Ấm áp Tết sum vầy...

15:46 | 12/02/2021

DNTH: Tháng Chạp tới rồi. Trong cái lạnh sắc ngọt của tiết cuối đông, đã le lói vài bông đào hồng rực. Cạnh những rau củ thịt thà trong khu chợ sớm, đã lác đác nào măng khô, miến khô, nấm hương, mộc nhĩ…

Những tệp lì xì đỏ, những chùm lồng đèn nhỏ xinh đã bừng lên rực rỡ trong các gian tạp hóa. Tết sắp đến rồi.

Mỗi năm một bận hoa đào nở, một bận tất tả thu vén của người lớn và hân hoan mong chờ của đám trẻ con. Chúng ta lớn lên theo Tết, và cũng khác đi sau từng cái Tết. Những ngày tháng trên tờ lịch vẫn nguyên, nhưng đến khi đủ lớn để biết hoài niệm, ta lại bỗng thèm chút Tết của ngày xưa.

Tết chỉ có ba ngày, nhưng với đám trẻ con lít nhít hồi đó, Tết đã âm ỉ suốt cả tháng trời. Từ khi người mẹ xé tờ lịch đầu tiên của tháng Chạp, lẩm bẩm câu muôn thuở: “Sắp đến Tết rồi”, lũ trẻ đã nô nức khấp khởi mong chờ dịp nghỉ học ăn chơi đã nhất trong năm. Nghỉ Tết chẳng dài như nghỉ hè, nhưng sự hấp dẫn của những bao lì xì đỏ và bạt ngàn bánh mứt đã đủ để mấy ngày ngắn ngủi ấy trở thành thiên đường ngọt lịm.

Tết xưa là cái Tết tự nấu, tự làm, không sẵn để mua về bày ra là thành Tết. Từ người bé nhất đến người lớn nhất trong nhà đều có phần góp công vào làm nên cái Tết. Mệt thì có mệt, nhưng hương Tết, vị Tết mới đậm, mới sâu, mới ngấm, tựa mùi mứt dừa, mứt gừng thấm vào da, vào tóc suốt mấy tiếng đồng hồ liu riu trên bếp lửa.

tm-img-alt
Ấm áp Tết sum vầy... (Ảnh minh họa)

Độ giữa tháng Chạp, Mẹ đã đi hỏi quanh làng xem nhà nào có bầy gà ngon, nhà nào mổ lợn, nhà nào có chùm dừa bánh tẻ, có mớ lá dong xanh mượt. Sắm sửa quanh làng đã gần tròn cái Tết. Mẹ lại dặn cô hàng gạo phần cho cân nếp dẻo vừa gói bánh vừa thổi xôi. Mấy ống đậu xanh đượm nắng vàng óng ả đã cất kỹ trong hũ. Mẹ lại nhìn ra vườn, ngắm mấy luống su hào, bắp cải, xà lách đang phơi mình tắm gió đông, ước chừng nếu không bị lũ chuột phá hoại, Tết này nhà mình chẳng thiếu rau ăn.

Từng ấy thứ nào đã đủ cho ba ngày Tết. Khi chúng tôi hân hoan xong buổi học cuối cùng của năm cũ, mẹ đã đặt sẵn cạnh cửa nhà hai chiếc làn thật to, chuẩn bị sáng mai đi chợ Tết.

Vẫn là cái chợ huyện cũ kỹ nhỏ xíu ấy thôi, nhưng cơ man người ở đâu đổ về mà đông thế. Tôi vài phút trước còn hớn hở ngắm đào thắm, quất vàng, phút sau đã nhăn  nhó méo xệch vì phải khom người chen chúc trên lối đi chật hẹp giữa những gian hàng. Ghé gian hàng gia vị - đồ khô một chút, kế đến là gian hàng hoa quả, rồi hàng thịt, hàng cá… Chiếc làn nặng dần, ắp đầy bao nhiêu là Tết.

tm-img-alt
Dù ở lứa tuổi nào, Tết vẫn là niềm háo hức, mong đợi rất riêng với những hương vị truyền thống. (Ảnh minh họa)

Sắm đủ Tết về, cả nhà xúm lại cùng nhau làm Tết. Bố bắc thang khua sạch đám mạng nhện, bụi bặm giăng mắc trên trần nhà. Mẹ tất bật ngâm gạo, ngâm đỗ, ướp thịt làm nhân. Chị gái tỉ mần xắt sợi cùi dừa, gừng vàng, khoai dẻo. Tôi đang hí hửng chuồn êm theo lời hẹn với lũ bạn thì bị ấn cho mẻ lá dong kèm lời dặn: Rửa hai lần nước, lau một lần khăn. Lá dong vừa xong, lại ngậm ngùi phụ chị tỉ mẩn ngồi lau sạch bộ ghế gỗ chạm trổ đầy rồng phượng. Vèo một cái, nửa ngày đã trôi qua.

Ham chơi thế, nhưng đến khi mẹ trải giữa nhà chiếc chiếu con, chị lễ mễ bưng chiếc mâm to đặt vào giữa chiếu, tôi nhất định phải khoanh tròn chờ sẵn. Nào thúng gạo nếp muôn muốt, rá đỗ vàng mượt, đĩa thịt ba chỉ thơm lừng tiêu mắm. Mẹ và chị gói bánh, chiếc nào chiếc nấy vuông đều tăm tắp. Tôi phụ trách xâu lạt, vừa làm vừa hít hà mùi lá dong thơm ngát, vừa lén nhón nhân đậu ăn vụng. Tôi chờ từ khi thúng gạo còn đầy, đến khi mẹ phải nghiêng hẳn sang bên để những hạt gạo nhuộm lá riềng xanh biếc nghiêng mình rơi vào bát con. Đó là lúc mẹ sẽ chiều lòng gói cho tôi đôi chiếc bánh nhỏ xinh xinh để mang khoe chúng bạn.

