Tuyển sinh vào lớp 10: Việc bốc thăm môn thi thứ 3 cần cân nhắc thận trọng

16:25 | 07/10/2024

DNTH: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và tuyển sinh Trung học Phổ thông, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.

Chú thích ảnh
Thí sinh tại làm bài thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đa chiều của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh, đó là việc bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Dự kiến bốc thăm môn thi thứ 3

Đối với phương thức tuyển sinh Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 phương thức để xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển.

Với phương thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở.

Thành phần tổ chức bốc thăm gồm: lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phần có liên quan khác do Sở Giáo dục và Đào tạo mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường Trung học Phổ thông chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.

Thời lượng dành cho các môn thi: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.

Ngoài nội dung trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xin góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Thành lập các Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi theo phạm vi quản lý; ra đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.

Tìm giải pháp giảm áp lực cho học sinh

Việc định hướng bốc thăm môn thi thứ 3 nhằm tạo sự công bằng cho các môn học và tránh tình trạng học lệch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn, vì đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở, không phải đánh giá lại quá trình học tập đơn thuần mà mục đích chính là tuyển sinh, với chỉ tiêu nhất định vào các trường Trung học Phổ thông. Đặc biệt, với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập những năm gần đây còn “căng thẳng” hơn tuyển sinh đại học, chỉ có trên 50 - 60% thí sinh trúng tuyển.

Là phụ huynh có con đang học lớp 9, chị Nguyễn Phương Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng chia sẻ: Nếu phương án bốc thăm môn thi thứ 3 được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ gây áp lực rất lớn đến học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. Vì trong chương trình Trung học Cơ sở hiện nay, các con không chỉ học đơn môn mà có các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử - Địa lý. Nếu bốc thăm vào các môn tích hợp thì khối lượng kiến thức các con phải học, ôn tập để thi sẽ thành 4 - 5 môn. Thời điểm công bố môn thi thứ 3 sẽ vào khoảng tháng 3 hàng năm, tức là cách kỳ thi chỉ 2 - 3 tháng, học sinh sẽ không có nhiều thời gian để ôn tập lượng kiến thức lớn của các môn này. Không chỉ vậy, mỗi học sinh sẽ có thế mạnh riêng ở từng môn học, rất hiếm học sinh nào học tốt toàn diện. Do đó, nếu môn thi thứ 3 vào môn Khoa học Tự nhiên thì các bạn học giỏi môn này sẽ “thở phào”, còn các bạn có thiên hướng Khoa học Xã hội sẽ rơi vào thế khó.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.

Góp ý dự thảo phương thức thi, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đồng tình với việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn, trong đó Toán - Ngữ văn là 2 môn bắt buộc và một môn trong số các môn còn lại của chương trình Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, việc lựa chọn môn thi thứ ba như thế nào cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng: Việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Nếu theo cách bốc thăm môn thứ 3 như Bộ đang lấy ý kiến dự thảo thì chỉ nên thực hiện 1 trong số các môn: Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân (hiện chương trình Trung học Cơ sở có 8 môn được đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân).

Theo ông Phùng Quốc Lập, môn Tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn, điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu; môn Công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng đề xuất, phương án chọn môn thi thứ 3 nên để Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn trình UBND tỉnh phê duyệt. Điều này nhằm phù hợp với thực tiễn từng địa phương và giữ ổn định để học sinh có định hướng ôn tập. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng đưa kiến nghị cộng điểm khuyến khích cho học sinh giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn thi văn hóa và học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội sắp ra mắt

DNTH: Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3/2025, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,61 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 709.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 1,91 triệu...

Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên) xứng tầm giá trị lịch sử

DNTH: Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là...

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

DNTH: Hà Nội - nơi mỗi món ăn là một mảnh ghép ký ức. Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" ra đời từ cái duyên gặp gỡ của nhóm thi họa và những người trót yêu Hà Nội cùng chung một khát vọng: lưu giữ và lan tỏa những...

XEM THÊM TIN