VinaCapital: Nhà đầu tư ngoại vẫn nhìn tích cực về thị trường Việt Nam

15:47 | 16/07/2019

DNTH: Kết quả cuộc họp lãi suất của Fed vào tháng 7 này sẽ ảnh hưởng tới khẩu vị rủi ro của nhà đẩu tư ngoại tới các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng.

VinaCapital: Nhà đầu tư ngoại vẫn nhìn tích cực về thị trường Việt Nam

Ảnh minh họa.

Nhà đầu tư ngoại ngóng chờ cuộc họp tháng 7 của Fed

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) thuộc VinaCapital, nhà đầu tư trông chờ vào kết quả tích cực từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 (Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2019 khiến chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi tăng 5,7% và chỉ số S&P500 cũng tăng mạnh 6,9%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại ngược dòng khi giảm điểm 0,6% trong tháng 6. Kết thúc 6 tháng đầu năm, VN-Index vẫn tăng 6,43% và ở mức 949,94 điểm.

Trong báo cáo phát hành tháng trước của VOF, vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã được lưu ý và chưa chắc chắn về việc Việt Nam sẽ không trở thành mục tiêu tấn công của Tổng thống Trump. Vì ngay sau đó 2 tuần, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng có phải Tổng thống Trump muốn áp thuế với Việt Nam, ông Trump đã trả lời “Chúng tôi đang thảo luận với phía Việt Nam về vấn đề này”. Dù vậy, thị trường đã không phản ứng tiêu cực. Phía Việt Nam cho biết vẫn đang nỗ lực để cải thiện cán cân thương mại giữa 2 nước, tăng cường nhập khẩu.

Một chỉ báo tích cực về thương mại khi Liên minh Châu Âu và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do (EVFTA) vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Hiệp định này sẽ bãi bỏ thuế quan gần như 100% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong vòng vài năm. Việc giảm thuế sẽ tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng hoá Việt Nam so với các quốc gia như Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng là động lực quan trọng đối với thị trường Việt Nam, họ đang ngóng chờ vào kết quả điều hành lãi suất của Fed vào tháng 7 này, điều đó sẽ ảnh hưởng tới khẩu vị rủi ro tại các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng. Hầu hết những nhà đầu tư trên thị trường được hỏi đều tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25% trong kỳ họp tới.

Mặc dù Việt Nam lại không được xếp vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong đợt đánh giá tháng 6/2019. Thay vào đó, MSCI dự định nâng hạng cho Kuwait vào tháng 6/2020, nếu nước này sửa các quy định hiện hành. Dù rằng chưa chắc chắn, nhưng nếu Kuwait được nâng hạng, lúc đó thứ hạng của Việt Nam sẽ nhảy vọt và trở thành nước có tỷ trọng lớn nhất trong rổ thị trường cận biên, lên tới 30% thay vì mức 15-18% hiện nay sau khi Argentina được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2019.

Về tình hình đầu tư của VOF, trong 6 tháng đầu năm 2019, danh mục đầu tư của quỹ tại Việt Nam vẫn có tới 69% cổ phiếu niêm yết, 17,7% là cổ phiếu chưa niêm yết. VOF vẫn ưa thích cổ phiếu các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng khi tỷ trọng cổ phiếu ngành này chiếm cao nhất, tương ứng 18,8% và 15,6%; tiếp đến là ngành ăn uống 11,8%; dịch vụ tài chính 10,8%...

Danh mục đầu tư của quỹ VOF  

Các cổ phiếu trong Top 10 nắm giữ của quỹ VOF chiếm tỷ trọng nhiều nhất là HPG (11,4%); KDH (9,2%); ACV (8,4%), 2 mã ngân hàng có EIB (5,2%) và OCB (2,5%)…

 Top 10 cổ phiếu nắm giữ của VOF.

Tính tới cuối năm 2018, tổng tài sản quản lý của quỹ VOF ghi nhận ở mức 945,5 triệu USD. Trong khi đó, nửa đầu năm 2019, giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ của VOF tiếp tục giảm 0,5% (tính theo USD).

