Toạ đàm: Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
16:08 | 12/08/2022
DNTH: Sáng 12/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan chức năng, bệnh viện, chuyên gia.
Các khách mời tham dự chương trình:
- PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai;
- TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế;
- PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII;
- TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Các câu hỏi được thảo luận tại toạ đàm:
Thưa TS. Nguyễn Huy Quang, tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được Bộ Y tế xây dựng đã đề xuất việc quy định thời điểm bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây. Quy định này được cho là sẽ gỡ khá nhiều nút thắt về lạm phát, trượt giá. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Huy Quang: Chúng ta đang nói cả về trang thiết bị, cả vật tư tiêu hao và đề cập đến Thông tư 15 và nhiều thông tư khác.
Rõ ràng đối với thuốc, có phân nhóm, nhưng với vật tư tiêu hao, vật tư y tế thì không có phân nhóm rõ ràng. Cho nên dư luận xã hội nói là cùng 1 cái giá là 15.000 đồng, nhưng giá của nó chỉ là 1.800 - 1.900 thôi. Rõ ràng, nếu mua cái chỉ 1.800 - 1.900 ở một hãng nào đấy ở các quốc gia chậm phát triển thì chất lượng không thể bằng cái mười mấy nghìn được.
Do đó, phải có phân nhóm, từ phân nhóm như vậy đặt ra tiêu chí đấu thầu. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai hay các bệnh viện tuyến cuối thì phải ở mức độ cao hơn, chứ không thể lấy những vật tư y tế 1.900 - 2.000 trong khi giá đến 200.000 - 300.000. Rõ ràng có khác nhau, nhưng như anh Cơ cũng chẳng dám mua cái 200.000. Như vậy sẽ vi phạm quy định, cho nên chúng ta cũng cần lưu tâm. Với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, tôi cho rằng sẽ tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt hiện nay, trong đó cũng tính đến việc phải áp dụng thời điểm bán, đấu thầu trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu. Tôi cho là sẽ khắc phục được những yếu tố trước đây. Chúng ta tính giá của thời kỳ trước mà chưa tính tới lạm phát, liên quan đến các yếu tố cắt đứt chuỗi cung ứng, trong đó có tăng giá của logictisc, vận chuyển rồi bảo quản… với giá như bây giờ, trang thiết bị nằm kho trong một thời gian dài nữa, nên tính đến thời điểm phê duyệt giá trúng thầu, tôi cho rằng đáp ứng được tương đối sát với thị trường hiện nay, sẽ làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu, sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bệnh viện sẽ yên tâm và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm.
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Xin được chia sẻ với anh Quang cái đang vướng của các bệnh viện, các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện, liên quan đến vấn đề giá. Giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, hiện tại các doanh nghiệp khai trên đó và các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính pháp lý, chứ chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm về tính pháp lý của giá đó. Điều này thực sự khiến cho Giám đốc các Sở Y tế và bệnh viện ngần ngại khi làm giá kế hoạch.
Vậy giá nào là giá thật, giá nào là giá đúng?
Tôi nghĩ chỗ này cần có liên ngành chịu trách nhiệm về giá công bố trên đó, chứ không để cho các doanh nghiệp tự công bố giá. Các doanh nghiệp tự công bố giá, các công ty, các nhà phân phối công bố giá trên đó, họ sẽ bắt tay với nhau và thổi giá lên. Như thời gian này vấn đề đang hết sức nóng câu chuyện về giá, có công bố giá nhưng các cơ sở mua vẫn mua bằng giá không hợp lý. Như stent ở Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện liên quan đến can thiệp tim mạch. Mua 1 stent của công ty A hay hãng A, sự thật giá công bố trên cổng là của các công ty đó công bố, không có cơ quan nào của Nhà nước kiểm soát giá đó và chủ đầu tư (Giám đốc các bệnh viện) cũng không biết được giá đó là thật hay đã thổi giá.
Ví dụ, giá của 1 stent là 300 đồng nhưng 1 công ty có thể có 5 - 6 nhà phân phối, họ đã chỉ đạo đẩy lên giá A này, mình không biết được giá đó đã chuẩn chưa. Giá thuốc thì công khai, có cơ quan kiểm soát, nhưng giá vật tư không có cơ quan kiểm soát.
Tôi mong rằng, giá vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế phải có cơ quan Nhà nước, hoặc liên ngành đứng ra kiểm soát giá. Thiết bị A mua vào, giá hải quan kê khai là A đồng thì cần phải có 5 - 10% hay 20% nữa liên quan đến logictics, liên quan đến đào tạo, triển khai để giá lên đến 130 đồng, tăng 130% hay 150% là cùng. Cơ quan nào xây dựng, kiểm soát cái này thì tôi nghĩ cần liên ngành để kiểm soát, xây dựng để các cơ sở y tế yên tâm mua giá đó không phải là thổi giá.
Về đấu thầu hay đàm phán giá, theo tôi, những thuốc brand-name, vật tư thiết bị y tế, sinh phẩm chính hãng thì nên tổ chức đàm phán giá.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Tôi thấy Bệnh viện Bạch Mai gần như Bộ Y tế thu nhỏ, vì vật tư, trang thiết bị cũng như mọi cái là bệnh viện tuyến cuối. Cho nên tất cả thông tin, thực tế khó khăn gặp phải là khó khăn chung.
