Vì đâu tiền ào ạt chảy vào chứng khoán, BĐS bất chấp kênh ngân hàng vẫn hút vốn đều?

13:58 | 31/03/2021

DNTH: "Điểm lạ" là bất chấp tiền ào ạt chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản (BĐS).., huy động vốn vào kênh ngân hàng dường như không bị ảnh hưởng dù lãi suất huy động giảm sâu.

 

Vì đâu tiền ào ạt chảy vào chứng khoán, BĐS bất chấp kênh ngân hàng vẫn hút vốn đều?

Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, dòng tiền chảy rất mạnh vào thị trường chứng khoán, không chỉ là ở thị trường cổ phiếu và ở cả thị trường trái phiếu.

Thống kê cho thấy, trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Ước tính trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.

Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2020 lên đến trên 400.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.

Trái phiếu chính phủ cũng rất "hot". Năm 2020, Kho bạc Nhà nước huy động được tổng cộng 333.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, tăng gần 39% so với thực hiện năm 2019. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây, kênh đầu tư bất động sản cũng "nóng ran" từ Bắc tới Nam, đặc biệt là đất vùng ven.

"Điểm lạ" là bất chấp tiền ào ạt chảy vào các kênh đầu tư, huy động vốn vào kênh ngân hàng dường như không bị ảnh hưởng dù lãi suất huy động giảm sâu, ghi nhận mức tăng trên 12% trong năm 2020.

Vậy dòng tiền "khủng" từ đâu đến mà có thể phủ kín hầu hết các kênh đầu tư?

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay riêng tại Việt Nam, cần lưu ý đến khu vực kinh tế không chính thức.

"Trong những năm vừa qua, chúng ta nhìn thấy luồng tiền rất lớn đi ra ngoài thị trường và không quay về hệ thống ngân hàng. Nó tạo thành dòng tiền chạy trong khu vực phi chính thức: các doanh nghiệp vay lẫn nhau, người dân vay lẫn nhau... Trong thời kỳ Covid-19, hoạt động ở khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Do đó, dòng tiền trên quay trở lại các kênh đầu tư chính thức", TS. Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.

Vị vụ trưởng dẫn chứng trong thời kỳ Covid-19, huy động vốn của các ngân hàng tăng rất nhanh, tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Đồng thời lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản cũng tăng rất nhiều. Số lượng các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) cũng rất nhiều.

"F0 lấy tiền ở đâu ra trong khi kinh tế giảm tốc?", TS. Nguyễn Tú Anh đặt câu hỏi, đồng thời tái khẳng định quan điểm rằng dòng tiền đã từ khu vực phi chính thức quay trở lại khu vực chính thức.

Chuyên gia này cảnh bảo nếu nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo thông thường thì dòng tiền trên có thể lại quay ngược lại khu vực phi chính thức.

Chia sẻ tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết theo tính toán sơ bộ, tài chính không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng lượng vốn tài chính cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.L

Tham luận tại diễn đàn về vấn đề phát triển thị trường vốn Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, do quá trình phục hồi của nền kinh tế còn nhiều yếu tố bất định nên lực đẩy trên thị trường vẫn còn yếu.

Theo vị này, cơ quan quản lý cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.

Các khuyến nghị được đưa ra bao gồm: (i) tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán; (ii) triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ (iii) xem xét, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán; (iv) ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập; (v) trường hợp doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần cần phải đáp ứng các tiêu chí về niêm yết trước khi xem xét cho phép niêm yết. 

Vị vụ trưởng cũng cho rằng cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán, sáp nhập, mua, bán doanh nghiệp; hạn chế tình trạng nhà đầu tư thao túng thị trường và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Giám sát chặt chẽ, cảnh báo và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện các quy định về đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, tin cậy. Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước đối với giám sát việc phát hành, phân phối, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu tổ chức thị trường giao dịch đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tăng cường thông tin tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thẻ tín dụng HDBank - nhiều ưu đãi độc quyền cuối năm

Gia nhập hội chi tiêu phong cách cùng thẻ tín dụng HDBank để khám phá chuỗi ưu đãi độc quyền dịp cuối năm. Với vô vàn chương trình giảm giá đa tầng hấp dẫn, thẻ tín dụng HDBank không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn giúp...

Nhóm đối tượng yếu thế vay ‘nóng’ đối mặt với rủi ro tài chính

DNTH: Khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (thành viên của Tổ chức EY toàn cầu) cho hay, trong nhóm đối tượng “underbanked” (khách hàng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính ngân hàng) có tới 42% người...

Eximbank tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường năm 2024

DNTH: Ngày 28/11/2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Khách sạn Melia Hà Nội.

SeABank nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi T24 lên R22 - phiên bản mới nhất được triển khai tại thị trường...

DNTH: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) đã nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 Temenos lên phiên bản R22 - phiên bản mới nhất tại thị trường Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng tuân thủ các quy định quốc...

Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất tiền gửi

DNTH: Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Công điện của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

DNTH: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.

XEM THÊM TIN