Tổng thuật: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan

19:08 | 07/06/2022

DNTH: Chiều 7 và sáng 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung:

Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

14.00 TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 2.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đầu giờ sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.

Tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn phục vụ đồng bào và cử tri theo dõi.                                             

17.00' Quốc hội nghỉ

Sáng mai, 8/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

17:00 ngày 07/06/2022

Áp dụng đồng bộ các quy trình để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái

Ảnh VGP/Nhật Bắc 
Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về phát triển chuỗi liên kết, Bộ trưởng cho rằng phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mựcc đầu ra.

Bộ trưởng nêu rõ không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái, ngoài vai trò nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.

Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung, hiệu suất cao

Liên quan đến vấn đề về phát triển giống cây ăn quả, Bộ trưởng cho biết, điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả.

Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây công nghiệp dài ngày, phổ biến nhất là trồng xen trong vườn cây cà phê nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với cácbộ, ngành và các Viện nghiên cứu để nghiên cứu các giống cây ăn quả phong phú, hiệu suất cao.

Nâng cao năng lực quản trị của các hợp tác xã

Về giải pháp phát triển hợp tác xã, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng để hợp tác xã dễ tiếp cận những điều kiện thuận lợi hơn về đất đai và vốn phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực thị trường của các hợp tác xã.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ để hợp tác xã phát huy được vai trò của mình. 

16:58 ngày 07/06/2022

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thực tiễn thế giới chứng minh phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn. Ảnh VGP/Nhật Bắc 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: thực tiễn thế giới chứng minh phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nhiều mô hình tập trung đất đai đã được thực hiện hết sức thành công

Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện nay các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê.

Còn phần chuyển mục đích sử dụng, theo Bộ trưởng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ gia đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn nhấn mạnh, vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20 ha) nhưng năng lực để đầu tư là không nhiều.

Hơn nữa, thực tiễn thế giới cũng chứng minh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được.

Hiện có nhiều mô hình để tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã để liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 4.710 ha đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.

Sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và doanh nhân để tạo ra giá trị cao.

Phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên

Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình là tình trạng suy thoái đất. Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học.

Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng. Đối với vấn đề này chúng ta cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học thành công, đó là Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên tắc chung là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên, kinh phí phải phát triển dựa theo hệ sinh thái.

Theo đó, chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định.

Sử dụng đất theo hướng đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khi hậu

Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sử dụng đất đai hiệu quả thì ngành nông nghiệp phải đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ chống đỡ mà phải tận dụng.

Đất đai nông nghiệp nhưng có dịch vụ; đất đai nông nghiệp nhưng có sản xuất, chế biến; đất đai nông nghiệp nhưng có du lịch sinh thái; hay thay đổi cách thức là sử dụng từ phân bón vô cơ hữu cơ….

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề cập cụ thể và có các nghị định để sẵn sàng triển khai những nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm đất đai.

16:54 ngày 07/06/2022

Nhiều nông sản Việt Nam đã đi vào được những thị trường khó tính

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính, chứng tỏ đã đạt được tiêu chuẩn của thị trường. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều năm qua là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan hệ rất tốt, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì hai Bộ đã có chương trình phối hợp toàn khóa, cùng với đó là kế hoạch hằng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố từng vụ việc. Từ đó, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời cho biết, Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở.

Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử.

Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.

16:47 ngày 07/06/2022

Trước đây nói nhiều đến "rau hai luống, lợn hai chuồng" nhưng bây giờ đã có tiến bộ hơn

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã có tiến bộ rất nhiều. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã có tiến bộ rất nhiều.

Trước đây người dân, đại biểu Quốc hội cũng nói nhiều đến tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng", tuy nhiên, bây giờ vấn đề này ít được nói đến hơn.

Điều đó chứng tỏ đã có thay đổi tư duy người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta có thể tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề quản lý nhà nước để làm được tốt hơn.

"Thị trường có nhiều "cái biến", nhưng mà có cái "bất biến" là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

16:29 ngày 07/06/2022

Xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường bài bản, tránh tình trạng "buôn chuyến"

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề bất ổn thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Do vậy cần xây dựng đề án riêng tránh tình trạng "đi buôn chuyến" để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn.

Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này các doanh nghiệp Việt trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

16:28 ngày 07/06/2022

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông, đào tạo lao động nông nghiệp

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Trả lời đại biểu về giải pháp trong thời gian tới giúp đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ trong lao động nông nghiệp? Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, muốn tăng năng suất nông nghiệp chúng ta cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Cũng giống như các nước, họ coi nông nghiệp là một nghề, cho nên lao động nông nghiệp cần phải được đào tạo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp có nhiều góc độ, có những cấp độ cao phải đào tạo cán bộ ngành, cán bộ chủ chốt.

Đối với bà con nông dân, Bộ trưởng cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh chương trình khuyến nông quốc gia. Vừa qua đã tổ chức ở Gia Lai để tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận biết thị trường, nhận biết những điều kiện để canh tác cà phê đúng chuẩn, chiến lược phát triển cho người nông dân…

16:25 ngày 07/06/2022

Hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Về việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chia ba vùng sinh thái ngọt, lợ, lợ mặn để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Theo Bộ trưởng khó khăn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài khó khăn về hạ tầng giao thông, đường cao tốc khu vực Đồng bằng song Cửu Long còn gặp khó về hạ tầng logistics, kho bảo quản, khu chế biến.

Vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn cho thành phố Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù là trung tâm logistic, từ đó kết nối với hạ tầng logistic dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với các tập đoàn của Mỹ, châu Âu đầu tư chuỗi các kho bảo quản ở cấp độ hợp tác xã dọc sông Tiền, sông Hậu để kết nối về trung tâm ở thành phố Cần Thơ.

