Thượng tá, Tiến sĩ, NSND - Nguyễn Xuân Bắc, người chiến sỹ dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc truyền thống

10:16 | 30/12/2020

DNTH: Trên cương vị là Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi (NTDT & MN) của Trường Đại học Văn Hóa Nghệ thuật Quân đội (ĐH VHNT QĐ), trong suốt 26 năm công tác và tham gia biểu diễn, Thượng tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc đã dành trọn cuộc đời mình để theo đuổi niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc và âm nhạc truyền thống.

Cậu học trò 8 tuổi và cái duyên đến với âm nhạc truyền thống

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc sinh ra và lớn lên ở Quốc Oai, Hà Nội, đến năm lên 8 tuổi anh theo bố mẹ trở về quê hương Nghệ An tiếp tục sinh sống và học tập. Nói về cái duyên đưa anh đến với âm nhạc truyền thống và theo đuổi đam mê anh bảo, chắc là do anh được thừa hưởng từ năng khiếu nghệ thuật của mẹ và được sống trong môi trường làm việc đầy âm nhạc của cha từ nhỏ. Ngày xưa, mẹ anh là lính Thông Tin, với giọng hát trong trẻo như họa mi của núi rừng, bà được phân công vào đội văn nghệ Trường Sơn, vừa chiến đấu vừa biểu diễn phục vụ bộ đội tại các chiến trường, còn bố anh là sĩ quan quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, ông chiến đấu ở chiến trường B và C. Sau giải phóng Miền Nam, ông phục viên về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Nghệ An (Trường CĐ VHTT & DL Nghệ An). Gia đình anh ngày đó, sinh sống trong khu tập thể của trường, ngày ngày nhìn thấy các anh chị đến nhà thầy Thành (Thầy Võ Xuân Thành, nguyên là Trưởng Khoa Văn hóa quần chúng Trường CĐ VHTT & DL Nghệ An) để học đàn Nguyệt, anh thường chạy sang chơi. Thấy cậu bé 8 tuổi thích thú với đàn Nguyệt và có năng khiếu và cảm thụ âm nhạc tốt, thầy đã nhận anh theo học. Thời gian sau, anh trúng tuyển và theo học tại Trường CĐ VHTT & DL Nghệ An. Kết thúc 7 năm khổ luyện, ra trường anh được nhận về công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen, tỉnh Nghệ An.

Thượng tá, Tiến sĩ, NSND - Nguyễn Xuân Bắc, người chiến sĩ dành trọn tuổi xuân với Nhạc cụ dân tộc.

Công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen được một thời gian, đến năm 1990 anh học tiếp đàn Nguyệt, Trống Dân tộc, học Sáng tác và Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong thời gian theo học, anh tham gia cộng tác với nhiều trường và một số Đoàn nghệ thuật. Trong đó, anh cộng tác giảng dạy tại Trường VHNT Quân đội, tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Được cộng tác và làm việc với nhiều nhạc sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước, giúp anh có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hỗ trợ trong công tác giảng dạy và biểu diễn.

Người nghệ sĩ dành trọn tâm huyết của mình cho Khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi

Khoa NT DT & MN của Trường ĐH VHNT Quân đội được thành lập ngày 24/3/1994 cũng là từng đó thời gian anh công tác và giảng dạy tại trường. Trải qua 26 năm gắn bó, đồng hành trên con đường phát triển và trưởng thành của Khoa, người chiến sỹ, người thầy ấy không ngừng rèn luyện, phấn đấu. Với môi trường nghệ thuật dân tộc giàu bản sắc, và được chắp thêm đôi cánh rộng dài, mạnh mẽ của truyền thống Quân đội anh hùng, truyền thống của Trường ĐH VHNT Quân đội, anh đã cùng các đồng đội của mình đưa Khoa NTDT & MN gặt hái được nhiều thành công, đào tạo ra lớp lớp học viên tài năng, nhiều học viên sau khi ra trường đã trở thành các nghệ sĩ nổi tiếng, mang kiến thức và tài năng được đào tạo để phục vụ cho Quân đội và đất nước, đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế. Đồng thời khích lệ các thế hệ học viên, giới trẻ theo đuổi bộ môn nghệ thuật dân tộc, tiếp nối nghệ thuật truyền thống quý báu, bảo tồn và lưu giữ giá trị của cha ông.

Thầy Bắc trong một buổi lên lớp, trực tiếp thị phạm trống, bài “Quê tôi” do chính anh sáng tác.

