Trọng dụng người tài trong kỷ nguyên số

14:54 | 30/05/2022

DNTH: Phát hiện sớm, chọn đúng người tài; thật sự trọng dụng người tài; tạo môi trường thuận lợi để người tài phát huy sáng tạo; biết dùng người tài đúng lúc, đúng việc, đúng chỗ; có chính sách đãi ngộ xứng đáng... là một phần của khâu đột phá trong công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp đại diện trí thức, nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo chính xác về tất cả các mặt trong đời sống xã hội; từ kinh tế, chính trị đến việc tổ chức, cung cách quản lý và điều hành xã hội đều chịu sự tác động mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là những thành tựu trong chuyển đổi số (Digital Transformation) và trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn sẽ làm cho cơ cấu xã hội biến đổi, làm cho các tổ chức chính quyền Nhà nước ở các cấp nhỏ gọn, thông minh hơn, công việc được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nói cách khác, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo không những làm thay đổi cung cách tổ chức, điều hành và quản trị xã hội mà còn làm thay đổi cả cách suy nghĩ, ứng xử, lối tư duy của con người...

Bên cạnh những thành tựu to lớn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo cũng có thể dẫn đến tình trạng mất/thiếu việc làm đối với những người lao động có trình độ học vấn - nghề nghiệp thấp hoặc không theo kịp sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Bởi vậy, nếu chậm trễ trong cuộc cách mạng mới này thì các nước đang phát triển và kém phát triển sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước phát triển; cơ hội để đuổi kịp các nước phát triển sẽ càng trở nên mong manh; sự bất bình đẳng giữa các quốc gia cũng vì vậy mà càng gia tăng, khó khắc phục.

Trong bối cảnh đó, đứng trước nhiều thách thức, bất lợi và những biến động khó lường, dù “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (1) nhưng nếu Việt Nam muốn rút ngắn được khoảng cách với các nước phát triển, để “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (2) thì nhất định Đảng và Nhà nước phải tìm ra, xác định “đúng và trúng” đồng thời giải quyết tốt các khâu đột phá chiến lược.

Nhất quán với Văn kiện Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định 3 khâu đột phá chiến lược:

1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao;

3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Đối với nước ta, trong điều kiện hiện nay, cả 3 đột phá đó đều rất cần thiết, rất cấp bách và rất quan trọng. Song, theo chúng tôi, điều cấp bách nhất hiện nay, cũng là “điểm nghẽn” cần chú tâm tháo gỡ trước nhất chính là vấn đề thiếu người tài trong khoa học, công nghệ, tổ chức, kinh doanh và quản lý xã hội. Bởi vậy, khâu đột phá phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng một cách thật hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó có tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc. Về cơ bản, cho đến nay “chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển” (3) của đất nước. Bởi vậy, Đảng ta xác định, việc phát triển toàn diện con người Việt Nam phải “trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” (4).

Nói cách khác, muốn đất nước đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra thì Đảng và Nhà nước phải khẩn trương, tích cực tìm kiếm, phát hiện sớm người tài, chọn đúng người tài; phải thật sự trọng dụng người tài; tạo môi trường thuận lợi để người tài sáng tạo, phát minh; phải biết dùng người tài đúng lúc, đúng việc, đúng chỗ; phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với người tài nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho các lĩnh vực sáng tạo khoa học, phát minh công nghệ, điều hành, quản lý và tổ chức xã hội. Đây cũng chính là một phần của khâu đột phá trong công tác tổ chức, công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Thế hệ hôm nay cần phải học và thực hành cho được bài học mà cha ông ta đã nói, đã viết, đã làm được cách đây nhiều thế kỷ: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí” (5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964). Nguồn: TTXVN.

Kế tục truyền thống dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kháng chiến và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tập hợp, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Người khẳng định, “kiến thiết cần có nhân tài”; “cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)”; “trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”... đối với Hồ Chí Minh, trong mọi việc “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” (6). Người xác định, “để xây dựng nước nhà, chúng ta càng ngày càng cần nhiều trí thức tốt”, do vậy, “Đảng và Chính phủ vừa phải giúp đỡ cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới” - những trí thức “chính tâm và thân dân” (7).

