Ai chịu trách nhiệm về hành vi gộp thửa, vượt tầng tại KĐT mới Vân Canh?

14:55 | 12/07/2024

DNTH: Hàng loạt công trình tại Khu đô thị mới Vân Canh “tự ý” gộp thửa, tăng mật độ, vượt chiều cao… thế nhưng chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD thản nhiên “phủi” trách nhiệm và cho rằng để xảy ra sai phạm là trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Chủ đầu tư nhưng “phủi” trách nhiệm?

Như Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn phản ánh, Khu đô thị mới Vân Canh sau một thời gian đưa vào sử dụng, đã “bùng nổ” tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Tình trạng gộp thửa, tăng mật độ, vượt chiều cao so với quy hoạch được phê duyệt diễn ra một cách công khai, rầm rộ.

Điển hình, trụ sở Công ty Cổ phần GMS cao 6 tầng, nằm giữa dãy nhà liền kề cao 4 tầng. Đây là 3 căn nhà liền kề được chủ nhân của nó gộp thành 1, mặt tiền kính quây kín mít, bên trong chia thành nhiều phòng cho các học viên học tiếng, ăn ở sinh hoạt. Hay như, căn số 59 LK22 đang trong quá trình vươn cao thêm 2 tầng so với quy hoạch. Tương tự, tại dãy LK24, căn số 02 sau một thời gian được sự “làm ngơ” của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn chủ đầu tư, công trình này từ 4 tầng đã “lớn nhanh” thành 5 tầng. Không dừng lại ở việc vượt chiều cao, toàn bộ phần đất lưu không của căn hộ cũng được chủ sở hữu cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường không đúng với thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

H01
Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD là doanh nghiệp Nhà nước, chủ đầu tư Khu đô thị mới Vân Canh.

Không dừng lại ở các dãy nhà liền kề, các dãy biệt thự trong Khu đô thị mới Vân Canh cũng không kém cạnh trong việc “chạy đua” cơi nới, tăng tầng, vượt mật độ. Tại lô 05 và 06 BT13 bị phá bỏ hoàn toàn hai căn biệt thự để gộp diện tích đất 773,5 m2 xây dựng một căn biệt thự mới hoàn toàn sai với giấy phép xin được sửa chữa. Vi phạm của chủ đầu tư đã được lập biên bản xử lý yêu cầu dừng thi công, khắc phục hậu quả phá bỏ phần sai phạm nhưng khu biệt thự vẫn hoàn thành. Còn tại lô số 20 BT8, căn biệt thự đã được xây cơi nới thêm tầng phá bỏ toàn bộ thiết kế bên ngoài theo quy định cải tạo lại. Ngoài ra còn có hàng loạt các công trình như biệt thự 19-BT7, 16-BT11, 17-BT10 đã cơi nới tầng, phá bỏ thiết kế bên ngoài… phá vỡ quy hoạch đồng bộ Khu đô thị Vân Canh đã được phê duyệt.

Trước những vi phạm này, ông Vũ Văn Thủy - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 (Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD) cho hay, năm 2008, dự án Khu đô thị mới Vân Canh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD làm chủ đầu tư. Sau khi có quyết định giao đất, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD đã triển khai đầu tư xây dựng dự án từ năm 2009 với quy mô hơn 68 ha. Các công trình nhà liền kề tại đây được xây dựng cao 3 tầng 1 tum, biệt thự cao 2 tầng cộng mái vát và chưa có điều chỉnh khác.

D01
Trụ sở Công ty Cổ phần GMS được gộp từ 3 căn hộ liền kề.

“Năm 2008, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD đã bán lại các ô đất liền kề 22 - 24 - 25 - 26 cho Công ty Cổ phần Tasco. Chính vì vậy, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD hết trách nhiệm trong việc quản lý xây dựng, sửa chữa, cải tạo sai quy hoạch và xử lý vi phạm tại những ô đất này” - ông Vũ Văn Thuỷ khẳng định.

Cũng theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1, đối với các công trình báo chí phản ánh có dấu hiệu sai phạm, Ban quản lý dự án số 1 đều có thông báo gửi đến UBND xã Vân Canh, UBND huyện Hoài Đức, Đội TTXD huyện để tiến hành kiểm tra và xử lý. Trong quá trình xây dựng, Công ty Cổ phần Tasco và các chủ hộ tự ý cải tạo, xây dựng không theo giấy phép được phê duyệt rồi đưa vào sử dụng.

