Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm Việt, lần đầu vượt Mỹ

02:37 | 23/07/2025

DNTH: Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng vọt 80% trong nửa đầu năm 2025, lần đầu vượt Mỹ về kim ngạch, trong bối cảnh thuế quan siết chặt tại thị trường lớn nhất thế giới.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau giai đoạn trầm lắng, xuất khẩu tôm đã phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay. Trong cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 60% tổng kim ngạch, tiếp theo là tôm sú và nhóm “tôm loại khác”.

Đáng chú ý, nhóm “tôm loại khác” ghi nhận mức tăng trưởng tới 124%, phản ánh rõ xu hướng đa dạng hóa sản phẩm và tập trung vào các phân khúc ngách – yếu tố đang mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) nhập khẩu gần 595 triệu USD tôm Việt trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc thiếu hụt nguồn cung trong nước và nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè – đặc biệt với các sản phẩm cao cấp như tôm hùm. Vị trí địa lý gần cùng mức giá cạnh tranh cũng giúp tôm Việt tăng nhanh hiện diện tại thị trường này.

Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là thị trường lớn thứ ba nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh các sản phẩm chế biến sâu, sẵn sàng tiêu dùng. Xuất khẩu sang EU được cải thiện nhờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA – một ưu thế mà các đối thủ như Thái Lan hay Indonesia không có.

Ngược lại, Mỹ – thị trường từng dẫn đầu về tiêu thụ tôm Việt – có dấu hiệu chững lại. Dù kim ngạch 6 tháng đầu năm vẫn tăng 13% lên 341 triệu USD, phần lớn đến từ đợt giao hàng dồn dập trong tháng 5, khi doanh nghiệp Việt tranh thủ đẩy hàng trước khi mức thuế nhập khẩu mới của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Tuy nhiên, sang tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm tới 37%.

Từ tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu áp mức thuế đối ứng 10% lên nhiều mặt hàng nhập khẩu. Đến tháng 7, mức thuế đối với tôm được nâng lên 20% và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối mặt với nguy cơ bị áp thêm thuế chống bán phá giá sơ bộ (trên 35%) và thuế chống trợ cấp vào cuối năm nay.

Theo VASEP, chính sách thuế bất ngờ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ dè dặt hơn, trong khi doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xây dựng kế hoạch giá cả, đơn hàng và sản xuất. Trước áp lực này, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi khác – trong đó Trung Quốc nổi lên như một thị trường xuất khẩu tiềm năng và khả thi.

Tác động từ thị trường quốc tế nhanh chóng phản ánh vào giá tôm trong nước. Trong tháng 7, giá tôm chân trắng tại các vùng nuôi tăng mạnh – đặc biệt ở phân khúc 30-40 con/kg – với mức tăng khoảng 5.000 đồng/kg chỉ trong hai tuần, do các nhà máy đẩy mạnh thu mua để kịp giao hàng trước thời điểm thuế mới của Mỹ có hiệu lực. Giá tôm sú cỡ lớn hiện cũng ở mức cao nhất từ đầu năm – khoảng 201.000 đồng/kg – nhờ nguồn cung hạn chế và sức mua ổn định.

VASEP dự báo trong tháng 7 và các tháng tới, xuất khẩu tôm sẽ có xu hướng chững lại sau đợt “chạy đơn” ồ ạt trong tháng 5–6. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đến đầu tháng 8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng, nhưng triển vọng dài hạn sẽ phụ thuộc vào chính sách thuế cuối cùng và khả năng chuyển hướng thị trường.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu, tập trung vào giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến sâu. Song song đó, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và minh bạch xuất xứ đang được siết chặt, nhằm tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại hoặc chuyển tải bất hợp pháp – vấn đề đặc biệt được các thị trường lớn như Mỹ và EU quan tâm.

VASEP nhấn mạnh, chi phí đầu vào gia tăng cùng yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng suất toàn chuỗi – từ vùng nuôi đạt chuẩn, kiểm soát dịch bệnh, đến tối ưu hóa khâu chế biến và logistics. Việc chủ động về tài chính và pháp lý để ứng phó với các thay đổi chính sách đột ngột sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới biến động khó lường.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mở rộng thị trường mới để xuất khẩu hạt điều

DNTH: Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, mục tiêu xuất khẩu hạt điều năm 2025 là 4,5 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2024. Như vậy, xuất khẩu mặt hàng này 6 tháng cuối năm cần đạt khoảng 2,2 tỷ USD.

Quảng Ninh: Đề xuất nghiên cứu, đầu tư 2 dự án gần 5.500 tỷ đồng.

DNTH: Hai dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thiện hạ tầng đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục.

Cảng Quy Nhơn – đòn bẩy kinh tế cho Tây Nguyên và tiểu vùng Mê Kông

DNTH: Việc sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai mới cùng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sắp khởi công, đưa cảng Quy Nhơn vào vị thế “cửa ngõ” kết nối Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia với biển Đông,...

Không dễ đi đường thẳng: Những ngã rẽ của doanh nghiệp nông nghiệp

DNTH: Một số doanh nghiệp rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp sau thời gian thử sức. Nhưng đó không hẳn là thất bại. Trong một lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, thời gian dài, và rủi ro cao, việc điều chỉnh chiến lược, thậm chí rút lui, có...

Thị trường Bắc Trung Bộ đón dòng giao thương quốc tế

DNTH: Ngày 10/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp Bộ Công thương và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình đón Đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam giao dịch với các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ năm 2025.

Phía Tây Gia Lai chờ “cú hích” từ quyết tâm của lãnh đạo mới

DNTH: Chỉ một thời gian ngắn sau sáp nhập đơn vị hành chính, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc một số dự án trọng điểm phía Tây tỉnh – những công trình được kỳ vọng tạo đột phá về lĩnh vực kinh tế.

XEM THÊM TIN