Thương lái ngại ngần cọc mua lúa đông xuân

08:49 | 16/01/2025

DNTH: Cần Thơ Giá lúa đông xuân giảm sâu so với năm ngoái, nhiều nông dân lo lắng, thương lái ngại không đặt cọc thu mua, tâm lý chờ giá tăng khiến bà con thêm áp lực.

Thời điểm này, hầu hết các cánh đồng lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 của huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đang bước vào giai đoạn trổ và dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Thế nhưng, nhiều nông dân nơi đây lo lắng, vì giá lúa từ đầu vụ đến nay liên tục rớt xuống mức thấp.

Nông dân Hà Thanh Cần ở ấp Đông Thắng, xã Đông Thuận vụ này canh tác khoảng 3ha giống lúa Đài Thơm 8. Vụ đông xuân năm ngoái giá lúa đạt 8.000 đồng/kg, thì đến nay qua “dò giá” từ một số thương lái chỉ còn khoảng 6.100 - 6.200 đồng/kg.

Anh Hà Thanh Cần ở ấp Đông Thắng, mong muốn giá lúa được giữ ổn định để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Anh Hà Thanh Cần ở ấp Đông Thắng, mong muốn giá lúa được giữ ổn định để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Năm trước vào thời điểm này, gia đình anh Cần đã nhận tiền đặt cọc từ thương lái, nhưng năm nay do giá lúa rẻ, anh buộc lòng phải đợi gần tới ngày thu hoạch sẽ bán theo giá thị trường.

“Giờ thương lái bỏ cọc với mức giá “chết” là 6.100 - 6.200 đồng/kg, nếu khi cắt lúa giá có lên vẫn cân đúng giá này hoặc thương lái sẵn sàng bỏ tiền cọc và thu mua lại theo mức giá thị trường để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Do đó, đa số bà con ở đây chưa ai chịu nhận tiền đặt cọc”, ông Cần bộc bạch.

Xã Đông Thuận hiện có khoảng 4 - 5 thương lái thu mua lúa. Tuy nhiên, hầu hết thương lái chỉ nhận đăng ký số lượng mua bán từ bà con nông dân, không định giá trước hoặc đặt cọc như mọi năm.

Kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa, anh Cần cho rằng, giá lúa đông xuân biến động lớn thường diễn ra theo chu kỳ khoảng 6 - 7 năm sẽ lặp lại, có thời điểm giảm sâu xuống tới 5.000 đồng/kg, cũng có thời điểm lên cao trên 8.000 đồng/kg. Anh mong muốn giá lúa được giữ ổn định khoảng 7.500 đồng/kg để đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và bà con nông dân.

Từ chia sẻ của anh Hà Thanh Cần và một số nông dân lân cận, cho thấy tâm lý chung là chờ giá lên để quyết định, dẫn đến tình trạng neo giá, kéo theo rủi ro khi giá thị trường không ổn định.

Các cánh đồng lúa ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đang bước vào giai đoạn trổ bông, dự kiến năng suất giữ ổn định hoặc tăng hơn so với vụ đông xuân năm ngoái. Ảnh: Kim Anh.

Các cánh đồng lúa ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đang bước vào giai đoạn trổ bông, dự kiến năng suất giữ ổn định hoặc tăng hơn so với vụ đông xuân năm ngoái. Ảnh: Kim Anh.

Anh Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thắng (xã Đông Thuận, huyện Thới Lai) cho biết thực tế, giá lúa đông xuân 2023 - 2024 thời điểm đầu vụ có lúc được đẩy lên tới 9.600 đồng/kg. Một số nông dân lạc quan giá lúa sẽ còn tăng cao, nên không nhận đặt cọc từ thương lái mà chờ giá tăng tới 10.000 đồng/kg mới chốt.

“Bà con nông dân canh lúc giá lúa đông xuân đạt cao nhất sẽ nhận đặt cọc với mức giá “chết”. Trong khi đó, giá lúa không đồng nhất, có bà con nhận cọc sớm, có người lấy trễ”, anh Siêu chia sẻ.

Vụ đông xuân này, anh Siêu canh tác 5,5ha giống lúa Jasmine 85 và đã ký kết hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Theo thỏa thuận, giá thu mua lúa sẽ được chốt trước ngày thu hoạch khoảng 10 ngày.

Anh Siêu cho biết, giá liên kết với doanh nghiệp tuy không cao hơn thị trường bên ngoài nhưng mang tính ổn định. Như vụ đông xuân 2023 - 2024, giá thu mua từ doanh nghiệp là 7.700 đồng/kg, trong khi thương lái bên ngoài rao giá cao hơn nhưng sau đó bỏ cọc, quay lại mua với giá thấp hơn, điều này khiến nông dân chịu thiệt hại lớn.