Nhờ thống nhất giữa nói và làm trong việc trọng dụng người tài, nên Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều trí thức tài ba ở tất cả các lĩnh vực ngay từ những ngày đầu lập nước. Những cán bộ tài năng đó đều được “thử lửa” trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đều tuyệt đối trung thành với tổ quốc; từ các cương vị được giao, họ đã tận tụy tham gia kháng chiến, chế tạo vũ khí phục vụ chiến đấu, sản xuất thuốc men phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng đất nước…

Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII, báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII khẳng định, việc “phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” (8); trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng khẳng định “phát triển con người toàn diện”, đồng thời “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài” (9).

Mặc dù trong nhiều nhiệm kỳ kể từ Đại hội XII trở về trước, Đảng ta đã xác định chú trọng việc bồi dưỡng và trọng dụng người tài trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ, song tiếc rằng, trong thực tế, yêu cầu trọng dụng người tài chưa trở thành quốc sách hay chiến lược quốc gia. Chúng ta vẫn còn “thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng nhân tài” (10); “thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân” (11).

Để chủ trương, nghị quyết của Đảng được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, cần chú trọng hơn đến vấn đề lựa chọn và sử dụng người tài đúng với năng lực, ngành nghề. Song, trước tiên cần xây dựng và hình thành một chiến lược quốc gia về việc chọn người tài, về chính sách sử dụng, đãi ngộ người tài và luật hóa chính sách đó để thu hút những người Việt Nam tài giỏi cả ở trong nước và nước ngoài.

 

Trong suốt một thời gian dài, trong các văn kiện chính thức mới chỉ nói trọng dụng nhân tài mà chưa đưa ra những quy định cụ thể để vận dụng vào thực tiễn. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII đã thẳng thắn nhìn nhận: “cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy tính sáng tạo, thu hút nhân tài” (12).

Trên bình diện quốc gia, đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong triển khai, thực thiện chiến lược, chính sách, quốc sách về tìm và chọn người tài; trong đó quan tâm hơn nữa đến “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng” (13). Đồng thời, “phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, nhân lực quản lý xã hội và tố chức cuộc sống, chăm sóc con người” (14). Muốn vậy, trước hết cần xác định rõ tiêu chuẩn người tài là gì; ai hay cơ quan nào là người chịu trách nhiệm giới thiệu và lựa chọn; cách thức lựa chọn ra sao; điều kiện hay môi trường làm việc, chế độ bồi dưỡng, đãi ngộ người tài như thế nào... những vấn đề này chưa có quy định mang tính thể chế. Bởi vậy, Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” (15). Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm cần biến chủ trương quan trọng này của Đảng thành hiện thực của cuộc sống nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số.

Khi một người làm khoa học lại “được” đặt vào vị trí quản lý hành chính để được hưởng mức lương hành chính (cao hơn) thì người đó khó có thể “toàn tâm toàn lực” tập trung tư duy - nghiên cứu khoa học và phát minh! Đây là một trong những lý do vì sao có những người giỏi được đào tạo ở nước ngoài lại không về nước làm việc.

 

Trong điều kiện hiện nay, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, đồng thời thích ứng hiệu quả với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển thì chúng ta cần ưu tiên chọn người tài ở những lĩnh vực nào?

Như chúng ta biết, hai tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (16). Đồng thời, Người chỉ thị cho các địa phương báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương mình. Một năm sau, ngày 20/11/1946, Người lại viết: “trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân... muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết…” (17). Đó là việc làm cần kíp khi nước nhà mới giành được độc lập.

So với những ngày mới thành lập nước, đất nước ta hiện nay chắc chắn có nhiều người tài hơn và cũng cần nhiều người tài hơn ở tất cả các lĩnh vực - từ tổ chức, quản lý và quản trị quốc gia và xã hội; phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, ngoại giao, quốc phòng cho đến các lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật,... những nhân tài thuộc các lĩnh vực này chính là tầng lớp tinh hoa của dân tộc.

Làm sao để có thể phát hiện ra những người tài? Theo Hồ Chí Minh, “muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo… bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài” (18). Như vậy, việc phát hiện người tài là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và các tổ chức xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi công dân. Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để các địa phương, ngành, cá nhân phát hiện và giới thiệu người tài cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Khi người tài có đóng góp quan trọng cho đất nước thuộc bất cứ lĩnh vực nào thì người giới thiệu cũng cần được khen thưởng xứng đáng.

