Từ 15/8, lên mạng đăng ký ô tô, xe máy qua Cổng Dịch vụ công QG

20:20 | 08/07/2020

DNTH: Dịch vụ công đăng ký ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến sẽ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 15/8, đánh dấu thời điểm công bố dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp trên Cổng này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Như vậy, khi dịch vụ đăng ký ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), người dân, doanh nghiệp không cần đến gặp cơ quan hành chính nhà nước mà thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng thủ tục sẽ hết sức rút gọn.

Sáng 8/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về kết nối Cổng Dịch vụ công Bộ Tài chính với Cổng DVCQG, tích hợp Hệ thống Thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP).

Tiếp tục cải cách để đón làn sóng đầu tư

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết VPCP mời Bộ Tài chính và các bộ liên quan làm việc nhằm tiếp tục tích hợp các dịch vụ lên Cổng DVCQG và chuẩn bị để dự kiến ngày 15/8 khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, ngày 9/12/2019, đã khai trương Cổng DVCQG. Sau 7 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã có 188.000 tài khoản đăng nhập hệ thống, trên 49 triệu người truy cập, trên 11 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 16.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp...

Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của các bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ như cơ quan thuế, hải quan đã có nhiều cải cách; Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải là những đơn vị đi đầu trong việc tích hợp dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, mục tiêu có 200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội kết nối với Hệ thống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có nhiều chỉ tiêu cần kết nối nhất với 101 chỉ tiêu, sau đó là Bộ Tài chính. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tinh thần là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng rất quyết liệt trong cải cách và đã đề nghị cùng với VPCP, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ.

"Mong muốn của Thủ tướng, của người dân, của doanh nghiệp còn rất lớn để đón làn sóng đầu tư, để Việt Nam là điểm đến thuận lợi sau dịch COVID-19. Nếu không tạo điều kiện để môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thì sẽ mất cơ hội này", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

Hết năm 2020, tích hợp 194 dịch vụ công về tài chính

Về tình hình kết nối, tích hợp các dịch vụ công lĩnh vực tài chính trên Cổng DVCQG, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tích hợp 194 dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Trong quá trình làm việc với VPCP, các đơn vị của Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, chủ động ban hành kế hoạch để mục tiêu hết năm 2020, hoàn thành kế hoạch tích hợp 194 dịch vụ công. Tính đến hết ngày 1/7, Cổng DVCQG đã tích hợp 119 dịch vụ công lĩnh vực tài chính, bao gồm lĩnh vực: Khai, nộp thuế; kế toán, kiểm toán; kho bạc, hải quan, quản lý giá, tin học thống kê. Như vậy, Bộ Tài chính cần tiếp tục tích hợp thêm 75 dịch vụ công để bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm 2020.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, hiện nay, dịch vụ công nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy đang được triển khai thí điểm tại Hà Nội, TPHCM; đã hoàn thành hệ thống truyền nhận để chia sẻ dữ liệu điện tử về thông tin đăng kiểm có ký số của các loại phương tiện ô tô, xe gắn máy mới giữa đăng kiểm và thuế.

Điểm vướng mắc về đồng bộ hồ sơ trên Cổng DVCQG, nhất là đối với các dịch vụ công lĩnh vực thuế, hải quan còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu trạng thái hồ sơ phục vụ nhu cầu tra cứu, khai thác của cá nhân, doanh nghiệp. Bộ cũng chưa hoàn thành kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống Thông tin một cửa của Bộ để dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG...

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về việc tích hợp Hệ thống Thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống TTBCCP, Bộ Tài chính đã rà soát, công bố danh mục 301 chế độ báo cáo định kỳ, thông qua phương án đơn giản hóa các chế độ báo cáo.

Bộ Tài chính cũng có Quyết định ban hành danh mục chế độ báo cáo định kỳ kết nối lên Hệ thống TTBCCP năm 2020. Trong đó, xác định có 64 chế độ báo cáo sẽ triển khai xây dựng trên Hệ thống Thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống TTBCCP thuộc nhiều lĩnh vực như: Dự trữ nhà nước, kinh doanh bảo hiểm, giá, kế toán, kiểm toán độc lập, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hải quan, tài chính doanh nghiệp...

