Xu hướng tiếp thị xanh trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp vừa và nhỏ
17:10 | 13/11/2020
DNTH: Marketing liên quan đến các hoạt động môi trường là một phương pháp hiệu quả mà các nhãn hàng hay doanh nghiệp lớn thường dùng để tạo dựng hình ảnh và thực hiện các trách nhiệm của mình đối với xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây phương pháp này dần trở nên phổ biến hơn và được gọi tên là marketing xanh hay là Green marketing. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không đứng ngoài “cuộc chơi”. Các hoạt động trong chiến dịch này của cả người tham gia và doanh nghiệp đã góp phần giảm thiểu rác thải và nâng cao nhận thức của con người về các vấn đề của môi trường.
Mục đích của việc nghiên cứu này là làm rõ tác động của marketing xanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện hành động bảo vệ và nâng cao nhận thức của con người về các vấn đề liên quan đến môi trường cũng như giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
1. Cơ sở tài liệu:
Theo Cambridge dictionary, Green Marketing là một thuật ngữ được dùng để chỉ hoạt động tiếp thị những sản phẩm được cho là tốt, thân thiện với môi trường và được biểu hiện ở những chiến lược thay đổi thiết kế sản phẩm, quy trình đóng gói và hoạt động quảng cáo nhằm đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường của người tiêu dùng và toàn xã hội.
Polonsky (1994) cho rằng marketing xanh bao gồm các hoạt động nhằm tạo ra và thúc đẩy bất cứ trao đổi nào nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng trên cơ sở hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng quan điểm với Polonsky, Ottman (1998) cho rằng marketing xanh cần phải tập trung vào phát triển các sản phẩm có thể làm thỏa mãn tất cả những nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm chất lượng, giá cả hợp lý và khả năng sử dụng với sự tương hợp với môi trường, tức là hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Còn theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA), marketing xanh là hoạt động marketing các sản phẩm được coi là an toàn cho môi trường. Có nhiều ngộ nhận rằng marketing xanh chỉ liên quan tới việc tiếp thị và quảng cáo các sản phẩm bằng cách sử dụng các đặc điểm hoặc biểu tượng về môi trường, nhưng về bản chất, marketing xanh chính là sự kết hợp một loạt các hoạt động bao gồm thay đổi quá trình sản xuất, đóng gói, quảng cáo để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường (Polonsky, 1994).
2. Đặt vấn đề:
Lĩnh vực Sản xuất - Kinh doanh đã đem lại nhiều triển vọng tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo nhiều mối đe dọa nặng nề đến môi trường. Tuy không phải là tác nhân duy nhất gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nhưng không thể chối cãi rằng các xí nghiệp, nhà máy là một trong những tác nhân lớn nhất. Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất của các xí nghiệp nhà máy chịu trách nhiệm đến ⅔ lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường theo nhiều con đường khác nhau. Các khí thải, chất thải rắn và lỏng được thải ra trong quá trình sản xuất là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo báo cáo về “Tình hình phát sinh chất thải rắn thông thường” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm có khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp thải ra ngoài môi trường, trong đó lượng chất thải của các khu công nghiệp, chế xuất đã chiếm đến 8,1 triệu tấn. Riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày hoạt động sản xuất công nghiệp đã phát sinh ra khoảng 863,2 tấn chất thải rắn, trong đó, lượng rác nguy hại chiếm khoảng 217,2 tấn. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng với tỷ lệ trung bình khoảng 20% mỗi năm, song song với sự phát triển không ngừng của công nghiệp (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 2018). Bên cạnh đó, quá trình sử dụng sản phẩm và việc loại bỏ chúng vào cuối vòng đời cũng gián tiếp tác động tiêu cực tới môi trường.