Thế nhưng hàng loạt công trình biệt thự tại Khu đô thị mới Vân Canh bị gộp thửa, vượt tầng, tăng mật độ so với quy hoạch thì Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 là ông Vũ Văn Thuỷ lại tỏ ra “lảng tránh” như chưa có chuyện gì xảy ra. Và, theo như lời ông Vũ Văn Thuỷ thì toàn bộ các dãy biệt thự trong Khu đô thị mới Vân Canh do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD triển khai xây dựng, bán cho khách hàng và đang quản lý trực tiếp.

D02
Căn 02 LK24 được sự "làm ngơ" của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn chủ đầu tư, công trình này từ 4 tầng đã “lớn nhanh” thành 5 tầng.

Không dừng lại ở đó, theo thông tin do người dân đang sinh sống tại dãy liền kề 24-26 cung cấp, khi họ muốn lắp điện nước, sửa chữa để về ở thì phải hoàn thiện hồ sơ trình Ban Quản lý số 1 phê duyệt. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu phải nộp tiền cọc 20 triệu đồng/trường hợp, mới được chấp thuận.

Bác Nguyễn Ngọc T. (đang sinh sống tại căn biệt thự trong Khu đô thị mới Vân Canh) cho biết: “Đầu năm 2023, gia đình tôi sửa chữa căn biệt thự để chuyển về sinh sống. Trước khi sửa chữa, tôi phải làm hồ sơ trình Ban Quản lý số 1 và đặt cọc số tiền 20 triệu đồng mới được chấp thuận”.

Theo tìm hiểu, các chủ sở hữu căn liền kề hay biệt thự trong Khu đô thị mới Vân Canh muốn lắp đặt điện nước hoặc sửa chữa đều phải xin phép Ban Quản lý số 1 thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD. Thế nên, trách nhiệm chính khi để xảy ra vi phạm trong xây dựng, phá vỡ quy hoạch… thuộc về Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD.

D05
Căn 59 LK22 đang được chủ nhân của nó "làm phép" thêm 2 tầng.

Thiết nghĩ, tính thượng tôn pháp luật trong công tác quản lý, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Vân Canh ở đâu? Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này hay chủ đầu tư bán nhà xong là phủi trách nhiệm? Các cơ quan liên quan không thiếu chế tài để xử lý, nhưng xuất phát từ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự vô cảm, thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng “bùng nổ”vi phạm (!?)

Bí quyết kinh doanh ít người làm được?

Được biết, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập ngày 2/6/2000 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đến ngày 30/3/2006, doanh nghiệp này chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Sau 8 lần (4/11/2022) thay đổi giấy phép kinh doanh, có trụ sở tại tòa HUDTOWER số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 3.981 tỷ đồng với 11 Ban Quản lý dự án, 02 Chi nhánh và 14 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 02 công ty liên kết và 02 công ty liên doanh với tổng số hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên, hiện đang thực hiện 25 dự án trên khắp cả nước do ông Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1978) làm Chủ tịch HĐTV (trước đó là Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng chuyển về), nhân vật chủ chốt được xem là "linh hồn" của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD từ rất nhiều năm về trước.

H03
Thống kê các gói thầu do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD làm chủ đầu tư.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD có ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; lắp đặt hệ thống điện; lắp đặt hệ thống xây dựng khác; bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng…

Ngoài ra, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD cũng là chủ đầu tư của 94 dự án đầu tư phát triển; chủ đầu tư của 176 kế hoạch lựa chọn nhà thầu (trong đó có 171 kế hoạch lựa chọn nhà thầu tự đăng tải, có 5 kế hoạch lựa chọn nhà thầu là do đơn vị khác đăng tải); chủ đầu tư của 161 thông báo mời thầu (trong đó tự mời thầu 32 TBMT, có 129 TBMT là do đơn vị khác mời thầu).

