Vì sao giá gạo Việt Nam xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất thế giới?

07:33 | 16/02/2025

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 11/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chỉ còn 397 USD - mức thấp nhất thế giới. Trong khi đó, các nước khác vẫn duy trì mức trên 400 USD; cụ thể như Pakistan 401 USD/tấn, Ấn Độ 413 USD/tấn và Thái Lan là 426 USD/tấn.

Vì sao giá gạo Việt Nam xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất thế giới?
Vì sao giá gạo Việt Nam xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất thế giới?

Lao dốc từ mức đỉnh

Như vậy, từ mức đỉnh cao vào giữa tháng 8/2023 với con số 700 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. So với mức giá hiện tại là 399 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 301 USD/tấn, tương ứng với mức giảm khoảng 43%.

Bình luận về sự đảo chiều của giá gạo xuất khẩu, trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói: "Giá gạo không thể tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh, thì sẽ giảm. Giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh kho gạo của thế giới là Ấn Độ đang ‘xả hàng’ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Tuệ - đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất chi nhánh tại miền Bắc, doanh nghiệp trung bình hàng tháng công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn gạo đi Mỹ, Úc, Nhật Bản,… và thị trường trong nước nói rằng, giá gạo đang xu hướng giảm mạnh, song từ kinh nghiệm xuất khẩu hàng chục năm của DN cho thấy, dù giá gạo tăng hay giảm thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều với hoạt động sản xuất, đặc biệt là với các loại gạo có thương hiệu và chất lượng cao.

“Gạo đảm bảo chất lượng thì thị trường tiêu thụ cũng luôn ổn định. Hàng vụ, chúng tôi đều ký kết giá lúa ổn định với nông dân. Cung ứng giống đến đâu thu mua lúa hết đến đó. Hiện chúng tôi đảm bảo nguồn lúa gạo xuất khẩu cũng như cung ứng nội địa ổn định theo đơn đặt hàng. Tất cả sản phẩm gạo đều có mã truy xuất nguồn gốc vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, do đó từ người sản xuất tới doanh nghiệp đều không phải quá lo lắng” – ông Tuệ nói thêm.

Hơn nữa, theo đại diện doanh nghiệp này, lúa gạo là lương thực mà gia đình nào cũng cần, song lúa gạo cũng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2025, dự báo nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy Việt Nam khả năng sẽ phải đối mặt với hạn hán, nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Chưa kể là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và bão lớn xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Do đó, chúng ta cũng cần phải lưu ý tích trữ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoan. “Việc giá gạo tăng hay giảm cũng không có gì đáng lo ngại quá” - ông Tuệ phân tích.

Từ sau khi Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế bán gạo vào cuối tháng 9.2024 và đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu tấn gạo, tăng mạnh so với con số 17 triệu tấn của năm 2024, cung cầu gạo đã trở lại cân bằng và giá gạo thế giới liên tục giảm.

Đặc biệt từ đầu năm 2025 đến nay, nhu cầu tiêu thụ yếu từ Philippines dẫn đến giá gạo Việt Nam lao dốc.

Cụ thể, Philippines đã ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực vào ngày 4.2. Mục tiêu của chính sách này nhằm giảm giá gạo nội địa được cho là đang ở mức cao khoảng 45 - 58 peso/kg. Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) tuyên bố trong tuần này sẽ bán gạo dự trữ 350.000 tấn cho các địa phương mức giá 33 peso/kg để các đơn vị này phân phối lại ra thị trường với giá 35 peso/kg (tương đương khoảng 15.300 đồng/kg).

Những chính sách mới này ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu gạo của thương nhân Philippines. Mới nhất, họ trì hoãn hợp đồng nhập khẩu 350.000 tấn gạo để thương lượng lại giá. Là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới và là thị trường chủ lực của Việt Nam nên những diễn biến này khiến giá gạo Việt Nam tụt dốc không phanh. Chưa kể, thương nhân các nước khác thấy giá gạo liên tục giảm cũng tiếp tục chờ khiến cho tình trạng càng thêm xấu.

Gạo Việt nên giảm lượng, tăng hiệu quả và giá trị

Vì sao giá gạo Việt Nam xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất thế giới?
Năm 2025 xuất khẩu gạo Việt được dự báo sẽ đối mặt cạnh tranh khốc liệt hơn năm 2024. Ảnh Hải Nguyễn

Hiện, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Đặc biệt, năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu đang chờ giảm thêm để mua với giá thấp hơn.

Các chuyên gia dự báo, năm 2025 xuất khẩu gạo Việt được dự báo sẽ đối mặt cạnh tranh khốc liệt hơn năm 2024, giá xuất khẩu cũng khó duy trì ở mức cao.

Trước thực tế đó, trả lời trên Báo Thanh Niên, các chuyên gia khyến cáo gạo Việt nên giảm lượng, tăng hiệu quả và giá trị.

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice New phân tích, giá gạo Việt Nam xuống mức thấp nhất thế giới nhưng phân khúc cao cấp vẫn thiếu hàng sốt giá, cụ thể như thị trường Nhật Bản, nhưng không xuất được vì sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Đây là vấn đề cần được định hướng lại từ khâu sản xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), cho rằng Việt Nam không cần đặt mục tiêu xuất 8 - 9 triệu tấn gạo và để rơi vào tình trạng bấp bênh của thị trường. Việt Nam chỉ cần xuất 4 - 5 triệu tấn mỗi năm nhưng sản phẩm có chất lượng và giá trị cao để mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, GS-TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) khuyến cáo cần phải giảm lượng xuất khẩu, chuyển sang thị trường rau quả có dung lượng lớn hơn rất nhiều.

Đồng quan điểm, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng, Việt Nam định hướng quy hoạch lại sản xuất và duy trì lượng gạo xuất khẩu từ 3 - 4 triệu tấn và tối đa là 5 triệu tấn. Đồng thời chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

VFA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.

Theo Thuonghieusanpham.vn

Nguồn: https://thuonghieusanpham.vn/vi-sao-gia-gao-viet-nam-xuat-khau-roi-xuong-muc-thap-nhat-the-gioi-76812.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2025

DNTH: Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2025 (2).

Bắc Bộ đón mưa dông diện rộng cuối tháng 6

DNTH: Dự báo từ đêm 28/6 - 2/7, miền Bắc xuất hiện một đợt mưa dông diện rộng, khu vực miền núi và trung du có nơi mưa trên 500 mm, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét.

Lời cảm ơn của Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

DNTH: Với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả quý vị, những độc...

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với mưa lớn ở miền núi trung du Bắc Bộ

DNTH: Ngày 21/6/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện về việc tập trung ứng phó với mưa lớn ở miền núi trung du Bắc Bộ.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

DNTH: Sáng 21/6, tại Hà Nội, Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu Nông thôn đã long trọng tổ chức buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925–21/6/2025) – mốc son quan trọng của nền báo chí dân tộc

Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang bị lũ quét và sạt lở đất đe doạ

DNTH: Trước nguy cơ mưa lớn kéo dài có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất, chiều 20/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung các biện pháp ứng phó.

XEM THÊM TIN