Vượt khó chăm lo Tết đầm ấm, đủ đầy cho người lao động

10:33 | 10/01/2024

DNTH: Trải qua một năm nhiều biến động, thiếu hụt đơn hàng, sản xuất kinh doanh khó khăn, lợi nhuận giảm nhưng nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực chăm lo người lao động, nhất là trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn đã đàm phán, thương lượng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chi trả lương kịp thời và thưởng Tết để không chỉ là gia tăng phúc lợi, lợi ích mà còn tạo động lực, động viên người lao động vui Xuân, đón Tết và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Xưởng sản xuất giày da, Công ty TNHH Giày Gia Định, TP Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Xưởng sản xuất giày da, Công ty TNHH Giày Gia Định, TP Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Doanh nghiệp nỗ lực thưởng Tết

Do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế thế giới, lượng đơn hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2023 sụt giảm khoảng 30%. Dù không mong muốn, doanh nghiệp đã có lúc phải chọn phương án cắt giảm lao động để vượt khó. Tuy nhiên, thay vì chọn phương án giảm giờ làm sẽ khiến thu nhập toàn bộ người lao động giảm, doanh nghiệp quyết định hỗ trợ 3,5 tháng lương cho những trường hợp tự xin nghỉ việc. Qua đó, tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có điều kiện chăm lo tốt hơn, đảm bảo thu nhập cho những người ở lại.

Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dù đơn hàng giảm nhưng người lao động vẫn được bố trí làm thêm giờ, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp giảm được chi phí vận hành nên có khoản để thưởng Tết cho công nhân. Công đoàn đề xuất doanh nghiệp tổ chức tất niên cuối năm kết hợp cùng Hội nghị người lao động, tặng quà Tết trị giá 500.000 đồng/người; thông báo lịch nghỉ Tết để người lao động an tâm vui Xuân, đón Tết cùng gia đình.

Với Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân), những tác động kinh tế thế giới sau COVID-19 làm ảnh hưởng đến doanh thu và cả thu nhập của người lao động. Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới để gia tăng đơn hàng, bố trí tăng ca trở lại, tạo việc làm ổn định, chăm lo người lao động tốt nhất. Dịp Tết Giáp Thìn, Công ty quyết định tăng thưởng khoảng 300.000 đồng so với năm 2023, bình quân tương đương khoảng 9 triệu đồng/người; trong đó, cao nhất 23 triệu đồng/người và thấp nhất 6,2 triệu đồng/người. Công đoàn đề xuất Công ty tổ chức chương trình tất niên cuối năm kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, bốc thăm may mắn và tặng phần quà Tết trị giá khoảng 300.000 đồng/người.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) - doanh nghiệp có đông lao động nhất Thành phố đã công bố dành hơn 633 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người lao động dù trước đó đã cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu hụt đơn hàng. Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty, tiền thưởng Tết căn cứ vào tiền lương theo hợp đồng lao động tháng 12/2023, gồm lương cơ bản và lương công việc nặng nhọc độc hại (nếu có), cộng thêm phụ cấp công việc, phụ cấp chuyên môn và phụ cấp đặc biệt (nếu có); mức thưởng bình quân 17 triệu đồng/người, cao nhất khoảng 67 triệu đồng, thấp nhất hơn 5 triệu đồng.

Tại Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam ngoài mức thưởng Tết tương đương 1,1 tháng lương còn hỗ trợ 18 chuyến xe đưa, đón hơn 500 người lao động và người thân về quê đón Tết ở các tỉnh miền Bắc, Trung và miền Tây. Trong đó, Công ty hỗ trợ từ 90 - 100% tiền vé xe về quê cho người lao động làm việc lâu năm.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC Ce Complex, bà Kiều Ngọc Hoa, Trưởng Phòng Nhân sự cho biết, ngoài mức thưởng Tết theo quy định, Công đoàn công ty vừa khởi động chương trình "SEHC hometown 2024 - Đồng hành cùng nhân viên về quê đón Tết". Qua đó, Công ty hỗ trợ toàn bộ vé xe hai chiều về quê và đón trở lại cho tất cả người lao động và người thân của họ trên các chuyến xe đoàn viên về quê đón Tết trải dài trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Huy động nguồn lực chăm lo Tết cho người lao động

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tuy hoạt động sản xuất, kinh doanh năm qua còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều nỗ lực thưởng Tết cho người lao động. Qua đó, không chỉ gia tăng các phúc lợi, lợi ích mà còn động viên người lao động vui Xuân, đón Tết và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Qua khảo sát hơn 1.200 doanh nghiệp cho thấy, có hơn 46% doanh nghiệp ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê hoặc hỗ trợ tiền, tặng vé xe… Tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2024, bình quân là hơn 12,3 triệu đồng/người (giảm so với năm 2023); thời gian nghỉ Tết trung bình từ 8 - 9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.

