Vốn tín dụng xanh khơi thông khi minh bạch chuỗi sản xuất

18:04 | 14/11/2024

DNTH: Vốn tín dụng xanh của nông dân, HTX và doanh nghiệp là rất lớn. Riêng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2030, dự kiến cần nguồn vốn khoảng 2,7 tỷ USD.

Vốn tín dụng xanh khơi thông khi minh bạch chuỗi sản xuất- Ảnh 1.

Nông nghiệp không chỉ là ngành kinh tế chủ đạo của Việt Nam mà còn là nguồn sống của đa số người dân - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhu cầu vốn tín dụng xanh nông nghiệp rất lớn

Bộ NN&PTNT đang triển khai Quyết định 3444/QĐ-BNN-KH về kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, cùng rất nhiều dự án, chương trình khác có liên quan.

Thực tế, nông nghiệp không chỉ là ngành kinh tế chủ đạo của Việt Nam mà còn là nguồn sống của đa số người dân, do đó nhu cầu vốn nói chung cho sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau ngành công nghiệp (theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc và Ngân hàng Thế giới).

Do đó, các đề án nói trên đều nhằm chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, phát triển bền vững, với mục tiêu chính là giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT nhìn nhận: Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, HTX và nông dân được xem là tất yếu và sống còn. Trong bối cảnh này, tín dụng xanh là công cụ tài chính quan trọng, giúp các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào các dự án nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...

"Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh này vẫn còn rất khó khăn, nhiều vướng mắc. Ngân hàng nào cũng có nhiều khách hàng là nông dân, HTX, nhưng có 2 nhóm vấn đề đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là liên kết chuỗi và tín dụng xanh để phục vụ chuyển đổi hệ thống sản xuất theo hướng xanh, bền vững", ông Thịnh phân tích

Nói rõ hơn việc này, ông Thịnh chỉ ra các vướng mắc: "Trước hết là về điều kiện vay. Thông thường khi vay liên kết sản xuất thì các tác nhân trong chuỗi (HTX, doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình, trang trại) phải đáp ứng 2 điều kiện: Có tài sản thế chấp; có dự án vay vốn rõ ràng. Nhưng cả 2 điều kiện này, các chuỗi đều đang gặp khó khăn do năng lực, trình độ, điều kiện hạn chế. Thứ hai, về điều kiện cho vay, cơ bản tất cả các hệ thống tín dụng đều cho vay bằng tài sản thế chấp. Nghị định 55 về tín dụng có quy định cho vay theo dòng tiền, cho vay theo tín chấp (ví dụ HTX được vay 1 tỷ đồng; hộ nông dân, trang trại được vay 500 triệu đồng mà không cần có tài sản đảm bảo), nhưng quy định là một chuyện nhưng khi triển khai lại là chuyện khác".

Vốn tín dụng xanh khơi thông khi minh bạch chuỗi sản xuất- Ảnh 2.

Chưa có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, chưa có định mức kỹ thuật cho quy trình sản xuất xanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần có hành lang pháp lý để gắn kết tín dụng xanh trong nông nghiệp

Nói về khó khăn khi giải ngân cho nông dân, ông Thịnh cũng nêu một thực tế là một số dự án trong chuỗi giá trị người dân vay nhưng không phải họ đầu tư cho sản xuất mà để quay vòng vốn, thu mua nguyên liệu, ứng trước cho nông dân xây dựng hợp đồng liên kết. Ở một số quốc gia, với những trường hợp vay trong diện này, họ sẽ không căn cứ vào tín chấp mà thông qua hợp đồng mua bán nông sản, tần suất giao dịch nông sản. Nhưng ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng không cho vay theo hướng này vì các chuỗi giá trị liên kết nông sản ở nước ta chưa đủ minh bạch và chưa đủ cơ sở dữ liệu để họ tin tưởng đó là giao dịch thật.

Nhìn nhận về thực tế việc khơi thông nguồn tín dụng xanh hiện nay, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết vốn còn ách tắc không phải lỗi do tổ chức tín dụng gây khó dễ, cũng không phải do nông dân hay doanh nghiệp năng lực quá yếu, mà do hiện nay chưa có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, chưa có định mức kỹ thuật cho quy trình sản xuất xanh...

"Tôi cho rằng các cơ quan chuyên môn của nhà nước, địa phương phải sớm công bố quy định, định mức kỹ thuật thế nào là sản xuất xanh, sản phẩm xanh, và phải sớm có xác nhận chứng nhận cho chuỗi sản xuất xanh đó. Việc này lẽ ra có thể giải quyết được khi bên chuyên môn là tổ chức tín dụng và bên thực hiện là nông dân, doanh nghiệp, HTX phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giải quyết các vướng mắc. Theo đó, phía ngân hàng phải đề xuất cơ quan quản lý công bố định mức kỹ thuật cho những tiến bộ về sản xuất xanh, bản chất là giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả, giảm ảnh hưởng tới môi trường. Ví dụ, 1ha sản xuất xanh chi phí như thế nào, nhu cầu bao nhiêu, hiệu quả ước tính ra sao…", ông Thịnh nhấn mạnh

Ông Thịnh cho rằng để mối quan hệ cung - cầu vốn tín dụng xanh thuận lợi hơn, nhất là nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn xanh hơn nữa thì về phía Hội Nông dân Việt Nam cần cùng với Bộ NN&PTNT tham gia vào các tổ chức nông dân, xây dựng HTX, tổ hợp tác cho "ra vấn đề", đó là yêu cầu quan trọng nhất.

"Quan trọng là khi có chính sách các đơn vị liên quan cần tham gia tuyên truyền, đào tạo tập huấn để nông dân nắm chắc và thực hành tốt quy trình kỹ thuật sản xuất xanh. Cuối cùng là tăng cường năng lực cho nông dân, bao gồm năng lực về thực hiện quy trình kỹ thuật; năng lực tham gia vào các chuỗi liên kết và nâng cao năng lực tham gia giám sát, phản biện", ông Thịnh nêu quan điểm.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn: https://baochinhphu.vn/von-tin-dung-xanh-khoi-thong-khi-minh-bach-chuoi-san-xuat-102241114153229157.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024

DNTH: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 124/CĐ-TTg ngày 30/11/2024 về việc tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024.

Đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua chuyển phát nhanh

DNTH: Bộ Tài chính vừa chính thức lấy ý kiến về việc dự thảo Tờ trình quyết định bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh...

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2024

DNTH: Trong tháng 12/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: quy định về lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện; quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng...

Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

DNTH: Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành cao. Luật Địa chất và khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy...

Quy định mới về quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội

DNTH: Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã bổ sung một số quy định về quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Theo đó, các mạng xã hội đã...

Đề xuất sửa mức doanh thu chịu thuế với thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh

DNTH: Một trong những đề xuất quan trọng trong dự thảo Dự án luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) được nhiều người quan tâm là hoàn thiện quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân kinh doanh.

XEM THÊM TIN