Nhưng cũng xin thưa là, chúng ta không so sánh giá thuốc với giá vật tư, trang thiết bị, vì thuốc là mặt hàng Nhà nước quản lý cho nên Bộ Y tế có 1 cơ quan quản lý là Cục Quản lý Dược, trong đó có Phòng Quản lý giá thuốc. Quy trình kê khai giá và bán giá thuốc đã có rất nghiêm ngặt, có sự điều hành, kiểm soát từ bộ.
Tuy nhiên đối với vật tư thiết bị y tế thì chưa. Vụ Việt Á vừa rồi có sự 'thổi giá'. Bộ đang rất khẩn trương, ví dụ trang thiết bị vật tư y tế thì đang đề xuất đưa vào mặt hàng quản lý giá vì là mặt hàng đặc biệt.
Thứ hai, tại cuộc họp tuần trước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức về Luật Đấu thầu, có đề xuất thế này: Tại sao trang thiết bị và vật tư y tế chúng ta không đưa vào mua sắm tập trung hay những cách quản lý khác?
Qua những vụ việc vừa rồi, chúng ta mới bắt đầu đặt vấn đề đưa vào danh mục để Nhà nước quản lý giá vì đó là mặt hàng đặc biệt.
Ví dự như stent là vật tư cấy ghép, hay thuỷ tinh thể đã được bộ phê duyệt đấu thầu thí điểm năm 2019. Thực sự rất khó để so sánh đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật như vậy, nhưng chúng ta vẫn mua được hết trên cơ sở nhu cầu của bệnh nhân sử dụng như thế nào để chúng ta đưa ra những tính năng kỹ thuật phù hợp với bệnh nhân để đưa vào hồ sơ mời thầu.
Tôi cũng muốn nêu là với trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế đang tiến hành 2 bước. Một là đề nghị đưa vào danh mục quản lý giá và thứ hai là từng bước đưa vào quản lý giá. Ví dụ như cổng thông tin hay Nghị định 98 vừa rồi cũng là một giải pháp để chúng ta khắc phục tình trạng đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế không còn như hàng hoá thông thường khác. Đấy là những giải pháp ngành y tế đã báo cáo Chính phủ.
Còn vấn đề thuốc thiếu, trang thiết bị vật tư y tế thiếu: thực tế vừa qua chúng tôi đấu thầu thuốc cho bệnh nhân HIV-AIDS (thuốc ARV), trong danh mục nhà thầu đạt để thương thảo trao hợp đồng, có 3 nhà thầu thì đều từ chối hết.
Thứ nhất một nhà thầu nêu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, mà Trung Quốc thì đang lockdown toàn bộ các thành phố có thể xuất khẩu nguyên liệu sang Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi được biết, trên 90% nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc ARV đều từ Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc thực hiện "zero COVID" thì hệ thống cung ứng, chuỗi cung ứng ảnh hướng đến nguyên liệu. Hay thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ, thời gian vừa qua họ cũng trong tình trạng COVID nên cũng đứt gẫy chuỗi cung ứng. Đấy là phạm vi ngành y tế.
Trong giao nhận vận chuyển gần đây, chi phí vận chuyển có khi bằng tiền hàng. Đấy là lý do làm giá thay đổi. Cho nên quay trở lại vấn đề thay đổi thời điểm mua bán ở Nghị định 98 là thời điểm ký kết hợp đồng hoặc phê duyệt kết quả đấu thầu, sẽ giải quyết được 2 vấn đề: thống nhất cách hiểu để các đơn vị, người tham gia đấu thầu từ 2 phía, phía mời thầu là các cơ sở y tế và phía các nhà thầu, hiểu được khái niệm thống nhất là ở thời điểm nào.
Thứ hai là tránh liên đới xảy ra hậu đấu thầu, khi chúng ta ký kết hợp đồng, nghĩa là hợp đồng đã có hiệu lực, về công tác chuyển tiền, giao hàng. Chúng ta có thêm động tác nữa là kiểm soát giá, bảo đảm được giá, vật tư, trang thiết bị y tế, bởi theo định nghĩa ở Nghị định 98, trang thiết bị cũng đã bao gồm cả vật tư y tế. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết mà Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt có nội dung thay vì thời điểm mua bán là thời điểm ký kết hợp đồng là như vậy.
TS. Nguyễn Huy Quang: Liên quan đến doanh nghiệp công bố giá trên các cổng thông tin điện tử, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ, tức là Bộ Y tế được phép sử dụng giá công bố tương tự như đối với các thuốc khác mà trong điều kiện nếu chúng ta chưa có thông tin giá công bố tương tự như các quốc gia ASEAN thì chúng ta vẫn được sử dụng các giá công bố khác tương tự. Tôi cho đây là điểm tháo gỡ những bức xúc như anh Cơ đề cập.
Trong những nguyên nhân chủ quan và khách quan như TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo vừa mới trao đổi, theo quan điểm của ông, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia triển khai chậm, chưa kịp thời có phải là nguyên nhân chính gây thiếu thuốc không, thưa ông?
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Có thể nói đây cũng là một nguyên nhân. Trong thời gian qua đấu thầu tập trung quốc gia chậm cũng ảnh hưởng tới các hoạt động của các cơ sở. Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động đấu thầu thuốc và đã có ngay từ đầu năm. Chúng tôi tự dự báo sau khi dịch được kiểm soát, chắc chắn bệnh nhân sẽ tăng lên và chủ động đấu thầu mua sắm, vì vậy không bị động trong vấn đề cung ứng thuốc, điều trị nội trú hoặc ngoại trú cho người bệnh.