Phát hiện, giới thiệu hay tuyển chọn được người tài mới chỉ là bước đầu. Vấn đề tiếp theo là phải tạo điều kiện, môi trường làm việc như thế nào và sử dụng ra sao để người tài có thể đóng góp tối đa khả năng của mình cho đất nước. Không nên nghĩ rằng người tài “ném” vào lĩnh vực hoạt động nào cũng được; càng không nên nghĩ rằng, đã là người tài thì làm được mọi việc. Điều này cũng tương tự như quan niệm cho rằng: đã là cán bộ có “cấp bậc, phẩm hàm” thì phân công làm việc gì cũng được, phụ trách lĩnh vực nào cũng được, kể cả trái ngành nghề. Ở đây cần trở lại với những chỉ dạy của Hồ Chí Minh: “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”; “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”; sử dụng cán bộ đừng nên “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao…” (19). Tổ chức nào giao công việc không phù hợp với năng lực chuyên môn, trái sở trường của cán bộ, của người tài, thì không chỉ là sự lãng phí tài năng mà tai hại hơn còn có thể còn làm thui chột năng lực, phẩm chất tài năng của họ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2020, tháng 11/2021. Ảnh: TTXVN.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí công việc và “đối đãi đúng mực” với người tài để không chỉ phát huy được không khí dân chủ mà quan trọng hơn là khích lệ lòng tự trọng, phát huy nhiệt tình, “giải phóng năng lượng”, nhiệt tâm cống hiến vì danh dự… có ý nghĩa rất quan trọng.

Đặc biệt, đối với các cơ quan của Đảng và của Nhà nước hiện nay, khi sử dụng người tài ngoài Đảng cần quan tâm hơn đến cách “ứng xử và hành xử” để họ thấy thật sự được tôn trọng, thật sự được trọng dụng; người lãnh đạo, quản lý là đảng viên cần hết sức tránh và “phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, hẹp hòi” (20) đối với người ngoài Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Trong điều kiện và tình hình hiện nay, việc thu hút và trọng dụng người tài ngoài Đảng cần được xem là nhiệm vụ quan trọng và phải trở thành chủ trương, chính sách nhất quán nhằm tăng cường sức mạnh đất nước, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tóm lại, trước những thành tựu, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đang chú trọng tiếp thu và thực hành bài học trọng dụng người tài để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc; tránh tụt hậu xa hơn. Vấn đề phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài thể hiện trong trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một trong 5 quan điểm chỉ đạo cần được quán triệt trong hoạt động nhận thức và thực tiễn. Cụ thể là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (…) bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(21); thiết thực cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (22)./.

___________________________

(1) (2) (4) (8) (9) (12) (13) (14) (15) (21) (22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.104, 112, 65, 65, 115, 83, 167, 231, 231, 110, 160.

(3) (10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.70, 75, 76.

(5) Bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, do Thân Nhân Trung soạn. Bản dịch trong Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, dịch hơi khác như sau: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đáng Thánh đế Minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng”. Còn Văn bia Tiến sỹ do Đỗ Nhuận soạn thì viết: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước tất phải chở ở bậc hậu Thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào hậu Thánh thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hoá phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ”.

(6) (18) (19) (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.313, 281, 314, 316.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.376, 378.

(16) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.114, 504.

 

Theo Tuyengiao.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

PVcomBank hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

DNTH: Ngày 13/11/2024, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai các giải pháp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

DNTH: Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị...

Mang yêu thương đến với các em học sinh bản Tả Phìn

DNTH: Xã Tả Phìn là xã vùng cao nằm ở phía Bắc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống của đa số dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở...

ABBANK và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chung tay vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em

DNTH: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN - thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chính chức ký kết thỏa thuận tài trợ năm 2024, mở đầu cho việc đặt quan hệ hợp tác, cam kết đồng hành...

'Chìa khóa' gắn kết tình quân dân

DNTH: Đọc thông, nói thạo tiếng dân tộc không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) mà còn thể hiện sâu sắc...

Giải quần vợt thiện nguyện, chung tay xây dựng 5 nhà tình nghĩa tại TP. Pleiku

DNTH: Sáng 17/10, tại phường Thống Nhất, Ban tổ chức Giải Quần vợt thiện nguyện vì người nghèo TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai)-Cúp Mỏ đá Làng Bi lần II năm 2024, tiến hành trao tiền xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo trên địa bàn.

XEM THÊM TIN