Gần đây, Apple đã tung ra tính năng mới Screen Time trên iOS 12, cho phép theo dõi thời lượng sử dụng điện thoại, giúp người dùng cân bằng thời gian giữa điện thoại và cuộc sống. Hàng tuần, Screen Time báo cáo tình trạng “sức khỏe kỹ thuật số” gửi đến hòm thư, ghi lại chi tiết số lượng thông báo, số lần mở khóa, cuộc gọi và tin nhắn, cũng như thời gian chính xác dành cho ứng dụng khác nhau.
Tính năng Screen Time trên iOS 12. Ảnh: MacRumors
|
Tuy nhiên, Screen Time khó có thể trở thành liệu pháp cai nghiện smartphonehiệu quả. Chẳng hạn, Apple không thể ép người dùng ngừng sử dụng mạng xã hội quá 5 tiếng mỗi ngày hoặc mở khóa điện thoại sau mỗi 3 phút. Screen Time cũng không cho phép so sánh thống kê giữa người dùng với nhau. Báo cáo tình trạng “sức khỏe kỹ thuật số” đi kèm thông điệp ngắn ngủi, rõ ràng chưa đủ sức thuyết phục để người dùng nhận thức tác hại của chứng bệnh nghiện smartphone.
Smartphone: Lợi hay hại?
Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đưa ra tiêu chí về thời lượng sử dụng smartphone. Hồi tháng 9, Đại học Ottawa phát hiện trẻ em dành hơn 2 giờ mỗi ngày bên cạnh màn hình, sẽ làm giảm trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và sự tập trung. Đối với người trưởng thành, sử dụng smartphone quá lâu có thể dẫn tới trầm cảm và lo âu.
Tiến sĩ Emma Russell đến từ Đại học Kingston cho rằng nếu bạn lập tức nhấc máy sau khi nghe tiếng điện thoại rung hoặc đổ chuông, kể cả lúc đang bận, có thể là triệu chứng điển hình của chứng bệnh nghiện smartphone.
Bà Russell lý giải: “Phản xạ gây nghiện là hành vi mở điện thoại ngay khi nhận thông báo. Chúng tôi khuyên bạn nên tắt bớt thông báo để hạn chế sự phụ thuộc”. Bà nói thêm: “Nhiều người sử dụng điện thoại như một ‘chiếc nạng tâm lý’ cho hội chứng sợ tương tác xã hội hoặc sợ bị bỏ rơi (FOMO)”.
Ảnh: Billing
|
Mặt khác, cũng xuất hiện làn sóng các nghiên cứu mới thách thức khoa học chính thống. Một số nghiên cứu còn chỉ ra lợi ích của việc sử dụng smartphone.
Hồi tháng 3, trường Kinh tế London đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Digital Future cho rằng không phải tất cả trẻ em sử dụng công nghệ với tần suất cao đều trở nên trầm cảm và cảm thấy bị xã hội cô lập. Smartphone thực tế còn giúp rút ngắn khoảng cách trong gia đình. Ví dụ, cha mẹ có thể thể dùng các ứng dụng tin nhắn để trò chuyện với con cái họ.
Tiến sĩ Alicia Blum-Ross của trường Kinh tế London giải thích: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ vượt lên trên cả mối quan tâm về bản chất nội dung mà con cái họ tiếp cận”. Bà Blum-Ross giải thích: “Thay vì lo lắng về thời lượng, tôi khuyến khích các phụ huynh suy ngẫm về việc trẻ em có dùng thiết bị công nghệ để học tập không? Nó có giúp trẻ em tiếp cận gần hơn với thế giới của cha mẹ không?”
Dấu hiệu nhận biết bệnh nghiện smartphone
Tại Anh, Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Chăm sóc Y tế Exellence (NICE) đề xuất không nên cho trẻ em ở mọi lứa tuổi sử dụng thiết bị công nghệ để giải trí nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày. Nhiều nhà khoa học ở Mỹ cũng cho rằng mặc dù không nên giới hạn thời gian, nhưng nếu phục vụ cho mục đích giải trí thì thời gian tối đa cho các bé chỉ khoảng 2 giờ.
Mặc dù tới nay chưa có nghiên cứu đề xuất thời lượng tối đa dùng màn hình đối với người trưởng thành. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thiết bị công nghệ tới cuộc sống có thể nhận biết qua nhiều dấu hiệu.
Ảnh: NBC
|
Theo Tiến sĩ Bob Patton, giảng viên tâm lý học của Đại học Surrey cho rằng nên có cảnh báo cụ thể nếu người dùng có dấu hiệu nghiện smartphone. Báo cáo Screen Time của Apple thực tế là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dùng iPhonekhông có lý do chính đáng.
“Việc nhìn vào màn hình quá lâu có thể gây ra tác động lâu dài, nhưng những gì bạn làm trên màn hình cũng quan trọng không kém”. Tiến sĩ Patton giải thích: “Chúng ta chỉ cần lưu ý rằng sở hữu công nghệ không đồng nghĩa với việc nên sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi”.
Tình trạng sử dụng công nghệ một cách vô thức, đặc biệt ở giới trẻ, là một trong khía cạnh đáng lo ngại của bệnh nghiện smartphone. Tờ Telegraph đã trích dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy thanh thiếu niên đang dành ra khoảng 12 giờ trực tuyến mỗi ngày. Dù thường xuyên lướt mạng xã hội nhưng giới trẻ thậm chí còn không hề đọc kỹ bất kỳ nội dung nào. Đáng ngại hơn, người lớn cũng có thể rơi vào cái bẫy tương tự.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Internet Oxford, Andrew Pzybylski cảnh báo: “Sự khác biệt lớn nhất là bạn đang sử dụng smartphone bất kỳ khi nào bạn muốn, cho dù không có mục đích cụ thể”.
Giáo sư Pzybylski cho rằng: “Những gì chúng tôi quan tâm không phải thời gian bạn dành cho smartphone, mà là bạn sử dụng smartphone để làm gì. Vì vậy, hãy tắt smartphone khi bạn đi ngủ. Hãy đảm bảo smartphone không ảnh hưởng tới công việc hoặc ngăn cản bạn làm những điều yêu thích. Và quan trọng hơn, đừng nghĩ quá nhiều về ‘biểu tượng gây nghiện hoàn hảo’ mà Apple tạo ra (Screen Time), thứ nhắc nhở người dùng thường xuyên kiểm tra iPhone để biết họ sử dụng chúng nhiều như thế nào”.
Theo Telegraph
Ý kiến bạn đọc...