Một trong những vụ việc gây ô nhiễm rúng động dư luận được phơi bày ra ánh sáng là sự việc công ty bột ngọt Vedan lén lút xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trong suốt 14 năm. Từ năm 1994 đến năm 2008, mỗi ngày Vedan đã xả hơn 5.000 m3 nước thải công nghiệp, mỗi tháng có đến 44.800 m3 dịch thải sau lên men được xả ra, chiếm đến 90% nguồn ô nhiễm trên sông Thị Vải. Hậu quả để lại là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài trên 10km sông Thị Vải, tương đương diện tích 20.000 ha và gây ảnh hưởng đến 10.000 hộ dân thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường và chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Các chủ doanh nghiệp đang trong tâm thế đặt lợi nhuận làm mục tiêu tiên quyết của doanh nghiệp, việc thực hiện quản lý môi trường chỉ là vấn đề thứ yếu, không những không sinh lời mà còn làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Cũng vì lý do tốn kém mà các doanh nghiệp không muốn đầu tư cho các quy trình sản xuất sạch hoặc xử lý chất thải đạt chuẩn mà chọn tự xử lý hoặc “nhắm mắt làm ngơ” trực tiếp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Một đánh giá của Kiểm toán nhà nước khi tiến hành kiểm toán hoạt động quản lý, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp cho thấy: “Khoảng 70% các khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép.” Chiếm phần lớn những cơ sở không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), các doanh nghiệp siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này còn yếu kém trong việc tiếp cận nguồn lực và hạn chế về năng lực đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại theo hướng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các DNVVN chỉ mới được tiếp cận các khái niệm về trách nhiệm xã hội và còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường.
3. Tính cấp thiết của vấn đề:
Phải trải qua một thời gian rất dài, con người mới nhận thức được rằng những hoạt động của bản thân là nguyên nhân dẫn đến những vấn nạn về môi trường như tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường hay sự cố môi trường. Tuy vậy, một tín hiệu đáng mừng là nhận thức ấy đang ngày càng được nâng cao. Con người đã thừa nhận trách nhiệm đối với những vấn nạn môi trường và cố gắng từng ngày để có thể giải quyết triệt để chúng.
Việc quản lý và bảo vệ môi trường giờ đây đang dần bứt khỏi vị trí thứ yếu, để trở thành mối quan tâm hàng đầu với mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ khách hàng, nhà cung cấp của họ và công chúng hơn bao giờ hết đã nhận ra hoạt động của các doanh nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ra những vấn đề về môi trường. Họ đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của hoạt động doanh nghiệp, cũng như sản phẩm của doanh nghiệp tới môi trường.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã “nhiều phen lao đao” khi bị người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay do những tổn thất về môi trường mà doanh nghiệp gây ra. Ngoài việc tẩy chay hàng hóa, những làn sóng tẩy chay thương hiệu trên các phương tiện truyền thông cũng rất đáng chú ý. Đơn cử là công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới - Nestle đã từng hứng chịu một cuộc tẩy chay diện rộng trên mạng xã hội vào năm 2010 do bị buộc tội sử dụng dầu cọ từ các nhà cung cấp có liên quan tới nạn phá rừng hàng loạt. Đơn vị cáo buộc Nestle - tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, đã chạy một chiến dịch truyền thông du kích trong vòng 3 tháng. Thời gian chiến dịch tuy không dài nhưng đủ để Nestle phải đưa ra thỏa thuận sẽ kiểm toán lại chuỗi cung ứng và cam kết sẽ chấm dứt hợp đồng với bất kỳ nhà cung cấp dầu cọ nào liên quan đến nạn phá rừng. Có đến hơn một triệu người xem quảng cáo nhại lại KitKat: “Have a break?” của Greenpeace, cho dù sau đó video này đã bị gỡ khỏi Youtube bởi những mối đe dọa về pháp lý. Còn trang fanpage Facebook của Nestle thì ngập trong những lời bình luận tiêu cực của công chúng. Theo lời chuyên gia truyền thông mạng xã hội Richard Telofski, trang Facebook của Nestle đã bị tấn công mỗi 90 giây, kéo dài trong suốt 3 tháng. Quay lại vụ việc của Vedan, tuy tại thời điểm đó, mạng xã hội vẫn chưa thực sự bùng nổ tại Việt Nam, cũng chưa có tổ chức nào đứng ra kêu gọi các phong trào tẩy chay, nhưng công ty này cũng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng trên các diễn đàn mạng. Qua các phương tiện truyền thông, nhiều người tiêu dùng tỏ ra bất bình, quay lưng với Vedan, dấy lên làn sóng “nói không” với Vedan ở các hệ thống siêu thị và những tiểu thương nhỏ lẻ. Cuối cùng, Vedan phải chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại với số tiền hơn 220 tỷ cho 7.000 hộ dân.
