Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: 'Đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được một câu hỏi nào từ doanh nghiệp về EVFTA'

15:47 | 29/06/2020

DNTH: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây. Tuy nhiên, chia sẻ trong nỗi lo ngại, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: EVFTA đã kết thúc đàm phán được 5 năm nhưng đến nay Bộ vẫn không nhận được một câu hỏi nào từ phía doanh nghiệp.

Tại hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19?”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ lo ngại khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực nhưng cho đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp trong nước còn rất thờ ơ với hiệp định.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, EVFTA đã kết thúc đàm phán được 5 năm, trong khoảng thời gian đó các Bộ, ngành đã thực hiện không biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo. Đặc biệt thông qua cổng thông tin có chuyên mục hỏi đáp để tất cả các doanh nghiệp quan tâm có thể đặt câu hỏi. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, khi mà hiệp định sắp có hiệu lực thì Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ câu hỏi nào của cộng đồng doanh nghiệp.

tran-quoc-khanh

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và thương mại quốc tế.

"Đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà bán hàng chờ khách hàng đến mua, chẳng cần biết ông đấy là ai. Còn nhập khẩu thì hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà chờ hàng về để nhận nên không quan tâm đến thuế bên ngoài. Đang rất ít doanh nghiệp tỏ ra quan tâm tới EVFTA", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian thực thi EVFTA đang đến gần. Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các bên có thể thoả thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác.

EVFTA được Việt Nam phê chuẩn và thông báo cho EU vào tháng 6/2020. Như vậy Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, trừ khi 2 bên có thoả thuận khác.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Một số sản phẩm sẽ hưởng lợi lớn ngay sau khi EVFTA có hiệu lực gồm: Giày dép, thuỷ sản, gạo, đường, mật ong, nông sản, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh... sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các sản phẩm khác thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan: EU dành cho các doanh nghiệp Việt hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, và 350 tấn nấm. Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.

Nan giải bài toán "chứng nhận CO"

Đứng trước nhiều cơ hội, nhưng vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu "đau đầu", cho rằng sát sườn nhất với doanh nghiệp vẫn là bài toán giấy chứng nhận CO (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa). Chia sẻ tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, châu Phi cho biết, khó khăn lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp là chứng nhận CO. 

"Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ từ năm 2018 đến nay, làm CO là cái khó nhất, đặc biệt là khi phải đăng ký ở VCCI. Có những giấy chứng nhận CO phải 2,5 tháng mới lấy được và khi ấy chắc chắn là lỗ cả lô gỗ vì không thông quan được do chưa lấy được giấy chứng nhận CO", doanh nghiệp bày tỏ bức xúc.

Ông Trần Việt Cường, đại diện cho doanh nghiệp Cacao Đồng Nai cũng bày tỏ lo ngại xung quanh vấn đề truy xuất nguồn gốc. "Nhà nước nên làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, nhà sản xuất bằng việc làm đồng bộ, áp dụng mã vạch cho từng khâu chuẩn, minh bạch để doanh nghiệp có phương tiện làm việc với đối tác", ông Cường nói.

Từ thực tiễn sản xuất, ông Cường cho biết, sản phẩm cacao của công ty dù sản xuất 100% trong nước nhưng lại khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm với đối tác. "Khi không chứng minh dược dẫn tới mất cơ hội với đối tác, để các đối thủ cạnh tranh ở Indonesia và Philippines lấy mất thị trường", ông Cường nhấn mạnh.

Trả lời những vấn đề trên, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp và cho rằng CO là tiêu chuẩn rất quan trọng với doanh nghiệp. "Muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải chứng minh được các tiêu chí xuất xứ, từ nguyên liệu đầu vào đáp ứng chuẩn của Hiệp định". Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 15/6/2020, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11 hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, EVFTA tạo ra một cách chơi hoàn toàn mới, khác với WTO và chúng ta là những nước đầu tiên dám thử chơi. 

"Là những nước đi đầu, vừa có cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức Như Thủ tướng nói, EVFFTA đã mở ra con đường cao tốc để kết nối Việt Nam - EU. Đường cao tốc rõ ràng đi nhanh hơn nhưng cũng dễ xảy ra tai nạn hơn. Vì thế cần chuẩn bị tốt để có tâm thế mới để thích ứng với cách chơi mới", ông Thái nói.

Nói về EVFTA, ông Thái ví như một quảng cáo của Trung Quốc thời thế vận hội Olympic Bắc Kinh, tất cả mọi người dân đều nhảy lên vui mừng, nhưng chỉ có một em bé lặng lẽ mơ về giải vô địch Olympic ở trong nước. "Chúng ta cũng nên biết lập kế hoạch cho tương lai, trước khi vui mừng quá sớm", ông Thái nói.

Theo https://nhadautu.vn/thu-truong-tran-quoc-khanh-den-nay-bo-cong-thuong-van-chua-nhan-duoc-mot-cau-hoi-nao-tu-doanh-nghiep-ve-evfta-d39197.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tiên phong thực hành ESG, Nestlé Việt Nam lan tỏa thông lệ tốt về thúc đẩy bình đẳng giới

DNTH: Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị....

Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào vụ sản xuất 2024-2025

DNTH: Sáng 4/12, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Nhà máy Đường An Khê-Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã chính thức nhấn nút bước vào vụ sản xuất 2024-2025.

Xe điện VinFast ‘hút’ người trẻ tại chuỗi sự kiện Zalopay YEF 24

DNTH: Dàn xe điện cá tính, sành điệu của VinFast với tâm điểm là VF 7 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng trẻ đến tham gia chuỗi sự kiện Zalopay Year End Fes 2024 (Zalopay YEF 24).

Chiến lược đồng hành cùng người tiêu dùng của Masan Group

DNTH: Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong 3 quý năm 2024 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Chuyển đổi số xanh tại KCN Hải Phòng, hướng tới phát triển bền vững

DNTH: Việc ứng dụng công nghệ để xanh hóa các khu công nghiệp là một mục tiêu quan trọng mà Hải Phòng đang hướng tới để chuyển đổi số xanh toàn diện, hướng tới phát triển bền vững.

Biệt thự tứ lập Ánh Dương hút giới đầu tư sành sỏi trong giai đoạn cao điểm cuối năm

DNTH: Thị trường bất động sản đã bước vào chu kỳ mới, kéo theo khẩu vị của giới đầu tư cũng khắt khe hơn trước, ưu tiên dòng sản phẩm giàu tiềm năng tự thân, như biệt thự tứ lập tại phân khu Ánh Dương - Vinhomes Ocean Park 3.

XEM THÊM TIN