Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 - Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
10:57 | 20/04/2023
DNTH: Ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, luôn coi CCHC là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Nhận thức và hành động về CCHC tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm: cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số; lấy con người là trung tâm; cải cách đóng vai trò dẫn dắt; công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng và đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia.
Đề án 06 được chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Trong quý I/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 01 Công điện với nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy triển khai.
Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 03 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".
Các cơ quan đã xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin (81,6%).
Đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo được đẩy mạnh. Đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình xử lý 550.000 văn bản/tháng (tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm).
Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.
Một số hạn chế tồn tại
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (như phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…).
Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách.
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỉ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%); số hóa hồ sơ, kết quả TTHC còn chậm, thiếu hướng dẫn về lưu trữ điện tử phục vụ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, bằng giấy tờ. Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành chưa được triển khai, hoặc triển khai còn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành...
Các hệ thống công nghệ thông tin chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả, tổng thể, bao trùm, xuyên suốt; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, còn tình trạng "cát cứ thông tin", "co cụm dữ liệu".
Xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tốt, tỉ lệ thấp. Nhân lực cho giải quyết TTHC có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao. Công tác thông tin, truyền thông còn hạn chế. An ninh, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều "điểm nghẽn" trong Đề án 06 vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành thể chế, chính sách còn chậm, hạ tầng số của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa bảo đảm an toàn thông tin.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế có cả chủ quan và khách quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành, địa phương.
Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Việc công bố, công khai TTHC, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời. Việc thực hiện quy định không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận thông tin về cư trú chưa nghiêm.
Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời. Các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu. Hạ tầng số, trang thiết bị còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư kịp thời...
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như đây là những vấn đề mới, khó, nhiều lực cản, phạm vi rộng, nguồn lực lớn, tác động đến nhiều đối tượng, đòi hỏi phải có thời gian thích ứng cũng như thay đổi thói quen, cách làm cho phù hợp… năm 2022, có thay đổi về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng và chỉ số CCHC với yêu cầu cao hơn, nhiều nội dung và bao trùm hơn nhằm tăng tính khách quan, toàn diện.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả trong cải cách hành chính, TTHC. Trong cùng một điều kiện, môi trường pháp lý như nhau, ở đâu người đứng đầu quyết liệt, quan tâm, chủ động thì ở đó mang lại hiệu quả cao hơn.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan.
Luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm "trên, dưới, dọc, ngang thông suốt" vì lợi ích chung.
Thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số; cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để hiện đại hóa nền hành chính.
Tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ: chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.
"Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường. Có giải pháp tích cực, hiệu quả để ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguy cơ ảnh hưởng tới hiệu quả cải cách hành chính.
Chú trọng công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, chuyển từ "làm thay, làm hộ" sang hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, giúp hình thành thói quen giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân về những điểm mới, những điểm khó trong thực thi chính sách…
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC. Nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Thực hiện tham vấn, tương tác nhiều hơn với đối tượng tác động, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng.
Đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023.
Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh. Kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021.
Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ; khẩn trương xử lý các văn bản phối hợp
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số CCHC năm 2022 xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các "điểm nghẽn" về hoàn thiện thể chế; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực để triển khai Đề án 06.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý, các quy định cần bảo đảm sát thực tế, khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 9/2023. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.
Xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm từ ngày 01/6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6/2023.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%; tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%.
"Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC", giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển. Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ; việc thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành chuẩn hóa chế độ báo cáo, cập nhật các chỉ tiêu điều hành, thống kê kinh tế - xã hội trên Hệ thống thông tin báo cáo của cơ quan mình, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin của Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả. Khẩn trương ban hành hướng dẫn về lưu trữ điện tử trên cơ sở quy định của pháp luật để các bộ, ngành, địa phương thực hiện lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; khai thác, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC, hoàn thành trong tháng 5/2023. Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Thủ tướng yêu cầu.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Đại học Bách Khoa Hà Nội khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc, nâng cao kiến thức hỗ trợ triển khai Đề án 06 cho cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi phí đào tạo truyền thống; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 6 năm 2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành đánh giá tình hình nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo việc mở rộng dung lượng băng thông đường truyền, xóa vùng lõm sóng di động, cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong quý III năm 2023.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong triển khai Đề án 06, trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách TTHC, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy việc hấp thụ vốn trong điều kiện hiện nay.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần khẩn trương ban hành các thông tư, đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thực chất hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cả nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Trung ương, Quốc hội giao, góp phần thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Sau cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội năm 2023. /.
Hoàng Lan
Cùng chuyên mục
- Tags:
- Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ /
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 /
- Thủ tướng Phạm Minh Chính /
- Ban chỉ đạo /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
DNTH: Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ...
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
DNTH: Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham...
Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đóng góp trách nhiệm, hiệu...
DNTH: Chuyến công tác tại Brazil và Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, đề xuất có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa của Việt Nam đối với các...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản)
DNTH: Tối 15/11, tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) Kuroiwa Yuji - người đã được trao tặng Huân chương hữu nghị của Việt Nam và cùng đoàn đại biểu chính quyền, doanh nghiệp tỉnh thăm Việt Nam 7 lần, Thủ tướng Phạm Minh Chính...
Thủ tướng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm Dominica
DNTH: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân sẽ có chuyến công du Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh G20, tiến hành các hoạt động song phương và thăm chính thức Cộng hòa Dominica.
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
DNTH: Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...