Việt Nam mất vị trí dẫn đầu xuất khẩu gạo vào Singapore

08:34 | 22/01/2025

DNTH: Sau 2 quý đầu năm giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore, Việt Nam đã để mất thị phần cho Ấn Độ và Thái Lan.

Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của thị trường Singapore đạt hơn 456,2 triệu SGD, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về khối lượng, tổng lượng nhập khẩu 9 loại gạo chính (HS10062010, HS10062090, HS10063030, HS10063040, HS10063091, HS10063099 và HS10064090, HS10063050, HS10063070), ước tính đạt khoảng 589.675 tấn, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu thị phần của các mặt hàng gạo, gạo tẻ trắng chiếm thị phần lớn nhất (33,57%), tiếp đến là gạo đồ (chiếm 17,63%), gạo trắng Hom Mali (chiếm 17,16%), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 14,97%). Các mặt hàng gạo khác chia đều phân khúc còn lại.

Thị trường nhập khẩu gạo tại Singapore trong năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt cả về số lượng và giá trị nhập khẩu. 7/9 nhóm gạo chính đều tăng trưởng dương, một số có mức tăng cao như gạo nếp (tăng 185,82%), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (tăng 35,6%), gạo đồ (tăng 73,12%). Tuy nhiên, nhóm chiếm thị phần lớn nhất là gạo tẻ trắng chứng kiến sự sụt giảm ở mức 16,5%.

Đáng lưu ý, năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 sang Singapore với kim ngạch 128,9 triệu SGD, chiếm 28,25% thị phần. Ấn Độ và Thái Lan là 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 148,19 triệu SGD (32,48%) và 137,75 triệu SGD (30,19%). Tổng cộng thị phần của 3 nước xuất khẩu hàng đầu đã chiếm tới 90,93% thị phần gạo tại Singapore.

Theo thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 128,9 triệu SGD, tăng 28,45% so với cùng kỳ 2023. Một số nhóm gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chứng kiến mức tăng rất mạnh là gạo nếp (kim ngạch 14,25 triệu SGD, tăng hơn 4,6 lần), gạo vỡ (kim ngạch 2,6 triệu SGD, tăng 113,63%) và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 44,89 triệu SGD, tăng 65,73%).

Tuy nhiên, nhóm gạo chủ lực của Việt Nam tại thị trường Singapore là gạo tẻ trắng chỉ tăng nhẹ 0,24%, đạt kim ngạch 64,67 triệu SGD. Ngoài ra, nhóm gạo lứt thường cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch 322.000 SGD, giảm 34,29%).

Hiện tại, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất đối với 3 nhóm gạo gồm: gạo tẻ trắng (chiếm 42,23%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 65,73%) và gạo nếp (77,02%). Ấn Độ là quốc gia chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường đối với gạo đồ (chiếm 99,48%) và gạo basmati xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 97,17%).

Thái Lan là nước chiếm thị phần lớn nhất đối với các nhóm gạo lứt homali (94,86%), gạo trắng homali (97,35%), gạo vỡ (58,21%). Với nhóm gạo lứt thường, Nhật Bản chiếm thị phần lớn nhất (75,82%). Theo đó, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. Về cơ bản, thị trường gạo của Singapore có nhu cầu ổn định từ mức 300-400 triệu SGD mỗi năm.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu lớn nhất. Mặc dù duy trì được tốc độ xuất khẩu cao đối với các nhóm gạo nếp và gạo thơm xay xát/tróc vỏ, tuy nhiên kim ngạch của nhóm chủ lực là gạo tẻ trắng chỉ tăng nhẹ (0,24%) khiến tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong cả năm 2024 của Việt Nam sang Singapore sụt giảm đáng kể. Việt Nam đã tụt xuống vị trí đối tác xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Singapore, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Về xúc tiến thương mại, việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường vẫn còn khá ít, dường như chưa có hoạt động xúc tiến quy mô lớn của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng gạo Việt Nam. Hiện nay chủ yếu là hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày hàng hóa sản phẩm gạo Việt Nam do Thương vụ Việt Nam tại Singapore triển khai. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ rất quan tâm đầu tư quảng bá hình ảnh sản phẩm và có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa sản phẩm gạo.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm quy mô rộng. Các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối ở Singapore chủ yếu nhập gạo Việt Nam rồi đóng gói với mẫu mã, bao bì và thương hiệu nội địa của Singapore để dễ tiêu thụ trên thị trường. Các sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam hầu như chỉ tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng tiện ích nhỏ hoặc đại lý bán hàng online của người Việt Nam.

Sau 2 quý đầu năm giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore, Việt Nam đã để mất thị phần cho Ấn Độ và Thái Lan. Điều này cho thấy doanh nghiệp cần phải cố gắng nhiều hơn nữa tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo do thị trường gạo Singapore có sự điều hành khá sát sao của Chính phủ Singapore, thể hiện ở việc Chính phủ nước này xét duyệt và cấp phép nhập khẩu cũng như trực tiếp thanh, kiểm tra chất lượng gạo trước khi đưa ra thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định sản phẩm gạo Việt Nam không chỉ tiêu thụ tại thị trường Singapore mà còn được doanh nghiệp Singapore xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý vai trò quan trọng của Singapore như một địa bàn trung chuyển chứ không chỉ là một thị trường tiêu thụ gần 6 triệu dân.

 

Theo VietnamPlus/TTXVN

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-mat-vi-tri-dan-dau-xuat-khau-gao-vao-singapore-post1008730.vnp


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Những tín hiệu đáng mừng sau 3 tuần thực hiện Nghị định 168

DNTH: Sau 3 tuần thực hiện Nghị định 168/2024, bộ mặt giao thông đã thay đổi với những tín hiệu đáng mừng, nhất là tại các đô thị lớn.

Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024

DNTH: Chiều 22/1, tại thành phố Pleiku, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Ngọc...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo

DNTH: Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa...

Chợ đầu mối Hà Nội sẵn sàng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết

DNTH: Những ngày giáp Tết, tại các chợ đầu mối lớn của thành phố Hà Nội nhộn nhịp hoạt động mua, bán. Bình quân mỗi ngày/đêm, các chợ trung chuyển hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, thủy hải sản… từ các tỉnh lân cận cung...

Miền Bắc tiếp tục rét khô trước khi đón gió mùa đông bắc mạnh

DNTH: Miền Bắc sẽ tiếp tục rét khô trong khoảng 3-4 ngày tới, trước khi một đợt gió mùa đông bắc mạnh tràn xuống nước ta vào khoảng 25/1 (26 tháng Chạp), gây mưa, trời chuyển rét sâu.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa công bố quyết định thành lập chi bộ công ty cổ phần Uten Việt - Đức

Chiều ngày 21/01/2025, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt Chi bộ Công ty cổ phần Uten Việt - Đức.

XEM THÊM TIN