Tranh thủ giá đường tăng cao, các nhà máy hoạt động tối đa công suất

10:51 | 14/02/2025

DNTH: Đầu năm 2025, giá đường thế giới tăng do thâm hụt nguồn cung, kéo theo giá đường tại nước ta cũng tăng, tạo cơ hội tiêu thụ cho ngành mía đường Việt Nam. Tranh thủ giá bán đường đang rất cao, từ khi chưa hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các nhà máy đường đã “ra quân” sản xuất sớm…

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ tháng 12/2024, ngành đường Việt Nam đã chính thức vào vụ ép 2024/25 với 22/24 nhà máy đã tiếp nhận mía. Sang tháng 1/2025, cả 24 nhà máy đường đã hoạt động và thời điểm này đang hoạt động với công suất cao nhất.

CÁC NHÀ MÁY “RA QUÂN” SẢN XUẤT SỚM

Tại khu vực Tây Bắc, tranh thủ lúc giá đường đang cao, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã ra quân sản xuất sớm ngay từ khi chưa kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 1/2/2025 (tức mùng 4 Tết). Hiện Công ty đang vận hành tối đa công suất 1 dây chuyền sản xuất đường RS, công suất 5.200 tấn mía/ngày. Công ty đang có trên 9.000 ha vùng nguyên liệu mía; 100% diện tích ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với trên 10.000 hộ trồng mía trên địa bàn huyện Mai Sơn và huyện Yên Châu. Theo kế hoạch năm 2025, sản lượng mía công ty đạt 550.000 tấn, doanh thu dự kiến 500 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, năm nay, toàn tỉnh trồng được hơn 22.200 ha mía, tăng hơn 1.200 ha so với vụ trước, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn mía, đáp ứng đủ năng lực sản xuất của các nhà máy trên địa bàn. Trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mía Công ty NASU Nghệ An được 14.400 ha, Công ty cổ phần mía đường Sông Con 6.500 ha…

 

Nghệ An là một trong những trung tâm chế biến đường lớn của cả nước với 3 nhà máy sản xuất đường có tổng công suất hơn 15.000 tấn mía cây/ngày. Khoảng bốn năm về trước, do giá đường thấp, các nhà máy sản xuất đường phải thu mua mía với giá thấp, khiến đời sống người trồng mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, không mặn mà với cây mía. Do đó, nhiều diện tích trồng mía truyền thống đã được người dân chuyển đổi sang trồng ngô, khoai, sắn… Những năm gần đây, giá đường tăng, cho nên giá mía nguyên liệu liên tục tăng.

Ông Ngô Văn Tú, Giám đốc Công ty NASU Nghệ An cho biết vụ ép năm nay, nhà máy bảo đảm thu mua hết mía cho người trồng, giá mua tại ruộng từ 1,2 triệu đến 1,22 triệu đồng/tấn với mía 10 CCS (độ đường), bao gồm cả tiền thưởng cho nông dân tuân thủ hợp đồng bán toàn bộ mía cho công ty. Bên cạnh đó, giá thu mua mía còn được điều chỉnh, độ đường CCS cao hơn mức bình quân (10 CCS) sẽ được cộng thêm 60.000 đồng/tấn/CCS…

Nhờ làm ăn hiệu quả, trong ba năm trở lại đây, Công ty NASU Nghệ An đã hỗ trợ không hoàn lại và cho vay lãi suất ưu đãi cho người trồng mía hàng trăm tỷ đồng, giúp họ khai hoang làm đất, chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía.

Nông dân trồng mía ở Phú Yên đang tập trung thu hoạch mía.
Nông dân trồng mía ở Phú Yên đang tập trung thu hoạch mía.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, từ mùng 6 Tết, nông dân tỉnh Phú Yên hăng hái trở lại với công việc thu hoạch mía để đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Niên vụ mía năm nay nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên nhiều diện tích mía đạt năng suất khá cao, từ 70 tấn/ha trở lên. Đối với diện tích trồng mía lưu gốc năm đầu tiên, sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cây mía có thể đạt năng suất gần 90 tấn/ha.

Không chỉ đạt năng suất ổn định, mía năm nay được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua với giá 1,35 triệu đồng/tấn (10 CCS) tại ruộng. Với giá mía và năng suất vụ mía năm nay, sau khi thu hoạch nông dân sẽ có mức lãi trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết những năm gần đây, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh luôn giữ ổn định từ 24.000 - 26.000ha/năm, riêng niên vụ năm nay trồng hơn 29.115ha, tăng 4.275ha so với niên vụ trước. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 2 nhà máy mía đường là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, để nông dân yên tâm trồng mía, hằng năm Công ty đưa ra nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía. Riêng niên vụ mía năm nay Công ty đã ký hợp đồng đầu tư và mua bán trực tiếp với gần 2.000 hộ dân trồng mía.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết để nông dân yên tâm trồng mía, Công ty đã đầu tư 500 tỷ đồng cho người dân vay vốn không lãi suất để trồng mía với diện tích 7.000ha. Bên cạnh đó, hằng năm, Công ty chi khoảng 60 tỉ đồng để giúp người dân trong khâu làm đất trồng mía.

