Tổng thuật: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?"

20:37 | 04/03/2022

DNTH: Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã thành thông lệ "đến hẹn lại lên", khiến cho điệp khúc buồn "biết rồi, khổ quá, nói mãi" của người nông dân "một nắng hai sương" cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn. Nhiều người còn ví von rằng đây là "căn bệnh cố hữu mà không thể có liều thuốc đặc trị".

Câu chuyện ùn tắc nông sản ở cửa khẩu đã trở thành mối quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều cuộc họp, cuộc làm việc để tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13/01/2022 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất thành lập nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp để xử lý các vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo: xuất khẩu nông sản là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. 

Xuất khẩu nông sản không thể "đường mòn lối mở" mãi, phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta".

Thưa quý vị và các bạn, xuất khẩu nông sản "không thể đường mòn lối mở mãi"! Việc giải quyết tận gốc vấn đề đầu vào – đầu ra cho nông sản sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Đây cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức từ 14.00', ngày 4/3/2022.

TRỰC TIẾP: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 2.
Tọa đàm: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: đâu là giải pháp căn cơ?"

Dự tọa đàm có các vị khách mời:

- Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

- Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

- Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

- Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Chương trình tọa đàm được tường thuật trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ, Fanpage Thông tin Chính Phủ.

Đồng thời, những thông tin liên quan đến cuộc tọa đàm cũng liên tục được tổng thuật và cập nhật trực tiếp trên Báo điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

17:41 ngày 04/03/2022

Logistic là vấn đề lớn của quốc gia chứ không phải riêng ngành nông nghiệp

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Các vị khách mời nêu ra nhiều giải pháp để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

MC: Đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản? Cũng vẫn là những kế hoạch dài hơi và căn cơ? Điều kiện cần và đủ để triển khai như thế nào cho nhanh chóng, hiệu quả. Xin ý kiến đóng góp của các vị khách mời?

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: hệ thống logistics chiếm 20 - 25% chi phí chung, nếu Nhà nước và bộ, ngành chung tay, chỉ cần giảm được 5% thì tăng lợi nhuận rất cao. Tất nhiên việc này không thể làm ngay vì đó là hạ tầng, cần thời gian nhưng cũng nhìn rõ vai trò của logistics ngày càng quan trọng. Xu hướng thế giới là vận chuyển đa phương thức, muốn gia nhập thế giới thì cần có hệ thống logistics phù hợp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: nói về logistics thì nhiều người chỉ nghĩ đến thị trường xa nhưng ngay nội địa cũng rất quan trọng. Điển hình như thời gian qua, do dịch bệnh, logistics đã làm tăng chí phí cho doanh nghiệp nội địa rất nhiều. Đây là vấn đề lớn của quốc gia chứ không phải riêng ngành nông nghiệp.

Nếu chúng ta nghĩ chi phí này giảm thì thu nhập nông dân tăng lên mới thấy được ý nghĩa quan trọng của logistics… hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang tập hợp để khuyến nghị chính sách. Điều này còn phụ thuộc nguồn lực quốc gia, chúng tôi cũng đang kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế để có thể chung tay phát triển hệ thống logistics tốt hơn nữa để đưa nông sản đi xa hơn.

MC: Giải bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu không hề đơn giản và cũng không phải ngày một ngày hai là xong. Bài toán này cũng cần sự chung tay góp của của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân và cả bà con nông dân. Chúng ta hy vọng đường đi cho nông sản xuất khẩu sẽ là những tuyến cao tốc, nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham dự chương trình./.

17:26 ngày 04/03/2022

Thiết lập "vùng xanh" tại cửa khẩu như thế nào?

MC: Dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn, vẫn có hàng ngàn xe chờ thông quan, vậy triển triển khai "vùng xanh, luồng xanh" tại cửa khẩu biên giới theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được thực hiện ra sao?

Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động nâng cấp độ phòng, chống dịch ở mức cao nhất và áp dụng đồng bộ các giải pháp "quản lý khép kín" tại khu vực cửa khẩu qua đó đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục xây dựng, bảo vệ khu vực cửa khẩu là "vùng xanh", đảm bảo an toàn, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án thiết lập "vùng xanh, luồng xanh" để kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Chúng tôi đã trao đổi với chính quyền Quảng Tây cùng tăng cường hợp tác y tế, phát huy cơ chế trao đổi thông tin và phòng, chống dịch Covid - 19 ở khu vực cửa khẩu; cùng nghiên cứu, sớm thống nhất, phương án giao nhận hàng hóa phù hợp, rút ngắn thời gian thông quan, với việc thí điểm hợp tác công nhận 1 lần kết quả xét nghiệm, khử khuẩn đối với người , phương tiện vận tải, hàng hóa xuất khẩu tại vùng xanh an toàn khu vực cửa khẩu biên giới hai bên, đảm bảo thuận lợi cho hàng hóa thông quan.

Đối với việc triển khai xây dựng "vùng xanh", "luồng xanh" ở khu vực biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid - 19 chúng tôi đã triển khai và đang hoàn thiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên cần có sự phối hợp, thống nhất với phía Quảng Tây để cùng thực hiện mới phát huy tối đa hiệu quả và năng lực thông quan trong thời gian tới. Và hiện nay địa phương đang tích cực triển khai thực hiện.

17:17 ngày 04/03/2022

Phát triển thị trường là một chuyện nhưng để có nông sản đáp ứng được yêu cầu lại là câu chuyện khác

MC: Có một biện pháp nữa là tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay vấn đề này đã tiến hành đến đâu, thưa ông?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: chúng ta đang định kỳ làm việc với phía bạn, một số mặt hàng chưa nằm trong nghị định thư, phía bạn cũng đồng ý quan điểm hai bên sẽ ngồi lại để mở rộng thêm mặt hàng nông sản để xuất khẩu chính ngạch. Do dịch Covid - 19 nên các chuyên gia, cán bộ của Trung Quốc chưa sang để cụ thể hóa. 

Bộ NN&PTNT cũng đang thúc đẩy việc này cùng Bộ Công thương để làm sao sớm nhất chúng ta có nhiều loại nông sản hơn để xuất khẩu chính ngạch được.

Nhiều khi tìm kiếm, khơi thông được thị trường nhưng lại không có sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn của thị trường đó. Vấn đề phát triển thị trường là một chuyện nhưng để có nông sản đáp ứng được yêu cầu lại là câu chuyện khác. 

Đối với các bộ, ngành Trung ương, có chức năng tìm kiếm và phát triển thị trường, nhưng các địa phương cũng đồng hành để có nông sản, sản phẩm đáp ứng được chuẩn mực của thị trường đó.

17:11 ngày 04/03/2022

Tất cả con số thị trường nông sản sẽ mở ra giống như dự báo thời tiết

MC: Việc chính quyền một số địa phương cùng xắn tay vào khi trước thời điểm thu hoạch nông sản là tín hiệu tốt. Đây là điểm rơi quan trọng để quyết định số phận của nông sản một cách  bải bản. Cần nhân rộng những phương pháp hiệu quả của một số địa phương như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: tôi gọi nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc.

Thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương làm 2 việc.

Một, về đầu cung, chúng tôi đang có chương trình khuyến khích tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến. Trước đây, khi phát hiện thị trường thì chúng ta mới xây dựng vùng trồng vùng nuôi. Giờ chúng ta chủ động làm trước ngay cả thị trường nội địa.

Như tôi hay nói, khi chúng ta xuống giống thì 3 - 6 tháng sau chúng ta hình dung sản lượng thu hoạch là bao nhiêu, từ những thông tin đó chúng ta đưa lên Cổng thông tin dùng chung để các trung tâm, nhà phân phối kể cả trong nước, nước ngoài nhìn vào bảng đó, giống như bảng của thị trường chứng khoán. Thông số phải minh bạch, tích hợp từ các địa phương. Có thời điểm rõ ràng cụ thể để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhìn vào đó mà chuẩn bị, ước lượng mình có thể tham gia vào thị trường này ở phân khúc nào, sản lượng là bao nhiêu để chủ động kết nối ngay từ đầu mùa vụ.