Mô hình đầu tiên là kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời ở Trà Vinh đang được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng tin rằng, với giải pháp này sẽ tạo ra một thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.

16:22 ngày 07/06/2022

Phát triển thủy sản bền vững, giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc phát triển ngành thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng gần như không có một tổ chức quy củ nào, còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Theo Bộ trưởng, trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng, Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.

Về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ trưởng cho rằng, trong triển khai thực hiện Nghị định này còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa. 

Theo Bộ trưởng cần phải đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…

16:13 ngày 07/06/2022

Chất lượng tốt, sản lượng ổn định mới thu hút được doanh nghiệp

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản ổn định. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su.

Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương.

Theo Bộ trưởng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản ổn định.

Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với nông dân và doanh nghiệp để tạo niềm tin thị trường trước.

Phải làm tốt thương hiệu trong nước tạo bệ đỡ đưa nông sản ra nước ngoài

Về xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng cho biết, để đưa 1 mặt hàng nông sản đến 1 kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài thì chi phí logistic và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao.

Do đó chưa thể quá quá háo hức. Điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trước tiên phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.

16:11 ngày 07/06/2022

Để khắc phục "điệp khúc được mùa mất giá" phải có sự vào cuộc đồng bộ

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Toàn cảnh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "điệp khúc được mùa mất giá" đến bao giờ khắc phục được? Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng.

Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún". Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

15:51 ngày 07/06/2022

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Về vấn đề sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ Bộ trưởng cho biết, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

15:47 ngày 07/06/2022

Đẩy mạnh liên kết, chia sẻ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trả lời đại biểu về giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nướcvới nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Đây cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.

14:53 ngày 07/06/2022

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Bộ trưởng chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.

Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.

Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.

Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

14:15 ngày 07/06/2022

53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Các đại biểu: Chu Thị Hồng Hải (Lạng Sơn); Hoàng Anh Công (Thái Nguyên); Dương Văn Phước (Quảng Nam); Dương Khắc Mai (Đắk Nông); Lê Thị Song An (Long An); Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương); Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội); Tô Văn Tám (Kon Tum); Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu);…. chất vấn các về vấn đề: quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là vùng dân tộc, miền núi; giải pháp đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp đột phá để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở nông thôn;…

14:12 ngày 07/06/2022

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển, vấn đề còn lại là cách thức vận hành

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại Kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn hôm nay (7/6). Ngay sau khi Hội nghị Trung ương V, khóa XIII vừa thảo luận chuyên đề về tam nông.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. 

"Không có vấn đề" chính là vấn đề lớn nhất. Nhận diện phát hiện vấn đề không chỉ không thể chỉ từ trong nội bộ một tổ chức vì vốn dĩ tổ chức ít nhiều còn quán tính khôn cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại là câu hỏi và trả lời, chất vấn và giải trình còn là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.

Theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách trong vai trò quản lý chuyên ngành mang nặng yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó, 499 vị đại biểu Quốc hội từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương quán xuyến, bao quát các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ có cách thức, quan điểm tiếp cận vấn đề nhiều góc độ khác nhau dưới nhiều cấp độ khác nhau. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

14:07 ngày 07/06/2022

Lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện tượng khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày từ chiều ngày 07/6 đến hết ngày 09/6/2022, được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của nhân nào, người đó có trách nhiệm trả lời.

Về nhóm vấn đề chất vấn, trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và các tiêu chí lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đề xuất chất vấn của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, những vấn đề nổi lên thông qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 05 vấn đề trình Quốc hội xem xét, biểu quyết lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ hơn vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm căn cứ để Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động chất vấn trả lời chất vấn nói riêng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân và cử tri, đề nghị các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện tượng khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất; tiết kiệm và sử dụng tối đa thời gian Kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Nhân dân và cử tri cả nước đang chờ đợi câu trả lời thẳng thắn và trách nhiệm của các vị Bộ trưởng.

13:35 ngày 07/06/2022

Hỏi nhanh, đáp gọn, xử lý triệt để vướng mắc

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước. 
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước. 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn và tiếp tục kế thừa phương thức "hỏi nhanh - đáp gọn", đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.

Theo đó, trường hợp đại biểu không đồng ý với câu trả lời có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận với thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau.

Đối với người trả lời chất vấn thì không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp.

Cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó họ thấy được đại biểu Quốc hội và các "tư lệnh ngành" đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao? Quốc hội sẽ làm gì, Chính phủ sẽ làm gì, bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để giúp cho người dân và doanh nghiệp có cuộc sống tốt hơn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn. 

Đó mới chính là đích đến và là thành công thực sự của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.

Với tâm thế như vậy, ông Bùi Văn Cường tin rằng, 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu tận dụng tối đa để đạt hiệu quả cao nhất.

08:01 ngày 07/06/2022

Sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Trước đó, sáng 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Báo cáo cho biết, trong quý I/2022, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn, Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế -  xã hội.

Về nông nghiệp, Chính phủ nhấn mạnh các nội dung: Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại trong đó có hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.

 

Theo Báo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất, giải quyết điểm nghẽn về thể chế

DNTH: Ngày 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bế mạc. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đánh giá, đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Nhiều Luật đưa ra với tính chất phức tạp,...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia

DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội trao Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng

DNTH: Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công...

Hôm nay (29/11) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

DNTH: Ngày 29/11, theo Chương trình của kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi,...

Đại biểu Quốc hội đề xuất bảo lưu khi đóng bảo hiểm thất nghiệp 144 tháng

DNTH: Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo; đồng thời phải liên thông dữ liệu để tránh trục...

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

DNTH: Chiều 27/11, với 446/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

XEM THÊM TIN