Áp lực của việc phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường đã khiến các doanh nghiệp chuyển mình theo hướng tích cực, bắt đầu hoạch định một cách có chiến lược về vấn đề môi trường, tích hợp việc quản lý môi trường vào việc sản xuất và công nghệ. Song song với những biện pháp bảo vệ môi trường đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn đến việc truyền thông thương hiệu để lan tỏa những nỗ lực cải thiện việc quản lý môi trường đến công chúng. Qua đó, niềm tin vào thương hiệu ở người tiêu dùng sẽ được củng cố, hình ảnh của doanh nghiệp cũng được cải thiện rõ rệt. Một trong những phương pháp truyền thông thương hiệu đang chứng tỏ được hiệu quả trong những năm gần đây chính là Tiếp thị xanh (Green Marketing).
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận:
Green marketing còn có thể được đề cập đến việc sản xuất cũng như tiếp thị hàng hóa dựa trên các đặc tính thân thiện với môi trường, trong đó có thể kể đến như việc ưu tiên sử dụng các vật liệu tái chế trong sản phẩm, hạn chế sử dụng các vật liệu độc hại, không sử dụng quá nhiều bao bì nhựa mà thay vào đó là ưu tiên những sản phẩm có thể sửa chữa hoặc tái sử dụng. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp với doanh nghiệp đối thủ và được xem là một hiện tượng mới, khác biệt hoàn toàn với marketing truyền thống.
Khái niệm tiếp thị xanh hiện còn chưa quá phổ biến đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ở nhiều nước phát triển trên thế giới loại hình marketing này đã và đang trở thành một xu hướng được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Green marketing sẽ đem lại vô số những cơ hội mới cho doanh nghiệp bởi việc sống xanh, tiêu dùng xanh cũng như sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường,... của người tiêu dùng đang dần phổ biến và được dự đoán sẽ trở thành một trào lưu, một làn sóng mới trong tương lai gần khi mà ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng: Năm 1992, một nghiên cứu ở l6 quốc gia cho thấy hơn 50% người tiêu dùng trong mỗi quốc gia quan tâm đến vấn đề môi trường (Ottman 1993). Năm 1994, một nghiên cứu ở Úc cho thấy 84,4% các cá nhân tin rằng, họ nên có trách nhiệm với môi trường tự nhiên. Một nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương đồng, 80% khách hàng cam kết sẽ thay đổi các thói quen tiêu dùng có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Như vậy, nếu như doanh nghiệp có những hoạt động marketing quan tâm đến môi trường thì sẽ có được những lợi thế cạnh tranh bền vững hơn những công ty không quan tâm đến môi trường.
Việc các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các hoạt động marketing xanh cũng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin, cập nhật được các hoạt động bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp đã làm cho công chúng nắm rõ và hiểu biết thêm. Từ đó, doanh nghiệp có thể giúp nâng cao nhận thức và hành vi của công chúng, người tiêu dùng đối với việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phương pháp thúc đẩy, truyền bá những giá trị cốt lõi về môi trường này sẽ giúp tăng hiệu quả marketing và truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng green marketing, doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc tạo ra một dòng sản phẩm mới, phục vụ cho một thị trường mục tiêu mới, một tệp khách hàng công chúng mục tiêu mới đầy tiềm năng.