Có thể nói, bệnh viện chỉ thiếu những thứ thuốc thiết yếu vì không có nhà cung ứng. Cái đấy chúng tôi bó tay. Ví dụ như thuốc rất đơn giản, trước đây rất dễ, là diazepam tiêm tĩnh mạch cho người bệnh cấp cứu tâm thần kinh. Hiện tại không có ai cung ứng, có trúng thầu họ cũng không cung ứng được. Ví dụ một điển hình như vậy. Rồi một số loại kháng sinh rất thiết yếu nhưng lại không có nhà cung ứng. Nguyên nhân thì như anh Quang và chị Bảo cũng nói là do đứt chuỗi cung ứng và người ta không cung ứng cho mình nữa. Thậm chí một số thuốc kháng sinh mình đang sản xuất được thì nguyên liệu nhập vào bị cắt từ bên ngoài, không cung ứng được. Đấy là nguyên nhân hết sức khách quan.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng chia sẻ với chị Bảo như thế này: có lẽ với các quy định về mua, đấu thầu thuốc, thì Thông tư 15 tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm đang bó và rất khó mua.
Ví dụ bây giờ chúng tôi đang muốn mua một số một số thiết bị y tế thì hiện tại các yêu cầu về 3 báo giá, khai báo để làm giá kế hoạch, không có tính cập nhật.
Thứ nhất, 12 tháng qua và đặc biệt là 2 năm qua, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. Các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị cho những bệnh thông thường thì 24 tháng qua tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà lại phải cập nhật trong vòng 12 tháng. Quy định này hết sức lỗi thời. Tôi nghĩ cần được thay đổi ngay.
Bây giờ tôi muốn mua một loạt thiết bị y tế và hóa chất sinh phẩm, hôm qua tôi họp các phòng ban chức năng tìm nguyên nhân tại sao đấu thầu xong lại trượt thầu, thì được báo cáo cái này không có công ty báo giá, cái kia không có công ty chào thầu. Bây giờ tổ chức đấu thầu lại thì không có 3 báo giá cho một mặt hàng này. Theo quy định không thể làm bài thầu được. Bây giờ mà Giám đốc bệnh viện cứ nhắm mắt làm thì nay mai các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao anh làm trái quy định.
Đây là lúc các văn bản pháp quy phải đi kịp và thậm chí là cần những văn bản cấp bách để sửa, chỉnh sửa những cái như thế này để tháo gỡ cho tất cả các cơ sở y tế. Rõ ràng như chị Bảo vừa nói là văn bản pháp quy không chạy kịp. Tôi nghĩ, đây hoàn toàn là những Thông tư của ngành Y tế. Chúng tôi cũng biết, chúng ta đang sửa rất nhanh để làm sao đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở. Việc đó hết sức quan trọng.
Tôi cũng có biết Bộ vừa có bốn đoàn kiểm tra tới tất cả các cơ sở. Trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện, Giám đốc các cơ sở y tế là phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Đấy là quy định. Không Giám đốc nào làm trái quy định cả, Giám đốc nào cũng phải lo lắng việc đấy. Nhưng tôi nghĩ cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Y tế, và các bộ liên ngành phải tạo điều kiện cho các nhà quản lý ở các cơ sở thuận lợi trong việc mua sắm. Tôi nghĩ các đoàn nên đổi tên thành các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, hỗ trợ các Sở Y tế, hỗ trợ các bệnh viện thì hợp lý hơn là đi kiểm tra.
Bởi vì lúc này từ "kiểm tra" rất nhạy cảm. Rõ ràng là các văn bản pháp quy và những nguyên nhân chủ quan, khách quan đang hết sức khó khăn mà chúng ta lại xuống kiểm tra, đánh giá, nhận xét một cơ sở rằng tại sao để thiếu cái này, tại sao thiếu cái kia thì sẽ không hợp lý. Lúc này nên có các đoàn khảo sát đánh giá và hỗ trợ.
TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Ý của chị Bảo là để có được một giải pháp đúng, trúng, giải quyết được các vấn đề cấp bách hiện nay thì phải có được một nghiên cứu, đánh giá thực trạng khách quan, chứ không phải đi thanh tra, kiểm tra.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Vâng, chúng ta đi khảo sát xem tại sao thiếu cái này, thiếu cái kia và nguyên nhân ở đâu. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các đoàn kiểm tra những thông tin mà chúng tôi gặp, đang khó cái gì, giống như hôm nay chúng ta đang trao đổi ở đây, hết sức minh bạch và công khai những khó khăn để các cơ quan chức năng có thể giúp được các cơ sở.
TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Qua ý anh Cơ vừa rồi và thông tin chị Bảo nói rằng, bây giờ Bộ Y tế mới thành lập 4 đoàn đi khảo sát, đánh giá, nếu nói về độ nhạy cảm về mặt quản lý Nhà nước thì tôi cho đấy là chậm. Bởi vì tình trạng thiếu thuốc đã có từ lâu như chị Bảo nói và đỉnh điểm là vừa rồi, thì lẽ ra để đánh giá khách quan thực trạng, không phải đến bây giờ mới thành lập đoàn. Lẽ ra chúng ta phải làm trước đó.
