9 dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL đang gặp vướng mắc gì?

14:10 | 16/10/2024

DNTH: Các dự án giao thông trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các Nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.

9 dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL đang gặp vướng mắc gì?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL sáng ngày 16/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công.

Riêng Dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua TP Cần Thơ).

"Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2024", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định.

Huy động hơn 6.500 nhân lực

Về công tác triển khai thi công, đến nay các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (riêng Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực).

Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các Nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.

Đặc biệt, Bộ GTVT cho biết, Dự án Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành Dự án vào 31/12/2025.

"Nhưng hiện nay, Dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000m3/76.000m3. Còn dự án Đường HCM hiện mới chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay.

Về vốn bố trí cho các dự án, Bộ GTVT khẳng định vốn cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Riêng Dự án Cao Lãnh - An Hữu cần bổ sung thêm 250 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp đang cân đối nguồn vốn của địa phương; Dự án cầu Rạch Miễu 2 cần bổ sung thêm 1.192 tỷ đồng, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết.

9 dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL đang gặp vướng mắc gì?- Ảnh 2.

Đến nay các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: VGP

Vật liệu chưa đáp ứng được tiến độ thi công

Thông tin cụ thể hơn về tình hình cung ứng vật liệu cho các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết: Về vật liệu cát, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/ nhu cầu 65 triệu m3 tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Hiện tỉnh Tiền Giang chưa xác định được nguồn 2,15/15,9 triệu m3; đã hoàn thành thủ tục cấp phép, đủ điều kiện khai thác 1,1 triệu m3; đang thực hiện thủ tục cấp phép 12,9 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 11/2024.

Tỉnh Bến Tre chưa xác định được nguồn 0,6/7,37 triệu m3; đang thực hiện thủ tục cấp phép 4,77 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục trong tháng 11/2024. Riêng các mỏ đấu giá để cấp cho TPHCM 2 triệu m3 phải đến cuối tháng 12/2024 mới hoàn thành.

Tỉnh Vĩnh Long chưa xác định được nguồn 1,2/3,4 triệu m3; đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện khai thác 1,4 triệu m3; đang thực hiện thủ tục cấp phép 0,8 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 10/2024.

Tỉnh An Giang đã hoàn thiện thủ tục điều chuyển 1,4 triệu m3 để phục vụ thi công Dự án Cần Thơ - Cà Mau; đã xác định đủ nhu cầu 3,4 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép, dự kiến hoàn thành thủ tục trong tháng 11/2024.

Tỉnh Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn; đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện khai thác 0,76 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục cấp phép 5 triệu m3, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

Về khai thác cát biển, Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, các nhà thầu đã huy động tổng số 18 tàu hút và hơn 200 xà lan để khai thác, vận chuyển cát biển từ mỏ thuộc tỉnh Sóc Trăng, đến nay, đã đưa về công trường được 0,425/tổng nhu cầu 2 triệu m3.

Tại dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát mỏ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trữ lượng khoảng 1 triệu m3, đang hoàn tất thủ tục cấp mỏ. Còn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các Nhà thầu đã hoàn thành thủ tục cấp 1,2 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục giao khu vực biển.

Về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, tổng nhu cầu của các dự án khoảng 8,03 triệu m3. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định "đây là 'thách thức' lớn đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long".

Để chủ động nguồn đá cung ứng cho các Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh An Giang triển khai thủ tục để khai thác trở lại mỏ Antraco trong 8/2024. UBND tỉnh An Giang đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và dự kiến tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định của Luật khoáng sản; tuy nhiên trình tự, thủ tục mất khoảng 12 tháng và không kịp cung ứng vật liệu cho Dự án Cần Thơ - Hậu Giang.

Hiện, các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ chủ đầu tư, các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ khác để hoàn thiện các thủ tục pháp lý cung ứng cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; các nhà thầu đã ký hợp đồng và đang đưa về công trường, tuy nhiên cự ly vận chuyển xa dẫn đến giá thành cao hơn nguồn đá tại mỏ Antraco.

