Trả lời phỏng vấn của Bloomberg TV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định sự ổn định của tiền Đồng và kinh tế vĩ mô đã giúp các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế, tự tin phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Trong năm 2018, tiền Đồng đã tương đối ổn định so với các loại tiền tệ khác ở châu Á, chẳng hạn như đồng Rupee của Ấn Độ và Rupiah của Indonesia.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam sẽ không thực hiện phá giá tiền Đồng (VND) để tăng cường xuất khẩu ngay cả khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu làm tổn thương các nền kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào các hoạt động thương mại, ở Đông Nam Á.
"Chúng tôi sẽ giữ cho tiền Đồng ổn định. Đó là chính sách của Việt Nam” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn của phóng viên Bloomberg.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục có kế hoạch duy trì chính sách lãi suất và tỷ giá hối đoái để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan tâm khác là tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng cũng được Thủ tướng tiết lộ.
Có kế hoạch cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần lớn hơn tại các ngân hàng
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam vẫn có kế hoạch cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần lớn hơn tại các ngân hàng.
"Tuy nhiên, với một số ngân hàng nhà nước có quy mô lớn, chúng tôi vẫn cần giữ lại phần lớn cổ phần để duy trì sự ổn định kinh tế. Còn đối với các ngân hàng tư nhân, chúng tôi thấy cũng có nhiều nhà đầu tư tìm đến hơn. Các ngân hàng nước ngoài cũng đang hoạt động tốt ở Việt Nam. Chính phủ sẽ cố gắng giảm lãi suất và nợ xấu ở các ngân hàng" - Thủ tướng cho biết.
Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường tham dự diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ với tâm thế “sẵn sàng để nắm lấy cơ hội”.
Theo Bloomberg, một nền kinh tế tăng trưởng tốt, có những chính sách thân thiện với kinh doanh và một Chính phủ ủng hộ tự do thương mại chính là tất cả những gì các nhà đầu tư có thể mong đợi trước bổi cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Và Việt Nam đang lặng lẽ định hình mình như là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà sản xuất - những người đang hết sức cảnh giác để không bị kéo vào những phiền toái liên quan đến cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều tín hiệu cho thấy làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, nguồn lao động giá rẻ và vị trí địa lý chiến lược gần với Trung Quốc, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều câu chuyện hấp dẫn để chia sẻ với các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Davos.
Tất nhiên, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, Việt Nam cũng cần phải khắc phục những tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và thiếu công nhân chất lượng cao./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...