Giá lúa thiếu ổn định không chỉ gây khó khăn cho nông dân mà còn khiến các chủ thể trong chuỗi giá trị lúa gạo suy giảm lòng tin vào thị trường.

Dù giá lúa giảm, nhiều nông dân lạc quan, mong chờ giá sẽ tăng trở lại sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Kim Anh.

Dù giá lúa giảm, nhiều nông dân lạc quan, mong chờ giá sẽ tăng trở lại sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Kim Anh.

“Nếu giá lúa lên quá cao, nông dân lãi lớn sẽ dễ dẫn đến việc tăng diện tích gieo trồng, thậm chí làm 4 vụ/năm, gây mất cân bằng cung cầu. Ngược lại, giá giảm sâu khiến nông dân hoang mang, neo giá, dẫn đến thất bại” anh Siêu trăn trở.

Cũng theo anh Siêu, cần có các giải pháp để giá lúa duy trì ở mức bình ổn, phù hợp với thị trường. Đồng thời, khuyến khích mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và giảm rủi ro cho cả hai bên.

Tuy giá lúa có biến động, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, lúa trổ đều, bông to, chắc hạt. Anh Siêu lạc quan đánh giá, năng suất vụ đông xuân 2024 - 2025 sẽ khả quan hơn, dự kiến đạt khoảng 9 tấn/ha, nhỉnh hơn so với năm trước từ 0,5 - 1 tấn/ha.

Nông dân này nhận định, sau Tết Nguyên đán, nhất là thời điểm cận ngày thu hoạch, giá lúa đông xuân có thể sẽ tăng trở lại, khi doanh nghiệp xuất khẩu có thêm những đơn hàng mới. Đặc biệt với kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất hiện tại của bà con nông dân, tập trung vào nhóm giống lúa chất lượng cao, nên giá lúa khó có khả năng ở mức thấp hơn nữa.

Ghi nhận tại một số địa phương vùng ĐBSCL, đầu tháng 12/2024, các loại lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái thu mua với giá 9.000 - 9.300 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 5.800 - 6.500 đồng/kg (tùy loại).

Nhiều diện tích lúa đông xuân sớm ở tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đã bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều diện tích lúa đông xuân sớm ở tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đã bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Theo dự báo của một số doanh nghiệp, năm 2025 Việt Nam sẽ khó duy trì giá bán và kỷ lục về xuất khẩu gạo của năm 2024. Nhất là khi vụ đông xuân 2024 - 2025 thu hoạch rộ, giá lúa sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Do một số thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam lớn như: Indonesia, Philippines… nghiên cứu các chính sách tiết kiệm hoặc lượng tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực, nên sẽ mua chậm lại.

Trong khi đó, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ gạo năm nay dự báo lạc quan hơn khi giá giảm không quá sâu. Hơn nữa, dù nguồn cung lương thực trên thế giới có thể dồi dào, nhưng gạo Việt Nam đã định vị được vị thế ở một phân khúc khác so với Ấn Độ và Thái Lan.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục khởi sắc

DNTH: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt mốc 10 tỷ USD và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD. Con số khả quan này đang tạo đà mạnh mẽ để ngành thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần, khẳng định vị thế trên...

Người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm OCOP cho dịp Tết

DNTH: Phát triển các dòng sản phẩm OCOP thuộc Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm, hiện nay là thế mạnh của các đơn vị sản xuất từ hình thức kinh tế tập thể đến doanh nghiệp.

Rau màu vụ Đông được mùa, được giá

DNTH: Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên khắp các cánh đồng màu tại tỉnh Nam Định, người dân hối hả thu hoạch rau màu để cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm chế biến thủy hải sản hút hàng cận Tết

DNTH: Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, hiện các hợp tác xã, cơ sở chế biến các mặt hàng thủy hải sản trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang huy động tối đa nhân công sản xuất. Các sản phẩm chế biến thủy hải...

ATTP cảnh báo sầu riêng Việt không tuân thủ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

DNTH: Không chỉ EU phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sầu riêng Việt Nam lại vừa bị Trung Quốc cảnh báo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Chuẩn bị nguồn cung rau màu phục vụ thị trường Tết

DNTH: Chỉ còn hơn nửa tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí sản xuất tại các vùng chuyên canh rau màu của tỉnh Thái Bình nhộn nhịp, sôi động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ thị trường. Thời tiết thuận...

XEM THÊM TIN