Thứ nhất, green marketing là giải pháp marketing hành động vì thế hệ mai sau. Marketing xanh dùng những hành động tích cực, thân thiện với môi trường ở hiện tại trong một thời gian ngắn nhằm củng cố cho một mục tiêu dài hạn, đó là giáo dục cho giới trẻ hiểu được những tác động xấu mà loài người đã làm với môi trường cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tránh để các nguồn tài nguyên rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Thứ hai, marketing xanh đòi hỏi các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm giống như mọi công dân. Hoạt động marketing xanh cần gắn liền với các hoạt động ý nghĩa mang tính lâu dài về bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường để quảng bá hình ảnh, truyền thông thương hiệu cho doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, các tuyên bố và thông điệp truyền thông của doanh nghiệp cũng sẽ phải được cụ thể hóa bằng các hành động thực tế về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, yếu tố nhân văn trong những việc làm này của doanh nghiệp cũng sẽ giúp một bộ phận công chúng hoặc khách hàng của thương hiệu hiểu thêm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và có thêm niềm tin, độ trung thành đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, green marketing đóng vai trò trong việc tạo ra cầu nối giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp đối thủ và cả mọi người dân với nhau để làm cơ sở chung tay thực hiện các hành động nhân văn. Việc bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay doanh nghiệp nào mà cần phải có sự hợp tác cùng thực hiện. Quan điểm đạo đức chung ở đây là phải làm thế nào để thế hệ sau phải có được cuộc sống tốt đẹp hơn, hoặc ít nhất cũng phải bằng so với thế hệ trước. Quan điểm này chỉ ra rằng doanh nghiệp không thể chỉ tìm mọi cách thu lợi nhuận cho mình và quên đi sự sống còn của cả loài người và các sinh vật trên trái đất. Do đó, cách làm marketing này sẽ là phương pháp toàn diện nhất để đảm bảo cho việc phát triển một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn.
Các doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu nhận thức được trách nhiệm xã hội và triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội của họ. Trong đó, trách nhiệm với môi trường là trách nhiệm hàng đầu được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Do vậy, truyền thông xanh hiện nay được đánh giá là xu hướng truyền thông toàn cầu với rất nhiều các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới đều sử dụng truyền thông xanh như một phương thức truyền thông thương hiệu của họ. Một trong những chiến dịch tiếp thị xanh thành công trên thế giới có thể kể đến như chiến dịch dài hạn “Thế giới không rác thải” của Coca-Cola. Bên cạnh những hoạt động thực tế như cam kết đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế mọi chai hoặc lon sản phẩm mà công ty đã bán ra, Coca-Cola đã tung ra hàng loạt các chiến dịch quảng cáo, chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tác động người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình bảo vệ môi trường như chương trình “2ndLives” với viral video sử dụng hình ảnh các chai nhựa Coca-Cola được tái chế thành những đồ gia dụng quen thuộc như bình xịt nước hay chiến dịch “Round in Circles” với các biển quảng cáo ngoài trời nhắc nhở người tiêu dùng về khả năng tái sử dụng của các vỏ chai Coca-Cola. Chiến dịch này của Coca-Cola đã chiếm được rất nhiều thiện cảm từ khách hàng và nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng.