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: dẫn dắt, chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tất cả những con số mở ra giống như là dự báo thời tiết, tôi mong đó như dự báo thời tiết, sáng nào chúng ta cũng có rồi sau đó để chúng ta dẫn dắt thị trường, nếu có rủi ro thị trường thì chủ động xử lý.

Dẫn dắt chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được, giống như cái chợ, lên đó mình cứ chở ra chợ, không bán được chợ sáng thì chợ chiều, cùng lắm là quay về.

Chúng tôi cũng cám ơn các địa phương, nhất là các địa phương cửa khẩu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai. Trong thời gian vừa qua, mặc dù cũng trong vùng dịch, cũng đối phó các vấn đề của bà con mình mà vẫn hỗ trợ cho các bà con các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đây không phải là cửa khẩu của địa phương đó mà đang làm nghĩa vụ quốc gia.

Và từ câu chuyện này, chúng ta phải mở rộng kết nối các đầu cung, các địa phương phía Bắc chủ động hơn nữa.

Thời gian tới, chúng ta thay đổi dần dần, từ thị trường tiểu ngạch sang thị trường chính ngạch, từ xuất khẩu bằng đường bộ sang xuất khẩu bằng đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Trước sau gì chúng tôi cũng mở lộ trình logictics, để xem khi thay đổi như vậy thì sẽ đặt ra vấn đề gì nữa. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục kiến nghị về vấn đề này.

17:00 ngày 04/03/2022

Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch chưa thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch

MC: Về dài hạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vậy hiện việc này được triển khai đến đâu? Những chính sách đang được đề xuất có thể giải quyết căn cơ tình trạng này không?

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: hiện nay Bộ Công thương đã triển khai và xin ý kiến các bộ, ngành, thời hạn thì đáp ứng được.

MC: Trên góc độ địa phương, theo bà làm gì để giải quyết căn cơ việc này?

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: trước tiên tôi xin trao đổi về vấn đề truyền thông. Thông tin về Lệnh 248, Lệnh 249 từ phía Trung Quốc, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn nhưng hiệu ứng chưa được đồng bộ, sâu rộng. Đến nay các doanh nghiệp (DN) và người dân trực tiếp sản xuất chưa nắm rõ thông tin về hai lệnh này một cách đầy đủ. Tôi nghĩ cần làm căn cơ hơn nữa về đánh giá tác động với các ngành hàng.

Tại địa phương chúng tôi cũng có hiện tượng do chưa cập nhật thông tin về thị trường phía Trung Quốc nên một số hàng thô phải hạ xuống đóng gói thì mới đủ điều kiện để xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc lớn nên bất kỳ chính sách nào thay đổi thì đều tác động đến sản xuất và thị trường nông sản Việt Nam. Tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên khuyến cáo nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới cần thêm các phương pháp phù hợp hơn nữa để có hiệu quả thiết thực, quan trọng là người sản xuất và kinh doanh có thể nắm bắt được.

Từ thực tiễn cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch đang chiếm đến 90%, tỷ lệ chính ngạch chỉ có 10%, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu tiếp xúc với các đầu mối trung gian nên xuất khẩu chủ yếu không có hợp đồng.

Việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới... điều đó tác động đến thương mại song phương.

Chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách.

Về việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là một giải pháp căn cơ.

Tôi nghĩ đó là giải pháp quan trọng để các địa phương rà soát lại các tiêu chí, vùng trồng, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, để cân đối giữa quy mô và thị trường tiêu thụ.