Vâng, tham gia cùng chúng ta hôm nay còn có TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Các vị khách mời đã nhắc đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đấu thầu. Thưa bà, các thủ tục đấu thầu mặt hàng thuốc hiện nay như thế nào? Điều quan trọng nhất là các đơn vị tham gia đấu thầu cần những lưu ý gì trong quá trình đấu thầu mặt hàng đặc biệt này?
TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo: Chủ đề thiếu thuốc vật tư, y tế trong thời gian này nóng ở ngoài xã hội, nóng trên các trang mạng và cả cuộc tọa đàm ngày hôm nay có đại diện ở bên Quốc hội, rồi Chính phủ (Bộ Y tế) và cơ quan thực thi là Bệnh viện Bạch Mai. Trước tiên, tôi xin chia sẻ như thế này.
Vấn đề thiếu thuốc, trang bị vật tư không phải bây giờ mới có mà rất lâu rồi đã xảy ra tình trạng đó. Nhưng quan trọng là thiếu ở mức độ nào, thiếu cái gì, thiếu ra sao? Cụ thể như tuần vừa rồi, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế. Nếu như chúng ta có những phân tích như lúc nãy các khách mời đã nêu. Nhưng mới chỉ nêu thiếu thôi, còn lại chi tiết cụ thể ra sao thì phải có những số liệu rõ ràng và trên số liệu đó mới đưa ra được những giải pháp cụ thể.
Quay trở lại vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Trước đây các bệnh viện, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, thiếu thuốc thì bệnh viện có thể làm việc với các nguồn thuốc, hoặc thiếu trang thiết bị y tế thì bệnh viện có đối tác có thể xử lý được tình trạng đấy ngay. Nhưng hiện tại, chúng ta lại có các cấp tổ chức đấu thầu khác nhau. Ví dụ trung tâm quốc gia thì đấu thầu vào danh mục quốc gia như TS. Nguyễn Huy Quang vừa nêu, hoặc địa phương thì có những danh mục ở địa phương và các cơ sở y tế thì được chủ động tổ chức đấu thầu mua sắm ra sao? Như vậy sẽ vướng.
Giả sử Bệnh viện Bạch Mai thiếu thuốc ở danh mục đấu thầu quốc gia hoặc danh mục đàm phán giá thì chắc chắn phải chờ sự điều tiết hoặc can thiệp của cấp quốc gia. Hoặc ở địa phương, chẳng hạn Bệnh viện Bạch Mai đóng ở địa bàn thành phố Hà Nội thì lại phụ thuộc vào danh mục đấu thầu của địa phương. Tất cả những nguyên nhân đó sẽ góp phần vào bài toán thiếu thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế hiện nay.
Nội dung thứ hai mà tôi muốn nêu và nhấn mạnh một chút về chi tiết pháp lý. Theo ý kiến cá nhân tôi, cuộc sống bao giờ cũng diễn ra theo quy trình của thực tế nhưng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta thì trên 90% không theo kịp được. Đó là quá trình pháp triển của xã hội nhưng văn bản hôm nay ra thế này ngày mai lại khác thì không ổn. Cho nên đấy là những nguyên nhân về phía văn bản quy phạm pháp luật cũng có ảnh hưởng đến thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Thứ ba là quá trình thực thi. Các đối tượng có liên quan, tổ chức, cá nhân thực thi các vấn đề đó như thế nào cũng góp phần vào tình trạng thiếu. Ở đây chúng ta mới xoay quanh vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thôi. Còn có những danh mục thuốc cá thể lại thừa chẳng hạn.
Ví dụ trong đấu thầu tuyển dụng quốc gia thì chúng ta cũng có yêu cầu lập kế hoạch. Khi lập kế hoạch phải đảm bảo sử dụng ít nhất 80% thuốc trong nhu cầu sử dụng chẳng hạn. Có những thuốc cá biệt khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì số lượng sử dụng có lẽ chỉ khoảng 20 - 25% so với nhu cầu đặt ra. Như vậy chúng ta có thể khẳng định là không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị và cũng không phải thiếu thuốc ở tất cả các danh mục thuốc. Hoàn toàn phụ thuộc vào cái kết quả điều tra, giám sát, thực thi của bốn đoàn kiểm tra về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các đơn vị cơ sở y tế trên toàn quốc.
Để phân tích hiện tại vấn đề thiếu thuốc có xảy ra ở các nơi không, tôi xin khẳng định cả quốc tế cũng có tình trạng này. Chúng tôi có tham khảo tất cả những tình huống thì, theo quy định của Thông tư 30 năm 2018 của Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc trong quá trình điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tôi nêu một suy nghĩ cá nhân thôi.
Ví dụ, TS. Đào Quang Cơ khi chịu trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc thì phải xây dựng được ít nhất một kế hoạch và đảm bảo cơ bản nhất nhưng cũng phải dư ra một phần cho tình huống dự phòng. Phần đấu thầu nào cũng có một phần dự phòng. Các bệnh viện cũng xây dựng dự phòng. Chúng ta không thể lường hết được tình trạng bệnh tật. Mọi cái thay đổi theo tự nhiên, theo các yếu tố quốc tế, yếu tố xã hội. Vì vậy, có những thuốc chúng ta định hướng ra được kế hoạch như thế này so với cái dịch tễ bệnh trước năm kế hoạch. Nhưng chúng ta không lường trước được những việc xảy ra. Theo tham khảo của tôi, quốc tế cũng có tình trạng thiếu và thừa thuốc như Việt Nam đang gặp phải. Đấy là yếu tố thứ nhất.