Tâm sự về người thầy dìu dắt mình trong quá trình theo học tại Trường VHNT Quân đội, học viên Đàm Văn Huy, lớp K19 đến từ quê hương Bắc Giang chia sẻ: Thầy Bắc là người rất giản dị và có nhiều kinh nghiệm về âm nhạc truyền thống, thầy giảng dễ hiểu và lôi cuốn học viên chúng em, thầy chỉ bảo tận tình để bạn nào cũng có thể phát huy được hết sở trường và năng khiếu của bản thân. Trong suốt quá trình theo học, thầy đã giúp đỡ em rất nhiều, được học hỏi từ thầy giúp em trưởng thành hơn. Về trống dân tộc, thầy Bắc đánh trống rất phiêu và hút hồn, và cũng chính vì say mê mỗi khi nhìn thầy biểu diễn mà em đã và đang lựa chọn nhạc cụ này để theo đuổi trong suốt thời gian theo học ở trường.

Thượng tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc trong vai trò GVHD trong một cuộc thi kết khóa.

Ngoài giảng dạy, anh còn tham gia nhiều chuyến công tác đưa các học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số trở về quê hương biểu diễn và báo cáo kết quả học tập. Trong các chuyến đi đó, thì chuyến công tác vào với bà con Tây Nguyên năm 2004 để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất, anh chia sẻ. Đoàn công tác gồm hơn 40 học viên cùng các thầy cô Trường VHNT Quân đội tham gia, với thông điệp mang đến cái hay cái đẹp và tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa khu vực Tây Nguyên. Từ Sở chỉ huy Sư đoàn 320 - Gia Lai, sau hơn 3 giờ hành quân bằng ô tô và đi bộ thêm 7 km nữa để đến địa điểm diễn. Con đường dốc núi hiểm trở, trơn trượt và khó đi, nằm ở giữa đường đi là khe suối nhỏ, nên có một đoạn đường, Đoàn phải dùng công nông chở đồ và đạo cụ và dùng máy tời để tời xe. Đến nơi, cả đoàn mệt nhoài nhưng không ai có thời gian để nghỉ ngơi, chỉ kịp ăn vội bát mỳ tôm chống đói rồi vào biểu diễn. Vì là khu vực xa xôi, bà con đồng bào phải đi bộ mất nửa ngày mới đến được địa điểm để xem đoàn biểu diễn, nên họ rất háo hức, khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng, đoàn hỏi đồng bào có mệt không, đồng bào về thì đoàn nghỉ, nhưng chẳng ai về, thế nên các nghệ sĩ trong đoàn không ai bảo ai đều hăng say và phiêu biểu diễn nhiệt tình, cho đến khi mệt nhoài thì cả đoàn ngủ ngay trên sàn diễn, còn đồng bào cũng ngồi dựa vào cây ngủ ngon lành (Đoàn diễn từ 8 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau). Lãnh đạo xã nơi đây còn xúc động chia sẻ: Phải hơn 20 năm, lần đầu tiên có một Đoàn nghệ thuật về đây biểu diễn cho đồng bào, nên bà con rất là háo hức đón nhận và trân trọng tình cảm của các anh chị em trong đoàn. Chuyến đi năm đó dù vất vả và gặp nhiều khó khăn nhưng cả Đoàn rất vui vì chương trình biểu diễn cho bà con, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, thành công hơn cả mong đợi.

Quả ngọt sau những nỗ lực không ngừng nghỉ

Ngoài những thành tích chung của Khoa trên cương vị Chủ nhiệm Khoa NTDT & MN, anh còn nỗ lực và đạt được nhiều thành tích cá nhân. Nhiều lớp học viên do anh giảng dạy, hướng dẫn cũng giành được các giải thưởng, huy chương, giải tài năng trẻ trong các liên hoan, hội diễn toàn quân, toàn quốc. Người nghệ sĩ tài hoa ấy không chỉ biểu diễn, giảng dạy, sáng tác mà còn dàn dựng nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật cho các Đoàn nghệ thuật và giành được nhiều giải thưởng, huy chương: “Hào khí Bạch Đằng” (Đoàn Văn công Quân khu 3 - Huy Chương Bạc hội diễn toàn quân năm 2008); “Hào khí non sông” (Đoàn Nghệ thuật Sao Biển, Huy Chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 2009); “Khí phách dời đô” (Trường ĐH VHNT Quân đội - Huy Chương Vàng hội diễn các Trường VHNT toàn quốc 2010); Huy chương Vàng, Bạc cho nhiều cá nhân và dàn nhạc dân tộc của trường ĐH VHNT QĐ, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đoàn văn công Bộ đội Biên Phòng…

Nhìn vào chặng đường cống hiến và thành tích kể trên, người nghệ sĩ ấy không chỉ có tài năng thiên phú mà hơn hết ẩn chứa trong anh là một tình yêu nghệ thuật vô bờ và đầy tâm huyết với nhạc cụ dân tộc nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc chỉ huy dàn nhạc trong một chương trình biểu diễn.