16:48 ngày 04/03/2022

Không phải chúng ta "một mình một chợ"

MC: Rõ ràng các vị khách đã nêu các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Sau khi nghe ý kiến của các vị khách mời, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này và theo Bộ trưởng cần triển khai những định hướng lớn như thế nào để giải quyết vấn đề tiểu ngạch?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: tuần sau tôi đã lên lịch chủ trì các công việc, để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc.

Chúng ta cũng tách bạch ra các công việc: việc nào bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm. Chúng ta phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch". Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn.

Như tôi nói phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NN&PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư.

Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công thương, đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn. Tại Trung này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ trong đó có xây dựng Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Sau này chúng tôi cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặc dù có trung tâm này rồi nhưng quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước. Kể cả đến một ngày nào đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước không còn dễ tính nữa. Vì vậy câu chuyện này phải thay đổi rất nhiều.

Sắp tới Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội ngành hàng. Chúng tôi cũng xây dựng đề án riêng cho thị trường EU. Việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.

Tôi được biết anh em bên Trung Quốc có nói, hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã.

Bản thân không phải chúng ta "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta.

Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta quá lớn mà chưa thấy được rủi ro. Sắp tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn.

16:39 ngày 04/03/2022

Làm thế nào chuyển mạnh sang chính ngạch?

MC: Bộ cũng đã nhiều lần khuyến cáo chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. DN còn gặp khó khăn khi tiếp cận chính ngạch, biện pháp nào để chấm dứt hẳn tình trạng này?

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Trước tiên, về vấn đề chuyển đổi thị trường, chúng ta có 15 FTA, nhưng vấn đề ở chỗ các DN làm sao tiếp cận, làm sao hàng hoá đáp ứng yêu cầu của các nước.

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Để giải quyết vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật một loại hàng hoá là cả quá trình, đôi khi cần có thời gian, chưa chắc đạt ngay được.

Vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian.

Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện, cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.

Về ngoại thương với Trung Quốc, có 2 hình thức buôn bán: thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch, thứ hai trao đổi cư dân, chợ biên giới.

Ta có Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định.

Khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì DN gặp khó ngay. Do đó chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.

Thứ nhất là, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường.

Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả.

Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.

Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương giờ đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15 - 17%, logistics chỉ tăng khoảng 4 - 5 %...

Vận tải cũng cần đa dạng hoá, như hiện nay, vận tải hàng hoá đường sắt vẫn còn ít.

Thứ ba là vấn đề thị trường Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham các Hiệp định RCEP, FTA ASEAN - Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc Hiệp định.

Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua. Đến giờ lợi ích đó còn nên DN vẫn theo thời gian nữa. Tuy nhiên, thời gian qua người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới mới tính đến bán hàng.

Nếu bán hàng theo hợp đồng, hạn chế rủi ro, nhưng đôi khi bán tiểu ngạch thì dễ hơn.

Về lâu dài, DN cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Cần thúc đẩy xu hướng này. Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc.

Tôi cho rằng, tiềm năng nông sản Việt nam còn nhiều, các cơ quan, hiệp hội DN cần có thêm các giải pháp.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: tôi cho rằng lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng.

Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…

Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay.

16:22 ngày 04/03/2022

Mọi bẫy nằm ở 3 chỗ

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: chính DN là người dẫn dắt nông dân sản xuất. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

MC: Chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề then chốt. Đôi khi ùn ứ cũng do sản phẩm không đạt chuẩn để xuất khẩu. Bộ lọc chất lượng sản phẩm của chúng ta đã lơi lỏng ở khâu nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: cách đây khoảng nửa tháng, khi tôi đến một địa phương, tôi gặp một Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng nông sản xuất khẩu đang xuất sang Trung Quốc và bị ùn ứ, thì anh hỏi tôi: Bộ trưởng có giúp cho những DN chúng tôi hiểu được sự thay đổi thị trường Trung Quốc. Tôi nói: "anh đang ngồi ở đâu vậy?".

Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ. Một lãnh đạo địa phương nói với tôi, ông Chủ tịch hiệp hội này chỉ lo đi buôn bán. Như vậy thì nguy rồi. Bản thân DN phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định về từng loại thị trường.

Thị trường Trung Quốc chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi, họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột.

Chính DN là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi vì DN mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế. Nếu DN thấy thị trường Trung Quốc là thị trường khó tính, tầng lớp trung lưu nhiều, họ tìm kiếm nông sản không như ngày xưa nữa thì chính DN đó sẽ dẫn dắt người nông dân. Bản thân DN như anh Bình nói cũng đang dễ dãi với mình.

Tôi đề nghị anh Bình thông tin, chia sẻ với tôi, cửa khẩu có thể ùn ứ một chuyến hàng này nhưng chuyến sau thì DN đi buôn có khi có lãi, có khi lấy lại được. Tất nhiên là cũng khó khăn chứ không dễ. Nhưng bà con nông dân gần như mất trắng, bởi bà con chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Nếu tư duy cách sản xuất như vậy thì không thể thay đổi ngày một ngày hai.

Nếu cơ quan Nhà nước đi kiểm tra chất lượng thì việc cũng đã rồi. Cho nên vai trò của hiệp hội ngành hàng vô cũng quan trọng trong nền kinh tế thị trường, bởi Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì mà vai trò của hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình là những người dẫn dắt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

Tôi mong rằng các hiệp hội ngành hàng giúp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng.

Tôi phát hiện, mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thêm: về vấn đề chuyển đổi sang phương thức chính ngạch, tôi băn khoăn và cho rằng đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được. Vì mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng. Chúng ta bỏ tiểu ngạch, chuyển hết tiểu ngạch sang chính ngạch là một vấn đề. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán rồi các DN tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn. Tôi đề nghị Bộ trưởng và Bộ Công thương nên có hỗ trợ tích cực để DN tiếp cận được với thị trường, với khách hàng, để cho DN tự vận động, tôi nghĩ rằng rất khó.

16:00 ngày 04/03/2022

MC: Việc truyền thông các chính sách về nhập khẩu nông sản của nước bạn một cách kịp thời cũng là biện pháp quan trọng. Chúng ta dường như khá bị động trong cả vấn đề này thưa ông?

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương hết sức coi trọng công tác truyền thông chính sách về nhập khẩu nông sản cho bà con.

Đặc biệt, Bộ Công thương phát hành rất nhiều sách giới thiệu về giao thương, xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những sách này, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tiêu chuẩn hàng hóa, những đạo luật, pháp lệnh của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng.

Ví dụ như việc thông tin về các Lệnh 248, 249, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã triển khai rất sớm. Có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều nên nhận thức về tầm quan trọng cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề này còn hạn chế.

Tuy nhiên, dù thế nào thì thông tin là vô tận, doanh nghiệp luôn luôn cần thông tin. Chúng tôi nghĩ vai trò hiệp hội trong lĩnh vực này là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, từ công tác tham vấn chính sách đến tuyên truyền. Chúng tôi nghĩ hiện nay, Thương vụ ở Trung Quốc cũng thường xuyên thông tin. Khi có thông tin, chúng tôi trao đổi ngay với Bộ NN&PTNT, chuyển cho địa phương để thông báo. Và ngay trên website của Bộ Công thương, hàng tuần, 10 ngày, chúng tôi có bản tin nông sản và bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, địa phương nào có nhu cầu về thông tin chúng tôi đều cung cấp.

Chúng tôi nghĩ là Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đã cố gắng hết sức trong vấn đề truyền thông và thông tin cho bà con về vấn đề này.

15:47 ngày 04/03/2022

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa

MC: Trước tình trạng ùn tắc nông sản và các giải pháp mà các đại biểu vừa trao đổi, hiệp hội đã làm gì để giúp DN?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: dù có nhiều giải pháp nhưng kết quả cuối cùng không được như mong muốn. Vậy, chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ chưa? Về phía DN, tôi cho rằng vẫn nhiều DN hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu qua cầu truyền hình trực tuyến.

Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là DN trở tay không kịp. DN chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều.

Trước đây, chúng tôi có công ty xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc, việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010 - 2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu chúng tôi phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được.

Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tôi cũng không rõ đã có bao nhiêu DN đăng ký được theo hai lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian.

Về việc giúp đỡ các DN thì hiệp hội chúng tôi có những biện pháp cung cấp thông tin cho DN nhận rõ vị trí hiện tại. Việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc phải cấp mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số… được thông tin rõ, nếu không làm thì không đưa hàng sang thị trường Trung Quốc được.

Cuối năm 2021, chúng tôi đã có sự nhất trí cao từ các DN hàng đầu của hiệp hội để liên kết, hỗ trợ tạo sức mạnh. Cùng với đó, Hiệp hội Làm vườn và Hội nông sản sạch Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạo những liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.

15:31 ngày 04/03/2022

Ngoài căn bệnh "hay quên" còn căn bệnh "mù mờ"

CẬP NHẬT: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" - Ảnh 1.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

MC: Thưa Bộ trưởng, ông đã từng phát biểu việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu là do chúng ta bị động? Vậy ông có thể nói rõ hơn căn nguyên này được không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: nhìn lại cách đây 3,4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch Covid - 19. Đến khi xảy ra câu chuyện, lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra câu hỏi: tại sao lại lệ thuộc 1 thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch, sao không đầu tư phát triển logistics?...

Đó là những câu hỏi 3 - 5 năm trước, nhưng chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy.

Bà con làm ra sản phẩm cứ đưa lên cửa khẩu còn hơn để chín rục tại chỗ. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu là làm phần ngọn, không phải gốc.

Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu.

Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn.

Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường.

Quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường…

Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro…

MC: Từ những chia sẻ của Bộ trưởng, ngoài căn bệnh hay quên còn một căn bệnh nữa là mù mờ trong sản xuất. Nghĩa là sản xuất chưa tính đến thị trường, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng. Nhưng vấn đề này không phải là mới như Bộ trưởng đã chia sẻ từ 3 - 5 năm trước, vậy tại sao đến bây giờ chưa có lối ra bài bản?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: theo tôi gần như là câu chuyện bị quên lãng. Chúng ta say sưa nhất định với thành tích xuất khẩu và thật sự nhờ đó mà bà con Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, những nông sản thường xuyên có mặt tại thị trường Trung Quốc thấy bản báo cáo kết quả xuất khẩu hằng năm và hồ hởi với kết quả đó.

Chúng ta không nghĩ tới rủi ro và rủi ro luôn luôn hiện hữu trước mắt, có thể "gãy" bất kỳ giờ nào. Đây là dịp cả Bộ NN&PTNT với trách nhiệm quản lý Nhà nước ngành nông sản, Bộ Công thương và Hiệp hội ngành hàng rau củ quả tuần sau cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc.

15:09 ngày 04/03/2022

Thiết lập vùng xanh trong thông quan là rất quan trọng

MC: Là một lực lượng quan trọng và có thể nói là chìa khóa trong việc giải quyết ùn ứ hàng hóa. Ông có thể cho biết những khó khăn thực tế gặp phải khi thông quan? Thủ tục hành chính tại các cửa khẩu đã thực sự minh bạch, đơn giản hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu không thưa ông?

TRỰC TIẾP: Xuất khẩu nông sản - Không thể đường mòn lối mở mãi! - Ảnh 1.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: ngay từ khi chưa có dịch, thực hiện chủ trương về khuyến khích xuất khẩu, cơ quan hải quan cũng như các bộ, ngành đã hết sức tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu. Tình huống dịch bệnh là chưa từng có trước đây, cơ quan hải quan cũng như các bộ, ngành thực thi các chính sách tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng đã tập trung nguồn nhân lực, tăng ca, tăng kíp và tăng giờ. Đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía bắc trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, anh em đều làm thêm, làm ngoài giờ, thậm chí trong những lúc khó khăn sau Tết, có buổi làm việc đến 11h đêm để chờ những chuyến xe có thể thông quan qua cửa khẩu. Đấy là những khó khăn chung mà chúng tôi phải tìm các khắc phục.

