Bao nhiêu vốn đã được “bơm” cho nông nghiệp?
Cho vay đối với lĩnh vực tam nông (nông nghiệp – nông dân - nông thôn) đang được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Theo đó, Chính phủ mới ban hành nghị định 116 (ngày 09/7/2018) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 (ngày 09/6/2015) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hàng loạt chủ trương và quy định được sửa đổi theo tình hình phát triển mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0).
Cụ thể, nâng hạn mức cho vay tín chấp lên gấp đôi cho nông dân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng so với hạn mức cũ là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng; quy định về cơ cấu lại nợ, khoanh nợ và thời gian ân hạn phù hợp… trong cho vay tam nông; cho vay nông nghiệp công nghệ cao…
Với những chủ trương mới, kỳ vọng một sự phát triển vượt bậc trong ngành nông nghiệp khi dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy đúng và phải đạt hiệu quả.
Như vậy, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã bơm bao nhiêu vốn cho nông nghiệp?
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm 2017 chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 25,5% so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, dòng vốn chảy vào riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ chiếm 49,3% và đạt 654.590 tỷ đồng.
Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng trưởng 4,2% (55.416 tỷ đồng) trong 3 tháng đầu năm 2018 và đạt 1,36 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
5 tháng sau, tốc độ “bơm” vốn vào nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh tới 12% so với cuối năm 2017 với 101.880 tỷ đồng, đưa dư nợ trong lĩnh vực này lên mức 1,46 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% dư nợ toàn nền kinh tế vào tháng 8/2018.
Như vậy trong 8 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 157.299 tỷ đồng được “bơm” cho nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, tính đến cuối quý I/2018, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nông nghiệp đạt 488.746 tỷ đồng, chiếm 35,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng chuyên biệt và gần như “độc chiếm” cho vay tam nông khi đang chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trong toàn ngành ngân hàng.
Tính đến 31/12/2017, Agribank đã cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 645.367 tỷ đồng với trên 3 triệu khách hàng. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm trên 70% dư nợ cho vay của Agribank.
Theo báo cáo tài chính quý II/2018, tính đến 30/6/2018, Agribank có tổng dư nợ cho vay đạt 925.217 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, riêng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 272.288 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng 29,43%; Dư nợ cho vay lĩnh vực hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình đạt 193.626 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng gần 21%. Hai lĩnh vực này chiếm 50% tổng dư nợ của Agribank.
Đến 30/9/2018, dư nợ cho vay tam nông của Agribank đã đạt 705.244 tỷ đồng, chiếm 73,6% tổng dư nợ là 958.213 tỷ đồng.
Nguồn: Agribank
Bên cạnh Agribank, nhiều ngân hàng đã mở vốn “chảy” vào lĩnh vực nông nghiệp dù còn ít ỏi so với nhu cầu của lĩnh vực này. Chẳng hạn, tính đến quý II/2018, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank) đã cho vay nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 45.326 tỷ, chiếm tỷ trọng 21,75%; ngân hàng TMCP Á Châu (
ACB) mới chỉ cho vay nông, lâm nghiệp 873 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4%.
Còn tính đến quý III/2018, ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 21,3% tổng dư nợ và đạt 5.855 tỷ đồng; hay tại ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cũng cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 2.879 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,41%...
Như vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho nông nghiệp gia tăng đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2017 tăng 2,9%; Quý I/2018 tăng 4% so với cùng kỳ 2017.
Tuy nhiên, cần phải gia tăng giá trị hơn nữa cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, điều này đòi hỏi phải đổi mới toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, và tín dụng ngân hàng cần phải góp sức rất lớn trong cuộc cách mạng đổi mới này.
Ý kiến bạn đọc...