Thứ hai là về các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Trong việc lựa chọn để mua sắm trang thiết bị y tế, chúng ta cũng đã cập nhật nhưng chưa đuổi kịp được với các yếu tố thực tế xã hội. Cho nên có những nội dung chúng ta cần phải sửa đổi kịp thời, ví dụ Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi về nội dung gia hạn số đăng ký thuốc. Nhưng quan trọng là các nhà thầu, các nhà sản xuất không đủ các điều kiện và yếu tố khách quan như hợp lý hóa lãnh sự hay những yếu tố khác để họ hoàn thiện được các thủ tục gia hạn hoặc cấp mới đối với số đăng ký hay là các giấy chứng nhận GMP.
Cuối năm 2021, Ủy ban Thường vụ ra Nghị quyết số 12 mặc nhiên là tất cả các thuốc vì lý do COVID không đủ phương tiện hoặc giấy tờ phục vụ cho việc gia hạn thì sẽ được tự động gia hạn cho đến hết 31/12/2022. Đấy là về phương diện pháp lý.
Về phương diện thực thi thì qua quá trình thực hiện của các sở y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ, cũng như các cơ sở y tế cũng có tư vấn, tôi nhận thấy thế này. Về năng lực, số lượng nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu hiện nay, thì thiếu về số lượng. Chất lượng cũng chưa được hoàn hảo như mong muốn.
Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình được cải thiện rõ rệt. Các văn bản cũng đã đáp ứng, chưa hẳn là chính xác tới từng thời điểm nhưng cũng tương đối đáp ứng được. Trong phụ trách công tác đấu thầu, việc đào tạo năng lực cho cán bộ thực hiện công tác đấu thầu cũng như công tác chuyên môn cũng đã đóng góp cho việc đấu thầu, lựa chọn vật tư, trang thiết bị y tế cũng như thuốc phục vụ công tác điều trị.
Còn lại những yếu tố khách quan thì giải pháp các đơn vị có thể thực hiện được. Tôi đơn cử như Bệnh viện Chợ Giẫy vừa rồi thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia nhưng trong Điều 18 của Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Y tế có quy định trong trường hợp chưa có công bố kết quả đấu thầu quốc gia và đàm phán giá thì các cơ sở y tế sẽ chủ động tổ chức đấu thầu trong phạm vi không quá 12 tháng. Có nghĩa các cơ sở có 1 năm để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo nhu cầu sử dụng của mình, chứ không phải bắt buộc chờ những kết quả đấu thầu quốc gia hay kết quả đàm phán giá. Như vậy các văn bản quy phạm pháp luật cũng gần như bao phủ các yếu tố và đáp ứng được phần nào sự thay đổi trong thực tế để đáp ứng được nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế trong công tác điều trị.
Thưa TS. Nguyễn Huy Quang, ông nghĩ thế nào trước chia sẻ của PGS.TS. Bùi Thị An và PGS.TS. Đào Xuân Cơ? Theo ông nguyên nhân của thực trạng này là gì? Rõ ràng các năm trước chúng ta đã từng xảy ra tình trạng này, nhưng các cơ sở y tế đã khắc phục được, còn hiện nay tình trạng lại trở nên trầm trọng hơn. Xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình?
TS. Nguyễn Huy Quang: Đầu tiên, chúng ta vẫn phải khẳng định là tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là vật tư y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao, là trầm trọng và trải dài trong cả hệ thống khám chữa bệnh, từ các đơn vị trực thuộc Bộ cho tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể các trạm y tế tuyến xã. Như vậy, việc thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh, vì khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế thì đã có chỉ định của bác sĩ, người bệnh, hoặc thân nhân người bệnh ấy sẽ phải bỏ tiền túi của mình ra để mua thuốc ở ngoài, bù đắp lại những thuốc thiếu do bảo hiểm y tế cung cấp. Tức là do các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ nguồn thuốc để cung cấp và như vậy ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng luôn cả vấn đề công bằng, cũng như tính chất an sinh xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta muốn có các giải pháp như tiêu đề của tọa đàm ngày hôm nay thì chúng ta phải tìm ra được các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Vừa rồi, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cũng như là PGS.TS. Bùi Thị An đã có đề cập, nhưng ở đây tôi muốn đề cập các nguyên nhân khách quan trước. Đầu tiên chúng ta cũng biết là do hơn 2 năm chúng ta thực hiện công tác phòng, chống COVID và toàn bộ trên thế giới đều bị ảnh hưởng, nên bị cắt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng này, dẫn đến cũng ảnh hưởng tới tình trạng cung ứng thuốc vào Việt Nam.
Thứ hai là do cả quá trình chúng ta phòng, chống dịch nên người bệnh có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh mà không đến khám bệnh, chữa bệnh được. Nhưng khi dịch đã lắng xuống thì người bệnh đến các cơ sở khám bệnh tăng đột biến, dẫn tới tình trạng cung ứng thuốc của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm.
Nguyên nhân khách quan thứ ba là do chúng ta tập trung tất cả nguồn lực, kể cả nhân lực, vật lực, tài lực cho phòng, chống dịch bệnh nên việc cung ứng thuốc chữa bệnh hiện nay cũng có những cái bị hạn chế, ảnh hưởng.