Để bảo đảm tiến độ khai trương Hệ thống TTBC Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục Kiểm soát TTHC kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Với các chế độ báo cáo khác trong danh mục Bộ ban hành, đề nghị sớm thực hiện chuẩn hóa để triển khai trên Hệ thống Thông tin báo cáo của Bộ, ưu tiên các báo cáo có tần suất nhiều, số lượng tuân thủ lớn để triển khai trước và mở rộng dần sau các năm.

Công bố dịch vụ công thứ 1.000 vào ngày 15/8

Ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp cho thấy Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc như Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước cùng các Bộ liên quan đều nhấn mạnh tinh thần là quyết liệt, hoàn thành đúng hạn việc kết nối với Cổng DVCQG và Hệ thống TTBCCP. Tuy có nhiều khó khăn nhưng Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC để hoàn thành đúng tiến độ, đẩy sớm hoàn thành các dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học thống kê (Bộ Tài chính), Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát lại các dịch vụ công, những dịch vụ nào nhiều đăng ký, cần thiết thì triển khai trước. Về kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG, do dịch vụ công về giá, hải quan có một số dịch vụ phát sinh thu phí nên hiện Bộ đang phối hợp Tập đoàn VNPT kết nối thanh toán trực tuyến và dự kiến hoàn thành trong 2 tuần kế tiếp.

Ông Nguyễn Đại Trí cũng nêu ý kiến giảm chi phí để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ công. Về ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đánh giá cao và cho biết các cơ quan sẽ tiếp thu để nghiên cứu với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ công.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tổng số dịch vụ công trực tuyến của đơn vị sẽ đưa lên Cổng DVCQG là trong năm 2020 là 30%, tương ứng với khoảng 60 dịch vụ công. Các TTHC mà Tổng cục Hải quan lựa chọn để đưa lên Cổng DVCQG là các dịch vụ có nhiều hồ sơ nhất, như 2 thủ tục đã đưa lên là dịch vụ khai hồ sơ hải quan và hủy tờ khai bổ sung hồ sơ hải quan (đến nay có 200.000 hồ sơ). Liên quan dữ liệu kết nối với Hệ thống TTBCCP, Tổng cục đang kiểm tra thử với hệ thống của Bộ Tài chính, khi đồng bộ với Bộ sẽ đồng bộ với Hệ thống TTBCCP.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong trong cải cách TTHC. Những cải cách của Bộ có ý nghĩa lớn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Thuế, phí, tài chính, lĩnh vực đầu tư tài chính, tài sản công, kho bạc, hải quan...

Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan tập trung kết nối dịch vụ công với Cổng DVCQG, kết nối các chỉ tiêu báo cáo chỉ tiêu kinh tế-xã hội với Hệ thống TTBCCP, thực hiện chuẩn hóa chế độ báo cáo để đúng kế hoạch khai trương. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính đẩy mạnh dịch vụ công của cơ quan hải quan, thuế lên Cổng DVCQG bởi dịch vụ công của 2 cơ quan này liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp; đề nghị Bộ đẩy mạnh kết nối các dịch vụ công liên quan môi trường đầu tư, kinh doanh bởi các dịch vụ này sẽ góp phần cải thiện các đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan chọn dịch vụ đăng ký xe ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước là dịch vụ công thứ 1.000 kết nối trên Cổng DVCQG và công bố dịch vụ này vào ngày khai trương dự kiến là 15/8.

Gia Huy

chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Khỉ sống 6 tháng nhờ thận lợn chỉnh sửa gene

DNTH: Một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã đạt được bước đột phá lớn, với việc khiến một con khỉ có thể sống trong 6 tháng với quả thận lợn được chỉnh sửa gene.

Hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày

Theo thông tin ngày 30/11 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), năm 2024, hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Hạ tầng số và công nghệ mới tạo bước tiến cho Internet Việt Nam

DNTH: Sáng 27/11, Hội thảo, Triển lãm Ngày Internet 2024 (Internet Day 2024) với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)” đã khai mạc tại Hà Nội.

Các nhà khoa học Caribe biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe

DNTH: Khi số lượng lớn tảo biển xâm lấn dạt vào bờ biển Caribe năm 2011, người dân địa phương đã vô cùng lúng túng.

Meey Group chia sẻ giải pháp công nghệ bất động sản thông minh

DNTH: Ngày 22/11, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã có bài thuyết trình ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024, đề cập nhiều sản phẩm số ứng dụng AI trong lĩnh vực...

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

DNTH: Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Việt Nam khoá XII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

XEM THÊM TIN