NGUỒN CUNG TRÊN THẾ GIỚI GIẢM, GIÁ ĐƯỜNG TĂNG

Theo các phân tích mới nhất về diễn biến lĩnh vực mía đường trên thế giới, cho thấy giá đường đang có xu hướng tăng vào đầu năm 2025. Theo đó, thị trường đường toàn cầu đang chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của cung – cầu, chính sách xuất khẩu của các nước sản xuất lớn và yếu tố thời tiết.

Brazil - quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn do hạn hán và cháy rừng, ảnh hưởng đến sản lượng. Bên cạnh đó, đồng Real tăng giá làm giảm động lực xuất khẩu. Với Thái Lan, sản lượng mía giảm do hạn hán, chi phí sản xuất cao khiến xuất khẩu đường suy giảm.

 

Tại Ấn Độ, hiện hàng chục nhà máy đường tại các bang sản xuất mía hàng đầu của Ấn Độ đã ngừng hoạt động, sớm gần hai tháng so với thường lệ do nguồn cung mía giảm sút vì thời tiết bất lợi. Ông B.B. Thombare, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy đường Tây Ấn Độ, cho biết ít nhất 37 nhà máy ở bang Maharashtra phía Tây, bang Karnataka lân cận và bang Uttar Pradesh phía Bắc đã ngừng hoạt động. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 11 nhà máy đóng cửa. Tình trạng hạn hán năm ngoái đã ảnh hưởng nặng nề đến năng suất mía. 

Hiệp hội Các nhà sản xuất Đường và Năng lượng sinh học Ấn Độ ước tính, sản lượng đường của nước này trong năm kinh doanh 2024-2025 (kết thúc vào tháng 9/2025), có thể giảm 14,7% so với năm trước đo xuống 27,27 triệu tấn. Tuy nhiên, các nhà giao dịch với các nhà giao dịch toàn cầu dự đoán sản lượng thậm chí còn thấp hơn. Một nhà giao dịch tại Mumbai cho biết sản lượng có thể giảm xuống khoảng 26 triệu tấn.

Hiện tại, hoạt động xuất khẩu đường của Ân Độ đang khá chậm do các nhà máy ngại ký hợp đồng ngay lập tức với hy vọng giá sẽ tăng hơn nữa. Một số đang tìm kiếm mức giá 45.000 rupee (tương đương 514,47 USD) mỗi tấn hoặc hơn cho đường xuất khẩu của họ.

Các nhà máy đường tại Việt Nam hiện đang tập trung thu mua mía để hoạt động với công suất cao nhất.
Các nhà máy đường tại Việt Nam hiện đang tập trung thu mua mía để hoạt động với công suất cao nhất.

Trên thị trường toàn cầu, nhu cầu đường từ các thị trường mới nổi như Pakistan và Indonesia được củng cố bởi lượng hàng tồn khi toàn cầu thấp trong hai năm qua. Dự báo nhu cầu tiêu thụ đường tiếp tục tăng, đặc biệt tại châu Á và Trung Đông. Ngành thực phẩm, đồ uống và nhiên liệu sinh học đang duy trì nhu cầu cao đối với đường; sự suy giảm trong tỷ lệ dự trữ/tiêu thụ là những yếu tố chính khiến giá đường tăng trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc có thể mở ra những cơ hội mới cho thị trường đường và ethanol. Vì vậy, dự báo trong nửa đầu năm 2025, giá đường thế giới sẽ duy trì mức cao do nguồn cung bị gián đoạn.

Đối với trong nước, Hiệp Hội Mía đường Việt Nam cho rằng các nhà máy sản xuất đường và nông dân trồng mía tại Việt Nam đang ở thời điểm rất thuận lợi, nhưng dự báo niên vụ sau (2025/26), ngành mía đường Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, khi hiện tượng La Nina có thể gây mưa lũ kéo dài trong năm 2025, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất mía, đặc biệt là tại các khu vực phía Bắc và miền Trung.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Đồng bằng sông Cửu Long và bài toán thu hút vốn xanh cho phát triển bền vững

DNTH: Ngày 27/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024 với chủ đề “Huy động...

Hướng đi nào cho gạo Việt Nam trước sức cạnh tranh từ Ấn Độ?

DNTH: Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo, gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để duy trì và nâng cao vị thế, ngành gạo Việt Nam cần tìm ra những chiến lược...

SMEs Nông thôn: Động lực phát triển kinh tế địa phương

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở khu vực nông thôn Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần giảm nghèo. Tuy nhiên, khi đối mặt với các doanh nghiệp lớn, họ phải đối diện với không ít...

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục đà tăng

DNTH: Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có xu hướng tích cực, dù biến động không lớn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ.

Lấy kinh tế tư nhân làm trọng tâm của chính sách, chiến lược phát triển

DNTH: Nếu đã xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, thì các chính sách và chiến lược phát triển phải lấy khu vực này làm trọng tâm.

Có nên tái đàn trong thời điểm giá thịt lợn tăng cao?

DNTH: Giá lợn đang trên đà tăng cao, tạo ra không ít cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro cho ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi đang đứng trước bài toán khó khi quyết định có nên tái đàn với số lượng lớn hay không.

XEM THÊM TIN