Tại Việt Nam, xu hướng tiếp thị xanh cũng được các doanh nghiệp thực thi. Trước những thay đổi nhận thức của công chúng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng mới trong cộng đồng, việc tạo ra các chiến dịch tiếp thị xanh của doanh nghiệp trước hết đáp ứng được thị hiếu công chúng, đồng thời góp phần lan tỏa ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong số những doanh nghiệp thực hiện thành công chiến dịch truyền thông xanh, The Coffee House có thể được kể đến như một minh chứng trong việc triển khai thành công chiến dịch của mình khi nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ khách hàng. The Coffee House là thương hiệu cà phê nổi tiếng với 140 cửa hàng trên khắp cả nước. Trong suốt quá trình phát triển, The Coffee House đã tổ chức các chiến dịch CSR nhằm xây dựng hình ảnh một thương hiệu phát triển đồng hành cùng cộng đồng, trong đó, chiến dịch “Go Green” được biết đến là chiến dịch lớn nhất được duy trì hơn 1 năm với mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường. Chiến dịch Go Green được triển khai với chuỗi hoạt động thay thế các chất liệu nhựa khó phân hủy thành nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Trong đó, các phản hồi từ khách hàng của The Coffee House đều mang tính tích cực và ủng hộ nhờ vào việc triển khai nghiêm túc theo quy trình thay đổi sản phẩm nhựa mà chiến dịch đề xuất. Những khách hàng trước đó chưa quan tâm đến vấn đề môi trường cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch của thương hiệu. Có thể thấy, sự thành công của chiến dịch “Go Green” của The Coffee House đã góp phần thay đổi nhận thức và kích thích hành động bảo vệ môi trường của công chúng.
Sơ đồ 1: Dòng thời gian chiến dịch “Go Green” của thương hiệu The Coffee House
Xu hướng tiếp thị xanh không chỉ được hưởng ứng bởi những doanh nghiệp lớn trên thị trường mà cả những DNVVN tại Việt Nam cũng tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây không chỉ là xu hướng mới đối với các doanh nghiệp trên thế giới mà còn là xu hướng tất yếu, buộc các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phải đáp ứng triển khai. Các hoạt động triển khai chiến dịch tiếp thị xanh thường bắt đầu từ thay đổi bao bì đóng gói từ chất liệu khó phân hủy sang chất liệu sinh học, cho đến các phong trào khuyến khích khách hàng sử dụng đồ tái sử dụng, đồ tái chế,... nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do tính chất và quy mô của các DNVVN mà các hoạt động tiếp thị xanh vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bảo vệ môi trường chưa thực sự rõ ràng khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN dè dặt trong việc đầu tư vào tiếp thị xanh - một “cuộc đua” tốn kém mà chỉ có các doanh nghiệp lớn mới đủ tiềm lực theo đuổi đến cùng. Triển khai chiến dịch tiếp thị xanh là quá trình đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ và người dân. Mặc dù hiện tại vẫn còn nhiều bất cập đến từ các doanh nghiệp cũng như chính phủ vẫn chưa có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các chiến dịch vì môi trường, các DNVVN vẫn cố gắng hoàn thiện và triển khai các chiến dịch của họ.
Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam với chuỗi siêu thị Annam Gourmet Market cũng đã xây dựng thành công chiến dịch tiếp thị xanh với các chuỗi hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường. Cụ thể, sau các chuỗi hoạt động chuyển đổi từ túi nhựa sang các loại túi chất liệu thân thiện với môi trường, Annam Gourmet Market chính thức triển khai chiến dịch “Bring Your Own” vào tháng 1 năm 2020. Chuỗi siêu thị cam kết ngừng cung cấp túi đựng cho khách hàng, thay vào đó khách hàng được khuyến khích tự mang theo túi đựng cá nhân. Loạt bài viết trên fanpage của doanh nghiệp liên quan đến chiến dịch đạt tổng 2.1k lượt tương tác. Mặc dù doanh nghiệp có nhận được phản hồi tích cực và bày tỏ thái độ ủng hộ đối với chiến dịch, vẫn có ý kiến trái chiều tỏ ra không đồng thuận với chính sách mới này. Tuy nhiên, đây vẫn là chiến dịch thiết thực không chỉ giúp nâng cao nhận thức của khách hàng mà còn thúc đẩy họ hành động thực tiễn. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã có thái độ tích cực trong việc bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp xã hội càng sẽ dẫn đầu nắm bắt xu hướng truyền thông hoạt động trách nhiệm xã hội.
