Thương hiệu vang bóng một thời: Liên Thành, thương hiệu nước mắm lâu đời nhất Việt Nam
14:41 | 30/12/2020
DNTH: “Liên Thành thương quán được sáng lập năm 1906 để hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Qua hơn 100 năm, sứ mệnh Duy Tân của Liên Thành đã hết, nhưng tinh thần dân tộc không hề mất đi. Nó được cẩn thận giữ gìn trong hương vị tinh túy Việt của từng giọt nước mắm mà bạn có thể cảm nhận…”. Chỉ một câu giới thiệu ngắn gọn vậy thôi cũng đủ để nói lên bề dày truyền thống lẫn chất lượng hảo hạng, đậm đà hương vị Việt của thương hiệu nước mắm có tuổi đời 114 năm này.

Phương pháp kinh doanh cách tân
Năm 1906, hưởng ứng phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, Liên Thành Thương Quán (Tên tiếng Pháp: Société de Lien Thanh) được thành lập tại Phan Thiết bởi các sĩ phu yêu nước.
Sáu vị sáng lập viên đầu tiên gồm các nhà tri thức Nho học, Tây học, quan lại viên chức cả ở Trung và Nam Kỳ đồng chí, đồng lòng, với lòng yêu nước, góp của, góp công sức, vượt bao khó khăn để thành lập và phát triển thương hiệu Liên Thành.

Thời ấy, các ngành nghề chính trong công nghiệp và thương mại đều bị tư bản Pháp và Hoa kiều nắm giữ. Trong khi đó, nước mắm là ngành nghề kinh doanh nhỏ, lại có nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào và phong phú nên rất phù hợp để kinh doanh lúc bấy giờ.
Ngay từ khi ra đời, những người sáng lập ra hãng nước mắm Liên Thành đã xây dựng chiến lược thương hiệu rõ ràng, có tên gọi, logo đầy đủ. Tên gọi Liên Thành có nghĩa là “Thành Hoa Sen”, tượng trưng cho người quân tử, trong sạch tựa như hoa sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan. Đồng thời, chọn logo là hình ảnh “con voi đỏ”, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt của dân tộc Việt Nam.
Tuy là sản phẩm được làm bằng phương pháp cổ truyền nhưng những người sáng lập ra Liên Thành đã vận dụng phương pháp kinh doanh cách tân. Trước hết, hãng đầu tư mạnh vào việc quản lý chất lượng như: lập phòng hoá nghiệm, huấn luyện kỹ thuật viên, quan hệ với hãng Kubota của Nhật để trang bị máy móc tân tiến, xây dựng thương hiệu và chống hàng giả, hàng nhái.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Liên Thành mở rộng mạng lưới phân phối. Năm 1917, Liên Thành Thương Quán dời trụ sở chính vào Chợ Lớn, mua thêm một lô đất ở Khánh Hội (số 243 Bến Vân Đồn, Phường 5, Quận 4, TP HCM) xây vựa chứa nước mắm.
Năm 1922, do Tổng cuộc ở Chợ Lớn phí tổn quá lớn, Hội đồng quản trị quyết định xây nhà cũ ở Khánh Hội và trả lại phố ở Chợ Lớn, Tổng cuộc Liên Thành chính thức ở 243 Bến Vân Đồn và hiện nay cũng là trụ sở chính của Công ty Liên Thành.

Năm 1918, Liên Thành bước sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tham gia các hội chợ ở Hà Nội và dự cuộc đấu xảo ở Marseille, Pháp, tạo được tiếng vang lớn. Từ đó về sau, Liên Thành dần mở rộng mạng lưới phân phối khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam và xuất khẩu sang cả Campuchia và một số nước châu Âu.
Liên Thành còn xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón không mùi từ xác cá tại Phú Hài, Phan Thiết vào năm 1960. Trong ngành sản xuất nước mắm, đây là một phát kiến quan trọng để tận thu phế phẩm. Sản phẩm phân bón Phú Hài nhanh chóng được các nhà vườn Đà Lạt chấp nhận tiêu thụ.
Sống lại thương hiệu trên trăm tuổi
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Công ty sản xuất nước mắm Liên Thành được giao lại cho công ty thực phẩm của TP HCM, sản phẩm làm ra được phân phối theo dạng can nhựa, không nhãn hiệu. Danh tiếng của sản phẩm cũng dần dần mai một. Mãi đến năm 1997, bắt đầu có một phần sản phẩm nước mắm được bán ra dưới dạng chai có dán nhãn Liên Thành. Năm 2001, Liên Thành thực hiện cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty cổ phần Chế biến thuỷ hải sản Liên Thành cho đến ngày nay.