Chia sẻ về thành tích đạt được trong suốt quá trình cống hiến và làm việc tại Trường ĐH VHNT Quân đội, anh rất khiêm tốn nhưng cũng rất đỗi tự hào, bởi phần nào đó anh đã làm tròn tâm nguyện và yên lòng người cha quá cố của mình. Ngày bố anh còn sống, ông thường tự hào vì được sinh ra trong dòng họ có truyền thống học hành đỗ đạt, khoa vấn, ông vẫn luôn động viên và mong muốn anh theo đuổi con đường học vấn lên cao để nối tiếp truyền thống hiếu học của dòng họ… Với những chia sẻ đó, đã thôi thúc và tạo động lực cho anh và các thế hệ con cháu trong gia đình không ngừng học hỏi, rèn luyện.

Nhạc sĩ, Nguyễn Xuân Bắc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2018 với luận án: “Đàn Broh của người Ê đê”.

Năm 2018 anh bảo vệ thành công luận án: “Đàn Broh của người Ê đê” chuyên ngành Văn hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hoàn thành học vị Tiến sĩ. Niềm vui nhân đôi đã đến với người chiến sĩ ấy, năm 2019 anh nhận được rất nhiều niềm vui, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và bằng khen Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Chăm bẵm gieo trồng rồi cũng có ngày được hái quả, cũng trong năm 2019, anh là một trong 03 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH VHNT Quân Đội vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND cho TS Nguyễn Xuân Bắc 

Trường Đại học Văn hóa Nghệ  thuật Quân đội, nơi anh gắn bó và trưởng thành

Để nói về Nguyễn Xuân Bắc của ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân anh còn là sự quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng nhân tài của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Trường ĐH VHNT Quân đội cùng sự động viên của đồng nghiệp, gia đình và bạn bè. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Hiệu trưởng, Trường ĐH VHNT Quân đội trong một lần chia sẻ về người đồng đội, và cũng là cấp dưới của mình: “Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc được đào tạo cơ bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, về Chuyên ngành biểu diễn Nhạc cụ dân tộc và Sáng tác âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí Bắc được nhận về nhà trường và phục vụ lâu dài trong quân đội. Trong suốt quá trình học tập và công tác, đồng chí Bắc là người chịu khó, nỗ lực, phấn đấu và phát triển. Về góc độ nghề nghiệp, đồng chí Bắc là người có khả năng chuyên môn cao, tham gia nhiều các chương trình, biểu diễn, dàn dựng, sáng tác, chỉ huy, phối khí. Đồng chí Bắc đã đóng góp rất lớn công sức của mình vào sự phát triển của Trường ĐH VHNT Quân đội nói chung và Khoa NT DT &MT nói riêng và đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc truyền thống nước nhà”.

Với tình yêu nghệ thuật và sự say mê với âm nhạc truyền thống, Thượng tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc đã dành trọn thanh xuân và tâm huyết của mình để theo đuổi niềm đam cùng với  nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và giáo trình giảng dạy về âm nhạc truyền thống. Anh đã cống hiến và đào tạo ra nhiều thế hệ học viên, sinh viên trở thành những nghệ sĩ tài năng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cũng như khẳng định vị thế, chất lượng đào tạo của Trường ĐH VHNT Quân đội trong giai đoạn phát triển và hội nhập.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) xin được gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến Thượng tá, Tiến sỹ, NSND - Nguyễn Xuân Bắc, người đã cống hiến trọn thanh xuân cho nền âm nhạc truyền thống nước nhà, và lời cảm ơn cùng lời chúc tốt đẹp đến lực lượng chiến sỹ trong Quân Đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh, cống hiến, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mang lại sự bình yên đến muôn nhà.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

DNTH: Với sứ mệnh và mục tiêu trở thành hệ thống y tế hàng đầu của Việt Nam, thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (thành phố Hải Phòng) đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư trang thiết...

Đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết tại Thu Cúc TCI

DNTH: Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội ngày càng phức tạp và có diễn biến khó lường từ nhẹ đến nguy kịch. Tin vui là vaccine Qdenga (Nhật Bản) đã được Bộ Y tế cấp phép, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác y tế dự phòng...

Nhà có nhiều cửa sổ có tốt về mặt phong thủy không?

DNTH: Nhiều người cho rằng nhà có nhiều cửa sổ sẽ giúp đón ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt, mang lại cảm giác thoáng mát và rộng rãi cho ngôi nhà. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc mở quá nhiều cửa sổ có thể ảnh hưởng...

Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo

DNTH: Sau nhiều năm mỏi mòn “tìm con”, nhờ cơ duyên tìm đúng nơi, gặp đúng thầy thuốc, 3 gia đình hiếm muộn tại làng biển thôn Ngoài, Phù Long, Cát Hải, Hải Phong đã đón nhận được phép màu mang tiếng khóc trẻ thơ.

Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung

DNTH: Hismart đồng hành cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (Varisme) với hành trình sẻ chia yêu thương tại dải đất miền Trung.

Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai

DNTH: Ngày 26/11, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2024 sẽ thông qua nghị quyết quy định chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai...

XEM THÊM TIN