Yêu cầu lãnh đạo 31 cơ quan, 13 địa phương nghiêm túc chấn chỉnh

16:55 | 21/08/2020

DNTH: Tình hình giải ngân đầu tư công đã chuyển biến, nhưng Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh; quyết giải ngân hết số vốn đầu tư còn lại của năm 2020 (khoảng 350.000 tỷ đồng).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra vào sáng nay, 21/8.

Tại Hội nghị, các địa phương khẳng định quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

Thành phố Hà Nội sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc. Cuối tháng 8/2020, thành phố sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020.

TPHCM duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công 2 tuần/lần. Thành phố lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết ngay cho tổ công tác liên ngành về đầu tư của thành phố. Định kỳ hoặc đột xuất sẽ kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư bằng công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác giải ngân tại 19/30 địa phương, đơn vị. Việc rà soát, điều chuyển vốn sẽ được thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng trước đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, có nhiều chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020. Cho nên tháng 7 và 8 đã có chuyển biến đáng mừng ở phần lớn các địa phương và bộ, ngành.

“Tôi tin rằng đến hết tháng 8, con số chúng ta giải ngân đạt gần 45% tổng vốn đầu tư công năm nay là có thể trở thành hiện thực”.

Điều đáng mừng là phần lớn các bộ, ngành, địa phương đều hứa, có quyết tâm giải ngân từ 95-100% vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có số vốn lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Đặc biệt, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều cách làm mới, quyết tâm mới như việc lãnh đạo cao nhất của địa phương đi từng công trình, nhiều tỉnh ủy, thành ủy ban hành nghị quyết, đã nêu cao vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên giao ban, đôn đốc rồi chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư… đưa ra những chế tài rất mạnh như làm chậm thì không được tham gia đấu thầu công trình và không tham gia làm chủ đầu tư các công trình tiếp theo. Nhiều bộ không tiêu hết tiền đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn cho các công trình dở dang.

Nhiều tỉnh, nhiều bộ làm rất tốt như Hưng Yên giải ngân đạt hơn 91%, Nghệ An 75%, Ninh Bình 73%, Liên minh Hợp tác xã 100%, Ngân hàng Chính sách Xã hội 99,47%, Bộ Nội vụ 62,85%... Nhiều địa phương chỉ đạt 20-30% trong tháng 5,6 nhưng đến hết tháng 8 đạt 60%.

Tuy vậy, tại Hội nghị này, chúng ta nêu ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong những tháng cuối năm thì mới có thể giải ngân được 100% số vốn kế hoạch, Thủ tướng nêu rõ. Đó là việc giao kế hoạch vốn còn bất cập. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện còn chậm, đây là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư, nhà thầu còn thiếu trách nhiệm.

Do đó, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hằng tháng công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công

“Một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng có nơi làm tốt, có nơi hầu như không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém”, Thủ tướng đặt vấn đề. “Các đồng chí phải trả lời câu hỏi này”. Đặc biệt là các dự án ODA, vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định, nguồn vốn… ảnh hưởng rất lớn đến triển khai dự án.

Với vướng mắc như vậy, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị chuyên đề về ODA và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tốt cho hội nghị này.

Một tồn tại nữa mà “chúng ta hay nói đến, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong nhiều trường hợp chưa tốt, chưa kịp thời, kém hiệu quả, quy trình thủ tục ở một số dự án lòng vòng”.

Một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại tinh thần giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ trong năm nay, đây là nguồn quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm. Khi chỉ còn 20 tuần nữa, tức là hơn 4 tháng là kết thúc năm 2020, nhiệm vụ rất nặng nề để giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại (khoảng 350.000 tỷ đồng).

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong năm 2020, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.

Các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tich UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm ngay những nhiệm vụ, công việc theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm những việc trong thẩm quyền được. Và ai, tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Cái này thành một chế tài quan trọng, nếu chúng ta sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì chuyển biến mới được, còn nói chung chung khó lắm”.

Thủ tướng nhất trí việc thành lập tổ công tác do lãnh đạo có thẩm quyền của địa phương, của ngành trực tiếp xử lý giải quyết đối với các chương trình, dự án quan trọng. Các địa phương tổ chức giao ban, đôn đốc, thảo luận quyết sách cụ thể cho từng dự án ở địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua trình trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng. Cần cần bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA. Kiên quyết thực hiện tiếp tục điều chuyển vốn theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.

Đối với các dự án đã hoàn thành, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh công tác quyết toán, không để dồn lại cuối năm mới quyết toán, có quy định chế tài cụ thể việc này.

Đối với dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn cho nhà thầu, đừng để kéo dài.

Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu.

Đối với dự án khởi công mới, khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, sớm thi công.

Tất cả các bộ phải rà soát, không để hồ sơ chậm trễ, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nghiêm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả công tác phối hợp, “không phải chờ giao ban mới tháo gỡ”. Các bộ cũng phải đôn đốc, kiểm tra để xử lý những khó khăn cũng như xử lý những cán bộ, tổ chức làm chậm hoặc có hành vi tiêu cực.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và cá nhân có liên quan trong năm nay.

Về truyền thông, Thủ tướng yêu cầu hằng tháng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, từng cơ quan Trung ương và địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng, “anh nào làm tốt thì biểu dương, anh nào làm chậm thì phê phán, đấu tranh”. Các cấp, các ngành chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, cơ chế pháp luật về đầu tư công, tạo đồng thuận xã hội, tạo quyết tâm mới.

Đức Tuân

chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hà Nội: Hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ người dân tốt hơn

DNTH: Ngày 9/12, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty Dịch vụ khách hàng Viettel đã ký kết biên bản phối hợp về triển khai cung...

Từ ngày 12-14/12, Bắc Bộ tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường

DNTH: Nhận định về tình hình rét ở Bắc Bộ, chiều tối 9/12, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết: khoảng chiều và đêm 11/12, Bắc Bộ sẽ chịu tác động của một...

Thời tiết ngày 10/12: Trung Bộ có mưa to đến rất to

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/12, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa 70-150 mm. Cục bộ có nơi trên 250 mm.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

DNTH: Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến hết...

Hội Nông dân Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổ chức 2 Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói

DNTH: Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội NDVN– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và...

Xây dựng đề án sáp nhập 2 Ban Đảng ở Trung ương

DNTH: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương xây dựng đề án sáp nhập; Ban Đối ngoại Trung ương sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao.

XEM THÊM TIN