Một vấn đề nữa theo tôi cũng có liên quan là thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc về. Vì Trung Quốc thực hiện phương thức chống dịch là "Zero COVID" nên đóng cửa biên giới, khiến tất cả nguồn dược liệu của chúng ta hiện nay đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là gia hạn cấp GMP đối với các dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc.
Đấy là nguyên nhân khách quan. Nhưng còn nguyên nhân chủ quan nữa mà chị An, anh Cơ cũng đã đề cập, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải đề cập là tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại. Tôi cho đây là một nguyên nhân rất chủ yếu, nếu tháo gỡ được thì sẽ giải quyết được tình trạng này.
Thứ hai là do thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Cái này cũng tác động bởi các cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Hiện nay đang khởi tố rất nhiều vụ án nên người ta có tâm lý e ngại.
Nguyên nhân chủ quan thứ ba là năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương cho đến cấp tuyến sở và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định. Cần phải có những người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, am hiểu về vật tư y tế, am hiểu về thuốc, am hiểu về các quy định của pháp luật về đấu thầu. Hiện nay cũng có những cái thiếu mà không phải trong thời gian một sớm một chiều chúng ta có thể khắc phục được.
Vấn đề tiếp theo là các doanh nghiệp cung ứng hiện nay không tham gia đấu thầu vì người ta không có lợi nhuận trong đó. Do giá thuốc tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu giá lại thấp hơn nên người ta không thể tham gia được.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như vấn đề gia hạn, cấp số đăng ký cũng chậm, vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, vấn đề đàm phán thuốc quốc gia cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung.
Nếu chúng ta phân tích được rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan như vậy thì mới có được các giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu trang thiết bị y tế hiện nay.
PGS.TS. Bùi Thị An: Tôi xin hỏi anh Quang một câu, là trong mối tơ vò ấy, trong rất nhiều nguyên nhân khách quan, theo anh, với tư cách đã nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế thì ta cần gỡ cái gì đầu tiên và ai có trách nhiệm đầu tiên?
TS. Nguyễn Huy Quang: Theo kịch bản thì sẽ ở giai đoạn sau, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo là một trong những người hiện nay là đắm mình trong công tác đấu thầu nên cứ để cho chị Bảo trình bày.
Như PGS.TS. Đào Xuân Cơ vừa chia sẻ, khó khăn về thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cũng là khó khăn, thực trạng chung của nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, có tới 28 Sở Y tế và 12 Bệnh viện Trung ương có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Thưa PGS.TS. Bùi Thị An, tình trạng này ảnh hưởng như thế nào tới người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo, những người tham gia bảo hiểm y tế. Ở góc độ xã hội, PGS đánh giá thế nào về tình trạng này ở các bệnh viện? Và có cảm xúc gì khi nghe thông tin này?
PGS.TS. Bùi Thị An: Có thể nói an sinh xã hội là một trong ba trụ cột chính phát triển bền vững của đất nước. Đó là kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Và trong các chỉ đạo, cần lấy chất lượng cuộc sống của Nhân dân là mục tiêu, hoạt động của tất cả các lĩnh vực, các ngành. Trong chất lượng cuộc sống, tôi cho rằng yếu tố sức khoẻ là số 1. Nhất là trong giai đoạn này, khi vừa qua đại dịch COVID-19 thì vấn đề sức khoẻ cần phải đặt quan tâm lên hàng đầu.
Trong 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta phải ghi nhận công sức của ngành y là rất lớn. Qua đó, Nhân dân yên tâm hơn, tin tưởng hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là hậu COVID-19, xuất hiện nhiều bệnh mới, những bệnh chúng ta chưa từng gặp. Do đó, muốn có sức khoẻ thì phải quan tâm đến vấn đề điều trị và thuốc chữa bệnh. Nhưng bây giờ đang thiếu thuốc. Đây là vấn đề khá lớn trong giai đoạn hiện nay.
Qua ý kiến của PGS.TS. Đào Xuân Cơ, việc thiếu thuốc không chỉ riêng ở Bệnh viện Bạch Mai hay một vài tỉnh, thành phố mà thiếu thuốc đang xảy ra ở 28 bệnh viện và rất nhiều nơi. Việc này đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo. Chúng ta đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cần phải có chính sách quan tâm đến sức khoẻ người dân, nhất là người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội.
Chúng ta không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý thì tôi cho rằng đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị cần gấp cho người bệnh.
Vừa qua ngành y có một số vấn đề, cần phải tháo gỡ dần. Chúng ta đã từng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cho đầu tư công thì chúng ta cũng phải gỡ được cho ngành y, nhất là vấn đề thuốc hiện nay. Còn gỡ vấn đề thiếu thuốc như thế nào, thì tôi xin kiến nghị như sau.
Một là, Chính phủ cần xem cơ chế, chính sách có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Giống như một trận đánh, chúng ta phải chụm đầu lại, làm thêm giờ, sửa văn bản. Trong quá trình làm, đương nhiên có sai, chỉ có điều sai với động cơ vì dân thì khác với cái sai với động cơ vì cá nhân. Cho nên, tôi đề nghị Chính phủ cho rà soát lại ngay và có lộ trình, đừng lâu quá, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.