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD có quan hệ với 219 nhà thầu; công bố 326 kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 531 gói thầu, trong đó có 55 kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa tìm thấy dự án đầu tư; đã thực hiện mời thầu 128 gói (với 133 thông báo mời thầu), thực hiện mời sơ tuyển 0 gói; công bố kết quả của 426 gói, hủy thầu 0 gói (trong số các gói thầu ở trên); có 317 gói có kết quả mà không có thông báo mời thầu, thông báo mã số thuế; có 113 gói chưa đăng tải đầy đủ kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó có 94 gói thầu không tìm thấy thông báo mời thầu.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD được giao nhiệm vụ mời thầu và là chủ đầu tư của nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều gói thầu mua sắm, cung cấp hàng hóa, xây lắp tư vấn này xuất hiện nhiều “bất thường” khi chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia và trúng thầu, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức siêu thấp, “tượng trưng”.

Theo Dauthau.info thì trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu là 1,68 nhà thầu. Tỉ lệ lĩnh vực mời thầu của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD là hàng hoá 2,26%, xây lắp 51,88%, tư vấn 22,56%, phi tư vấn 23,31%, hỗn hợp 0%, lĩnh vực khác 0%. Tổng giá trị theo gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu hợp lệ là 2.126.181.964.771 VNĐ, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 2.003.364.269.812 VNĐ. Tỉ lệ tiết kiệm là 5,78%.

Qua khảo sát các gói thầu trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD triển khai thì kịch bản đấu thầu kém cạnh tranh, tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp. Cũng dễ hiểu khi cách mà các đơn vị trúng thầu các dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD khiến dư luận cũng như giới chuyên môn bất ngờ, bởi lẽ gần như nhà thầu được "ưu ái" khi cứ "một mình một ngựa", thuận lợi "ẵm" những gói thầu mang giá trị từ vài trăm đến hàng tỉ mà chẳng có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, để rồi nghiễm nhiên giành thắng lợi.

Liên quan đến vấn đề tỷ lệ tiết kiệm thấp trong các gói thầu, một số chuyên gia pháp lý nhận định, hiện tượng nhiều gói thầu tỷ lệ tiết kiệm thấp rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm quy định, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Nếu tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần lên án và phải bị xử lý. Ở một số địa phương, doanh nghiệp nhà nước có tình trạng mỗi lần nhà thầu “quen mặt” tham gia đều trúng, ở các gói thầu này tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách không cao. Vì vậy, cần phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu để đạt hiệu quả tiết giảm cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về tình hình tài chính, chất lượng sản phẩm của các dự án, gói thầu của HUD…!

Liên quan đến các công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Vân Canh, trả lời qua điện thoại, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo bộ phận văn phòng tiếp nhận và xử lý.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giăng dây điện chống trộm sầu riêng gây chết người

DNTH: Sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao so với nhiều loại cây trồng khác. Để chống trộm, Nguyễn Khắc Đạt lắp đặt bẫy điện trong vườn sầu riêng, hậu quả làm một người tử vong do bị điện giật.

Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai nợ tiền nhà thầu

DNTH: Chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu, nhà thầu không thể thanh toán tiền lương cho công nhân và mua vật tư, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực dự án.

Công ty CP Xây dựng Phú Lương: Đặt trách nhiệm và uy tín lên hàng đầu

DNTH: Một trong những tiêu chí để phát triển doanh nghiệp đó là trách nhiệm và uy tín, Công ty CP xây dựng Phú Lương (phường Phú Lương, quận Hà Đông,TP Hà Nội) nhiều năm liền được biết đến với các công trình vượt tiến độ, chất...

Loạt vi phạm tại dự án của Tập đoàn FLC ở Gia Lai

DNTH: Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra loạt sai phạm của Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

TẬP ĐOÀN T&T GROUP TRAO TẶNG 5 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ LÀM NHÀ ĐẠI ĐOÀN KẾT CHO NGƯỜI NGHÈO TỈNH ĐIỆN BIÊN

DNTH: Tập đoàn T&T Group đã trao ủng hộ tỉnh Điện Biên 5 tỷ đồng (tương ứng với 100 căn nhà), góp phần không nhỏ vào thành công chung của Đề án làm 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương cũng như từng...

Buộc Công ty Đại Thắng bồi thường thiệt hại vụ 3 thành viên CLB LPBank HAGL tử vong

DNTH: Bên cạnh tuyên phạt bị cáo Đinh Tiến Bình 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, tòa xét xử sơ thẩm cũng buộc Công ty TNHH MTV Đại Thắng bồi thường thiệt hại.

XEM THÊM TIN