hành và giám sát hoạt động của tàu cá, ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết thêm.

Kết quả ban đầu từ việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ giám sát tàu cá nói trên tại Khánh Hòa đã mang lại những tín hiệu tích cực. Việc áp dụng phần mềm eCDT không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn giúp ngư dân tiết kiệm thời gian và giảm thiểu các thủ tục rườm rà.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là về kỹ thuật và sự quen thuộc của ngư dân với công nghệ, nhưng với sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý, cùng sự hợp tác của ngư dân, công nghệ này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả.

Việc triển khai phần mền này là một trong những nội dung rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện 2 khuyến nghị lớn của EC. Góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của quốc tế trong chống khai thác IUU.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Khỉ sống 6 tháng nhờ thận lợn chỉnh sửa gene

DNTH: Một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã đạt được bước đột phá lớn, với việc khiến một con khỉ có thể sống trong 6 tháng với quả thận lợn được chỉnh sửa gene.

Hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày

Theo thông tin ngày 30/11 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), năm 2024, hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Hạ tầng số và công nghệ mới tạo bước tiến cho Internet Việt Nam

DNTH: Sáng 27/11, Hội thảo, Triển lãm Ngày Internet 2024 (Internet Day 2024) với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)” đã khai mạc tại Hà Nội.

Các nhà khoa học Caribe biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe

DNTH: Khi số lượng lớn tảo biển xâm lấn dạt vào bờ biển Caribe năm 2011, người dân địa phương đã vô cùng lúng túng.

Meey Group chia sẻ giải pháp công nghệ bất động sản thông minh

DNTH: Ngày 22/11, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã có bài thuyết trình ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024, đề cập nhiều sản phẩm số ứng dụng AI trong lĩnh vực...

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

DNTH: Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Việt Nam khoá XII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

XEM THÊM TIN