Mỏ không đáp ứng đủ trữ lượng, thủ tục cấp phép kéo dài

Nói về khó khăn khi thực hiện các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo Thủ tướng: Trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án, Bộ GTVT và các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương để chỉ đạo, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Tuy nhiên, đến nay, việc cung ứng vật liệu cát đắp cho các Dự án vẫn còn vướng mắc về việc mặc dù đã hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Hay như việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng) cần hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác các mỏ trước ngày 30/8 nhưng việc triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng được tiến độ thi công.

Thêm vào đó, nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ; một số mỏ tại tỉnh Tiền Giang có chồng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; một số mỏ tại tỉnh Bến Tre cấp cho nhà thầu nhưng thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2026 – 2030…

Việc tổ chức khai thác cát biển tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công DATP Hậu Giang - Cà Mau hiện nay đạt khoảng 15.000m3/ngày, mặc dù các nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện trên cả nước, nhưng do mức mớn nước thấp nên chỉ sử dụng được các tàu công suất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Chậm nhất tháng 10/2024 hoàn thành cấp phép mỏ 

Đề xuất giải pháp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm và hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép mỏ, chậm nhất trong tháng 10/2024 để cung ứng vật liệu cho các dự án, bảo đảm đủ khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ các dự án theo chỉ tiêu được giao

UBND các tỉnh trong khu vực có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn các địa phương về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, chủ động hướng dẫn tỉnh An Giang đẩy nhanh thủ thục cấp phép khai thác mỏ đá Antraco sớm giao khu vực biển cho các nhà thầu dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Các cơ quan chủ quản (Bộ GTVT, UBND các tỉnh) quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu: phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; xây dựng phương án tập kết vật liệu đá về công trường gửi các địa phương để chủ động trong việc điều tiết, cung ứng; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, diễn biến thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công theo kế hoạch, đặc biệt các Dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.

Chủ đầu tư/Ban QLDA cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để bù lại tiến độ ngay khi được cấp mỏ vật liệu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; đẩy nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; hoàn thành công tác giải ngân các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng về công tác giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Nguyễn Duuy Lâm cho rằng: Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc tuy không còn nhiều nhưng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thành đồng bộ dự án. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị các địa phương Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau khẩn trương đẩy nhanh tiến độ GPMB, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong tháng 10/2024.

Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo EVN đẩy nhanh thủ tục di dời đường điện cao thế.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ, trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

 Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 Dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3000km: 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; DATP1 Cao Lãnh - An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ; 2 Dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (đường HCM) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

 Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban QLDA 85) hoàn thành năm 2027.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn: https://baochinhphu.vn/9-du-an-giao-thong-trong-diem-dbscl-dang-gap-vuong-mac-gi-102241016103633448.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng, doanh nghiệp đến trường đại học tìm lao động

DNTH: Trước nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vào những tháng cuối năm tăng cao cùng với nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng tăng, ngày 3/11, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức ngày hội “Thực tập và việc làm TP...

Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo ‘chân mày phong thuỷ’

DNTH: Một điểm chung của các cơ sở “chân mày phong thuỷ” là sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo trên các trang mạng xã hội với nội dung điêu khắc chân mày, thay tướng đổi vận có chi phí thấp. Thế nhưng, khi đến...

Quy định về niên hạn sử dụng của xe cơ giới từ 1/1/2025, ai cũng nên biết

DNTH: Nhiều người thắc mắc, niên hạn sử dụng của xe cơ giới được quy định thế nào theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024?

Điều kiện để người lao động được nhận trợ cấp thôi việc, ai cũng nên biết

DNTH: Nhiều người thắc mắc về những trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được nhận trợ cấp thôi việc và mức hưởng là bao nhiêu?

Theo quy định mới, sổ đỏ được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

DNTH: Theo quy định hiện nay, trong một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi tắt sổ đỏ) được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, bao nhiêu lâu được thi phục hồi?

DNTH: Bộ Công an đã đề xuất thời hạn đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm.

XEM THÊM TIN