Bài ca Hà Nội - Năm tháng không quên

21:30 | 10/10/2023

DNTH: Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), sáng ngày 10/10/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Bài ca Hà Nội – Năm tháng không quên”.

Trong không khí “thu rất thật là thu” đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, các văn nghệ sĩ lại bồi hồi nhớ về những khoảnh khắc không quên của Hà Nội một thời bom đạn và hào hùng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc động khi nhắc nhớ về một Hà Nội từng trải qua bom đạn đã xa mà ngỡ rất gần. Đó là Hà Nội trong ký ức của mỗi người Hà Nội, là Hà Nội được lưu giữ trong từng áng văn chương, nhạc phẩm… và đặc biệt, là lời ca “kỳ lạ” đầy tính tiên tri trong tác phẩm Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao.

Tiến về Hà Nội là ca khúc được Văn Cao sáng tác vào năm 1949 - trước ngày giải phóng Thủ đô vừa đúng 5 năm. Theo nhiều nhạc sĩ và những người trải qua khoảnh khắc lịch sử của tháng 10/1954 thì lời ca trùng khớp một cách kỳ lạ với hình ảnh đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Và những lời ca mang tính dự báo của Văn Cao vẫn được các văn nghệ sĩ cất lên mỗi độ thu về: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ [...] Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Trong tư liệu ít ỏi còn lại về Văn Cao, cố nhạc sĩ đã từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Tiến về Hà Nội. Đó là lời hứa viết một ca khúc về Hà Nội của Văn Cao với các đồng chí Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo sau cuộc họp Chi bộ vào cuối năm 1948 ở Liên khu 3. Và sau một bữa tối, Lê Quang Đạo đã xúc động bày tỏ sự yêu thích với các ca khúc của Văn Cao và tâm sự rằng: “Nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!” và “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô đấy”.

Thế rồi, trên đường làng trở về nhà, trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến với người nhạc sĩ: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…” Và ca khúc được viết xong sau đó 2 tuần, vào mùa xuân năm 1949.

1
Quang cảnh buổi tọa đàm

Trong các văn nghệ sĩ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, rất nhiều người đến từ muôn phương và đã chọn Hà Nội để gắn bó. Thời gian dù bao lâu đã qua, nhưng tình yêu với Hà Nội luôn dạt dào trong họ. Tiếng lòng ấy được bộc bạch qua từng vần thơ, trang viết… Nhà thơ Hoàng Cát là một trong số đó. Chia sẻ tại cuộc trò chuyện, ông nhớ về hơn 60 năm trước, dù sinh ra ở xứ Nghệ nhưng từ năm 1960, ông đã gắn bó với Hà Nội. “Tôi rất yêu Hà Nội, yêu Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng do bệnh nặng nhiều năm nên lâu nay tôi không tới Hội được. Những kỷ niệm buồn vui và tình yêu của tôi từ ngày gắn bó với Thủ đô tới nay là không kể xiết. Đối với tôi, Hà Nội đã là quê hương thứ hai!”, nhà thơ Hoàng Cát xúc động. Ông đã đọc bài thơ Bài thơ trời đất để tỏ lòng mình về tình yêu với Hà Nội mùa thu.

Đối với các nhà thơ vốn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội hoặc sinh ra trong gia đình người Hà Nội gốc, tình yêu với Hà Nội lại càng tha thiết và như một thói quen mỗi ngày. Cùng tỏ lòng mình với tình yêu Hà Nội trong ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, có nhiều nhà thơ khác đã đọc lên những tác phẩm viết về Hà Nội và mùa thu Hà Nội như: nhà thơ Nguyễn Mạnh Chu, Đỗ Bạch Mai, Lê Quang Định, Trần Khánh Toàn, Đỗ Thu Yên, Bùi Văn Kha, Nguyễn Đình Nhữ, Kim Ngọc, Phi Tuyết Ba, Bùi Thanh Hà, Linh Chi, Thái Xuân Nguyên, Lê Lâm, Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Linh Khiếu, Bùi Việt Mỹ…

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vui mừng chia sẻ thành tựu của tác giả Trần Văn Mỹ với cuốn sách "Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội" do ông chủ biên. Tác giả Trần Văn Mỹ cho biết, cuốn sách là tập hợp các bài viết của các hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Trong đó, nhiều lễ vật dâng hội làng có từ lâu đời được ghi lại rất tỉ mỉ và chi tiết, giúp độc giả hình dung dễ hơn và có thêm góc nhìn về lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh những tìm tòi nghiên cứu và nỗ lực lưu giữ truyền thống văn hóa, cuốn sách là tình yêu với Hà Nội của các tác giả.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà thơ khác đã đọc những thi phẩm khác làm cho không khí buổi tọa đàm, giao lưu giữa Thủ đô càng thêm thu và tràn ngập tình yêu Hà Nội./.

Một số hình ảnh khác tại buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 10 của Hội Nhà văn Hà Nội:

2
Nhà thơ Hoàng Cát đọc thơ tại buổi sinh hoạt chuyên đề
3
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ đọc thơ tại buổi sinh hoạt chuyên đề
4
Tác giả Trần Văn Mỹ giới thiệu cuốn sách "Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội" 

Theo Người Hà Nội

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

“Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp”- một góc nhìn mới của những người trẻ về kiến trúc thủ...

DNTH: Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”. Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công...

Lễ hội Đình Cả: Rực rỡ sắc màu văn hóa làng quê Bắc Bộ

DNTH: Hàng năm vào tháng 11 âm lịch, Lễ hội truyền thống Đình Cả tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương lại được tổ chức long trọng, mang đậm dấu ấn cũng như màu sắc văn hóa truyền thống quê hương, thu hút sự quan tâm...

Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: “Cuộc hội ngộ” của những thanh âm chạm vào cuộc...

DNTH: Chỉ trong vòng 5 ngày trước khi kết thúc nhận tác phẩm (15/11), hàng chục tác phẩm phát thanh dự thi ồ ạt gửi về, nâng tổng số tác phẩm dự thi ở Phát thanh – Podcast - hạng mục lần đầu tiên được đưa vào Giải báo chí toàn...

Mười bảy doanh nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024

DNTH: Hà Nội vừa tổ chức sự kiện Hành trình tiến tới bình đẳng và thịnh vượng và Lễ trao tặng giải thưởng UN Women WEPs Awards 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối...

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

DNTH: Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ...

XEM THÊM TIN