Quan ngại Việt Nam bị lợi dụng thương mại

Theo báo cáo của VOF, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm tốc còn 6,8% trong 6 tháng đầu năm 2019, so với mức tăng 7,1% cùng kỳ năm 2018, do tốc độ tăng trưởng sản xuất giảm từ 13% xuống còn 11%, trong đó có sự sụt giảm 10% về sản xuất điện thoại thông minh so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia về công nghiệp tin rằng lượng cầu về smartphone trên thế giới đang yếu dần từ hiện tượng đỉnh cao, vì theo IDC, lượng điện thoại thông minh bán ra đã sụt giảm 7% so với cùng kỳ. Cần lưu ý, Samsung đóng góp tới 10% sản lượng sản xuất và chế tạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ số mua hàng (PMI) của Việt Nam lại tăng từ mức 52 điểm tháng 5 lên 52,5 điểm trong tháng 6, do lượng đơn hàng mới tăng đỉnh 6 tháng. Với PMI tăng khiến Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang vượt ngưỡng co giãn 50 (ngưỡng đo mức tăng trưởng hoặc thu hẹp), và cũng thuộc số ít quốc gia có PMI tăng trưởng trong tháng 6/2019.

Chỉ số mua hàng (PMI) tính đến tháng 6/2019. 

Vấn đề quan ngại là sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt mức rất thấp 1% trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ tăng tới 28%, do lượng điện thoại di động xuất sang Trung Quốc giảm tới 46%. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm còn 7%, giảm mạnh so với mức tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, và thặng dư thương mại gần như về 0% GDP, so với cùng kỳ là 3% GDP.

Về thương mại với Mỹ, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 27%, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 22% so với cùng kỳ, điều này dẫn đến lo ngại các công ty đang nhập khẩu hàng Trung Quốc, sau đó tái xuất sang Mỹ nhằm né hàng rào thuế quan.

Những lo ngại đó xuất phát từ phát biểu của Tổng thống Trump cho rằng Việt Nam đang bị lợi dụng thương mại để hàng hoá Trung Quốc xuất vào Mỹ. Dù vậy, Việt Nam sẽ không là mục tiêu đánh thuế hà khắc vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố địa chính trị. Điều này đã được minh chứng khi VND đã tăng 0,6% trong tháng 6/2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 chỉ còn tăng 2,2% so với mức 4,7% cùng kỳ năm ngoái, do giá dầu ổn định và giá lương thực thực phẩm giảm tốc độ tăng còn 2% khi cùng kỳ là 5%. Dịch tả lợn Châu Phi cũng làm giá thịt heo giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng giá cả sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm khi đã có gần 10% số lượng heo bị tiêu huỷ vì dịch tả này.

Một điều quan ngại nữa là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 8%, trong khi cùng kỳ tăng 27%, do lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sụt giảm, chỉ tăng 6%.

Mặc dù, chi tiêu của du khách nước ngoài đóng góp 10% vào doanh số bán lẻ của Việt Nam, nhưng thực tế 6 tháng qua doanh số bán lẻ của Việt Nam lại không bị sụt giảm và tăng 9%, bằng với cùng kỳ 2018, do sự tiêu dùng mạnh mẽ trong nước. Theo đánh giá của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam hiện đang lạc quan thứ 3 trên thế giới.

Tính đến cuối tháng 6/2019, tỷ giá hối đoái USD/VND đã tăng 0,3%, từ mức 23.155 cuối năm 2018 lên mức 23.230.

Theo LAN ANH

BizLive

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, nhiều nhà đầu tư (NĐT) châu Á vẫn tìm hiểu dự án BĐS có pháp lý sạch, quỹ đất sạch, trong đó quan sát và tìm kiếm các dự án có dấu hiệu giảm giá.

M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch

Trải qua 2 làn sóng Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam chứng kiến loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) “đình đám” với sự góp mặt của nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước.

Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu

Thị trường ô tô đang bước vào tháng thấp điểm nhất trong năm - tháng ngâu, dù các hãng và đại lý đang tìm mọi cách đẩy hàng thông qua chính sách giảm giá, khuyến mãi...

Bất động sản Long An chờ đòn bẩy phát triển

Là cầu nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây, có 3 mặt giáp TP.HCM, thị trường bất động sản Long An liên tục đón nhận dự án mới. Thế nhưng giới phân tích cho rằng bất động sản Long An vẫn đang thiếu đòn bẩy là hạ tầng giao...

GS. Đặng Hùng Võ: 'Bất động sản vùng ven Hà Nội khá khởi sắc'

Thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội thời gian qua phát triển khá sôi động với nhiều dự án lớn gắn với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản. Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng...

Xe máy ế ẩm, doanh số giảm phân nửa

Tình hình thị trường xe máy trong tháng 7 âm lịch ế ẩm là chuyện bình thường. Nhưng năm nay lại dính thêm dịch bệnh nên người dân cũng mua xe ít hơn hẳn.

XEM THÊM TIN