Truyền hình nhà nước Triều Tiên hôm 9/8 dọa tấn công tên lửa nhằm vào đảo Guam và cảnh báo sẵn sàng chiến tranh tổng lực, nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Guam luôn là mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên do vị trí địa lý và tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Popular Mechanics.
Guam là hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo Marianas ở Tây Thái Bình Dương, có diện tích gần 337 km2 và dân số 162.000 người, hầu hết là công dân Mỹ. Đây là một trong những vùng lãnh thổ Mỹ nằm xa lục địa Bắc Mỹ nhất với khoảng cách tới 9.420 km, trong khi chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khoảng 3.410 km.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định lý do hàng đầu khiến Triều Tiên tập trung vào Guam là vị trí địa lý. Hòn đảo này nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM), vũ khí dễ phát triển hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Điều này cho phép Triều Tiên tấn công hiệu quả vào "lãnh thổ Mỹ" trên danh nghĩa, dù chưa bảo đảm khả năng đánh trúng lục địa Bắc Mỹ.
Guam nằm trong tầm bắn của nhiều tên lửa Triều Tiên. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ. |
Về mặt chiến lược, Guam được coi là cái gai trong mắt Triều Tiên. Đây là nơi có những căn cứ quân sự lớn, hiện đại nhất bên ngoài lục địa Mỹ. Đảo Guam đóng vai trò then chốt trên bản đồ địa chính trị, cho phép Washington phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng.
Mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên sẽ là căn cứ không quân Andersen. Đây là nơi duy nhất ở Tây Thái Bình Dương có khả năng triển khai lâu dài lực lượng oanh tạc cơ chiến lược B-1B, B-2 và B-52 của không quân Mỹ. Chúng thường xuyên bay tới bán đảo Triều Tiên để thể hiện sức mạnh, đồng thời đưa ra cảnh báo sau mỗi vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Đây là một trong những vũ khí Mỹ có khả năng uy hiếp trực tiếp đến Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Căn cứ Andersen cũng là nơi đồn trú của các phi đội chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu phục vụ đòn đánh tầm xa nhằm vào Triều Tiên. Trong thời chiến, Andersen sẽ trở thành trạm chuyển tiếp của không quân Mỹ trên đường tới bán đảo Triều Tiên.
Guam cũng là nơi đặt căn cứ tàu ngầm chiến lược Apra của hải quân Mỹ. 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, mỗi tàu trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 3.100 km, đều đóng quân tại đây. Chúng có thể bất ngờ tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vô hiệu hóa ban lãnh đạo và hệ thống phòng thủ của Triều Tiên.
Guam có vị trí chiến lược trên Thái bình Dương. Đồ họa: BCC. |
Bên cạnh tàu ngầm, Mỹ còn triển khai một số đơn vị đặc nhiệm hải quân tới Guam, sẵn sàng cơ động tới mục tiêu khi có lệnh. Nhiều tàu mặt nước và tàu ngầm cũng thường xuyên ghé qua Guam trước khi đến Tây Thái Bình Dương.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng như vậy, Mỹ đã bố trí một Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với 48 tên lửa đánh chặn và hệ thống radar AN/TPY-2 tới Guam từ tháng 4/2013. Điều này có thể bảo vệ Guam khỏi mối đe dọa từ tên lửa MRBM và ICBM Triều Tiên, bên cạnh hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc.
Đảo Guam vừa là "miếng mồi ngon" vừa là cái gai trong mắt Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington hiểu rõ điều này và áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ căn cứ quan trọng nhất tại Tây Thái Bình Dương, khiến Bình Nhưỡng khó có thể hủy diệt Guam một cách dễ dàng, chuyên gia Kyle Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn
Ý kiến bạn đọc...