Hai là, tôi chia sẻ với ngành y vừa rồi có tâm lý e ngại vì một số sự việc. Nói rằng không e ngại là không đúng vì chúng ta là con người. Nhưng trong ngành y, vẫn còn nhiều y, bác sĩ rất dũng cảm, trong trường hợp này, cần sự dũng cảm của các đồng chí. Hãy vào cuộc, với động cơ trong sáng, thì các đồng chí sẽ tìm được thuốc với giá hợp lí. Người dân không bao giờ trách sao mua đắt; đắt mà hợp lý thì vẫn được chấp nhận.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Về ý kiến chị An nói các cơ sở y tế phải dũng cảm, cũng có ý kiến cho rằng hiện tại, Giám đốc các bệnh viện, các nhà quản lý ở các Sở Y tế có tâm lý e ngại trong vấn đề mua sắm. Thực tế, nếu chúng ta có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai, tốt thì chắc chắn những nhà quản lý, những Giám đốc bệnh viện sẽ không khó khăn gì khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho người bệnh.
Ví dụ như tại Bệnh viện Bạch Mai, khi nhận nhiệm vụ, Ban lãnh đạo bệnh viện đã quyết liệt chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư để phục vụ người bệnh. Cho đến nay, về thuốc, Bệnh viện Bạch Mai chỉ thiếu khoảng 5 - 10%, do các nguyên nhân khách quan đem lại như các nhà cung ứng không có, hoặc đang chờ các gói thầu đấu thầu tập trung. Kết quả đấu thầu có rồi nhưng cần chờ thời gian làm các thủ tục cấp phép. Còn hầu hết các thuốc thiết yếu, cơ bản thì mặc dù số lượng bệnh nhân tăng đột biến nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh viện cung ứng khá kịp thời cho người bệnh. Chúng tôi là bệnh viện lớn nhưng không thiếu thuốc đến mức trầm trọng. Chúng tôi đã có những giải pháp như liên hệ với các bệnh viện xung quanh thành phố Hà Nội cùng các bệnh viện khác nữa để trao đổi, chia sẻ những thuốc trong gói đấu thầu tập trung, điều tiết những thuốc chưa dùng hết giữa các bệnh viện với nhau…
Tất cả những việc đó rất minh bạch, công khai. Chúng tôi hoàn toàn tự tin trong việc mua sắm nếu như tới đây các văn bản pháp quy được sửa theo hướng dễ làm, chắc chắn sẽ không có sự e ngại nào.
PGS.TS. Bùi Thu An: Sau khi nghe ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai thì tôi cho rằng Bộ Y tế cần phải vào cuộc ngay. Đây có thể là sáng kiến của các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Đang trong lúc khó mà các đồng chí dám làm với những yêu cầu hợp lý là minh bạch. Tôi kiến nghị Bộ Y tế vào cuộc cùng Bệnh viện Bạch Mai để các bệnh viện khác cũng sẽ làm được. Tôi vẫn tin rằng, trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều y bác sĩ để lại dấu ấn trong lòng dân. Dân biết ơn rất nhiều. Tôi tin rằng, trong lúc khó này, những tập thể đó sẽ tiếp tục xuất hiện. Nên đề nghị Bộ Y tế ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Rõ ràng, những văn bản pháp quy ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của các cơ sở. Những văn bản pháp quy này hết sức cần thiết. Các cơ quan cơ sở khi thực hiện đều phải bám vào văn bản pháp quy. Nếu những văn bản này khó làm hoặc có trục trặc thì khi các cơ quan hậu kiểm kiểm tra, họ chỉ căn cứ vào các văn bản pháp quy để kiểm tra. Nếu như các văn bản pháp quy không rõ ràng thì sẽ gây lúng túng. Đấy là cái e ngại cho các cán bộ cơ sở, chứ không phải cán bộ cơ sở e ngại việc các cơ quan hậu kiểm vào kiểm tra. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là hết sức cần thiết, vừa giúp các hoạt động công khai, minh bạch, vừa giúp cơ sở định hướng rất tốt. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với các đoàn kiểm tra để hoạt động sau đó tốt hơn. Nhưng rõ ràng vừa qua, khi cơ sở được kiểm tra, như Bệnh viện Bạch Mai là điển hình, thì bên cạnh những sai sót chủ quan của bệnh viện, còn có những văn bản pháp quy chưa hợp lý dẫn đến sai sót của cơ sở. Chúng tôi đề nghị sớm sửa những quy định mang tính cứng nhắc, không có tính cập nhật. Nếu sửa xong được, chắc chắn các cơ sở sẽ tự tin làm những bài thầu, rất đơn giản, dễ và tính pháp lý cao, minh bạch, công khai.
Thưa PGS.TS. Đào Xuân Cơ, là bệnh viện tuyến đầu của Trung ương, mỗi ngày cần dùng một khối lượng thuốc, sinh phẩm rất lớn. Xin ông chia sẻ cụ thể về thực trạng khó khăn về thuốc, vật tư y tế tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua?
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Đây là vấn đề rất nóng, không phải với riêng Bệnh viện Bạch Mai mà có lẽ lúc này là của cả ngành y tế.
