Án Nước ngoài - Luật Việt Nam: Đánh cắp 400 triệu USD từ hơn 200 ngân hàng

11:19 | 11/09/2023

DNTH: Hamza Bendelladj tốt nghiệp khoa học máy tính, anh ta được cho là đã đánh cắp tiền từ hơn 200 ngân hàng và tổ chức tài chính rồi gửi cho các tổ chức từ thiện.

Án nước ngoài: Dùng virus đột nhập vào máy tính ngân hàng

Hamza Bendelladj (sinh năm 1988) ở Tizi Ouzou, Algerie với biệt danh là "Smiling Hacker". Bendelladj nói được 5 thứ tiếng. Lợi thế ngôn ngữ cùng khả năng về công nghệ thông tin giúp anh đánh cắp được rất nhiều tiền từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính trên thế giới.

Bendelladj cùng một người Nga tên là Aleksandr Andreivich Panin đã phát triển một loại virus tên "SpyEYE Botnet" để đánh cắp thông tin ngân hàng. Bendelladj dùng virus để đột nhập vào máy tính của các ngân hàng hoặc cá nhân lấy mật khẩu và mã nhận dạng. Khi anh ta nắm quyền kiểm soát một tài khoản, anh ta chuyển toàn bộ số tiền của tài khoản sang tài khoản khác mà cảnh sát không thể truy tìm được nguồn gốc số tiền.

Bendelladj nằm trong danh sách 10 tin tặc bị truy nã gắt gao nhất bởi Interpol và FBI. Anh ta bị cáo buộc biển thủ hàng chục triệu đô la từ hơn 200 tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu thông qua virus "SpyEYE Botnet". Hơn 60 triệu máy tính trên toàn thế giới đã bị nhiễm virus "SpyEYE Botnet", chủ yếu là ở Mỹ.

Các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ đã xác định được Bendelladj là tội phạm đứng đằng sau các vụ tấn công hàng trăm tài khoản ngân hàng khi anh ta bị cáo buộc bán một bản sao của virus "SpyEYE Botnet" cho một sĩ quan chìm với giá 8.500 USD.

3 năm bị truy đuổi, Bendelladj bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 7/1/2013 khi đang dừng chân ở Bangkok cùng với gia đình để chuẩn bị bay đi Ai Cập. Bendelladj giữ thái độ bình tĩnh, không chống trả, bình thản nói lời tạm biệt với gia đình, để vợ và con gái tiếp tục hành trình đến Ai Cập.

Bendelladj khi bị còng tay vẫn nở nụ cười tươi, bình thản trước cảnh sát và giới truyền thông.

Hamza Bendelladj bị giam giữ ở Thái Lan trong khi chờ dẫn độ sang Mỹ, nơi anh ta bị truy tố về tội lừa đảo ngân hàng.

Tháng 5/2013, Bendelladj bị dẫn độ sang Mỹ và bị xét xử ở Atlanta. Ngày 25/6/2015, Bendelladj nhận tội lừa đảo ngân hàng, lừa đảo cá nhân và hack máy tính.

Cụ thể anh ta đã đánh cắp tổng cộng 400 triệu USD từ 217 ngân hàng Mỹ và được cho là đã quyên góp toàn bộ số tiền này cho châu Phi và các quốc gia nghèo khác. Nhưng trong các báo cáo, tài liệu của các phiên tòa không đề cập đến bất kỳ hoạt động quyên góp hay từ thiện nào.

Bendelladj đối mặt với bản án lên đến 30 năm tù và khoản tiền phạt 14 triệu USD. Đồng phạm của Bendelladj là Aleksandr Andreevich Panin bị bắt vào ngày 1/7/2013 tại sân bay quốc tế Atlanta Hartsfield-Jackson và đã nhận tội vào tháng 1/2014 trước tòa án liên bang Atlanta.

Ngày 20/4/2016, tòa án Mỹ kết án Bendelladj 15 năm tù giam và 3 năm quản chế. Đồng phạm người Nga bị kết án 9 năm 6 tháng tù.

anh-2
Bendelladj khi bị bắt tại Thái Lan, luôn nở nụ cười tươi trước cảnh sát và giới truyền thông (Ảnh: Nationthailand).

Luật Việt Nam: Tin tặc đối diện với mức án lên đến 20 năm tù

Tham chiếu Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuy không có tội danh lừa đảo ngân hàng nhưng hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông cũng như phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chủ thể của tội phạm này là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Khách thể của tội phạm là xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các công cụ phạm tội như sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thể hiện ở một số dạng như sau: sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ.

Trong đó, làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành); truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là việc cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi lừa đảo ở đây thể hiện ở việc sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó; hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi khác ở đây có thể là gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao

Về hình phạt, Điều 290 quy định có 4 khung hình phạt chính: khung 1 áp dụng với người phạm tội thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự. Mức phạt từ xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (khung 2).

Với 400 triệu USD đánh cắp từ 217 ngân hàng Mỹ, Bendelladj và đồng phạm sẽ phải đối diện với mức án lên đến 20 năm tù (điểm a khoản 4 Điều 290 chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên)

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Người đưa tin

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cảnh báo hiểm họa từ pháo tự chế

DNTH: Hàng năm, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo tự chế tại Quảng Bình lại diễn biến phức tạp.

Vụ ‘thao túng’ đấu giá đất ở Sóc Sơn: Xử lý nghiêm minh, đưa niềm tin trở lại

DNTH: Tình trạng thao túng đấu giá đất như ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua nếu không được kiểm soát, sẽ là lực cản lớn đối với thị trường bất động sản.

CSGT mở cao điểm, công chức vi phạm nồng độ cồn bị gửi giấy về cơ quan

DNTH: Lực lượng cảnh sát toàn quốc sẽ ra quân cao điểm dịp tết 2025 từ ngày 15.12 tới. Trong cao điểm, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức nào vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo về cơ quan.

Thu hồi, chấm dứt hoạt động nhiều dự án qui mô tại Kon Tum

DNTH: Ngày 4/12, nguồn tin cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động 4 dự án quan trọng tại TP. Kon Tum và huyện Kon Plông.

Cẩn trọng bị lừa đảo với dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, mua vé ca nhạc trên mạng

DNTH: Sáng 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo liên quan đến dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân trên mạng; lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút...

Truy tố 10 bị can trong vụ dự án Đại Ninh

DNTH: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng...

XEM THÊM TIN