Lúc này, các thương hiệu nước mắm trong và ngoài nước thi nhau mọc lên, quảng cáo rầm rộ, tiếp thị hùng hậu. Thị hiếu người tiêu dùng lúc này đã thay đổi, thích ăn nước mắm pha thêm nhiều gia vị, không còn ưu tiên cho nước mắm giàu đạm và bổ sung chất dinh dưỡng.
Đội ngũ lãnh đạo của Liên Thành hiểu rằng, muốn thương hiệu phát triển thì phải quảng cáo. Năm 2005, Liên Thành bắt đầu xây dựng đội ngũ bán hàng và đầu tư mạnh vào marketing.
Ngoài việc phải luôn đảm bảo sản phẩm ngon, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP…, Liên Thành chú trọng cả chuyện quảng bá và có phương thức kinh doanh hiện đại. Liên Thành mời chuyên gia thiết kế lại logo, bao bì, nhãn hàng. Công ty cũng chăm lo xây dựng loạt cửa hàng có hệ thống nhận diện thương hiệu riêng, quy mô vừa nhỏ, trang trí phù hợp đủ để cho người dùng ghi nhớ.
Năm 2009, ngoài dòng sản phẩm nước mắm cao cấp có độ đạm cao dành cho khách hàng truyền thống, Liên Thành còn tung ra dòng sản phẩm trung cấp để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.

Tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng, Liên Thành có các dòng sản phẩm khác nhau. Nếu như thực khách thích sử dụng loại nước mắm có vị mặn, đậm đà, nguyên chất thì có nhãn Bạc. Còn nhãn Vàng, nhãn Đồng dành cho thực khách có khuynh hướng thưởng thức loại nước mắm có mùi nhẹ, vị dịu, nhạt muối. Để bổ sung chất sắt phòng chống thiếu máu do thiếu sắt trong cộng đồng, Liên Thành có nhãn Xanh cho người tiêu dùng cần bổ sung chất sắt. Đối với đại đa số người tiêu dùng chỉ cần ngon và rẻ, Liên Thành đã có nhãn Đỏ phục vụ.
Đặc biệt, nhãn “Cốt nhĩ tự nhiên” là loại nước mắm cốt được kéo rút cốt đầu tiên, không pha bất cứ phụ gia nào, dành cho những khách hàng sành ăn để cảm nhận tất cả sự tinh túy của giọt nước mắm. Ngoài ra, hãng còn sản xuất thêm loại nước mắm chay.
Tại thị trường trong nước, nước mắm Liên Thành có mặt ở hầu hết các tỉnh thông qua hệ thống siêu thị, các nhà phân phối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm…
Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hiện nay, các sản phẩm của Liên Thành đã có mặt tại các nước Mỹ, Nga, Philippines, Nhật… Đặc biệt, từ năm 2009, Liên Thành được cấp Code EU, giấy thông hành vào thị trường châu Âu đã mở ra nhiều cơ hội để Liên Thành đưa thương hiệu nước mắm có tuổi đời lâu nhất của Việt Nam ra với thế giới.
Hoài Thương
Theo VNF
Cùng chuyên mục
-
Tags:
- nước mắm Liên Thành /
- thương hiệu vang bóng /
- nước mắm /
- Chia sẻ:
-
-
-
Bình luận (0)

Stavian và Shinec ký thoả thuận hợp tác chiến lược về bất động sản công nghiệp
DNTH: Ngày 3/4/2025, tại Thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Stavian và Tập đoàn Shinec chính thức ký kết hợp tác chiến lược triển khai các dự án bất động sản công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nhà sản xuất Baby Three cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và đổi trả sản phẩm từ 30/3
DNTH: Trước làn sóng tẩy chay sản phẩm Baby Three của người tiêu dùng với lý do sản phẩm có hình ảnh “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mới đây, nhà sản xuất Baby Three đã lên tiếng cam kết “tuân thủ tuyệt đối...

Trái phiếu xanh cho nông nghiệp: Huy động tài chính cho các sáng kiến chuyển đổi
DNTH: Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thích ứng với khí hậu và phát thải thấp đòi hỏi sự đổi mới, trong đó có huy động tài chính trên quy mô lớn.

Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá khi tối ưu hoá vận chuyển hàng hoá tươi sống
DNTH: Cùng với sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu nhóm hàng hóa tươi sống tại Việt Nam, củng cố chuỗi cung ứng lạnh và cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu.

BSR chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với giá dầu thô giảm
DNTH: Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu các ảnh hưởng của giá dầu thô đang giảm...

LocknLock ra mắt nhận diện thương hiệu mới
DNTH: Thương hiệu gia dụng đến từ Hàn Quốc LocknLock chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới sau 7 năm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và mở rộng thị trường quốc tế.
Đô thị cuộc sống
-
Trong tháng 4 mưa đá có thể xuất hiện nhiều
-
2 kỳ nghỉ lễ trong tháng 4/2025 của công chức, viên chức và người lao động
-
Mùa hè năm 2025 sẽ nắng nóng ít gay gắt hơn
-
Gần 60% tổng số xã của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
Hội thảo "Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ"
-
Hành trình khám phá ẩm thực độc đáo ở trái tim Thụy Sỹ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...