Quãng thời gian sau đó dài chao ôi là dài. Bố gầy xong bếp củi giữa sân, chỉ chờ mẹ đặt phịch thúng bánh là thoăn thoắt xếp vào nồi. Mớ lá dong còn thừa xếp kín miệng nồi, ấp ôm chồng bánh. Chừng 30 phút sau, lửa đượm đưa mùi lá, mùi nếp ngậy thơm chan chứa khắp nhà, khắp sân, khắp ngõ. Cái mùi ấm áp đến lạ lùng và cũng xốn xang đến lạ lùng. Tưởng như Tết ở ngay đó rồi, dẫu ngày mai mới làm mâm cơm cúng 30.

tm-img-alt
Tết là trở về, dẫu xa đến mấy... (Ảnh minh họa)

Cứ quãng 27, 28 Tết trở đi, dạo quanh làng sẽ thấy cơ man là bếp lửa bập bùng. Khắp các con ngõ dậy thơm mùi Tết ấm. Đâu chỉ mùi bánh chưng, còn là mùi mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mùi thịt kho, cá kho, mùi giò xào ngây ngất. Xóm giếng sẻ nhau miếng mứt mới sên, chiếc bánh chưng mới gói, vừa nhâm nhi vừa gật gù món này ngon, món kia phải sửa. Tết là ở đó chứ đâu.

Thoắt cái đã đến chiều 30 Tết. Sau bữa cơm tất niên, mấy mẹ con lại tất bật ngồi viên bánh nhãn. Cái thứ bánh gì ăn thì chóng mà làm thì lâu vô cùng. Tất cả mọi nhân lực trong nhà đều được huy động, “tổng tấn công” chậu bột, miệt mài viên những viên bánh nhỏ xinh như hạt nhãn. Bánh viên đến đâu, thả vào chảo dầu sôi đến đấy, chốc lát đã vàng ruộm tan giòn. Năm nào dư giả chút thời gian, mẹ còn làm thêm đĩa bánh rán, bánh nhòe – món bánh nếp ngào mật mía thơm lừng lẫy.

Thường thì mấy chị em chẳng mấy khi ngồi cho đến hết chậu bột, bởi chỉ hơn 10h đã ngáp ngắn ngáp dài. Lục tục rửa tay, rửa mặt, chúng tôi chui vào chăn sau khi dặn đi dặn lại bố mẹ phải gọi dậy vào lúc giao thừa.

Kể từ khi biết nhớ, tôi chưa lần nào bỏ lỡ giao thừa. Trong khi lũ bạn đều đã ngáy o o, tôi luôn bật dậy và tỉnh táo ngay lập tức khi mẹ hô: “Sắp giao thừa rồi”. Ba chị em xăng xái bày bánh mứt ra bàn. Bố xé gói cà phê hòa tan, pha một cốc to thơm nức. Chẳng có “countdown”, chẳng cần đổ ra đường chen chúc. Giao thừa với tôi là ngồi bên gia đình, vừa nhâm nhi bánh mứt, vừa xem tivi, vừa lắng nghe lời dặn dò của bố mẹ. Chỉ thế thôi mà vui tới nỗi chẳng muốn lên giường. Chỉ đến khi mẹ giục đi ngủ để sáng mai còn dậy chúc Tết họ hàng, tôi mới miễn cưỡng chui vào chăn. Tết đến rồi, Tết đến rồi, niềm háo hức ấy vẫn còn rộn rã trong lòng, theo tôi vào giấc mơ tràn ngập sắc hoa đào tươi thắm. Tết dần trôi qua, tôi ngày một lớn. Mọi thứ đều đổi khác, chỉ có một điều vẫn chưa hề cũ: Tôi chưa bao giờ ngừng mong Tết đến.

Tết nay, tôi ngồi trong chăn ấm, dạo một vòng facebook là sắm đủ bánh chưng, mứt Tết, chả giò… Hai bộ áo dài cho hai mẹ con đã được gửi đến sáng nay, tôi mơ màng nghĩ đến lúc cả nhà xúng xính trong áo dài tươi thắm, nắm tay nhau dạo chợ hoa rực rỡ. Tết thảnh thơi vui kiểu thảnh thơi. Chỉ cần ý nghĩa vẫn vẹn nguyên, thì sẽ có trăm ngàn cách thưởng thức Tết vui của riêng mình.

Cô bạn độc thân vừa khoe ba tấm vé máy bay chiều mùng 1. Tết nay, cô đưa ba mẹ du xuân sau bao năm tất bật bếp núc, khói hương.

Anh bạn mới khai trương quán cà phê, phục vụ xuyên Tết không nghỉ. Bố anh vừa gọi điện, thông báo Tết này ông Nam tiến đón Tết cùng con.

Chị đồng nghiệp của tôi háo hức, khoe Tết này gia đình chị về đón giao thừa cùng ông bà ngoại.

Ai cũng đang mong Tết theo cách của riêng mình. Tôi bật một ca khúc mùa xuân, mỉm cười nhìn con gái xúng xính trong bộ áo dài mới, miệng líu lo: “Tết Tết Tết sắp đến rồi, Tết đến trong tim mọi người”.

Tết là sum vầy, dẫu ở nơi đâu. Tết là trở về, dẫu xa đến mấy…

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

Loạt chương trình truyền hình ‘hot’ cạnh tranh gay gắt Giải thưởng Ấn tượng VTV

DNTH: Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ...

Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’

DNTH: Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".

Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề

DNTH: Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động...

XEM THÊM TIN