Về phía công chức hải quan, chúng tôi cũng đã chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ cùng với các ban, ngành tại địa phương, thường xuyên có trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, là một trong những đơn vị chủ trì trong việc thông quan hàng hóa, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu.

15:07 ngày 04/03/2022

Trao đổi hàng ngày, hàng giờ với phía bạn để thông quan

MC: Thưa bà Đoàn Thu Hà, tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu hiện nay như thế nào sau khi chúng ta đã triển khai hàng loạt giải pháp? Bà đánh giá như thế nào về các biện pháp này?

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Công thương, NN&NPTNT, Tổng cục Hải quan, các cơ quan trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.

Với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc.

Đến sáng nay, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3. 

Chúng tôi dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ. Chúng tôi cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.

Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay,  hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn. Thứ hai, về việc thiết lập "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chúng tôi đã thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.

Cùng với các biện pháp chúng tôi triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chúng tôi đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc tôi nghĩ sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Chúng tôi mong các bộ: Công Thương, NN&PTNT, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

14:34 ngày 04/03/2022

Ùn tắc nông sản: cả Trung ương và địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ

MC: Thưa các vị khách mời, thưa Quý vị khán giả, từ phóng sự vừa được trình chiếu chúng ta cũng thấy được phần nào nguyên nhân của tình trạng ùn ứ nông sản tại vùng biên thời gian qua. Và câu hỏi đầu tiên tôi xin gửi tới đại diện Bộ Công thương..

Từ khi xảy ra tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Xin ông cho biết rõ thêm về các giải pháp đã triển khai?

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương: trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

TRỰC TIẾP: Xuất khẩu nông sản - Không thể đường mòn lối mở mãi! - Ảnh 1.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này, như chúng ta thấy Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.

Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu.

14:03 ngày 04/03/2022

Những mảng sáng tối của bức tranh xuất nhập khẩu nông sản

MC: Mở đầu tọa đàm, xin kính mời các vị khách mời cùng quý vị khán giả cùng theo dõi một phóng sự do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện để thấy rõ hơn những mảng sáng tối của bức tranh xuất nhập khẩu nông sản Việt hiện nay.

(Phóng sự phản ánh thành quả của nền nông nghiệp - trụ đỡ nền kinh tế, với kỳ vọng xuất khẩu của ngành dự kiến đạt hơn 50 tỷ USD; đề cập tình hình ùn ứ nông sản thời gian qua, có phỏng vấn 2 chuyên gia nông nghiệp và sự chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành để đạt được mục tiêu đề ra và các kiến nghị giải pháp).

 

Xem link!

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cảnh báo triều cường sẽ gây thiệt hại nhiều nơi ở Bạc Liêu

DNTH: Bạc Liêu - Dự báo năm 2025, hạn mặn ít khốc liệt hơn năm 2024 nhưng triều cường có khả năng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Miền Bắc thấp nhất 5 độ C

DNTH: Không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa khiến sáng nay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rét 5 độ C, vùng núi cao xuống dưới 10 độ, đồng bằng phổ biến 15-16 độ.

Thứ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có quy mô hàng tỉ USD

DNTH: Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Cách mạng tinh gọn bộ máy phải làm đến cùng, triệt để

DNTH: Chuyên gia cho rằng, để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, phải đảm bảo nghiên cứu thấu đáo, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng thận trọng, cẩn thận.

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng

DNTH: Bộ Tài chính vừa đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế trên 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng các huyện miền núi Thanh Hóa

DNTH: Ngày 7/12, tại huyện miền núi Bá Thước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

XEM THÊM TIN