Về xứ Tuyên xem múa Sình Ca, dán Chí Dịt và ăn bánh chim gâu

10:18 | 30/01/2020

DNTH: Đối với người dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang, thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Nếu một lần bạn được đón Tết với người Cao Lan, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng cả đời khi được hòa mình vào điệu múa Sình Ca, được thưởng thức loại bánh chim gâu cổ truyền, được biết đến phong tục dùng giấy đỏ dán lên mọi vật dụng trong gia đình, thậm chí là cả cây ngoài vườn hay những con vật trong gia đình mà người dân gọi là dán… Chí Dịt.

Đi dọc dài đất nước, tôi đã được chứng kiến nhiều phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc khác nhau như “Kó Nhẹ Chà” của người Hà Nhì, tháng Tết của người Mông, tục đón Tết của người Dao, người Tày, người Mường, người Thái... Tưởng rằng như thế là quá đủ cho vốn kiến thức về văn hóa của mình, chỉ đến khi tôi được tham dự Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên.

Mùng 3 Tết, theo lời mời của người bạn thân, tôi có mặt tại thôn Thắng Xuân, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để dự Tết của người Cao Lan.

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 1

Những người lớn tuổi trong gia đình đảm nhận việc cắt giấy đỏ để dán lên các vật dụng trong ngôi nhà và vườn tược.

Thôn Thắng Xuân nằm cách xa thị trấn, với con đường nhỏ uốn lượn bên các sườn đồi. Ở đó, những ngôi nhà sàn được dựng lên kiên cố, tạo thành một khu dân cư đông đúc, quây quần, hòa thuận. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là toàn bộ nhà cửa, vườn tược được nhuộm bằng sắc đỏ rực rỡ. Trong nhà của người dân bày biện rất nhiều loại bánh trông rất lạ lẫm. Ngoài sân, từ trẻ nhỏ đến người trung niên đều mặc trên mình quần áo sặc sỡ với màu đỏ là trọng tâm, cùng nhau hát đối đáp và múa những điệu múa cổ truyền của dân tộc Cao Lan.

Thấy tôi tò mò, lại hỏi quá nhiều, trong khi vốn kiến thức về văn hóa ở địa phương không có nhiều, ông bạn đành dẫn tôi đến nhà cụ Lâm Văn Thiết, một cao niên được đồng bào dân tộc Cao Lan trong vùng tin tưởng, kính trọng.

Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ Thiết vẫn còn cường tráng, nhanh nhẹn, khỏe mạnh với đôi mắt sáng, giọng ấm, vang và vốn kiến thức về văn hóa của dân tộc Cao Lan thật khổng lồ.

Nhấp ly rượu men lá ấm nồng trong tiết lạnh mùa Tết, cụ Thiết chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những phong tục ngày Tết của dân tộc Cao Lan ở xứ Tuyên.

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 2

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 3

Giấy đỏ được dán lên tất cả các vật dụng trong gia đình của người Cao Lan.

Theo cụ Thiết, thời gian ăn Tết của người Cao Lan kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Trước tết 2 ngày (khoảng 28, 29 tháng Chạp), tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi... đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được “nghỉ Tết” (Nghi thức này được người Cao Lan gọi là Chí Dịt). Người Cao Lan quan niệm, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng…

“Việc dán Chí Dịt cho các vật dụng trong nhà không phải ai muốn làm cũng được mà nhất thiết phải là người cao tuổi nhất trong gia đình làm, như thế mới thể hiện được sự thành kính với các… vị thần”, ông Thiết cho biết.

Cũng theo cụ Thiết, người Cao Lan ăn tết không thể thiếu bánh vắt vai, bánh chim gâu, bánh chưng, bánh gai…

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 4

Các thành viên trong gia đình tập trung làm các loại bánh để dùng trong những ngày Tết của dân tộc mình và làm quà biếu.

Bánh chim gâu được gói bằng lá dứa rừng, đan hình con chim, con nhện, con ve sầu hay con cóc, nhân bánh thì chỉ có gạo nếp trộn với muối. Những chiếc bánh với hình dáng nhỏ xinh cầm vừa tay trẻ, có sợi lá dài rất dễ cầm, là quà đón tay thể hiện lòng mến khách, yêu trẻ, tình cảm gia đình gắn bó.

Bánh vắt vai là thứ bánh không thể thiếu được của mỗi gia đình của người Cao Lan, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu họ hàng nội ngoại. Bánh có hình trụ dài, có thể vắt lên vai được mỗi khi đi nương rẫy. Bánh được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, gói bằng lá dong, cho vào nồi nấu kỹ trong một ngày để bánh rền.

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 5

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 6

Những chiếc bánh chim gâu có hình thù lạ mắt.

Một loại bánh nữa rất được ưa chuộng trong những ngày Tết là bánh gai. Bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh. Sau khi gói xong, bánh được cho vào chõ, sôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày tết.

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 7

ve xu tuyen xem mua sinh ca, dan chi dit va an banh chim gau hinh anh 8

Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên không thể không nhắc tới điệu múa Sình Ca.

Nhắc đến Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên thì không thể không nhắc tới điệu múa Sình Ca. Để điệu múa Sình Ca được trọn vẹn nhất trong ngày chính hội Tết Nguyên đán, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang phải tự tập duyệt trước đó nhiều ngày.

Làn điệu Sình Ca là lối hát đối đáp, điệu múa giữa thanh niên nam và nữ. Nội dung được xướng xuyên suốt trong làn điệu Sình Ca là những lĩnh vực của đời sống con người, từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động.

Theo http://danviet.vn/du-lich/ve-xu-tuyen-xem-mua-sinh-ca-dan-chi-dit-va-an-banh-chim-gau-1053671.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10&fbclid=IwAR0wmKPIZapgr9mSGPEloalr9oEWXbaiGQa3ZMI-L53-aBiFQCu62qbUbnQ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hành trình ba thập kỷ của một doanh nghiệp vận tải gắn bó với nhịp sống đô thị

Giữa dòng chảy không ngừng của giao thông đô thị và những chuyển mình liên tục trong lĩnh vực vận tải hành khách, Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến đã có những gắn bó âm thầm, thích nghi và phát triển bền vững theo...

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn – Một chiến lược nhiều kỳ vọng

DNTH: Năm 2025, Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai chiến lược phát triển toàn diện mới.

Giấy phép con và hành trình “xuất ngoại” của một chiếc khăn tơ tằm

DNTH: Tưởng như đơn giản, việc đưa một chiếc khăn tơ tằm truyền thống từ làng nghề Nam Định xuất khẩu sang châu Âu lại trở thành một hành trình đầy rào cản. Giấy tờ chồng giấy tờ, thủ tục nối tiếp thủ tục – đó là thực...

Nhiều doanh nghiệp đang rời khỏi thị trường

DNTH: Tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2025 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 7,51% so với...

Ngày hội Văn hóa T&T – SHB 2025: 3 thập kỷ “Nhất Tâm” vươn tầm

DNTH: Với tinh thần “Nhất tâm” và khát vọng cất cánh, T&T Group và SHB đã sẵn sàng đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Tại đây, mỗi bước tiến là lời khẳng định đầy tự hào về sức mạnh, sự sáng tạo và tinh...

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong “cuộc chơi” chuyển đổi xanh toàn cầu

DNTH: Các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều áp lực thách thức về tiêu chuẩn xanh, bền vững từ những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Do đó, sự sẵn sàng ứng phó của DN Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn toàn...

XEM THÊM TIN