Bảo đảm an toàn cho người lao động – ‘vốn quý’ của doanh nghiệp

09:57 | 01/05/2024

DNTH: Bảo đảm an toàn lao động, tạo lập môi trường an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân và người lao động là những mục tiêu quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. Doanh nghiệp cần trân trọng, quan tâm đầu tư, chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn “vốn quý” này.

Bảo đảm an toàn cho người lao động – ‘vốn quý’ của doanh nghiệp- Ảnh 1.
Chung tay phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2024

Khắc phục những ‘lỗ hổng’ về kỷ luật, quy định an toàn lao động

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh Xã hội) năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động. Trong đó có 662 vụ tai nạn lao động chết người với 699 người. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.

Ngay trong quý I năm 2024 đã có những vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Điển hình như vụ việc hơn 62 công nhân mắc bụi phổi ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã cho thấy nhiều bất cập, lỗ hổng. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện các vi phạm hoặc xử lý chưa nghiêm.

Theo kết luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ vụ việc tại Công ty Châu Tiến cho thấy việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, hệ thống công nghệ, thiết bị đã được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục năm nay, chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.

Trước thực trạng trên, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ đánh giá: "Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn".

Gần đây nhất, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái.

Vụ tai nạn khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.

Bảo đảm an toàn cho người lao động – ‘vốn quý’ của doanh nghiệp- Ảnh 2.
Có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan gây ra tai nạn lao động bằng cách trang bị đồ bảo hộ đúng quy chuẩn

Trước sự việc nghiêm trọng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Lao động-Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái để kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Vụ việc nghiêm trọng và đau lòng trên không chỉ là "hồi chuông báo động" đối với doanh nghiệp và người lao động mà còn chỉ ra nhiều "lỗ hổng" về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ cả 2 phía.

Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã chỉ ra ba nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.

Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Để khắc phục điều này, ban quản lý, chủ sử dụng lao động cần yêu cầu bộ phận cơ sở vật chất kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%.

Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài. Các đơn vị hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan này để không xảy ra những sự việc đáng tiếc, như: người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng. Không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bảo đảm môi trường an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động

Bên cạnh vấn đề an toàn vệ sinh lao động, thời gian qua, việc bảo đảm môi trường sóng an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các cấp, các ngành.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tổ chức công đoàn và Bộ Công an đang nỗ lực triển khai Quy chế 04, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo môi trường an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đoàn viên, người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, những năm qua do tác động kéo dài của dịch bệnh COVID-19, đời sống của một bộ phận đoàn viên, người lao động còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập, nhiều người lâm vào trình trạng rất khốn khó. Lợi dụng điều này, tội phạm đã len lỏi, tấn công, trong đó có cả tội phạm công nghệ cao, lừa đảo tín dụng, tín dụng đen, ma túy và nhiều hình thức tội phạm khác.

Những loại tội phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội như cố ý gây thương tích, lừa đảo, cướp tài sản đã xảy ra trong nhiều khu công nghiệp. Người lao động là nạn nhân nhưng cũng có trường hợp là chủ thể tội phạm.

"Trong bối cảnh tập trung xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì những khó khăn bất cập liên quan đến vấn đề về an ninh, an toàn cho công nhân đặt ra cho chúng ta rất nhiều trách nhiệm. Để công nhân tiếp tục là nguồn lực lớn để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, thì vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng này đang là thách thức lớn", ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Bảo đảm an toàn cho người lao động – ‘vốn quý’ của doanh nghiệp- Ảnh 3.
Công tác huấn luyện an toàn cần được chú trọng để người lao động có các kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mất an toàn trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, cần nhiều giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân yên tâm làm việc trong nhà máy, được về nhà trọ với cảm giác an toàn như về ngôi nhà của mình.

Nhận diện và chỉ rõ đặc điểm của các nhóm tội phạm lừa đảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, nhóm lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống làm khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ các tình huống khó xác minh như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng nạn nhân trong thời gian ngắn.

Đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng những ngôn từ tiêu cực nhằm kích động cảm xúc như "chỉ còn một cơ hội duy nhất, tình huống nguy kịch, sẽ đến khám nhà hay bắt giữ...". Để tăng tính thuyết phục, đối tượng sẽ tìm hiểu các mối quan hệ của nạn nhân và biết tên những người thân cận của nạn nhân.

Trước tình trạng các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, Luật sư lưu ý, người dân và đặc biệt là tập thể công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy có mật độ người đông đúc cần phải trang bị cho bản thân kiến thức pháp luật cần thiết, chuẩn bị tâm lý vững vàng và nghiêm túc thực hiện một hành động, như: Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; luôn kiểm tra xác thực của yêu cầu trước khi chuyển tiền, cung cấp mã OTP, hoặc thông tin tài khoản E-Banking; cài đặt bảo mật tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp để tăng cường an ninh; không nhập thông tin cá nhân vào các trang web không xác định hoặc không an toàn...

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh các vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng như phòng ngừa các nguy cơ của tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với công nhân, người lao động, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đề xuất nhiều giải pháp, trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng ban hành, từng bước hoàn thiện thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cơ quan chức năng và bản thân người lao động cần kịp thời phát hiện những phương pháp, thủ đoạn mới của tội phạm để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng.

 Trong đó, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ), số người chết giảm 7,29%; giảm 4,2% số vụ tai nạn, và số người bị tai nạn lao động cũng giảm 4,7%.

 Tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Cụ thể, số vụ có người chết giảm 11,44%, số người chết giảm 10,92%.

Theo Báo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

DNTH: Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

XEM THÊM TIN