Trong những chiến dịch bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp xã hội có chiến dịch KHOE Xanh 2019 thuộc chương trình thường niên KHOE Creative Festival của Công ty Cổ phần Tòhe đã đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường song hành cùng với sứ mệnh lan tỏa sự hồn nhiên của trẻ thơ của doanh nghiệp. Tiếp nối chủ đề “xanh” đã được doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn đầu năm 2019, KHOE Creative Festival 2019 lấy tên KHOE Xanh nhằm tôn vinh những sáng tạo xanh vì cộng đồng, cũng như lan tỏa giá trị sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên thông qua những hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, trò chơi bổ ích dành cho tất cả mọi người. Các hoạt động diễn ra trong chiến dịch đều hướng tới tái sử dụng các nguyên vật liệu cũ để tạo dựng sản phẩm triển lãm cũng như trang trí, tái chế thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh cho trẻ em. Chị Đặng Hoàng Yến - Trưởng phòng quản lý sự kiện của Tò He có chia sẻ về chiến dịch này: “Chiến dịch đã góp phần tái chế các sản phẩm đã sử dụng thành những hình trang trí sự kiện vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao ý thức của người tham gia”. Chiến dịch KHOE Xanh 2019 của Tòhe đã được lan tỏa rộng rãi với hơn 4000 người tham dự sự kiện, tăng hơn 4k lượt tương tác trên trang fanpage chính của sự kiện. Chiến dịch đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của các hộ gia đình trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, và đặc biệt giúp giáo dục trẻ em biết quan tâm hơn đến môi trường.
5. Kết luận:
Có thể thấy, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng trong những năm gần đây đã thay đổi hướng đi trong cách vận hành để giảm thi với môi trường hoặc có những dự án bảo vệ môi trường thiết thực. Trong đó, hoạt động tiếp thị truyền thông xanh hay Green marketing đã góp phần không nhỏ để tạo nên thành công của các chiến dịch này và cũng gia tăng được độ tin cậy, sự yêu thích của công chúng đối với thương hiệu hay doanh nghiệp. Vì vậy có thể nói xu hướng truyền thông này đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn không chỉ ở nước ngoài mà cả tại ở Việt Nam vừa góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta vừa góp phần bảo vệ, gia tăng giá trị hình ảnh của thương hiệu, doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải học hỏi, cập nhập thêm từ các chiến dịch tiếp thị xanh đã gây được tiếng vang trước đó để đưa ra các chiến dịch hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2019. Tình hình phát sinh chất thải rắn thông thường.
[2] Brands Việt Nam. 2012. Những xu hướng Tiếp thị xanh cho Việt Nam.
[3] Bùi Lan Phương. Marketing xanh - Xu hướng phát triển mới của các doanh nghiệp. Trường Đại học Thương mại.
[4] Charter, M. And Polonsky, M.J. 1999. Greener Marketing: A Global Perspective on
Greening Marketing Practice. Greenleaf Publishing, Sheffield, 33-67, UK.
[5] Field.org.uk. How Can Factories Affect The Environment?
[6] Lê Thẩm & Anh Tuấn. 2010. Công ty Vedan phải bồi thường thỏa đáng cho nông dân!. Nhân Dân điện tử.
[7] Lưu Nguyên Sơn. 2020. Điểm mặt những yếu kém trong xử lý nước thải khu công nghiệp. Tài nguyên và Môi Trường.
[8] Martin Hickman. 2010. Online protest drives Nestel to environmentally friendly palm oil. The Independent.
[9] Nguyễn Hoàng Tiến & Nguyễn Tuấn Thanh. 2020. Chiến lược phát triển Green Marketing thời kỳ hậu COVID-19 tại Việt Nam. ĐH Thủ Dầu Một.