Sau khi dịch COVID-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý II/2022, số lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đột biến, bởi nhiều lý do. Sau hơn 2 năm chúng ta chống dịch, rất nhiều người dân, người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai. Do vậy số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh về Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh tăng đột biến, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn. Đây là thực tế.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi là cán bộ mới được bổ nhiệm, Ban lãnh đạo Bệnh viện từ năm 2020 đến năm 2022 hoàn toàn mới. Khi chúng tôi tiếp quản, sau 2 năm dịch bệnh thì nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, vật tư, thuốc đều rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng, vì hơn 2 năm qua chúng ta tập trung vào chống dịch. Tập thể bệnh viện có mặt trên tất cả các trận tuyến, khi trở về tập trung vào công tác điều trị cho người bệnh thông thường. Chúng tôi có những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng này:
Thứ nhất về thiết bị y tế, với một bệnh viện lớn, 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hoá trong công tác y tế. Do vậy hầu hết nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.
Thứ hai là các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hoá ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện. Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định. Mặc dù được các cơ quan chức năng, tư pháp ủng hộ đưa ra hoạt động trở lại để phục vụ thăm khám, chăm sóc cho người bệnh, nhưng còn vướng vấn đề pháp lý như đã hết hợp đồng, nên Bệnh viện Bạch Mai không thể đưa vào hoạt động cho người bệnh có bảo hiểm y tế dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến với Bệnh viện Bạch Mai chiếm hơn 90%. Những máy này giờ đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh có bảo hiểm y tế bởi vì vấn đề pháp lý liên quan đến thanh toán bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh nếu chúng tôi sử dụng các loại máy này.
Vậy Bệnh viện Bạch Mai đã làm gì?
Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có các văn bản, báo cáo cụ thể với Bộ Y tế, các cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hà Nội, tháo gỡ những vướng mắc này, cùng chung tay để chúng ta đưa các thiết bị y tế đang 'đắp chiếu' vào sử dụng, phục vụ người bệnh. Chúng tôi đã có cuộc làm việc chuyên ngành với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tìm các giải pháp sớm đưa các thiết bị này hoạt động trở lại. Nếu như Bệnh viện Bạch Mai làm được điều này thì các Bệnh viện công khác có tình trạng như vậy cũng làm được để các thiết bị tương tự sớm được đưa vào hoạt động.
Thứ ba là các vật tư tiêu hao và các sinh phẩm. Hiện tại với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, không riêng gì Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều bệnh viện công khác, nhiều bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng này.
Khó khăn ở đâu?
Thứ nhất là khó khăn ở chuỗi cung ứng. Hiện nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong thầu, trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được.
Thứ hai là các công ty được trao thầu, mời thầu thì không chào thầu, không tham gia thầu, bởi lẽ sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, phổ biến, thiết yếu đã bị đứt chuỗi và phá sản, không thể cung ứng được.
Thứ ba là giá của các mặt hàng này hiện tại so với những giá đã trúng thầu trước đây trong vòng 1 năm qua đã tăng lên rất nhiều. Do vậy các công ty có báo cáo là không thể chào thầu với giá như vậy nữa vì họ sẽ bị lỗ.
Về cơ sở pháp lý, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo và có cuộc họp liên tịch giữa Bộ Y tế với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng khác.
Hiện tại một số văn bản pháp quy, một số thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa như Thông tư 14 trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư. Khi chúng tôi bắt tay vào làm thì thấy những quy định không mang tính cập nhật, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu.
Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các vụ, cục, cơ quan liên quan sửa Thông tư 14, 15 liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư. Bộ Tài chính cũng đang tích cực sửa Thông tư 58. Chúng tôi cũng đã kiến nghị sửa Nghị định 98 liên quan đến đầu thầu thuốc, vật tư. Cần làm sao cho những văn bản pháp quy trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, và lãnh đạo Bộ Y tế cũng quyết liệt chỉ đạo sửa và chúng tôi là những người đồng hành để sửa các văn bản pháp quy này.
Hoàng Lan
Cùng chuyên mục
- Tags:
- thiếu vật tư /
- Thiếu thuốc /
- ngành y tế /
- bệnh viện /
- Bệnh viện Bạch Mai /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
DNTH: Ngày 13/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương...
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
DNTH: Tháng Mười – tháng của sự yêu thương và tri ân những người phụ nữ – đã trở nên ý nghĩa hơn với những hoạt động đồng hành từ Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm STARMED và nhãn hàng Dr.Wet.
Hệ thống Thế giới sơ sinh nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Cần Thơ
DNTH: Hệ thống Thế giới sơ sinh, với vai trò tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã tổ chức Festival Mẹ Bầu & Em Bé nhân kỷ niệm 15 năm thành lập. Sự kiện không chỉ tri ân khách hàng mà...
Hơn 24,5 nghìn ca mắc mới ung thư vú được phát hiện mỗi năm
DNTH: Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2022), tại Việt Nam có 180.480 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú đã vượt lên trên ung thư gan trở thành bệnh đứng thứ nhất về tỉ lệ mắc mới, với 24.563 ca...
Giới trẻ tặng nhau chai Nước uống Sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng
DNTH: Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai Nước uống Sữa trái cây Mãng Cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.
Đừng chỉ ăn quả, lá loại cây này quý như "nhân sâm người nghèo", ở quê mọc cao vút
DNTH: Có một loại lá tưởng không ăn được nhưng khi mang đi chế biến theo cách này rất tốt cho sức khỏe, thậm chí phòng ngừa ung thư, tuy nhiên cần ghi nhớ lưu ý khi dùng.
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...