Rà soát từ các cấp Công đoàn Thành phố cho thấy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài hoặc có quan hệ lao động không tốt do nợ lương nên năm nay không thưởng Tết. Trước tình hình này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã triển khai 9 nội dung trọng tâm chăm lo Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết với tổng số tiền 192 tỷ đồng; chuẩn bị nguồn dự phòng để đảm bảo chăm lo kịp thời cho những đối tượng không được thưởng Tết hoặc bị nợ lương nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động.

“Đặc biệt, chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, dự kiến sẽ chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trong đó ưu tiên người lao động bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết 1 triệu đồng/gia đình bao gồm quà và tiền mặt.

Để “Tết đến với mọi đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động”, bà Vũ Thể Vân, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức 9 “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên” cho 30.000 công nhân với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người; chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” họp mặt vui Xuân, khám sức khỏe, tặng quà và tiền Tết cho 300 gia đình đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Ngoài ra, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố còn phối hợp tổ chức chương trình “Công nhân vui Tết cùng lãnh đạo Thành phố”, “Tấm vé nghĩa tình”, thăm và chúc Tết doanh nghiệp và gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân, lao động đang ở tại các khu nhà trọ, khu lưu trú nhân dịp Tết; các chương trình văn hóa văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân 2024” phục vụ công nhân lao động…

Đồng hành cùng công nhân lao động, Tết năm nay, Quỹ An sinh xã hội Thành phố hỗ trợ 1.000 phần quà cho công nhân lao động khó khăn hơn 1 tỷ đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thành Đoàn tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” và tặng hàng ngàn phần quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các em thiếu nhi tại các khu lưu trú thanh niên, công nhân. Thành Đoàn hỗ trợ vé xe, vé tàu, trao tặng quà cho công nhân bị mất việc hoặc không có điều kiện về quê đón Tết; thăm và tặng quà chiến sĩ, gia đình các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biên giới, biển đảo.

Tết Giáp Thìn 2024, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc chăm lo Tết cho người dân, đoàn viên Công đoàn và người lao động được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bao phủ, phù hợp với tình hình thực tế.

Các hoạt động chăm lo, thưởng Tết không chỉ giúp công nhân lao động đảm bảo đời sống, để Tết đến với mọi người, mọi nhà, mà còn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, động viên công nhân lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Chăm lo, Thưởng Tết hiệu quả, đúng thời điểm còn là động lực giúp đoàn viên, người lao động tin tưởng, gắn bó mật thiết với tổ chức Công đoàn, tăng cường phát triển đoàn viên và hơn hết là tạo khí thế thi đua lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi kinh tế nhanh và bền vững trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hơn 13.500 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý ngày đầu năm mới

DNTH: Theo Cục CSGT, ngày 1/1/2025 toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 35 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 50 vụ, làm chết 27 người, bị thương 35 người. Đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.

Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động

DNTH: Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Những tuyến phố đắt nhất Hà Nội theo bảng giá mới năm 2025

DNTH: Theo Quyết định số 71 của UBND TP Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất có hiệu lực từ ngày 20/12/2024, áp dụng đến ngày 31/12/2025, giá đất tại 10 tuyến phố trung tâm chạm ngưỡng 695,3 triệu đồng/m2.

Lo thua lỗ, nhà vườn giảm số lượng hoa Tết

DNTH: Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 500 hộ trồng cây, hoa kiểng với đủ các loại như: hoa giấy, mai vàng, cúc mâm xôi, cát tường, hướng dương, đặc biệt là hoa vạn thọ được trồng nhiều nhất với số lượng hơn 1 triệu chậu. Vụ hoa...

Hà Nội đề xuất duy trì Sở GTVT, Sở Xây dựng khi sắp xếp bộ máy

DNTH: Theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, UBND Tp.Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương, hợp nhất một số sở.

Mức thưởng bình quân tăng, người lao động Bình Dương an tâm đón Tết

DNTH: Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 1.771 doanh nghiệp gửi báo cáo, trong đó 1.676 doanh nghiệp công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025, cho thấy sự chủ động và cam kết từ các...

XEM THÊM TIN