[10] Nguyễn Thị Thu Hà & Bùi Quang Tín. 2015. Một số giải pháp nhằm tăng cường Marketing xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 77, 87.
[11] Olga Kaminer. Antecedents and Outcomes of Supplier Proactive Environmental Performance. York University.
[12] Ottman, J. 1993. Green marketing: Challenges and Opportunity for The New
Marketing Age. Lincolnwood.
[13] Ottman, J. 1998. Green Marketing: Opportunity for Innovation. NTC Business
Books, Chicago, USA.
[14] Ottman, J. Stafford, J. & Hartman, C. 2006. Avoiding Green Marketing Myopia.
Environment Journal, Vol 48, 24-36.
[15] Polonsky. 1994. Regulation of Environmental Marketing Claims: Acomporative
Perspective. International Journal of Advertising.
[16] Quang Thuần & N.Trần Tâm. 2010. Siêu thị tẩy chay Vedan. Thanh niên.
[17] Quốc Bảo. 2019. Quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cổng giao tiếp điện tử Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
[18] Ruby Phạm. 2020. Green Marketing là gì? Tầm quan trọng của Marketing xanh với doanh nghiệp. Tắc kè xinh.
[19] Stefania Moretti. 2010. Social Media the Deadliest Corporate Enemy. Toronto Sun.
Tài nguyên và Môi trường. 2018. Trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và bảo vệ môi trường.
[20] Thảo Lê. 2008. Vedan đã giết dần sông Thị Vải ra sao?. Nhân Dân điện tử
[21] T. Hạnh. 2020. Thấy gì từ việc Red Bull bị tẩy chay?. CAFEF
[22] United Nations Conference on Trade and Development. Sustainable Manufacturing and Environmental Pollution (SMEP).
ThS. Tào Thanh Huyền
Nhóm sinh viên: Vũ Thuỳ Linh, Bùi Thuỳ Dương,
Trần Minh Phương, Nguyễn Vũ Hoàng Linh
Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ngày 09/12: Giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục tăng
DNTH: Cập nhật giá cà phê hôm nay (ngày 09/12/2024), giá cà phê trực tuyến, cà phê Tây Nguyên, cà phê Lâm Đồng, cà phê Gia Lai, cà phê nhân, cà phê Arabica.
Ngày 09/12: Giá vàng đi ngang chờ tín hiệu từ giá USD
DNTH: Giá vàng hôm nay (ngày 09/12/2024): Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục mô hình củng cố trong tuần này, trong khi thị trường đang chờ đợi các chất xúc tác tiếp theo.
Hộp quà Tết hơn trăm nghìn đồng hút khách
DNTH: Các doanh nghiệp cho biết hộp quà Tết giá 150.000-500.000 đồng đang được ưa chuộng nhất năm nay, phản ánh xu hướng tiết kiệm khi sức mua èo uột.
Giá lúa gạo ngày 06/12: Giá lúa tươi tiếp đà tăng mạnh
DNTH: Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay (ngày 06/12/2024) tại khu vực trong nước điều chỉnh tăng mạnh 300 - 400 đồng/kg với một số loại lúa. Thị trường giao dịch chậm, kho mua ít đè giá, lúa tươi tiếp tục tăng mạnh.
Ngày 06/12: Giá heo hơi ở Miền Bắc chạm ngưỡng 64.000 đồng/kg
DNTH: ghi nhận giá heo hơi của nhiều địa phương tại khu vực miền Bắc và miền Trung hôm nay tiếp đà tăng nhẹ. Hiện giá đang dao động trong khoảng từ 60.000 - 64.000 đồng/kg.
Ngày 06/12: Giá tiêu đột ngột tăng phi mã
DNTH: Cập nhật giá tiêu hôm nay (ngày 06/12/2024), giá tiêu Đắk Lắk, Gia Lai, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, tiêu thế giới.
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...